EU: Thị trường mua bán carbon vẫn thành công dù giá thấp

Trước đây, người ta thường cho rằng các thị trường carbon phải đạt được mức giá giao dịch cao mới có thể giảm lượng khí thải, nhưng nhiều nhà quan sát thấy thị trường thực tế đang đặt giá khá thấp. Tuy vậy, nghiên cứu của ĐH Strathclyde, Anh và ĐH Pittsburgh (Mỹ) phát hiện ra trong giai đoạn 2008-2016, sàn giao dịch phát thải (ETS) của Liên minh châu Âu đã tiết kiệm được khoảng 1,2 tỷ tấn CO2 - gần một nửa những gì các chính phủ cam kết cắt giảm trong Nghị định thư Kyoto. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ PNAS.

EU triển khai Hệ thống giao dịch phát thải ETS từ năm 2005 để đáp ứng cam kết trong Nghị định thư Kyoto nhằm đạt mục tiêu tới năm 2020 sẽ cắt giảm khí thải xuống 20% so với mức năm 1990. Theo đó, các chính phủ đã đặt ra giới hạn về tổng lượng phát thải cho phép trong khoảng thời gian nhất định và cấp các loại giấy phép phát thải mua bán CO2

“Hệ thống ETS lập ra để bao quát một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất”, TS. Patrick Bayer tại Trường Chính phủ và Chính sách công của ĐH Strathclyde và là tác giả chính của nghiên cứu nói. Hệ thống này tập trung vào các ngành sản xuất chế tạo phát thải nhiều carbon, nhưng một số bằng chứng ở nghiên cứu khác cho thấy các ngành công nghiệp này đã bắt đầu đa dạng hóa mô hình kinh doanh và xem xét áp dụng các công nghệ trung hòa carbon, hoặc ít nhất, họ đã bắt đầu quan tâm suy nghĩ đến cách thức thay đổi vận hành.

Các công ty được phép phát thải một lượng ban đầu miễn phí theo giấy phép, nhưng phải mua thêm nếu lượng khí thải vượt quá mức này. Để công ty thay đổi hành vi trong dài hạn, lúc đầu người ta cho rằng, giá giấy phép càng cao càng tốt. Nhưng “thực tế, giá ở các thị trường carbon khá thấp. Điều này khiến các nhà môi trường và hoạch định chính sách lo ngại, bởi họ cảm thấy như vậy không gây đủ áp lực để công ty thay đổi.”

“Nhưng chúng tôi lập luận rằng nếu các công ty coi quy định về carbon là một dự án dài hơi của mình thì họ sẽ cần phải bắt đầu thay đổi”, TS. Bayer nhận xét. 
Nghiên cứu sử dụng số liệu về khí thải trong các lĩnh vực không thuộc EU ETS để từ đó so sánh ước tính lượng phát thải trong các lĩnh vực mà hệ thống này bao phủ. Kết quả cho thấy khí thải trong những ngành được bao phủ đã giảm từ 8,1 – 11,5% so với mức phát thải dự kiến nếu không có hệ thống EU ETS, tương đương với mức giảm khoảng 3,8% so với tổng phát thải của EU trong giai đoạn 2008-2016.

“Trong thị trường năng lượng và điện, chúng tôi đã thấy ngay cả doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu nghĩ đến cách vận hành để ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn. Nhưng có một mối đe dọa là bất cứ khi nào giá carbon ở những thị trường đó tăng lên thì ngành công nghiệp hoặc doanh nghiệp ở đó sẽ phải đối mặt với vấn đề tăng chi phí” TS. Bayer cho biết.
“Mặt khác, sức hấp dẫn của thị trường mua bán carbon còn là một khi chúng được thiết lập với các quy tắc phù hợp thì nó có thể kết nối với rất nhiều thị trường khác. Nếu có nhiều thị trường carbon rải rác khắp thế giới, ta có thể trao đổi mua bán giữa các thị trường này.” 

Tuy nhiên, khi nước Anh tách ra khỏi EU thì sẽ có những thay đổi trong hệ thống thị trường carbon. TS. Bayer cho biết: “Vị trí thị trường hợp đồng carbon tương lai của Anh trong hệ thống ETS vẫn đang được thảo luận. Người ra đã đưa ra tất cả các phương án có thể lên bàn đàm phán nhưng hiện chưa rõ liệu bất kì thị trường carbon nào của Anh có thể được kết nối với thị trường của EU hay không. Điều này phụ thuộc vào kết quả đàm phán với EU và quy định về những luật lệ cần tuân thủ trong tương lai. Giả sử thỏa thuận [Brexit] đạt được và hai bên có được một vài hội nhập kinh tế mạnh thì việc kết nối thị trường carbon là khá hợp lý. Anh đã thành công trong việc giảm carbon của nền kinh tế trong thập kỷ qua và có vai trò mạnh mẽ trong việc tiếp tục vận động cho quá trình khử bỏ cacbon trong tương lai”. □

Ngô Hà lược dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2020-04-carbon-emission-scheme-succeeding-prices.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)