Gen vị kỷ: Tầm ảnh hưởng lớn về tiến hóa và cách tư duy về thế giới sinh vật

Kể từ khi tác phẩm "Bàn về nguồn gốc các loài" (On the Origin of Species) của Charles Darwin được xuất bản lần đầu tiên năm 1859 ở nước Anh, thuyết tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên đã được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn còn những khúc mắc đây đó về đơn vị của chọn lọc: Khi sinh giới tiến hóa dưới áp lực của chọn lọc tự nhiên thì cá thể, quần thể, loài, hay quần xã, hệ sinh thái được chọn lọc? Và đơn vị chọn lọc đó có đặc tính gì?

Đối với Richard Dawkins, nhà sinh học tiến hóa và tập tính học động vật người Anh, thì câu trả lời rất rõ ràng. Theo Dawkins, cho dù đơn vị chọn lọc có là gì đi nữa thì nó phải có khả năng tự sao chép – tức một “thể tự sao” (self-replicator), và nó phải có tính “vị kỷ” (selfish) – tức chỉ theo đuổi “mục tiêu” duy trì bản thân và những bản sao của bản thân mình cho đến muôn đời. Đơn vị đó chính là gen (hay nói chính xác hơn là một đoạn DNA trong tế bào sinh vật). Những vấn đề cơ bản này được ông trình bày trong cuốn sách Gen vị kỷ (The Selfish Gene) do Nhà xuất bản Đại học Oxford ấn hành lần đầu năm 1976. Cuốn sách này giải thích một cách hệ thống vì sao gen là trung tâm của quá trình tiến hoá.

Là một người rất giàu kinh nghiệm viết và nói chuyện về khoa học cho công chúng mà đỉnh điểm là thời gian làm giáo sư chuyên về khuyến học khoa học phổ thông (professor for public understanding of science) tại Đại học Oxford (1995–2008), Dawkins thường xuyên sử dụng phép ẩn dụ và so sánh trong các tác phẩm của mình. Những hình ảnh ẩn dụ của ông thường tài tình và hóm hỉnh, nhưng cái tên “vị kỷ” có lẽ đã đi hơi xa, gây nhiều tranh cãi không chỉ trong giới sinh học mà đặc biệt là với giới triết học và tín ngưỡng. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như: Gen làm sao biết tư duy mà vị kỷ? Nếu vị kỷ là nền tảng của tiến hoá thì tại sao chúng ta lại có biểu hiện vị tha trong đời sống, hay ta có nên quay lại với bản chất vị kỷ của sinh giới? v.v… 

Khi đọc kỹ Gen vị kỷ, độc giả sẽ thấy Dawkins nhấn mạnh  nhiều lần rằng cách nói “vị kỷ” của gen chỉ là ẩn dụ, còn gen hoàn toàn không có (và không cần có) tư duy. Ông cũng giải thích một cách logic và chặt chẽ vì sao bản chất “vị kỷ” của gen hoàn toàn có thể đưa đến những biểu hiện vị kỷ lẫn vị tha ở mức cá thể – những thực thể mang theo và biểu hiện gen mà theo lời Dawkins là “những cỗ máy sống (survival machine) – những phương tiện robot được lập trình… để bảo tồn các phân tử vị kỷ được gọi là gen”. Bằng thuyết chọn lọc tự nhiên, xác suất thống kê và mô hình hóa, Dawkins chứng minh cho chúng ta thấy vì sao “ham muốn” duy trì bản sao của gen chính là nền tảng cho tất cả những hành vi từ hoàn toàn vị kỷ (chim non đạp những đứa em chưa nở của mình ra khỏi tổ), rồi vừa vị kỷ vừa vị tha (cùng chia sẻ việc công việc), cho đến hoàn toàn vị tha (cá voi cứu người sắp chết chìm, hay nhiều loài nuôi dưỡng con non của những loài khác). Quan hệ hợp tác hay đấu tranh (giữa hai giới trong cùng loài, giữa các thành viên trong gia đình, giữa các thế hệ, v.v…) hay sự tồn tại của những đoạn DNA không có ích lợi rõ ràng nào cho cơ thể sinh vật cũng có thể được giải thích một cách logic từ góc nhìn của gen.
Gen vị kỷ cũng không chỉ nói về gen, mà còn cho rằng những gì tương tự như gen với đặc tính là “thể tự sao”, có khả năng đột biến và được cá thể mang theo trong mình từ thế hệ này qua thế hệ khác thì đều là đối tượng của tiến hóa. Để gọi tên những thực thể này, Dawkins đặt ra thuật ngữ “meme”, có gốc từ chữ “mimēma” trong tiếng Hy Lạp (nghĩa là “thứ bắt chước”) và gần ăn vần với cách đọc “gen” (gene) trong tiếng Anh. Những ý tưởng hay chủ đề trong văn học, nghệ thuật, khoa học, tín ngưỡng, văn hóa, v.v… đều có thể là meme. Từ đây, Dawkins bàn về mối liên hệ giữa bản chất giới tự nhiên với chuẩn mực đạo đức xã hội con người, và qua đó bác bỏ lập luận cho rằng giới tự nhiên là bản mẫu định đoạt cách thức chúng ta đối xử với nhau. Theo lời tác giả: “Chúng ta được tạo ra là các cỗ máy gen và được nuôi dạy như những cỗ máy meme, nhưng chúng ta có sức mạnh chống lại các đấng tạo hóa đó. Chúng ta, chỉ chúng ta trên Trái đất, là có thể nổi dậy chống lại sự chuyên chế của các thể tự sao vị kỷ”.

