Hạ tầng thông minh của kinh tế tri thức

Công nghệ thông tin & truyền thông (ICT) là hạ tầng của mọi hạ tầng.   


Mười năm qua, CNTT & TT Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, ngành phần mềm với doanh số tăng hơn 40 lần nhưng bản chất vẫn chỉ là đi làm thuê vì hàm lượng R&D (nghiên cứu và phát triển) trên sản phẩm rất thấp, thậm chí chúng ta chưa biết làm R&D như thế nào. Để có thể bứt phá và vươn ra thị trường quốc tế hay đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT vào năm 2020, thì đòi hỏi ngành công nghiệp phần mềm cần vượt qua được nhiều thách thức. Trong đó, một trong những yếu tố được coi là then chốt để giúp ngành công nghiệp phần mềm bứt phá, từ chỗ đi làm thuê tới chỗ tạo ra giá trị Việt Nam trong sản phẩm chính là R&D.
Tuy nhiên, ngoài việc phải có sự đầu tư thực sự cho R&D, ngành công nghiệp phần mềm và ICT của Việt Nam phải được nhìn nhận trên những tư duy chiến lược toàn diện của một quốc gia hơn là một ngành nghề do 1 Bộ quản lý, điều hành.
Loạt bài viết này về ICT Việt Nam gồm 3 phần chính:
* Chiến lược ICT làm hạ tầng thông minh của kinh tế tri thức
* Các ưu tiên trọng điểm cho ICT Việt Nam đến năm 2020
* Cam kết, đo hiệu quả và theo đến tận cùng chiến lược ICT 2020
Nội dung các bài viết này là quan điểm cá nhân dưới góc độ nghiên cứu của một chuyên gia, kết hợp với các kiến thức chuyên ngành ICT từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Ngoài việc cung cấp thông tin về các định hướng ICT, tác giả còn mong ước mở rộng thành một đề tài chung của nhiều mối quan tâm khác trong xã hội cho công cuộc tri thức hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam tiến lên một tầm cao mới.

Trong quá trình tiến vào nền kinh tế tri thức, mỗi quốc gia tiên tiến đều xây dựng các hạ tầng thông minh trên nền tảng, cơ sở của một số hệ thống cốt lõi – gồm các cấu trúc hạ tầng, các mạng lưới thông tin và truyền thông (TT&TT) và công tác môi trường – xem như các yếu tố trung tâm để điều hành và phát triển đất nước, cụ thể là: các dịch vụ công, khối doanh nghiệp, công dân, giao thông vận tải, thông tin truyền thông, nước và năng lượng.
Hiệu quả và năng suất hoạt động của các hệ thống xác định mức độ thành công theo các mục tiêu đã đề ra của một đất nước. Các hệ thống này không hoạt động rời rạc mà cần phải được quy hoạch, xem xét và giám sát một cách tổng thể lẫn chi tiết.

Chiến lược quốc gia  “thông minh”

Các quốc gia phát triển luôn biết cách xây dựng cho mình các hệ thống hạ tầng có khả năng tự biến đổi, điều chỉnh và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực phù hợp nhất, điều này không hề đơn giản do sự chồng chéo, đan xen nhau của các hệ thống. Có rất nhiều thách thức buộc các quốc gia phải cùng một lúc thực hiện nhiều mục tiêu cụ thể để phục vụ cho công dân của mình. Ví dụ như phải phấn đấu tạo ra một môi trường lành mạnh, nhân ái và an toàn cho cư dân, song song với những nỗ lực trong việc thu hút kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn phát đạt trong một nền kinh tế cạnh tranh mang tính toàn cầu. Bên cạnh đó là trách nhiệm cung ứng một cơ cấu hạ tầng thông minh, hữu hiệu phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Để làm được như vậy, các hệ thống quốc gia phải được vận hành đồng bộ, và cải tiến liên tục, luôn hiệu quả hơn và thông minh hơn.


Các hệ thống hạ tầng cốt lõi & các mối quan hệ nằm trong khung chiến lược và điều hành quốc gia

Trong bối cảnh đó, sự lan tỏa của ngành Công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông có những khả năng thần kỳ giúp đáp ứng các nhu cầu trên đây, đồng thời đẩy mạnh nền kinh tế tri thức, phục vụ cho lợi ích quốc gia qua việc sử dụng công nghệ cao ICT theo các bước như sau:

Số hóa (Instrumentation/ Digitization): tin học hóa toàn bộ hệ thống công việc, điều hành của một quốc gia, chuyển tất cả các hoạt động thành những dữ liệu & đo đếm được. Vào năm 2010, đã có khoảng 1 tỷ giao dịch số (bán dẫn), làm cơ sở phát triển của kỷ nguyên số cho mỗi con người trên Trái đất.

