Giải Nobel và chuyện “học tài thi phận”
Bên cạnh những nụ cười vinh quang, lịch sử giải thưởng danh giá này còn có cả những câu chuyện đầy ngậm ngùi.
Mỗi mùa giải Nobel đến lại có thêm những nhà khoa học khả kính nhận được sự vinh danh có một không hai trong cuộc đời. Nhưng còn những người không được nhận giải thì sao? Đây là câu hỏi đã khiến Nils Hansson, nhà sử học về y khoa người Đức, trăn trở và thôi thúc anh đi tìm hiểu về họ – những người trượt giải Nobel trong tầm tay.
Trong di chúc của mình, Alfred Nobel viết, giải Nobel sẽ được trao cho những người “đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Theo Hansson, dựa trên lời ủy thác này, quy trình tuyển chọn người để trao giải diễn ra đơn giản đến khó tin: Ủy ban Giải Nobel mời các nhà khoa học và các cá nhân uy tín gửi đề cử để Ủy ban sàng lọc một danh sách rút gọn. Tiếp đến, bốn học viện sẽ nghiên cứu các đề cử chung cuộc và bầu ra người giành chiến thắng trong mỗi hạng mục [Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định giải Nobel Vật lý, Hóa học, và Kinh tế; Học viện Karolinska quyết định giải Nobel Sinh lý học hay Y học; Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định giải Nobel Văn học; và Ủy ban Nobel Na Uy quyết định giải Nobel Hòa bình].
Hansson thực hiện cuộc nghiên cứu của mình tại Học viện Karolinska. Ông đã lục tìm tư liệu về các đề cử, các danh sách rút gọn cùng các đánh giá còn lưu lại từ năm 1965 trở về trước (sau thời điểm này, các thông tin về việc đề cử giải Nobel được giữ kín) và nhận thấy cơ chế bình chọn nghiêm ngặt, cẩn trọng, nhưng đôi khi không tránh khỏi việc gây tranh cãi.
Hansson cho biết, vì số lượng giải thưởng hạn chế trong khi các ứng cử viên “người tám lạng, kẻ nửa cân” nên ngoài những tiêu chí đạt, ủy ban trao giải phải cân nhắc những yếu tố như sự độc đáo và tầm ảnh hưởng của phát minh. Và điều đó có thể khiến ngay cả những ứng cử viên xứng đáng nhất cũng phải chịu thiệt thòi.
Chẳng hạn, phẫu thuật tim là lĩnh vực rất phát triển trong giai đoạn 1940 – 1960; các bác sĩ phẫu thuật hợp tác và đưa ra những cải tiến gần như đồng thời với nhau, gây khó khăn cho việc chỉ định một phát minh mang tính đột phá nhất. Trước rủi ro của việc chọn ra một vài cá nhân để trao một giải thưởng lẽ ra có thể vinh danh rất nhiều người cùng lúc như vậy, Ủy ban Nobel đã chọn giải pháp không bầu ai cả.
Qua nghiên cứu của mình, Hansson đưa ra một số lý do chính khiến một học giả tài năng lỗi lạc vẫn có khả năng “trượt” giải Nobel Y học, như sau:
Đề cử không “trúng”
Theo Hansson, người đề cử có vai trò giống như người rao hàng vậy. Nếu người cổ động bạn không chỉ ra rằng thành tựu của bạn mang tính đột phá và có tầm quan trọng sống còn đối với khoa học thì chẳng có cơ may nào cho bạn. Hansson đưa ra ví dụ về trường hợp những người đã đề cử Harvey Cushing, nhà giải phẫu thần kinh tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật não. Theo ông, lẽ ra họ phải tôn Cushing là “Columbus của tuyến yên” đồng thời chỉ rõ rằng những tiến bộ mà ông đạt được trong giai đoạn đầu thập niên 1900 là những bước tiến lớn để tìm hiểu phẫu thuật thần kinh. Nhưng họ đã không làm thế. Và những bản đề cử kém sức thuyết phục có lẽ đã phần nào khiến Cushing trượt mất giải Nobel rất xứng đáng với tầm vóc của mình.
Những vướng mắc trong chính trị
Giải Nobel cũng có thể không được trao do những vấn đề về chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà khoa học. Nhà phẫu thuật người Đức August Bier là một trường hợp như vậy. Ông là người đầu tiên thực hiện gây tê tủy sống vào năm 1898, nhưng những đề cử dành cho ông lại trùng với giai đoạn Đức Quốc xã đặt lệnh cấm người Đức nhận giải Nobel. Vì thế, ủy ban trao giải đã bỏ qua tên ông.
