Giữ vẹn đạo thầy trò

Tên tuổi của nhiều nhà khoa học lớn thường gắn liền với những thứ họ tạo dựng nên - những trường, viện, lĩnh vực nghiên cứu, đội ngũ học trò… Với giáo sư Nguyễn Văn Chiển, điều ông để lại cho ngành địa chất Việt Nam không chỉ ở những dấu ấn quan trọng như thế mà còn từ những điều thật giản dị như lời bộc bạch của giáo sư Tống Duy Thanh, một trong những học trò gần gũi nhất của ông, “bài học lớn nhất mà tôi học được ở Thầy Chiển là bài học làm người và làm thầy”.

Những ký ức về giáo sư Nguyễn Văn Chiển được gợi lại trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông tại hội trường Ngụy Như Kon Tum. Thật khéo khi lựa chọn nơi này – một giảng đường quan trọng của Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise) trước kia và đại học Quốc gia Hà Nội sau này (có giai đoạn được mang tên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) và sau được mang tên nhà vật lý Ngụy Như Kon Tum. Từng chứng kiến những ngày đầu sinh viên Nguyễn Văn Chiển đến với ngành địa chất dưới sự hướng dẫn của giáo sư Pháp Josué-Heilman Hoffet, những ngày ông gây dựng Khoa Địa lý- Địa chất ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và cả lễ sinh nhật 80 tuổi của ông, nay không gian này quy tụ nhiều thế hệ học trò của ông, có người tuổi ngoài 80, để cùng nhớ về người thầy hết mực khiêm nhường của mình. 

Trọn phận làm trò

Lời kể của giáo sư Tống Duy Thanh, người được “Thầy Chiển cho thấy những điều kỳ diệu từ những viên đá” và trở thành chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Cổ sinh – Địa tầng, khiến tất cả hội trường lặng đi: “Tôi rất xúc động vì Thầy Chiển của tôi, dù lớn tuổi rồi, vẫn không quên những người thầy từ lúc học trung học”. Những người thầy ấy của giáo sư Nguyễn Văn Chiển đều là những nhân vật được nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến: Nguyễn Mạnh Tường (văn học Pháp), Hoàng Xuân Hãn (toán), Ngụy Như Kon Tum (lý)…  Không ai biết giáo sư Nguyễn Văn Chiển theo học những người thầy uyên bác này như thế nào từ ngày ở trường Bưởi vào cuối những năm 1930 và đầu những năm 1940 nhưng chắc hẳn ngoài kiến thức, ông học được rất nhiều từ nhân cách và sự tận tụy với công việc của họ. 

Chính giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người từ năm 1936 dạy các lớp đệ nhất ban toán trường Bưởi, là người đã khuyên cậu học trò đỗ đầu kì thi tú tài Đông Dương năm 1941 theo học ngành địa chất, cậu học trò mà ông phê trong học bạ “học sinh ưu tú, trí lực rất hài hòa, chăm chỉ và có phương pháp”. Tại sao không phải toán và lý, những môn mà ông học rất giỏi? Trong một cuộc trò chuyện với giáo sư Tống Duy Thanh tại nhà riêng ở Paris năm 1989, giáo sư Hoàng Xuân Hãn lý giải: “Tôi còn nhớ, khi Chiển tốt nghiệp, tôi đã bảo Chiển, ‘học toán như tôi thì chỉ đi dạy được thôi, nếu đi học Lý thì lấy đâu ra phòng thí nghiệm mà làm. Em nên học ngành gì mà có điều kiện để phát huy cái năng lực của mình và có nhiều đóng góp hữu ích cho đất nước mình. Tốt nhất là làm địa chất, đất nước bao la sẽ là phòng thí nghiệm cho em tha hồ vùng vẫy’. Khi ấy, Chiển đã nghe theo lời khuyên của tôi”. 