Liên thông (Interconnection): toàn bộ các bộ phận của các hệ thống cốt lõi quốc gia có thể nối kết, thông tin và trao đổi được với nhau. Biến đổi các dữ liệu thành những tập thông tin liên lạc, đồng bộ và kiểm soát được.

Tri thức hóa (Intelligence): khả năng sử dụng các tập thông tin quốc gia đã được tạo ra để phục vụ cho việc sáng tạo, mô hình hóa và chuyển chúng thành tri thức tiên tiến, hiện đại. Tiến hành các hành động cụ thể để đưa các sản phẩm ICT phục vụ cho nhu cầu phát triển của con người.

Kết cấu hạ tầng ICT của quốc gia

Dịch vụ hành chính công quốc gia: hạ tầng ICT phải hỗ trợ hệ thống hành chính công trong tất cả những hoạt động điều hành và cung cấp dịch vụ phối hợp do chính quyền quốc gia cung cấp như điều phối cung ứng giữa các cơ quan khác nhau, cung ứng quỹ công, tiến hành hoạt động quy hoạch các nguồn lực, v.v…  Từng đơn vị, từng dự án phải điều chỉnh dịch vụ theo yêu cầu của từng công dân. Hạ tầng ICT của quốc gia phải ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất để tích hợp các hệ thống thông tin, giúp các cơ quan cung ứng dịch vụ khác nhau nhằm tạo các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cho công dân.

Công dân: một hệ thống quốc gia về công dân liên quan đến toàn bộ các mạng lưới cộng đồng, nhân văn và xã hội. Bao gồm an toàn công cộng (chống cháy nổ, cảnh sát và phục hồi sau thiên tai), y tế, giáo dục và chất lượng cuộc sống. Nhiệm vụ của hạ tầng ICT làm sao giúp các quốc gia sử dụng các dữ liệu thông tin sẵn có phục vụ cho các dự án và mục đích chung, để giải quyết rất nhiều khó khăn về y tế, giáo dục, an ninh và (yêu cầu) nhà ở của công dân.

Có rất nhiều ví dụ về ứng dụng hạ tầng ICT thông minh ở các quốc gia phát triển, giúp phân tích thông tin kịp thời, kịp lúc để giới hạn tội ác và phản ứng nhanh với các nguy cơ mất an toàn công cộng. Một số ví dụ ICT thông minh phục vụ công dân rất thành công như việc lắp đặt hệ thống an toàn công cộng mới tại Chicago, cho phép kiểm tra bằng camera, và phản ứng khẩn cấp nhanh chóng, hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng, hạ tầng ICT và các công cụ phân tích tiên tiến giúp giải mã lượng dữ liệu khổng lồ. Các bác sĩ ở Copenhagen, Đan Mạch có thể nhanh chóng tiếp cận hồ sơ điện tử bệnh nhân, giúp giảm sai sót và tăng hiệu quả chữa trị.

Kinh doanh: một hệ thống quốc gia về kinh doanh liên quan đến các quy định và khung chính sách và bao gồm các quy định kế hoạch, mức độ mở về ngoại thương và đầu tư, pháp chế lao động, và sản phẩm thị trường.

Đẩy mạnh khả năng giao dịch thông tin phải được xem như nhiệm vụ trung tâm trong nền kinh tế hiện đại và chìa khóa cho một quốc gia thông minh

Công việc kinh doanh phải đương đầu với các khó khăn tại nhiều nơi, trong khi quy định lại thường nhập nhằng ở các địa phương khác nhau. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa phải tiết kiệm vừa phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thúc đẩy năng suất cao, đảm bảo kinh doanh hiệu quả. Trong môi trường như vậy, những hệ thống thông minh từ các dịch vụ sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin và thực hiện các quyết định kinh doanh một cách nhanh chóng, kịp thời đón các cơ hội tăng trưởng và gia tăng lợi nhuận. 

Ví dụ như việc đơn giản hóa tiến trình đăng ký điện tử hoạt động kinh doanh tại Dubai nhờ vào hệ thống 1 cửa duy nhất: cho phép đơn giản hóa và tích hợp các thủ tục trong gần 100 dịch vụ công khác nhau. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Dubai, thậm chí trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng.

