Fritz Haber: Cha đẻ của vũ khí hóa học

Đã có nhiều nhà nghiên cứu được giải Nobel từng tham gia phát triển vũ khí hóa học, và giờ đây giải thưởng Nobel Hòa bình được trao cho các chuyên gia kiểm tra và tiêu hủy loại vũ khí này.

Kỷ nguyên vũ khí hóa học bắt đầu từ ngày 22.4.1915 ở thành phố Ypern, Bỉ khi quân đội Đức tung ra 150 tấn khí Chlorine, và gió đã thổi khí độc đó vào vị trí của quân đội đối phương. Khí Chlorine vốn nặng hơn không khí đã tràn vào chiến hào và lô cốt của quân đội Anh và Pháp. Hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn thanh niên trai tráng bỏ mạng vì ngạt thở.

Tuy quân đội Pháp ngay từ năm 1914 đã thử nghiệm đưa khí độc vào sử dụng trên chiến trường, song mãi đến ngày 22.4.1915, nó mới thực sự phát huy tác dụng trong chiến tranh. Cha đẻ của loại vũ khí này là một gã đàn ông người Đức, ông ta là một ví dụ điển hình về tính hai mặt của khoa học: Fritz Haber.

Khí độc làm cho nhiều binh lính Anh và Pháp bị chết thảm thương ở Ypern đã tràn ra từ hơn 6.000 bình chứa khí độc bằng thép theo phương pháp thổi của Haber. Nhưng đấy không phải là đóng góp duy nhất của ông: chính nhờ những thí nghiệm của Haber với khí Chlorine và Phosgene nên vũ khí hóa học của Đức mới làm nên công chuyện. Haber để ngoài tai nỗi lo lắng của bà vợ Clara, bà cũng là một nhà hóa học, ngay cả khi bà tự vẫn ông cũng chẳng bận tâm: Chỉ ít ngày sau khi Đức sử dụng vũ khí hóa học ở Ypern, bà Clara đã tự vẫn bằng khẩu súng ngắn của chồng.

Một sự trớ trêu của lịch sử: Haber, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất có một thời gian bị truy nã vì bị buộc tội là tội phạm chiến tranh nhưng năm 1918 ông lại được giải thưởng Nobel Hóa học. Điều này đã xảy ra mặc dù Alfred Nobel, người sáng lập Quỹ Nobel, từng viết trong chúc thư, giải thưởng chỉ dành cho những người “trong năm qua có những cống hiến nhiều nhất cho nhân loại”. Haber được vinh danh vì đã có công tìm ra phương pháp tổng hợp nitrogen và hydrogen thành Ammonia. Nhưng phát minh này không chỉ phục vụ hòa bình: Ammonia là một loại phân bón quý báu đối với nông nghiệp, nhưng nó có thể dùng để thay thế cho Salpeter khi đó còn rất khan hiếm, để chế tạo thuốc nổ. 

Những nhà khoa học tạo ra quỷ dữ

Mới đây, Ủy ban Nobel đã tặng giải thưởng Nobel Hòa bình cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Điều này phơi bầy vai trò đôi khi khá bi thảm của các nhà khoa học: người thì tìm mọi cách, có khi sẵn sàng hy sinh thân mình, để tiêu diệt con quỷ mà các đồng nghiệp của họ đã tạo nên.

Cả hai đã trở thành truyền thống lâu dài: Có lẽ từ khi phát minh ra chiến tranh thì những bộ óc thông minh nhất của mọi xã hội đều được huy động để phục vụ chiến tranh, họ phát minh ra cung, nỏ, kiếm, mác, và bom nguyên tử. Haber không phải là nhà hóa học lão luyện duy nhất đã phát triển vũ khí hóa học trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thí dụ tham gia dự án khí của Viện Hoàng đế Wilhelm về hóa lý và điện hóa ở Berlin còn có nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu. Hai trong số họ từng được giải Nobel, những người khác sau này cũng được giải thưởng này. Ở các nước khác và các lĩnh vực khác, thí dụ nghiên cứu về nguyên tử và tên lửa, đã có sự tham gia của các nhà khoa học xuất sắc nhất thời đó.

Cho đến nay, việc phát triển vũ khí, nói chung có ba quan điểm khác nhau:

Quan điểm về lòng yêu nước: Những người tán thành quan điểm này cho rằng họ phục vụ sự thịnh vượng và an ninh của đất nước, nói thoáng ra theo phương châm của Fritz Haber: “Nhà khoa học phục vụ nhân loại trong điều kiện hòa bình, trong chiến tranh thì phục vụ tổ quốc.”