Do đó, giáo sư Nguyễn Văn Chiển đã đi theo ngành Địa chất và trở thành người gây dựng ngành địa chất Việt Nam. Tuy nhiên ông không có điều kiện gặp gỡ giáo sư Hoàng Xuân Hãn bởi từ năm 1951 – thời điểm trước khi ông sang Liên Xô học tiến sĩ, giáo sư Hãn đã sang Pháp sinh sống và làm việc. Gần 40 năm sau, nhân chuyến công tác của học trò Tống Duy Thanh theo lời mời của Hội sinh vật Paris, giáo sư Chiển đã viết một bức thư hỏi thăm người thầy năm xưa của mình và dặn học trò trao tận tay cho ông. Trước lời dặn của thầy, “tôi sốt ruột muốn chuyển sớm thư ngay khi đến Paris nên đến gặp ông Hoàng Xuân Hãn ở nhà riêng. Sau khi nhận được, ông cũng sốt ruột không kém, bóc thư đọc ngay”, giáo sư Tống Duy Thanh nhớ lại. Ông không rõ lá thư dài Thầy Chiển viết những gì nhưng sau khi đọc xong thư, thái độ giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ lịch sự chuyển sang thân tình, “ông nói ‘hôm nay ở nhà sang, tiện bữa cơm, cháu ăn cơm cùng bác rồi kể bác nghe chuyện công việc và gia cảnh của Chiển nhé’”. Trước sự quan tâm của một người thầy với học trò từng theo học mình gần 80 năm trước, giáo sư Tống Duy Thanh không khỏi xúc động, “tôi đã được nghe mọi người kể về tình cảm thầy trò của thầy Chiển với giáo sư Hoàng Xuân Hãn nhưng đến khi trực tiếp gặp giáo sư Hãn thì tôi mới biết sự gắn bó giữa hai bậc trí thức lớn này thân tình đến mức nào”. 


TBT Tạp chí Tia Sáng Hoàng Thu Hà chúc mừng sinh nhật Thầy Chiển. Ảnh: Tư liệu

Trong số các học trò của giáo sư Chiển, ông Tống Duy Thanh là người thân cận nhất với Thầy nên có nhiều điều kiện chứng kiến những câu chuyện đời thường của ông. “Tôi nhớ vào thập kỷ 1960, khi trường sơ tán lên Đại Từ, Bắc Cạn (nay thuộc Thái Nguyên). Lúc đó, các thầy cũng ở cách xa nhau, Thầy Ngụy Như Kon Tum cách Thầy Chiển tới 4km. Giữa bom đạn, đường xá như vậy mà năm nào mùng 1 Tết Nguyên đán, Thầy cũng đạp xe đến chúc tết giáo sư Ngụy Như Kon Tum, Thầy của Thầy ở trường Bưởi, chứ không phải đến chúc tết thầy hiệu trưởng trường Tổng hợp”, giáo sư Tống Duy Thanh nhớ mãi hình ảnh Thầy Chiển trên chiếc ‘xe trâu’ cọc cạch như thế.

Phận làm trò được giáo sư Chiển gìn giữ suốt cuộc đời mình. Trong hoàn cảnh nào, ông cũng hết sức chu đáo với thầy giáo cũ, kể cả những người từng bị rơi vào thế bị “phê đấu” vào những năm 1950, 1960 như giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, người từng giảng dạy tại trường Đại học Văn khoa, Sư phạm, Tổng hợp Hà Nội và sau chuyển sang làm chuyên viên nghiên cứu văn học nước ngoài tại Viện Nghiên cứu phương pháp và chương trình giáo dục thuộc Bộ GD&ĐT. Ông chu đáo với giáo sư Nguyễn Mạnh Tường ngay cả khi giáo sư qua đời. “Tháng 6/1997, tôi đến nhà không thấy Thầy Chiển đâu. Lúc đó, vợ thầy nói ‘anh cứ ngồi chơi, anh Chiển đang cặm cụi ngồi viết lại điếu văn thầy Nguyễn Mạnh Tường’. Khi hỏi, tôi mới biết, vì Thầy không hài lòng về điếu văn mà người ta viết nên quyết định soạn lại với mong mỏi là phản ánh đúng công lao đóng góp của Thầy Nguyễn Mạnh Tường để người ta hiểu hơn về ông”, giáo sư Tống Duy Thanh kể. 

Luôn tôn trọng và yêu thương trò

Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, giáo sư Nguyễn Văn Chiển có nhiều công trình nghiên cứu về thạch học, Điều tra tổng hợp Tây nguyên, Atlas quốc gia… nhưng ông cho rằng, “công trình” đáng giá nhất của mình là đào tạo ra một đội ngũ học trò. 20 năm trước, trong lễ sinh nhật 80 tuổi ở hội trường Ngụy Như Kon Tum, ông cho biết: “Người ta nói ‘con hơn cha là nhà có phúc’. Trong cuộc đời mình, niềm hạnh phúc nhất của tôi là được thấy những học trò thành công và giỏi giang hơn tôi”. 