Tình trạng bão hòa trong nghiên cứu
Theo Hansson, phát minh mang tính đột phá là chưa đủ. Để lọt vào danh sách rút gọn, phát minh của bạn phải thực sự nổi bật trong lĩnh vực liên quan. Năm 1944, hai bác sĩ nhi chuyên khoa tim Alfred Blalock và Helen Taussig đã tìm ra phương pháp phẫu thuật để điều trị chứng methaemoglobinaemia, hay còn gọi là chứng “em bé màu xanh” [điều trị trẻ sơ sinh mắc hội chứng da màu xanh tím do khuyết tật ở tim]. Hai người được đề cử giải Nobel, nhưng theo Hansson, rốt cuộc họ bị loại đơn giản là vì thời đó có quá nhiều tiến bộ trong lĩnh vực giải phẫu tim.
Vấn đề giới tính và chủng tộc
Thật không may, những định kiến về văn hóa và giới tính cũng có ảnh hưởng tới việc bình xét giải Nobel trong lịch sử. Trong quá trình nghiên cứu, Hansson gặp khá ít ứng cử viên nữ. Hansson cũng dẫn ra trường hợp Vivien Thomas, vị bác sĩ phẫu thuật tài ba đã cùng với Blalock và Taussig phát minh và thử nghiệm phương pháp phẫu thuật điều trị chứng “em bé màu xanh”. Theo Hansson, Thomas là một người da đen có những đóng góp to lớn vào quá trình này, song “tên ông lại không được Ủy ban Nobel nhắc đến dù chỉ một lần”.
Phát minh vi phạm “cấm kị”
Hansson nhận xét: “Có thể coi lịch sử giải Nobel là lịch sử của những cấm kị về y học”, và những công trình gây tranh cãi thường bị ủy ban trao giải “ngó lơ”. Chẳng hạn, năm 1903, Ferdinand Sauerbruch đã phá vỡ lệnh cấm bất thành văn việc phẫu thuật tim, vốn bị các bác sĩ thời bấy giờ coi là quá rủi ro. Sauerbruch đã tạo ra phòng áp suất [có khả năng ngăn ngừa biến chứng bằng cách nâng hoặc giảm áp suất không khí] cho phép các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lồng ngực mở. Mặc dù nhận được tới hơn 60 đề cử, song tên ông vẫn bị gạch khỏi danh sách trao giải.
Đi trước thời đại
Theo Hansson, Gustav Zander là “cha đẻ của các phòng tập thể hình hiện đại”. Ông là người đầu tiên chế tạo ra các loại máy có tay quay và quả tạ để tập luyện thể chất từ những năm 1860. Nhưng vì lý do nào đó mà những phát minh đột phá của ông lại phải chờ tới cuối thập niên 1960 mới trở nên thịnh hành, khi những chiếc máy của hãng Nautilus tương tự như máy của Zander ra đời. Vì có tầm nhìn quá xa, Zander đã bị chính thời đại mình lãng quên và ông cũng chưa bao giờ được giải Nobel.
Nếu có quá nhiều nhà khoa học vĩ đại không nhận được giải thưởng xứng đáng với họ như thế, vậy thì có thể suy ra rằng một số người được giải là không xứng đáng hay không? Theo Hansson thì không nhất thiết như vậy. Ông lấy ví dụ về trường hợp của Antonio Egas Moniz, người giành giải Nobel năm 1949 nhờ những cải tiến của ông trong lĩnh vực phẫu thuật thùy não – một quy trình điều trị tâm thần được coi là tiến bộ lớn trong giai đoạn 1930 – 1940. Hansson cho biết: “Vào thời đó, các tạp chí lớn đều đánh giá cao thành tựu của ông ấy. Nó được coi là nghiên cứu mang tính đột phá.” Nhưng quan niệm ngày nay đã thay đổi, và giới chuyên gia tâm thần học ghét cay ghét đắng liệu pháp phẫu thuật thùy não. Vậy có thể qua đó mà nói rằng Moniz không xứng đáng nhận giải thưởng hay không?
Theo Hansson, lịch sử giải Nobel có thể có nhiều câu chuyện đáng tiếc, song ủy ban trao giải thường ít khi trao nhầm người. Ông cũng chỉ ra rằng quy trình xét giải không phải lúc nào cũng đi theo phương án an toàn hay thiên vị những người nổi tiếng. Một minh chứng là trường hợp Werner Forssmann. Vị bác sĩ này sinh sống ở một vùng quê, không có vị trí trong trường đại học nào và ống thông tim của ông cũng chưa từng được biết đến rộng rãi – nhưng ông vẫn được trao giải Nobel Y học vào năm 1956.
