GS Hoàng Tụy: “Tấm lòng của tôi với khoa học, với đất nước từ thuở thiếu thời đến bây giờ không lúc nào vơi”

Tại buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 90 của giáo sư Hoàng Tụy tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) diễn ra vào ngày 14/12/2017 trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Các thuật toán tối ưu và một số vấn đề liên quan”, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh cùng đông đảo đồng nghiệp Việt Nam và nước ngoài, giáo sư Hoàng Tụy đã phát biểu một cách khiêm nhường “những đóng góp khoa học của tôi rất khiêm tốn, chỉ có tấm lòng của tôi với khoa học, với đất nước từ thuở thiếu thời đến bây giờ không lúc nào vơi”. Nhưng theo đánh giá của cộng đồng toán học, cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư Hoàng Tụy là tấm gương sáng cho các thế hệ làm toán và các thế hệ của khoa học Việt Nam noi theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng sinh nhật giáo sư Hoàng Tụy.

Người mở đường

Hiếm có nhà khoa học trong nước và nước ngoài nào ở tuổi 90 vẫn có công bố quốc tế như giáo sư Hoàng Tụy. Kể từ năm 1959, khi công bố những bài báo đầu tiên về lý thuyết hàm thực trong báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đến năm 2017, giáo sư Hoàng Tụy đã có 171 công trình xuất bản trên các tạp chí toán học hàng đầu như Mathematical Programming, JOGO, Optimization, Math. Operation Research, JOTA, SIAM J. Optim… Trong lĩnh vực về thuật toán tối ưu, bài báo “Concave programming under linear constraints” đăng trên Soviet Math. 5 (1964), 1437 – 1440 được giới chuyên môn về tối ưu hóa trên thế giới coi là công trình đánh dấu sự ra đời của lý thuyết tối ưu toàn cục tất định, trong đó giáo sư đã đề xuất phương pháp cắt (lát cắt Tụy – Tuy’s cut) để giải bài toán quy hoạch lõm: tìm nghiệm cực tiểu x* của một hàm lõm f trên tập lồi đa diện D. Theo số liệu từ Mathematical Reviews thì công trình về tối ưu toàn cục của ông đã có 1071 số lần được trích dẫn và 827 số người trích dẫn.

Bên cạnh các bài báo, ông còn có ba chuyên khảo rất cơ bản về lĩnh vực tối ưu hóa do một số nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới như Springer, Kluwer, trong đó “Global Optimization – deterministic approaches” đã trở thành cuốn sách kinh điển và được tái bản nhiều lần. Theo đánh giá của nhiều nhà toán học, các công trình nghiên cứu của ông chứa đựng nhiều đóng góp khoa học mang giá trị học thuật sâu sắc, có vai trò đặt nền móng hoặc định hướng hay mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo, đồng thời có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực tối ưu toàn cục.

Nhận định này không phải là những đánh giá nội bộ của “người nhà”. Giáo sư Taketomo Mitsui (Nhật Bản), một trong những nhà toán học từng làm việc với giáo sư Hoàng Tụy, đã nhận xét, “giáo sư Tụy không chỉ là nhà toán học đầy kinh nghiệm mà còn là một nhà khoa học với tầm nhìn quốc tế”1.

Với sự phát triển của toán học Việt Nam, giáo sư Hoàng Tụy cũng đóng một vai trò đặc biệt. Ông đã cùng với giáo sư Lê Văn Thiêm xây dựng nền toán học Việt Nam như ngày nay. Trong buổi lễ kỷ niệm Viện Toán học tròn 45 tuổi vào tháng 4/2015, giáo sư Hoàng Tụy đã phát biểu quan điểm của ông, “xây dựng Viện Toán học thành một viện đàng hoàng, làm ứng dụng thật đàng hoàng trên cơ sở chuyên môn của mình. Viện lấy hội nhập quốc tế làm thước đo trình độ, không say sưa với những nghiên cứu ngoài lề khoa học”.

