Gốc và nghĩa của các từ khoa học, công nghệ, và kỹ thuật

Các từ khoa học, công nghệ, kỹ thuật là những từ chúng ta dùng hằng ngày, tưởng chừng quen thuộc đến mức ai cũng phải biết rõ và nhất trí về nghĩa của chúng.  

Nhưng gần đây có một số thảo luận về nghĩa của những từ này, đi kèm với các thắc mắc về tên gọi (ví dụ có vị cho rằng ĐH Bách khoa dịch ra tiếng Anh thành Univ. of Technology là sai mà phải dùng từ “kỹ thuật” như kiểu “technical univ.” mới đúng, hay có người thắc mắc tại sao lại gọi “Bộ Khoa học và Công nghệ” mà không gọi “Bộ Khoa học và Kỹ thuật”?). Theo tôi thì thực ra cách gọi “Bộ KH &CN” và cách dịch “Univ. of Technology” đều đúng, không có gì sai.

Trước khi nói đến gốc Tây (Anh, Pháp, La Mã, Hy Lạp) của các từ này, ta kiểm tra gốc Tàu trước đã, vì các từ này của ta là gốc chữ Hán chứ không phải chữ Tây.

Khoa học (科學) là gồm chữ khoa gắn với chữ học. Khoa có nghĩa như trong các từ “đa khoa”, “khoa vật lý”, v.v., tương đương với các từ department, branch tiếng Anh, tức là để chỉ (các) nhánh, (các) lĩnh vực. Còn từ học có nghĩ như trong tiểu học, đại học, toán học, v.v. là để chỉ sự học tập nghiên cứu tìm hiểu để đạt hiểu biết. Hai từ này đi với nhau chỉ sự hiểu biết hay nghiên cứu học tập để đạt hiểu biết trong các ngành khác nhau.

Từ tiếng Tây tương ứng của khoa học là science, có gốc Latin là scientia, tức cũng là sự hiểu biết, khoa học (knowledge, savoir, science). Từ gốc scientia còn xuất hiện trong các từ như conscience (nhận thức), conoscere (tiếng Ý, có nghĩa là biết).  Có sự phân biệt giữa savoir (hiểu biết, knowledge) và savoir-faire (kỹ năng, know-how). Từ đằng trước gần với khoa học còn từ đằng sau gần với công nghệ và kỹ thuật. Kỹ năng và hiểu biết đi đôi với nhau, nhưng không phải là một. Kỹ năng đòi hỏi không chỉ hiểu biết mà còn luyện tập thực hành, nhưng để đạt kỹ năng cao cấp thì đòi hỏi hiểu biết cao cấp, chứ một công nhân luyện vặn ốc chính xác đến mấy cũng không thành kiến trúc sư được. Quay về khoa học: muốn có công nghệ và kỹ thuật cao cấp, cần có nền tảng khoa học cao.

Một điều thú vị là, nghĩa gốc Latin của từ scientia là “phân biệt, chia ra” (to divide). Đây làm một chân lý về sự hiểu biết: hiểu biết tức là biết phân biệt, ta càng biết phân biệt giữa các thứ thì tức là càng hiểu biết, sự phân biệt càng tinh tế thì tức là hiểu biết càng cao. Ví dụ như nếu ta phân biệt được đến 1000 loại rượu khác nhau, thì sự hiểu biết của ta về rượu đạt đến đỉnh cao! (Không biết động từ scier, có nghĩa là cưa, có cùng gốc không ?!)
Từ công nghệ (工藝) gồm chữ công (工) và chữ nghệ (藝). Hán tự có ít nhất 4 chữ công khác nhau: chữ công của  từ công ty (公司) có nghĩa là “chung”; chữ công của   từ công lao (功勞) có nghĩa là thành quả của lao động, chữ công của từ công kích (攻擊) có nghĩa là đánh, còn chữ công của từ công nghệ có nghĩa là công việc, lao động (work, labor). Chữ nghệ (藝) là như trong từ nghệ thuật, có nghĩa là kỹ năng, nghệ thuật (skill, art). Vậy công nghệ có thể hiểu là kỹ năng, nghệ thuật trong công việc làm những cái gì đó. Ví dụ như công nghệ làm điện thoại, công nghệ chế biến thực phẩm, v.v.