Trang Bùi dịch
Nguồn:
http://www.smithsonianmag.com/science-nature/how-not-win-nobel-prize-180956824/
Trong di chúc của mình, Alfred Nobel viết, giải Nobel sẽ được trao cho những người “đã mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Theo Hansson, dựa trên lời ủy thác này, quy trình tuyển chọn người để trao giải diễn ra đơn giản đến khó tin: Ủy ban Giải Nobel mời các nhà khoa học và các cá nhân uy tín gửi đề cử để Ủy ban sàng lọc một danh sách rút gọn. Tiếp đến, bốn học viện sẽ nghiên cứu các đề cử chung cuộc và bầu ra người giành chiến thắng trong mỗi hạng mục [Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển quyết định giải Nobel Vật lý, Hóa học, và Kinh tế; Học viện Karolinska quyết định giải Nobel Sinh lý học hay Y học; Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định giải Nobel Văn học; và Ủy ban Nobel Na Uy quyết định giải Nobel Hòa bình].
Hansson thực hiện cuộc nghiên cứu của mình tại Học viện Karolinska. Ông đã lục tìm tư liệu về các đề cử, các danh sách rút gọn cùng các đánh giá còn lưu lại từ năm 1965 trở về trước (sau thời điểm này, các thông tin về việc đề cử giải Nobel được giữ kín) và nhận thấy cơ chế bình chọn nghiêm ngặt, cẩn trọng, nhưng đôi khi không tránh khỏi việc gây tranh cãi.
Hansson cho biết, vì số lượng giải thưởng hạn chế trong khi các ứng cử viên “người tám lạng, kẻ nửa cân” nên ngoài những tiêu chí đạt, ủy ban trao giải phải cân nhắc những yếu tố như sự độc đáo và tầm ảnh hưởng của phát minh. Và điều đó có thể khiến ngay cả những ứng cử viên xứng đáng nhất cũng phải chịu thiệt thòi.
Chẳng hạn, phẫu thuật tim là lĩnh vực rất phát triển trong giai đoạn 1940 – 1960; các bác sĩ phẫu thuật hợp tác và đưa ra những cải tiến gần như đồng thời với nhau, gây khó khăn cho việc chỉ định một phát minh mang tính đột phá nhất. Trước rủi ro của việc chọn ra một vài cá nhân để trao một giải thưởng lẽ ra có thể vinh danh rất nhiều người cùng lúc như vậy, Ủy ban Nobel đã chọn giải pháp không bầu ai cả.
Qua nghiên cứu của mình, Hansson đưa ra một số lý do chính khiến một học giả tài năng lỗi lạc vẫn có khả năng “trượt” giải Nobel Y học, như sau:
Đề cử không “trúng”
Theo Hansson, người đề cử có vai trò giống như người rao hàng vậy. Nếu người cổ động bạn không chỉ ra rằng thành tựu của bạn mang tính đột phá và có tầm quan trọng sống còn đối với khoa học thì chẳng có cơ may nào cho bạn. Hansson đưa ra ví dụ về trường hợp những người đã đề cử Harvey Cushing, nhà giải phẫu thần kinh tiên phong trong lĩnh vực phẫu thuật não. Theo ông, lẽ ra họ phải tôn Cushing là “Columbus của tuyến yên” đồng thời chỉ rõ rằng những tiến bộ mà ông đạt được trong giai đoạn đầu thập niên 1900 là những bước tiến lớn để tìm hiểu phẫu thuật thần kinh. Nhưng họ đã không làm thế. Và những bản đề cử kém sức thuyết phục có lẽ đã phần nào khiến Cushing trượt mất giải Nobel rất xứng đáng với tầm vóc của mình.
Những vướng mắc trong chính trị
Giải Nobel cũng có thể không được trao do những vấn đề về chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà khoa học. Nhà phẫu thuật người Đức August Bier là một trường hợp như vậy. Ông là người đầu tiên thực hiện gây tê tủy sống vào năm 1898, nhưng những đề cử dành cho ông lại trùng với giai đoạn Đức Quốc xã đặt lệnh cấm người Đức nhận giải Nobel. Vì thế, ủy ban trao giải đã bỏ qua tên ông.
