Giới hạn về tuổi thọ của con người?

Trái với những quan điểm trước đây về giới hạn của tuổi thọ con người, một nghiên cứu mới đây minh chứng rằng tuổi thọ con người có thể không có giới hạn cố định.

Kết luận này dựa trên một phân tích thống kê được công bố hôm 29/6 trên tạp chí Science về xác suất tuổi thọ của gần 4.000 người ‘siêu cao tuổi’ ở Ý, tất cả đều từ 105 tuổi trở lên.

Một nhóm nghiên cứu do nhà dân số học Elisabetta Barbi ở Đại học Sapienza và nhà thống kê học Francesco Lagona ở Đại học Roma Tre làm chủ trì, có trụ sở tại Rome, đã phát hiện ra nguy cơ tử vong – dường như tăng dần theo độ tuổi trong đa số trường hợp – nhưng đến sau độ tuổi 105 thì ngừng tăng, tạo ra một “điểm cân bằng sinh tử (mortality plateau)”. Cụ thể, các nhà nghiên cứu giải thích, từ thời điểm này trở đi, xác suất tử vong của một người qua mỗi năm không đổi, là khoảng 50%. Điều này khác với định luật tử vong Gompertz-Makeham: sau 8 năm, xác suất tử vong của con người lại tăng gấp đôi.

Jean-Marie Robine, một nhà dân số học thuộc Viện Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp, ở Montpellier, là người không tham gia nghiên cứu, đưa ra nhận định: “Nếu có một điểm cân bằng sinh tử, tức là tuổi thọ con người không có giới hạn.”

Như vậy là những người như bà cụ Chiyo Miyako – một bà cụ già người Nhật 117 tuổi, được biết đến là người già nhất thế giới, có thể sống tiếp trong nhiều năm tới – hoặc thậm chí mãi mãi, ít nhất là về mặt giả thuyết.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã tranh luận liệu con người có một điểm cận trên của tuổi thọ hay không. Tất cả đều có chung quan điểm rằng nguy cơ tử vong tăng dần ở tuổi trưởng thành cho tới khoảng 80 tuổi. Nhưng có sự bất đồng kịch liệt về những gì xảy ra khi con người bước vào tuổi 90 và 100.

Một số nhà khoa học đã xem xét dữ liệu dân số học và kết luận rằng các con người có một “thời hạn sử dụng” tự nhiên cố định và tỉ lệ tử vong cứ thế tăng lên. Những người khác đã xem xét dữ liệu tương tự và kết luận rằng nguy cơ tử vong chỉ giảm xuống trong những năm con người ở “độ tuổi cực thọ” (ultra-golden), như vậy tuổi thọ con người không có điểm cận trên.

Cuộc tranh luận về tuổi tác

Năm 2016, nhà di truyền học Jan Vijg và các cộng sự của ông tại trường Cao đẳng Y khoa Albert Einstein ở thành phố New York đã phân tích các báo cáo về độ tuổi tử vong của những người sống lâu nhất thế giới trong hơn nửa thế kỷ, họ đã khơi lại cuộc tranh luận về vấn đề tuổi tác. Họ ước tính rằng mức tuổi thọ tối đa của con người là khoảng 115 – 125 tuổi.

Vijg và nhóm nghiên cứu cho rằng một số người, nếu có, đã đạt tới tuổi thọ tối đa từ giữa những năm 1990, tuổi thọ con người đã đạt đến giới hạn tự nhiên. Người có tuổi thọ cao nhất thế giới được công nhận là Jeanne Calment, một người Pháp đã qua đời năm 1997 ở tuổi 122.

Các nhà nghiên cứu như Barbi và Lagona không thừa nhận phương pháp thống kê này. Cùng với các cộng sự ở Viện Thống kê Quốc gia Ý, hai nhà khoa học đã thu thập hồ sơ của những người Ý từ 105 tuổi trở lên trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 – thu thập giấy chứng tử, khai sinh để cố gắng làm giảm thiểu khả năng “phóng đại tuổi tác”, một vấn đề khá phổ biến ở những người già nhất thế giới. Họ cũng theo dõi cuộc đời mỗi cá nhân theo từng năm, chứ không phải gộp lại theo độ tuổi và sử dụng những dữ liệu tổng hợp như các nghiên cứu trước đây. Và bằng cách tập trung vào Ý, nơi có tỷ lệ người sống hơn trăm tuổi cao nhất trên thế giới, họ tránh được vấn đề sai số trong dữ liệu thu thập được ở các khu vực khác nhau.