Dù là người đặt nền móng xây dựng ngành địa chất, thành lập Bộ môn Địa chất ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội, xây  dựng trường Đại học Mỏ địa chất, xây dựng Khoa Địa lý – địa chất trường Đại học Tổng hợp… nhưng ông vẫn luôn khiêm nhường, luôn tôn trọng học trò và coi học trò ở mức ngang hàng với mình. “Trong mấy chục năm làm việc bên cạnh Thầy, tôi chưa từng thấy Thầy xưng thầy với học trò mà chỉ xưng tôi”, giáo sư Tống Duy Thanh nhận xét. Có lần ông mạo muội hỏi Thầy thì được giải thích “nếu mình xưng thầy – trò với họ thì tức là tự nhiên mình tạo ra khoảng cách để họ không dám nói ý kiến thật của họ với mình, đấy còn chưa kể là họ có ưng với cái cách xưng hô của mình không”. 

Bận bịu công việc và đông học trò nhưng giáo sư Nguyễn Văn Chiển luôn quan tâm đến họ và cũng như người thầy của mình ở trường Bưởi năm xưa, ông định hướng cho họ theo những hướng nghiên cứu mà ông thấy cần thiết. PGS. TS Phạm Huy Tiến, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm KHTN và CN quốc gia, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, kể “Khi tôi thực tập tốt nghiệp thì thầy Phan Trường Thị hướng dẫn và tôi nghĩ mình sẽ làm địa chất. Hôm thầy Chiển gọi tôi lên và nói tôi nên tập trung vào trầm tích chứa dầu”. Sau khi đi thực tập ở Trung Quốc hai năm, ông về Việt Nam và tham gia dạy môn trầm tích ở trường Đại học Tổng hợp. “Tối trước khi lên lớp, tôi sang nhà thầy nói chuyện, thầy hỏi ‘em có giáo án lên lớp chưa’, tôi trả lời ‘em chưa có’. Vậy là Thầy nói lên bục giảng, ngoài bài giảng bắt buộc phải có giáo án vì mỗi lần giảng nó có khác nhau”, PGS. TS Phạm Huy Tiến nhớ lại bài học nằm lòng của Thầy, bài học mà ông không thể quên cho đến tận bây giờ “sau này đi giảng lúc nào tôi cũng phải có giáo án. Gần đây tôi sang giảng ở trường Nhân văn, tôi vẫn nhớ bài học không được sơ suất khi lên bục giảng của thầy.

Tình thương yêu và vị tha với học trò của giáo sư Nguyễn Văn Chiển không hề thay đổi, dù trong hoàn cảnh nào. Vào những năm 1960, “trường Đại học Tổng hợp mất đoàn kết liên tục, phong trào ‘phê đấu’ diễn ra ở cả khoa mới lập như khoa Địa chất”, giáo sư Tống Duy Thanh kể. Không chỉ những người thầy như Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo… mà ‘người mới’ như giáo sư Nguyễn Văn Chiển cũng rơi vào hoàn cảnh này. “Nhiều người ‘phê đấu’ Thầy là học trò. Thầy Chiển buồn vì trở thành đối tượng ‘phê đấu’ thì ít mà buồn vì những căn nguyên không đúng sự thật thì nhiều. Tuy nhiên Thầy không hề tỏ ra thù hận họ. Sau này, Thầy nói lại với tôi ‘thôi họ trẻ lòng non dạ thôi mà’… Tôi không hề thấy thầy ác cảm với họ mà luôn nói tôi là cố gắng giúp đỡ họ, trong trường hợp có khả năng họ có thể thực hiện được ước mơ của mình”. 

Trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Nguyễn Văn Chiển, hội trường Ngụy Như Kon Tum đông kín người, phần lớn là học trò nhiều thế hệ của Thầy. Trong số này, nhiều người theo ngành địa chất nhưng không phải ai cũng may mắn như thế. Đó là trường hợp của nhà báo Nguyễn Như Mai, học sinh khóa 4 trường Tổng hợp. Vì một số vấn đề về lý lịch mà ông không theo được nghề địa chất, thậm chí có nguy cơ không được phát bằng tốt nghiệp. “Thầy đã can thiệp để cho tôi được tốt nghiệp, và bảo tôi ‘em làm giấy tờ đi để đủ thủ tục tốt nghiệp’. Sau đó, tôi chuyển sang làm xuất bản”, ông Nguyễn Như Mai kể. Sự quan tâm đến người học trò thiếu may mắn của giáo sư Nguyễn Văn Chiển không chỉ ở phạm vi nghề nghiệp. “Tôi có cô người yêu trong hoàn cảnh bấp bênh đó. Thầy đã gặp riêng và động viên ‘thằng Mai giỏi lắm, tốt lắm, em cứ yên tâm lấy nó đi’”. 

Do đó, những người đã may mắn được thầy dìu dắt đều cho rằng, điều lớn nhất mà họ có được từ thầy, không chỉ ở kiến thức hay sự tận tụy với công việc mà còn là bài học làm người, làm thầy. □

 

Tác giả