GS Đặng Đình Áng – Trong ngần bóng gương

Sau sự ra đi của giáo sư Hoàng Tụy vào mùa hè năm trước, chớm thu năm nay, ngành toán học Việt Nam lại phải chia tay một tên tuổi lớn khác, giáo sư Đặng Đình Áng, một nhà toán học tiên phong thành đạt, say mê toán học, tận tụy với sinh viên, một tấm gương văn hóa, một nhân cách, một con người nhân hậu, giãn dị, một tấm lòng dạt dào tình cảm quê hương, một nhân tố kết nối thế giới: những tố chất đó đã hội tụ trong một con người mà xã hội không phải dễ có được.


Giáo sư Đặng Đình Áng. Ảnh: NXX

Ngày 29/8/2020, sau nhiều năm bệnh nặng, GS Đặng Đình Áng qua đời, hưởng thọ 94 tuổi. Ông là giáo sư toán học, giữ chức vụ Khoa trưởng của Đại học Khoa học Sài gòn từ năm 1960 cho đến 1975. Không ai làm toán ở miền Nam trước 75 và cả Việt Nam sau 1975 không biết đến ông. Ông là người đào tạo hầu hết những người làm toán học ở miền Nam. 

Ông là một người gốc nhà nho, cháu 7 đời của danh-hiền Đặng Đình Tướng – một trong bốn danh hiền thời hậu Lê bên cạnh các bậc danh hiền Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông được đào tạo theo Tây học và là học sinh trường Bưởi đến tú tài I, rồi được học bổng Fulbright sang Mỹ học.
Ông du học Mỹ tại ĐH Kansas năm 1953 ngành kỹ sư hàng không. Năm 1955 tốt nghiệp kỹ sư hàng và nhận được một giải thưởng của Viện Hàng không học Hoa Kỳ ở Fort Worth, Texas, cho bài báo về dòng chảy nhớt có thể nén được. Năm 1957 ông học tiếp thạc sỹ tại Viện công nghệ CalTech ngành hàng không và toán học. Năm 1958 ông đậu bằng tiến sỹ về toán cơ học và giảng dạy hai năm tại đó. 
Ông đã có hơn 130 công trình nghiên cứu toán học có giá trị được công bố ở nước ngoài, viết nhiều sách giáo khoa và chuyên đề. Ông đã đào tạo 12 tiến sĩ trong nước có những công trình tương đương với tiến sĩ thế giới. Ông được nhiều đại học Mỹ, Pháp, Anh, Nhật, Đức mời đến đọc thuyết trình, được làm khách mời báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế, và được trao nhiều học bổng nghiên cứu tên tuổi quốc tế. Ông là người đã mang toán học hiện đại vào phía Nam đầu thập niên 60, được giao chức vụ Khoa trưởng Khoa toán của Đại học Khoa học Sài Gòn lúc 34 tuổi để làm cuộc cải cách giáo dục toán ở đại học, cùng với cuộc cải cách đại học, phong trào chuyển ngữ cả miền Nam đang diễn ra lúc đó. Ông đã đem ngọn gió mới vào đại học, gây một sự hưng phấn trong các sinh viên toán. Toán học không những được hiện đại hóa mà còn được nâng cấp lên bậc cao học. Sinh viên được hướng dẫn bước vào đường nghiên cứu và có thể công bố kết quả nghiên cứu của mình ở những tạp chí quốc tế, dưới sự hướng dẫn của vị giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp. Ông vừa dạy, vừa nghiên cứu, vừa tự học thêm, theo tinh thần của đại học của Humboldt – sự kết hợp nghiên cứu và giảng dạy.
“Năm 1975, tôi đã gặp được giáo sư Áng trong ngày đầu tiên vào Sài Gòn – một cuộc gặp đầy xúc động như những người anh em đã từng thân thiết. Từ chút duyên hội ngộ ban đầu đó, tôi đã dần quen Anh và vui mừng được cảm nhận nơi Anh sự tinh tế mà thanh thoát trong thú tìm kiếm vẻ đẹp của tư duy toán học và cảm thụ nghệ thuật, cái sâu xa mà bình dị trong niềm yêu cuộc đời và đất nước. Và phải chăng sự thanh thoát bình dị đó đã giúp cho Anh, dù nay đã vào tuổi 70, vẫn còn tươi trẻ và cường tráng – tươi trẻ và cường tráng trong sáng tạo toán học, trong niềm say mê nghệ thuật và cả trong niềm tin vào cuộc đời”.
