Gần 40% loài thực vật quý hiếm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu

Theo một nghiên cứu mới của Đại học Arizona, gần 40% các loài thực vật sống trên đất liền được xếp vào loại rất hiếm sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất nếu tình trạng biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn.


Những điểm nóng về các loài thực vật quý hiếm trên toàn cầu. Nguồn: Phys.org

Kết quả nghiên cứu này được công bố trong số đặc biệt của tạp chí Science Advances cùng với thời điểm diễn ra Hội nghị Biến đổi khí hậu năm 2019 của Liên Hợp Quốc (COP25) ở Madrid.
“Khi đề cập tới đa dạng sinh học trên toàn cầu, chúng tôi có thể ước lượng gần đúng tổng số các loài thực vật trên đất liền, nhưng chúng tôi không nắm được thực sự có bao nhiêu loài”, GS. Brian Enquist về tiến hóa và sinh học tiến hóa ở Đại học Arizona, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
35 nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu trên toàn thế giới đã làm việc trong vòng 10 năm để tổng hợp 20 triệu hồ sơ quan sát về các loài thực vật trên đất liền. Đây là bộ dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay về đa dạng sinh học thực vật. Các nhà nghiên cứu hy vọng những thông tin này có thể giúp giảm tổn thất đa dạng sinh học trên toàn cầu bằng cách cung cấp dữ liệu cho các hành động bảo tồn mang tính chiến lược bao gồm việc xem xét những tác động của biến đổi khí hậu.
Họ đã tìm thấy khoảng 435 000 loài thực vật độc đáo sống ở đất liền. “Việc có được con số này rất quan trọng nhưng điều chúng tôi thực sự muốn là hiểu được bản chất và những gì sẽ xảy đến với sự đa dạng này trong tương lai”, Enquist cho biết. “Một số loài được tìm thấy ở mọi nơi – giống như Starbucks trong các loài thực vật. Nhưng một số khác lại rất hiếm – như một quán cà phê nhỏ riêng biệt”.
Enquist và các cộng sự tiết lộ, 36,5% các loài thực vật trên đất liền được xếp vào loại “vô cùng quý hiếm”, đồng nghĩa với việc chỉ có thể quan sát và ghi nhận sự hiện diện của chúng ít hơn 5 lần so với trước đây. “Theo lý thuyết sinh thái và tiến hóa, chúng tôi đoán được rằng sẽ có nhiều loài quý hiếm, nhưng con số quan sát được trên thực tế vẫn thực sự đáng kinh ngạc”, ông nói. “Có nhiều loài quý hiếm hơn so với dự đoán của chúng tôi”.
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những loài quý hiếm có xu hướng tập trung ở một số điểm nóng, chẳng hạn như phía Bắc dãy Andes ở Nam Mỹ, Costa Rica, Nam Phi, Madagascar và Đông Nam Á. Họ thấy rằng khí hậu những vùng này vẫn ổn định kể từ kỷ băng hà cuối cùng, cho phép các loài thực vật quý hiếm có thể tồn tại.
Nhưng việc những loài này thích ứng được với sự ổn định của khí hậu trong quá khứ không đồng nghĩa với việc chúng có thể thích ứng được trong tương lai. Các nhà nghiên cứu dự đoán những điểm nóng của các loài thực vật quý hiếm này sắp trải qua sự biến đổi khí hậu hoàn toàn khác so với trước đó đi kèm với sự tàn phá của con người, Enquist cho biết.
“Chúng tôi nhận thấy ở các vùng này, các hoạt động của con người như nông nghiệp, các thành phố và thị trấn, sử dụng đất và giải phóng mặt bằng đang có xu hướng gia tăng. Đây không phải là một tin tốt”, ông nói. “Nếu chúng ta không làm gì cả, tính đa dạng của các loài thực vật – chủ yếu là các loài quý hiếm sẽ bị suy giảm đáng kể – bởi số lượng thấp khiến chúng càng dễ tuyệt chủng hơn”.
Và các nhà khoa học vẫn chỉ biết rất ít về các loài quý hiếm này.
Bằng cách tập trung vào việc xác định các loài quý hiếm, “công trình này có khả năng nêu bật mối đe dọa kép – bao gồm biến đổi khí hậu và tác động của con người lên những vùng lưu giữ nhiều loại thực vật quý hiếm trên thế giới và nhấn mạnh sự cần thiết của các chiến lược bảo tồn để bảo vệ những cái nôi về đa dạng sinh học này”, Patrick Roehrdanz, đồng tác giả và là một nhà khoa học quản lý ở tổ chức Bảo tồn Quốc tế cho biết. □

Thanh An dịch  
Nguồn: https://phys.org/news/2019-11-species-rare-vulnerable-climate.html

Tác giả