Trong lời giới thiệu cho lần tái bản kỷ niệm 30 năm (năm 2006), Dawkins lần đầu tiên thể hiện đôi chút lấn cấn khi đối mặt với khả năng chọn một cái tên khác. Tuy vậy, ông vẫn giữ cái tên Gen vị kỷ. Và đối với những độc giả đã quen với cá tính của Dawkins thì đây dường như là cách ông vẫn thường làm: đưa ra một luận điểm hay cách dùng từ có vẻ gây tranh cãi, rồi bằng lập luận chặt chẽ mà lần lượt bác bỏ lời công kích của những người chỉ đọc sách bằng cái tựa. 

Gen vị kỷ đã được Nhà xuất bản Đại học Oxford tái bản nhiều lần, sách cũng đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Mặc cho những khám phá, phát minh mới trong sinh học phân tử và di truyền mấy thập kỷ qua, Gen vị kỷ vẫn còn nguyên giá trị vì nó không bị trói buộc vào một vấn đề thực nghiệm nhất thời nào. Ý nghĩa của cuốn sách lớn tới mức cuộc bình chọn đánh dấu 30 năm Giải sách hay của Hội hoàng gia London (tổ chức tương đương với viện hàn lâm quốc gia ở các nước khác) năm 2017 chọn đây là cuốn sách khoa học có ảnh hưởng nhất, hơn cả Bàn về nguồn gốc các loài của Darwin Nguyên tắc toán học (Principia Mathematica) của Newton. Như chính lời Dawkins nói: “Trong nhiều năm qua, mỗi khi một trong bảy cuốn sách sau này của tôi ra đời, các nhà xuất bản lại tổ chức cho tôi các chuyến đi để quảng bá sách. Bất kể đó là cuốn nào đi chăng nữa, độc giả đều nhiệt tình đón nhận, lịch sự vỗ tay và đặt cho tôi nhiều câu hỏi thông minh. Thế rồi sau đó họ lại xếp hàng mua và yêu cầu tôi ký tặng cuốn… Gen vị kỷ.”

Bản dịch tiếng Việt đầu tiên của Gen vị kỷ được xuất bản năm 2011. Năm nay, bản dịch được hiệu đính lại toàn bộ và tái bản, vừa đúng dịp kỷ niệm 160 năm kể từ khi Darwin trình bày một cách hệ thống thuyết tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên. Tác giả Richard Dawkins được biết đến với khả năng trình bày những vấn đề khoa học mà không cần đến những thuật ngữ chuyên ngành phức tạp, đây là một thuận lợi lớn cho độc giả, dịch giả, lẫn những người hiệu đính. Song cách dùng câu từ đầy ẩn dụ, hài hước thâm thuý, và cách liên hệ đến nhiều vấn đề văn hóa – xã hội có thể còn xa lạ với nhiều người Việt cũng đem đến nhiều kiến thức và thách thức (đối với người hiệu đính) thú vị. Hy vọng bản dịch mới được độc giả đón nhận và phản hồi tích cực để trong tương lai cuốn sách đến tới tay độc giả Việt Nam sẽ ngày càng trọn vẹn hơn.□
———
Nguyễn Trịnh Đôn – (NCS sau tiến sĩ chuyên ngành sinh hóa – Đại học British Columbia, Okanagan).
Nguyễn Ngọc Kim Vy – (NCS sau tiến sĩ chuyên ngành y sinh – Đại học California, San Diego).

 

Ghi chú:
– Bản dịch Gen vị kỷ, Dương Ngọc Cường và Hồ Tú Cường dịch, NXB Tri Thức ấn hành tháng 6/2011: http://www.nxbtrithuc.com.vn/Danh-muc-tu-sach/2654746/16/Gen-vi-ky.html 
– Bản dịch Gen vị kỷ, Nguyễn Ngọc Kim Vy và Nguyễn Trịnh Đôn hiệu đính từ bản dịch 2011, NXB Tri Thức và Công ty sách Omega Việt Nam phát hành tháng 11/2019: https://omegaplus.vn/san-pham/gen-vi-ky 

Tác giả