Giao thông vận tải: một hệ thống bao gồm tất cả các mặt về mạng lưới đường sá, vận tải công cộng, cảng hàng không, cảng biển, quản lý từ nguồn cung đến giá cả.

Các hệ thống vận chuyển người và hàng hóa ở nhiều nước thường bị ngưng trệ do tắc nghẽn, gây thất thoát, hao phí thời gian, nhiên liệu, tài sản của toàn xã hội. Nếu dùng các công cụ ICT thông minh sẽ giúp hạn chế tắc nghẽn, cùng lúc hội nhập mọi cách vận chuyển khác nhau vào nền kinh tế chung. Hạ tầng ICT có thể kết nối các quan hệ kinh doanh với nhu cầu của công dân, và quản lý các mối quan hệ trên các giao diện để có thể xử lý với tốc độ nhanh một cách toàn cục.

Giải pháp Xe thông minh PRT (Personal Rapid Transit) của Tập đoàn FairWood đã chạy thử một năm tại sân bay Heathrow của Anh đang được sáu thành phố tại Ấn Độ triển khai xây dựng, có tác dụng rất hữu hiệu chống nạn kẹt xe và thay thế các hạ tầng giao thông truyền thống. Hệ thống này sử dụng công nghệ ICT điều hành các loại xe thông minh qua vệ tinh GPS. Xe được thiết kế gọn nhẹ chở 4-6 người chạy trên các trục đường ray trên không với hệ điều hành đơn giản theo cách chọn điểm đến giống như cách gửi email qua hệ thống Internet. Hệ điều hành thông minh nhận tin và trong giây lát sẽ xử lý tập tin rồi chọn ra con đường đi nhanh nhất, ngắn nhất để điều khiển xe chạy không dừng trên hệ thống “mạng nhện” của các trạm PRT. Toàn bộ chi phí dự tính cho 1 thành phố tương đương TP. HCM cho 1 triệu lượt người/ngày qua 150 trạm và hơn 2500 xe PRT chỉ bằng một phần năm chi phí xây dựng mạng lưới tàu điện công cộng với dung lượng công năng tương tự. Giải pháp này đang được nghiên cứu tiền khả thi tại Việt Nam và nếu được ứng dụng sẽ giải quyết rất tốt vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm cho các thành phố lớn (của) ở Việt Nam như TP.HCM & Hà Nội. Đây là một ví dụ rất điển hình của giải pháp Hạ tầng thông minh ICT có thể làm hạ tầng của các hạ tầng quốc gia (ở đây là giao thông vận tải).
Một ví dụ khác ở Thụy Điển về ứng dụng hạ tầng thông minh ICT là hệ thống đánh phí điện tử tại các nút tắc nghẽn giao thông xe cộ vào  thành phố Stockhom, với kết quả là trong 1 năm đã giảm 25% mức độ xe vào nội thành và giảm 14% khí thải, tăng lượng bán lẻ lên 6% và gia tăng thêm các khoảng thu nhập khác cho người dân.

Thông tin và truyền thông: một hệ thống bao gồm hạ tầng viễn thông, điện thoại, băng tầng rộng và không dây. Đẩy mạnh khả năng giao dịch thông tin phải được xem như nhiệm vụ trung tâm trong nền kinh tế hiện đại và chìa khóa cho một quốc gia thông minh.

Ngày nay, nhiều quốc gia vẫn chưa tạo được việc kết nối Internet cho công dân của họ, việc lên mạng thường với tốc độ chậm và giới hạn ở rất nhiều nơi. Việc phát triển CNTT & TT ở những nước này sẽ giúp tăng cường lưu chuyển thông tin và quan hệ giao dịch giữa các công dân, các việc kinh doanh và nhiều hệ thống hạ tầng khác nhau vào mối quan hệ nhanh toàn cục.

Ví dụ về dự án tích hợp các hệ thống dữ liệu về các mặt y tế, kinh doanh, nhà ở và chính quyền ở thành phố thông minh Songdo, Hàn Quốc đã cung cấp cho công dân và giới kinh doanh hàng loạt dịch vụ mới, từ tái sinh tự động đến thẻ thông minh toàn diện khi trả tiền và truy cập hồ sơ bệnh án. Nhiều đề án như vậy cũng đã rất thành công tại Ấn Độ, Nhật Bản, và Bắc Âu.

Nước: một hệ thống quốc gia về nước là tiện ích cơ bản bao gồm toàn bộ quy trình nước, cung cấp nước và vệ sinh.