Ghi nhận những đóng góp đó của giáo sư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến đóng góp “góp phần dẫn dắt Viện trở thành trụ cột của nền toán học Việt Nam cũng như đem lại uy tín quốc tế” và gọi công lao đó là “khai sơn phá thạch”. Ông cũng nhắc đến vai trò quan trọng của giáo sư Hoàng Tụy trong việc khởi xướng và thúc đẩy ứng dụng toán học vào đời sống kinh tế xã hội đất nước như đưa vận trù học vào những năm 1960, 1970, áp dụng lý thuyết toán học vào quản lý kinh tế vào những năm 1980. Đó là tinh thần không tách rời giữa lý thuyết toán học trừu tượng với các bài toán thực tiễn.

Tấm gương của nhiều thế hệ làm khoa học

Trong cuộc đời làm nghiên cứu của mình, giáo sư Hoàng Tụy đã trở thành “tấm gương sáng cho các thế hệ làm toán và nghiên cứu khoa học Việt Nam về tinh thần làm việc khoa học kiên trì, sáng tạo, tự lực, không ngừng học tập; tác phong sư phạm mẫu mực, phương pháp nghiên cứu khoa học tỉ mỉ, chính xác và tinh thần làm việc trung thực” (trích tham luận của giáo sư Nguyễn Khoa Sơn – nguyên Phó Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam).

Khi đã cao tuổi, giáo sư Hoàng Tụy vẫn không ngừng nghiên cứu. Vào những năm 2000, ở tuổi thất thập, giáo sư còn xuất bản công trình nghiên cứu có vai trò đặt nền móng cho hướng phát triển mới của toán tối ưu về lý thuyết tối ưu đơn điệu. Giáo sư Phùng Hồ Hải cho biết, “ít người biết rằng vào tháng 11/2017, trước khi sang tuổi 90, giáo sư Hoàng Tụy vừa có công bố mới trên tạp chí Optimization Letters của nhà xuất bản Springer”.
Luôn cập nhật kiến thức chuyên ngành và quan tâm đến thế hệ trẻ Viện Toán học, giáo sư Hoàng Tụy vẫn luôn đều đặn tham gia các buổi seminar học thuật với Viện vào thứ ba hàng tuần, mặc dù có những thời điểm tưởng chừng không thể có mặt vì lý do sức khỏe.

Trong quá trình nghiên cứu, dù ở cương vị nào, giáo sư Hoàng Tụy vẫn luôn có những ý kiến đóng góp, kiến nghị sâu sắc về khoa học và giáo dục với lãnh đạo đất nước, xuất phát từ “tấm lòng của tôi với khoa học, với đất nước từ thuở thiếu thời đến bây giờ không lúc nào vơi” như lời bộc bạch của ông tại buổi sinh nhật. Giáo sư cho rằng, điều khiến ông “tự thấy hài lòng vì đã làm hết sức mình, còn kết quả [đạt được] thì cũng chừng nào thôi nhưng có điều tôi không ân hận, đó là luôn luôn hết sức thiết tha với khoa học và làm khoa học một cách khiêm tốn, trung thực từ lúc bắt đầu đến nay”.

Cũng với tâm thế đó, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Viện Toán học diễn ra ngay sau lễ mừng sinh nhật, giáo sư Hoàng Tụy đã nêu quan điểm của mình về sự cần thiết của những chính sách thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học nói chung, ngành toán nói riêng để tránh nguy cơ bị tụt hậu. “Nếu chủ quan, chúng ta có thể bị vượt qua trong một ngày không xa”, giáo sư nói.

Đóng góp cho khoa học và giáo dục của giáo sư Hoàng Tụy: 1.Là một trong những chuyên gia hàng đầu về toán tối ưu của thế giới và là người khởi xướng lĩnh vực toán tối ưu toàn cục. 2.Những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học trình độ cao 3. Khởi xướng và thúc đẩy ứng dụng vận trù học vào sản xuất ở VN trong những năm 60-70, thúc đẩy ứng dụng toán học và lý thuyết hệ thống vào quản lý kinh tế trong những năm 80. 4. Nhiều bài viết và góp ý /kiến nghị có giá trị lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc về kế sách phát triển đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.

 

1. http://tiasang.com.vn/-giao-duc/toi-that-su-an-tuong-ve-ong-1558

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)