Theo Kenneth Howse, một nhà nghiên cứu chính sách y tế tại Viện lão hóa dân số Oxford, Vương quốc Anh: “Những dữ liệu này là bằng chứng tốt nhất để xác định điểm cân bằng sinh tử của con người”.

Ken Wachter, một nhà dân số học định lượng tại Đại học California, Berkeley, đồng tác giả cùng với Barbi và Lagona, nghi ngờ những bất đồng trước đây về các mô hình tỉ lệ tử vong chủ yếu xuất phát từ các hồ sơ và thống kê sai lệch. “Lợi thế của chúng tôi là có dữ liệu tốt hơn”, ông nói. “Nếu có được dữ liệu với chất lượng tương tự ở các quốc gia khác, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nhiều mẫu tương tự.”

Robine thì không chắc chắn về điều này. Ông lập luận rằng các dữ liệu không được công bố ở Pháp, Nhật Bản và Canada cho thấy sự tồn tại điểm cân bằng sinh tử là “chưa thực sự sáng tỏ”. Theo ông, cần có một phân tích mang tính toàn cầu để xác định liệu những phát hiện ở Ý có phản ánh một đặc tính chung về sự lão hóa của con người hay không.

Vượt ra ngoài những giới hạn

Joop de Beer, một nhà nghiên cứu tuổi thọ tại Viện Dân số học Liên ngành Hà Lan ở Hague, cho biết trên thế giới có khoảng 500.000 người có tuổi thọ từ 100 tuổi trở lên – một con số được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi trong mỗi thập kỷ tới. Cứ cho rằng nguy cơ tử vong cuối đời không đổi ở tỉ lệ 50-50 thì thành viên gia nhập trong câu lạc bộ người già trên 100 tuổi trên toàn cầu sẽ có xu hướng gia tăng một cách kì dị cứ mỗi năm trong một thập kỉ.   

Nhiều nhà nghiên cứu hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tỉ lệ tử vong sẽ giảm xuống trong tương lai. Siegfried Hekimi, một nhà di truyền học tại Đại học McGill ở Montreal, Canada, suy đoán rằng các tế bào trong cơ thể sẽ đạt đến khả năng ngừng lão hóa để giữ nguy cơ tử vong ở mức ổn định.

Hekimi đặt vấn đề: “Tại sao cái “điểm cân bằng sinh tử” này lại xuất hiện và nó có ý nghĩa gì tới quá trình lão hóa – chúng ta không biết gì về điều này cả”.

Theo James Kirkland, một bác sĩ lão khoa tại bệnh viện Mayo ở Rochester, Minnesota, bằng chứng thuyết phục về “điểm cân bằng sinh tử” dẫn đến khả năng có thể kiểm soát tử vong ở bất kì lứa tuổi nào. Một số chuyên gia nhận định không thể khắc phục được sự suy yếu của cơ thể theo thời gian. Nhưng ông cũng cho biết nếu tỷ lệ tử vong không tăng theo thời gian, các biện pháp làm chậm quá trình lão hóa sẽ có tác dụng, thậm chí đối với cả những người cực già.

Không phải ai cũng đồng ý với lập luận đó – hoặc với kết luận của nhóm Barbi.

Brandon Milholland, một tác giả đã công bố về vấn đề này trên Nature năm 2016, cho rằng bằng chứng về một điểm cân bằng sinh tử là “không xác thực”, bởi vì chỉ có khoảng gần 100 người từ 110 tuổi trở lên tham gia nghiên cứu. Leonid Gavrilov, một nhà nghiên cứu tuổi thọ tại Đại học Chicago ở Illinois, nhấn mạnh rằng ngay cả những sai số nhỏ trong các hồ sơ tuổi thọ của người Ý có thể dẫn đến một kết luận sai lầm.

Những người khác cho rằng kết luận của nghiên cứu này không hợp lý về mặt sinh học. Jay Olshansky, một nhà sinh học- dân số học ở Đại học Illinois ở Chicago, cho biết: “Có những hạn chế cơ bản do cấu trúc cơ thể gây ra”, chẳng hạn như các tế bào không thể tái tạo như tế bào thần kinh sẽ tiếp tục khô héo và chết, điều này tạo ra giới hạn trên cho tuổi thọ tự nhiên của con người.

Do đó, nghiên cứu này không phải là ý kiến cuối cùng trong cuộc tranh luận về giới hạn tuổi tác, Haim Cohen, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Bar-Ilan ở Ramat-Gan, Israel cho biết. “Tôi chắc chắn rằng cuộc tranh luận sẽ tiếp tục.”
            
Thanh An dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-05582-3

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)