Tình trạng bão hòa trong nghiên cứu
Theo Hansson, phát minh mang tính đột phá là chưa đủ. Để lọt vào danh sách rút gọn, phát minh của bạn phải thực sự nổi bật trong lĩnh vực liên quan. Năm 1944, hai bác sĩ nhi chuyên khoa tim Alfred Blalock và Helen Taussig đã tìm ra phương pháp phẫu thuật để điều trị chứng methaemoglobinaemia, hay còn gọi là chứng “em bé màu xanh” [điều trị trẻ sơ sinh mắc hội chứng da màu xanh tím do khuyết tật ở tim]. Hai người được đề cử giải Nobel, nhưng theo Hansson, rốt cuộc họ bị loại đơn giản là vì thời đó có quá nhiều tiến bộ trong lĩnh vực giải phẫu tim.
Vấn đề giới tính và chủng tộc
Thật không may, những định kiến về văn hóa và giới tính cũng có ảnh hưởng tới việc bình xét giải Nobel trong lịch sử. Trong quá trình nghiên cứu, Hansson gặp khá ít ứng cử viên nữ. Hansson cũng dẫn ra trường hợp Vivien Thomas, vị bác sĩ phẫu thuật tài ba đã cùng với Blalock và Taussig phát minh và thử nghiệm phương pháp phẫu thuật điều trị chứng “em bé màu xanh”. Theo Hansson, Thomas là một người da đen có những đóng góp to lớn vào quá trình này, song “tên ông lại không được Ủy ban Nobel nhắc đến dù chỉ một lần”.
Phát minh vi phạm “cấm kị”
Hansson nhận xét: “Có thể coi lịch sử giải Nobel là lịch sử của những cấm kị về y học”, và những công trình gây tranh cãi thường bị ủy ban trao giải “ngó lơ”. Chẳng hạn, năm 1903, Ferdinand Sauerbruch đã phá vỡ lệnh cấm bất thành văn việc phẫu thuật tim, vốn bị các bác sĩ thời bấy giờ coi là quá rủi ro. Sauerbruch đã tạo ra phòng áp suất [có khả năng ngăn ngừa biến chứng bằng cách nâng hoặc giảm áp suất không khí] cho phép các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lồng ngực mở. Mặc dù nhận được tới hơn 60 đề cử, song tên ông vẫn bị gạch khỏi danh sách trao giải.
Đi trước thời đại
Theo Hansson, Gustav Zander là “cha đẻ của các phòng tập thể hình hiện đại”. Ông là người đầu tiên chế tạo ra các loại máy có tay quay và quả tạ để tập luyện thể chất từ những năm 1860. Nhưng vì lý do nào đó mà những phát minh đột phá của ông lại phải chờ tới cuối thập niên 1960 mới trở nên thịnh hành, khi những chiếc máy của hãng Nautilus tương tự như máy của Zander ra đời. Vì có tầm nhìn quá xa, Zander đã bị chính thời đại mình lãng quên và ông cũng chưa bao giờ được giải Nobel.
Nếu có quá nhiều nhà khoa học vĩ đại không nhận được giải thưởng xứng đáng với họ như thế, vậy thì có thể suy ra rằng một số người được giải là không xứng đáng hay không? Theo Hansson thì không nhất thiết như vậy. Ông lấy ví dụ về trường hợp của Antonio Egas Moniz, người giành giải Nobel năm 1949 nhờ những cải tiến của ông trong lĩnh vực phẫu thuật thùy não – một quy trình điều trị tâm thần được coi là tiến bộ lớn trong giai đoạn 1930 – 1940. Hansson cho biết: “Vào thời đó, các tạp chí lớn đều đánh giá cao thành tựu của ông ấy. Nó được coi là nghiên cứu mang tính đột phá.” Nhưng quan niệm ngày nay đã thay đổi, và giới chuyên gia tâm thần học ghét cay ghét đắng liệu pháp phẫu thuật thùy não. Vậy có thể qua đó mà nói rằng Moniz không xứng đáng nhận giải thưởng hay không?
Theo Hansson, lịch sử giải Nobel có thể có nhiều câu chuyện đáng tiếc, song ủy ban trao giải thường ít khi trao nhầm người. Ông cũng chỉ ra rằng quy trình xét giải không phải lúc nào cũng đi theo phương án an toàn hay thiên vị những người nổi tiếng. Một minh chứng là trường hợp Werner Forssmann. Vị bác sĩ này sinh sống ở một vùng quê, không có vị trí trong trường đại học nào và ống thông tim của ông cũng chưa từng được biết đến rộng rãi – nhưng ông vẫn được trao giải Nobel Y học vào năm 1956.
Trang Bùi dịch
Nguồn:
http://www.smithsonianmag.com/science-nature/how-not-win-nobel-prize-180956824/
(Visited 6 times, 1 visits today)