(Trích ý kiến năm 1995 của giáo sư Phan Đình Diệu trong cuốn “Trong ngần bóng gương”, xuất bản nhân dịp giáo sư Đặng Đình Áng thượng thọ 80 tuổi).
Năm 1996, để kỷ niệm giáo sư 70 tuổi, một hội nghị quốc tế đã đươc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 30 nhà toán học nước ngoài. Điều đó nói lên sự trân trọng của cộng đồng toán học nước ngoài đối với những đóng góp toán học và uy tín của giáo sư Đặng Đình Áng.
Năm 2006, một số kỷ yếu đặc biệt mừng thọ ông 80 tuổi của một số trí thức, bạn bè Việt Nam trong và ngoài nước được xuất bản, có tên Trong ngần bóng gương tại nhà xuất bản Tri Thức. Rất nhiều báo đài của thành phố đưa tin về sự kiện này, tỏ lòng trân quý những đóng góp của ông cho sự phát triển của thành phố.
***
Giáo sư Đặng Đình Áng là một tấm gương lớn của sự tự học và phấn đấu. Ông đã tự học để thi tú tài I ở Hà Nội, rồi tú tài II ở Sài gòn, tự học Anh ngữ, rồi tự học tại Đại học Kansas để rút ngắn chương trình cử nhân, tiếp tục tự tìm tòi học hỏi khi về Việt Nam làm việc, và như thế trong suốt cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của ông. Ông khiêm tốn nói: “Tôi rất thích học, thời Pháp học, thời gian vào Sài gòn, ở CalTech học, về đây tiếp tục học, bây giờ cũng còn học, học những bậc thầy đi trước”. Đó là một tinh thần tự lập, một đặc tính của những nhà nghiên cứu có sức phấn đấu cao. Điều kiện làm việc của các nhà khoa học Việt Nam tuy rất eo hẹp, tài liệu, báo chí khoa học rất khan hiếm, Đại học Sài gòn còn non trẻ, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng giáo sư vẫn giữ vững nghiên cứu và ‘đánh thông’ con đường giao lưu với đồng nghiệp nước ngoài, bảo đảm cho nghiên cứu vẫn tiếp tục một cách thành công. 
Ông là người luôn quan tâm đến sinh viên. Ông nói: “Cả sự nghiệp của đời tôi là đào tạo. Muốn dạy giỏi, người thầy phải nắm vững những kiến thức mới mẻ nhất. Muốn nắm vững, bản thân ông thầy phải có đóng góp chứ không thể nhắc lại kiến thức của người khác”. Ông luôn luôn tin tưởng vào con người Việt Nam: “Đây là mảnh đất tốt, rất màu mỡ, rất nhiều hạt giống tài năng” và “Tôi tin tưởng rất nhiều vào tiềm năng của người Việt Nam ta, đặc biệt là của lớp trẻ. Tuy nhiên, muốn biến tiềm năng thành hiện thực thì phải biết tổ chức, phải có thầy. Thầy là những người có khả năng chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và quan tâm đến học trò”. Ông cũng đã có lời khuyên quý giá cho những người trẻ: “Đừng háo thắng mà không đi xa được, việc học cũng giống như chạy marathon 42 km, phải biết giữ sức, những cây số đầu không mấy quan trọng, không học nhồi học nhét, không ham ánh hào quang hảo huyền, làm sao để càng về sau càng khổng lồ, đó mới là kết quả thực sự”.

Chiếc sáo bạc ông mua ở Mỹ năm 1956 trở thành một người người bạn đồng hành “bất khả ly thân” của ông, giống như chiếc đàn vĩ cầm của Einstein. Nguồn: NXX.