Quan điểm phi chính trị: Khoa học thì không thiện cũng không ác mà trung dung và nói chung về nguyên tắc không được hạn chế, ngăn cản khoa học. Dùng những phát minh, sáng chế vào việc gì, điều này không còn là trách nhiệm của nhà khoa học. Tuy nhiên ẩn đằng sau thái độ này thường là sự ngây thơ hay cơ hội đơn thuần, theo đó Werner von Braun đã từng bị chỉ trích vì ông là người thời kỳ đầu làm tên lửa cho Quốc xã và sau đó phục vụ Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Hoa Kỳ NASA.

Quan điểm thực dụng: những người đại diện cho quan điểm này cho rằng, vũ khí của họ nhằm để tránh những điều còn tồi tệ hơn. Quan điểm thể hiện đặc biệt rõ rệt xung quanh dự án Manhattan, dẫn đến việc làm quả bom nguyên tử đầu tiên. Thí dụ Albert Einstein từng khuyên tổng thống Mỹ Roosevelt phát triển loại vũ khí này, để qua mặt Quốc xã. Trong khi đó, giới quân sự Mỹ lại lập luận cuộc tấn công hạt nhân vào Hiroshima và Nagasaki nhằm để tránh không phải xâm chiếm nước Nhật. Theo đó cuộc tấn công xâm chiếm nước Nhật sẽ làm cho khoảng 300.000 binh sỹ Mỹ và hàng triệu người Nhật phải bỏ mạng, đánh giá này gây nhiều tranh cãi cả trước đây cũng như hiện nay. Lý lẽ thực dụng cũng biện minh cho việc phát triển vũ khí để tự vệ trước kẻ xâm lược.

Nhiều nhà khoa học sau đó đã thay đổi quan điểm – thí dụ như Albert Einstein hay Robert Oppenheimer, cha đẻ của bom nguyên tử. Hàng nghìn nhà nghiên cứu khác, ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp của mình đã chống lại việc phổ biến các loại vũ khí giết người hàng loạt. Việc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2005 và giờ đây việc vinh danh OPCW chỉ nói lên được một số nhỏ trong đội quân các nhà nghiên cứu khổng lồ đang âm thầm làm việc và lánh xa ánh sáng dư luận.

Vì thế việc vinh danh OPCW đã được giới chuyên gia nhiệt liệt ủng hộ. “Tôi thấy điều này thật tuyệt vời”, Stefan Mogl, chuyên gia về vũ khí hóa học thuộc Bộ Liên bang của Thụy Sĩ về bảo vệ dân thường, phát biểu. Trước đó, không ai biết OPCW đã làm được những gì. “Tổ chức này là một minh chứng sống động, giải trừ quân bị quốc tế vẫn có thể diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp.” Đã vậy ngân sách hàng năm lại quá eo hẹp, không quá 74 triệu Euro. Trong bối cảnh đó, một số người không khỏi bất ngờ mãi đến năm 1997, OPCW mới ra đời, đó là năm thế giới cấm vũ khí hạt nhân.

Hơn nữa sự vinh danh này rất quan trọng vì nó góp phần hướng dư luận quan tâm nhiều hơn đến nguy cơ có thể phát triển trong tương lai. Khác với thời kỳ đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai, ngày nay sự hiểu biết về chế tạo vũ khí hóa học, sinh học và cả vũ khí hạt nhân khá phổ biến và tương đối dễ dàng tiếp cận – nhất là thông qua Internet. “Sự bùng nổ kiến thức trong ngành khoa học thần kinh và khoa học về cuộc sống có thể làm cho sự việc trở thành hiện thực trong tương lai, điều này làm cho người ta hết sức lo ngại”, chuyên gia Mogl bầy tỏ.

Vậy phải làm gì để tránh những điều đáng ngại đó trở thành hiện thực? Việc kiểm soát chạy đua vũ trang cổ điển có lẽ chỉ là một cách. Ông Mogl cho rằng “Cách suy nghĩ của giới nghiên cứu phải thay đổi”. Những nhà khoa học tương lai ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường phải nhận thức được tính hai mặt trong các hoạt động nghiên cứu của họ – khả năng sử dụng những kiến thức của họ vì mục đích dân sự và quân sự. “Khoa học phải ý thức được về trách nhiệm của mình.”

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)