Từ kỹ thuật (技術) là từ sát nghĩa với công nghệ, và cũng có kỹ năng, nghệ thuật trong đó. Kỹ (技) dịch sang tiếng Anh là skill (kỹ năng), talent (tài), còn thuật (術) cũng được dịch thành art (nghệ thuật), skill (kỹ năng), method (phương pháp).

Trong nhiều trường hợp, hai từ công nghệ và kỹ thuật có thể dùng thay cho nhau. Ví dụ, “công nghệ trồng lúa” hay “kỹ thuật trồng lúa” có nghĩa như nhau. Vậy hai từ này khác nhau ở những điểm nào (ngoài chuyện viết và phát âm khác nhau)? Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học nên không biết, chỉ đưa ra đây vài “đoán mò”:

a) Trong từ kỹ thuật không có “công” (lao động, công việc), nên “kỹ thuật” có thể dùng cho những thứ không liên quan gì đến lao động sản xuất, công nghiệp hay dịch vụ, trong khi từ công nghệ thường dùng hạn chế cho những thứ liên quan đến công nghiệp, kinh tế hơn.
b) Quá trình tiến hóa của ngôn ngữ ở Việt Nam tạo nên một sự “phân biệt đẳng cấp” giữa hai từ: công nghệ được hình dung là kỹ thuật ở mức cao cấp, và ngược lại kỹ thuật được hình dung là công nghệ ở mức sơ cấp. Bởi vậy người ta không nói “đại học kỹ thuật” mà nói “đại học công nghệ” khi muốn nhấn mạnh sự cao cấp của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có sự “phân biệt đẳng cấp” giữa hai từ như vậy, và không phải ai cũng nhất trí với sự phân biệt này. Ví dụ như “Đại học kỹ thuật quân sự” không phải là “sơ cấp”. Trường “Intituto Superior Técnico de Lisboa” không sơ cấp tý nào mà trái lại là một trong những đại học lớn nhất của Portugal. (Trong tên trường có thêm tính từ “superior”, tức là “cao cấp”).

Từ công nghệ dịch sang tiếng Tây là technology (Anh) hay technologie (Pháp) có gốc Hy Lạp: techno có nghĩa là kỹ thuật (như trong từ technique), còn logia có nghĩa là sự học, sự tìm hiểu (study of). Sau quá trình tiến hóa của các ngôn ngữ, ngày nay từ technology có nghĩa như sau (theo wikipedia):

Technology is the making, usage, and knowledge of tools, machines, techniques, crafts, systems or methods of organization in order to solve a problem or perform a specific function. It can also refer to the collection of such tools, machinery, and procedures.

Có một số người quên câu sau của định nghĩa trên, mà chỉ dùng nghĩa trong câu trước (tức là coi từ “công nghệ” chỉ dùng cho  các phương pháp dụng cụ để giải quyết 1 vấn đề cụ thể, mà quên nghĩa sau rộng hơn của nó, dùng để chỉ mội khối tổng hợp các phương pháp dụng cụ cho nhiều vấn đề, hay thậm chí rất nhiều ngành khác nhau), dẫn đến những thắc mắc kiểu “gọi Viện khoa học và công nghệ là không đúng, mà phải gọi là khoa học và kỹ thuật”. Thực ra, cách gọi “khoa học và công nghệ” hoàn toàn đúng, dù là chiếu theo gốc Tàu hay dịch từ tiếng Tây. Ví dụ như trong cụm từ Massachusetts Institute of Technology, từ technology tất nhiên phải được hiểu theo nghĩa rộng chứ không theo nghĩa hạn hẹp ” cho một vấn đề”.

Trong từ technology (công nghệ) có “logy” (nghiên cứu) khiến nó trở nên “cao cấp” hơn là “technique” (mà không có thêm đuôi “logy”). Có nghĩa là, trong tiếng Tây, technology cũng được hiểu là technique ở mức cao cấp, còn ngoài ra thì hai từ này có thể thay thế cho nhau.

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)