Nguy cơ toàn cầu hiện nay là một nửa lượng nước đã bị phí phạm qua sản xuất và tiêu thụ, trong khi chất lượng nước hiện nay không bảo đảm. Công nghệ ICT có thể phân tích toàn diện hệ sinh thái nước từ sông ngòi, hồ chứa đến máy bơm và ống nước trong nhà, cho phép từng cá nhân đến doanh nghiệp có các chỉ số chi tiết giúp họ ý thức về cách sử dụng nước hữu hiệu hơn.

Hệ thống phát hiện, quản lý, ước đoán về tài nguyên nước ở Galway, Ireland, qua mạng lưới máy dò tìm và phân tích dữ liệu bằng CNTT tiên tiến đã cung cấp kịp thời những thông tin mới nhất cho người sử dụng, từ nhà khoa học, các hoạt động thủy lợi đến những người đánh bắt cá.   

Năng lượng: một hệ thống cũng quan trọng như nguồn lực nước, bao gồm việc sản xuất điện và hạ tầng truyền tải, cũng như giải quyết chất thải.

Trong tình trạng khủng hoảng năng lượng toàn cầu ngày nay, các nguồn năng lượng trên thế giới hiện không an toàn và không bền vững. Hạ tầng lưới điện thông minh tối ưu hóa việc truyền tải điện, cho phép người tiêu dùng phản hồi giá cả lại cho thị trường và nhà cung ứng, góp phần tiết kiệm năng lượng.

Dự án lưới điện thông minh ở Mỹ cho phép các hộ tiếp cận giá cả năng lượng nhằm giúp họ điều chỉnh mức sử dụng phù hợp, theo như một thử nghiệm ở Seattle, đã có tác dụng giảm 15% sự cao điểm trên mạng lưới và trung bình 10% hóa đơn điện.

Tóm lại, nếu đi xuyên suốt qua các ứng dụng CNTT&TT ở nhiều nơi trong các hạ tầng cốt lõi của quốc gia, chúng ta nhận thấy rõ rằng các hệ thống cốt lõi này sau khi được liên thông nhau sẽ giúp tiết kiệm một nguồn lực rất lớn cho toàn xã hội. Tuy nhiên, để thông hiểu một hệ thống và làm cho nó vận hành thông minh hơn, đòi hỏi một quốc gia phải am hiểu được sự liên kết toàn cục và phương cách làm sao để các hệ thống khác nhau hỗ trợ nhau tốt nhất.

Quốc gia là một “hệ thống của các hệ thống”

Các quốc gia thông minh đang sử dụng công nghệ cao để biến đổi những hệ thống cốt lõi của mình và tận dụng tốt các nguồn lực có giới hạn. Các giải pháp ICT thông minh sẽ giúp tạo ra sự đổi mới và cải tiến như là những yếu tố then chốt để đẩy mạnh cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế. Đầu tư vào các hệ thống thông minh hơn cũng là một cách phát triển bền vững, tạo thêm việc làm cho người lao động. Ước tính khi đầu tư 30 tỷ USD vào viễn thông băng rộng và các hệ thống lưới năng lượng thông minh, y tế cộng đồng điện tử, Hoa Kỳ có thể tạo ra hơn một triệu việc làm mới. Thử tưởng tượng nếu các khả năng đó được ứng dụng và nhân rộng tại tất cả các nước trên thế giới, kết quả sẽ rất lớn.

Các hạ tầng được số hóa giúp nhận diện chính xác tình trạng tại các phần khác nhau của hệ thống và có thể đo đạc, phân tích được các khả năng cũng như rủi ro của xu thế sắp đến. Các hệ thống thông minh sẽ giúp các quốc gia ứng phó nhanh chóng và chính xác trước các thay đổi, và đạt được kết quả tốt hơn bằng cách tiên liệu trước các giải pháp tối ưu hóa cho các biến cố tương lai.

Mỗi hạ tầng cốt lõi đều có thể được làm cho thông minh hơn bằng cách dùng lợi thế của khả năng số hóa các hệ thống, giúp đưa ra các quyết định với dữ liệu thông tin chính xác, ít sai số nhất. Vì vậy, các quốc gia phát triển luôn sử dụng ICT như là hạ tầng của hạ tầng. Trong đó, việc giáo dục và nâng cao kỹ năng ICT sẽ là tâm điểm của mọi thành công.