Ngoài đam mê toán học, ông còn là con người đam mê âm nhạc. Ông yêu tiếng sáo tre từ nhỏ ở làng. Chiếc sáo bạc ông mua ở Mỹ năm 1956 trở thành một người bạn đồng hành “bất khả ly thân” của ông, giống như chiếc đàn vĩ cầm của Einstein. Người ta vẫn thường thấy ông biểu diễn trên sân khấu, nhất là những lúc có hội thảo toán học quốc tế. Ông không những thích âm nhạc riêng cho mình, “mà ông thật sự quan tâm tới đời sống, sinh hoạt âm nhạc, với giới hoạt động âm nhạc tại thành phố này” như nhạc sĩ Đặng Hồng Quang nói. Ông cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Bích Ngọc, cựu phó giám đốc Nhạc viện thành phố và Đặng Hồng Quang, trưởng khoa bộ môn piano, thành lập nhóm nhạc thính phòng Hoa Sen nhằm tổ chức những buổi hòa nhạc cổ điển cho giới khoa học. Mục đích sâu xa của giáo sư là muốn góp phần nâng cao và mở rộng trình độ văn hóa trong giới khoa học. 

Là con người Tây học nhưng giáo sư có một tâm hồn đầy ắp bản sắc Việt Nam. “Tôi thổi Mozart bằng tâm hồn Việt. Thổi để không quên dân ca mình. Tôi ăn món ăn nước ngoài cũng bằng dạ dày Việt. Ăn để thấy các cụ nhà ta thật sành…ẩm thực”. Ông là một khuôn mặt đại biểu, một đại sứ của Việt Nam trong mắt các đồng nghiệp nước ngoài. Ông luôn luôn hãnh diện làm một con người Việt Nam một cách rất tự tin.
Tại thời điểm 1975 khó khăn nhất, những tình cảm đối với quê hương, sinh viên, đại học, đã chiến thắng những câu hỏi đi hay ở. Ông quyết tâm ở lại, chấp nhận chịu đựng và chia sẻ, đóng góp và tiếp tục dẫn dắt các thế hệ sau. Ông tin vào những “thửa đất vàng” của Việt Nam cần được chăm bón tốt hơn. Năm 1980 ông là một trong những người được phong hàm Giáo sư đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, cùng với các tên tuổi như Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu và một số người khác. 
GS Đặng Đình Áng là ngọn cờ toán học ở phía Nam, một cây đại thụ đem bóng mát lại cho nhiều thế hệ phát triển, và tiếp tục ngày càng đông đảo hơn. Ông là người tạo hình cho những tâm hồn toán học đầu tiên ở miền Nam, thu hút và đánh thức những tài năng có dịp đến với ông. Ông là một nhân cách vượt trội, và là một con người văn hóa, một nghệ sĩ sống hài hòa với vương quốc âm nhạc. Tất cả những gì qua tay ông đều mang tính nghệ thuật. Tư duy, khám phá toán học và sống hài hòa với âm nhạc là những niềm vui của ông, bên cạnh niềm vui được sống hạnh phúc trên quê hương, bên mái ấm gia đình. Ông sống bình dị, nhân hậu, chân thật, vượt lên mọi cái xấu. Gặp ông, thế giới của cái xấu, của sự chối tai tan biến nhường chỗ cho một thế giới hài hòa, trong sáng và thi vị. 
***
Tuy biết rằng rồi ai cũng phải ra đi, nhưng chúng tôi không tưởng tượng nổi sự mất mát của con người đã hằn sâu trong ký ức của Đại học Khoa học Sài gòn hơn nửa thế kỷ, đã dành bao nhiêu tình cảm cao quý cho nhiều thế hệ sinh viên cũng như đồng nghiệp, và được bao nhiêu người thương mến. Nay GS Đặng Đình Áng đã vĩnh viễn trở về lòng đất mẹ. Đương thời, ông nghĩ về quê hương và con người qua câu nói sâu sắc: 
Quê hương là dải đất, có núi có sông, có cây cỏ, có những con người cùng chung quyền lợi vật chất và tinh thần, nhưng không phải chỉ là thế, sâu xa hơn thế là các nấm mồ người đã khuất. “Chính tro tàn của người quá cố đã tạo ra quê hương”, một văn hào Pháp, trong một bài thơ bất hủ về tình yêu quê hương, đã thốt ra như vậy.
Giờ đây quê hương có thêm nấm mồ của ông, một đứa con đã sống trọn vẹn và cống hiến với hết cả trái tim của mình cho sự nghiệp giáo dục đất nước, tình yêu quê hương. Cái tính yêu đời, lạc quan, khoan dung, nhân hậu, tôn trọng người khác, tính nghệ sĩ, tình yêu toán học, yêu âm nhạc, yêu quê hương, yêu văn hóa là những đặc điểm nổi bật ở ông. □

Tác giả