Điều tối quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hạ tầng thông minh là mối quan hệ liên thông giữa các hạ tầng cốt lõi quốc gia phải được ưu tiên quan tâm đầu tư, xây dựng để làm cho “hệ thống của các hệ thống” trở nên thông minh hơn. Không hệ thống nào hoạt động riêng lẻ mà phải phát triển đồng bộ và được giám sát chặt chẽ trong cùng một mạng liên thông. Ví dụ như các hệ thống giao thông vận tải, kinh doanh, và năng lượng phải luôn liên thông rất chặt chẽ vì các hệ thống giao thông vận tải và kinh doanh là những chủ thể chính sử dụng nguồn năng lượng. Kết nối các hệ thống này sẽ mang lại hiệu quả tiết kiệm to lớn và giải quyết được các nguy cơ dài hạn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia. Sự kết nối các hệ thống thông minh về nguồn nước và năng lượng là một ví dụ khác về giá trị liên thông giữa các hệ thống. Tiết kiệm nguồn nước sẽ giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng, vì các hoạt động bơm và xử lý nước luôn đòi hỏi một lượng điện lớn. Ví dụ: tại đảo Malta, một hệ thống tiện ích thông minh thông tin cho người dân và doanh nghiệp các lựa chọn tốt nhất trong việc sử dụng năng lượng và nguồn nước, giúp đưa ra các quyết định tốt hơn trong việc tiêu thụ các nguồn năng lượng sao cho ít tốn kém nhất.

Suy nghĩ đột phá, cách mạng hơn là những thay đổi nhỏ

Những thách thức và nguy cơ về khủng hoảng năng lượng, lương thực toàn cầu đang đe dọa sự tồn tại bền vững khiến các quốc gia không thể chỉ tập trung vào hiệu quả trước mắt. Thay vào đó, phải tạo cơ sở để các thế hệ kế tiếp có thể liên tục thiết lập các hệ thống và giải pháp thông minh hơn. Các hệ thống phải luôn kết nối, liên thông phát triển hỗ trợ lẫn nhau – con người và các chủ thể cũng sẽ tương tác với nhau theo những phương cách hoàn toàn mới. Các hạ tầng được số hóa giúp nhận diện chính xác tình trạng tại các phần khác nhau của hệ thống và có thể đo đạc, phân tích được các khả năng cũng như rủi ro của xu thế sắp đến. Các hệ thống thông minh sẽ giúp các quốc gia ứng phó nhanh chóng và chính xác trước các thay đổi, và đạt được kết quả tốt hơn bằng cách tiên liệu trước các giải pháp tối ưu hóa cho các biến cố tương lai. Điều đó đòi hỏi có những cuộc cách mạng về nhận thức của giới lãnh đạo hơn là các thay đổi nhỏ, manh mún.

Đừng quên cách nhìn vĩ mô

Khi liên thông giữa các hệ thống khác nhau có nghĩa là sẽ có các hạ tầng cần phải được ưu tiên đầu tư, xử lý tùy theo tình trạng của mỗi quốc gia, nhưng “giải quyết từng cái một” không phải là một lựa chọn tốt nhất cho tương lai. Thách thức và nguy cơ cho sự phát triển bền vững đến từ nhiều góc cạnh khác nhau và đòi hỏi một chiến lược toàn diện liên quan đến tất cả các yếu tố của hệ thống và cơ chế phản hồi.  

Các quốc gia phát triển  luôn sử dụng ICT như là hạ tầng của hạ tầng. Trong đó, việc giáo dục và nâng cao kỹ năng ICT sẽ là tâm điểm của mọi thành công.

Một tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cao nhất đặt CNTT & TT như là nền tảng tri thức để xây dựng hạ tầng thông minh cho tất cả các cơ cấu hạ tầng trong nền kinh tế quốc dân, là quyết định rất quan trọng để tạo sự thay đổi mang tính đột phá.

Kinh nghiệm của Singapore trong 3 thập niên vừa qua là một tấm gương về cách thức xây dựng lên một quốc gia tri thức trên nền tảng ICT. Từ chỗ thua thiệt về tài nguyên và nguồn lực, lãnh đạo Singapore đã biết dùng những đầu tư đột phá vào công nghệ cao, hiện đại hóa, tri thức hóa để thu hút nhân tài của cả thế giới tụ về. Singapore đã phát triển nền kinh tế một cách toàn diện, nâng cấp chất lượng sản phẩm/dịch vụ quốc gia và tiến tới việc đưa ra những phát minh, sáng tạo thông minh bậc nhất trên hành tinh này.
————
* Giám đốc Chiến lược Tập đoàn FPT

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)