Hạn hán ở Việt Nam: Đâu chỉ mỗi chuyện thiếu nước, hụt mưa?

Hạn hán, những sự kiện thời tiết cực đoan từng diễn ra khốc liệt ở Việt Nam khôn nguôi thôi thúc người ta nghĩ về tương lai với câu hỏi “Liệu chúng ta có phải tiếp tục nếm trải những hiện tượng đó, trong dài hạn”?

Ông Huỳnh Văn Lợi, một trong số nhiều nông dân ở ĐBSCL, phải hứng chịu thiệt hại trong đợt hạn hán năm 2016. Nguồn: USAToday.

Mùa hè năm nay, khi đại dịch đã tạm lắng, người ta trông chờ vào một quãng thời gian có thể tạm ngơi nghỉ, giải tỏa căng thẳng. Nhưng có lẽ, không mấy người toại nguyện bởi sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng đã gia nhiệt thêm cho nỗi bấp bênh hậu đại dịch ở rất nhiều nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Á.

Ở Việt Nam, may mắn thay, tạm nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đó. Trong một năm khí hậu chịu tác động của hiện tượng La Niña như năm 2022 này, có lẽ người ta chỉ nên nghĩ về mưa bão, lốc xoáy, áp thấp nhiệt đới hơn là hạn hán. Thế nhưng lòng người hẳn chưa hết nguôi ngoai khi nhớ về hai đợt hạn hán mới chỉ cách đây vài năm, 2015-2016 và 2019-2020. Không riêng tiếng kêu cứu hạn mặn từ vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, những vùng cao như Hà Giang, Tuyên Quang, Gia Lai, Lâm Đồng… cũng lâm vào cảnh suy kiệt nước. Dường như, không ai kịp trở tay trước một sự kiện thời tiết cực đoan như thế.

Vậy có quá vô vọng nếu trong một vài năm tới, chu kỳ El Niño quay trở lại? Cũng không hẳn vậy, nếu nhìn về quá khứ và lắng nghe sự mách bảo của nó, chúng ta vẫn có thể hình dung phần nào bóng dáng của rủi ro phía trước để có thể tự định đoạt cách chống chịu chứ không đơn thuần phó thác cho tự nhiên. “Việc biết được quy luật khí hậu trong quá khứ sẽ giúp ích cho bài toán dự báo”, giáo sư Phan Văn Tân, một chuyên gia về dự báo hạn mùa ở khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, cho biết.

Thật ra, với những hiện tượng phức hợp nằm ở biên giới của hỗn độn và trật tự như khí hậu, không dễ phát hiện được quy luật vận hành của chúng. Đôi khi, phải mất hàng thập kỷ để tìm cho ra quy luật ẩn giấu giữa nhằng nhịt những yếu tố tác động, và mỗi yếu tố này tự nó cũng biến thiên không ngừng.

Đó là điểm khó mà giáo sư Phan Văn Tân và cộng sự mới bước qua, trong một khía cạnh của khí hậu – hạn hán.

Hạn hán, hơn cả một bài toán khó

Có lẽ, hiếm thấy nơi nào dồn nén âu lo về mùa màng, mưa nắng hơn Việt Nam, “Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”. Ngay từ nhiều thế kỷ trước, hạn hán đã là nỗi khiếp sợ của dân chúng bởi năm có hạn hán thì dễ lâm vào mất mùa, đói kém, ly tán, tha hương… Đó là lý do trong những triều đại phong kiến trước đây, nhà vua ngoài trị nước, bình thiên hạ cũng tự mình lên đàn cầu mưa. Các sử gia đã cẩn thận ghi lại từng sự kiện. “Mùa hạ, tháng 4, hạn. Vua trai giới ăn chay cầu đảo, được mưa” (năm 1128), “Tháng 6, hạn, làm lễ cầu mưa” (năm 1130), “Tháng 5, hạn, cầu đảo được mưa to” (năm 1131), theo Đại Việt Sử ký Toàn thư Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục 1

“Nghiên cứu về hạn hán ở Việt Nam, từ trước đến nay, mới chỉ quan tâm đến có hạn hay không có hạn chứ chưa quan tâm mấy đến các đặc trưng của hạn, độ dài của đợt hạn, độ khắc nghiệt, cường độ, phạm vi không gian của hạn…” (Giáo sư Phan Văn Tân).

Cũng theo sử sách thì bốn thế kỷ dưới hai triều Lý – Trần ghi nhận 38 lần hạn hán, không mưa, trong đó thời Lý 21 lần, thời Trần 17 lần, nhưng đều là ghi lại những sự kiện đã xảy ra, đã thấy. Với những giới hạn của hiểu biết và công cụ thì không ai, ở thời điểm đó, có thể dự báo được sự kiện thời tiết cực đoan này.

Cho đến gần đây, cũng giống những hiện tượng thời tiết khác như lốc xoáy, bão nhiệt đới…, thật khó dò trước hạn hán theo nghĩa nắm bắt được nhiều thông tin về nó, ngay cả khi được trang bị công cụ hỗ trợ như hệ thống quan trắc khí tượng tiên tiến, hệ máy tính hiệu năng cao và các mô hình số trị. Câu chuyện về hạn hán – sự thiếu hụt lượng mưa so với trung bình ở một vùng đất trong một chu trình thời gian – phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta vẫn nghĩ. Bởi có thể suy ra một cách đơn giản có hạn hán là do thiếu mưa nhưng cơ chế dẫn đến mưa liên quan đến vô vàn yếu tố và quá trình diễn ra trong khí quyển như độ ẩm, nhiệt độ, gió, sự bốc hơi và ngưng kết hơi nước… Nếu ngước mắt nhìn lên bầu trời, có thể chỉ thấy không gian gần như trong suốt, thêm vào là những tầng mây lơ lửng song trên thực tế, cả bầu khí quyển là một hệ hỗn loạn và chuyển động không ngừng – một thay đổi nhỏ về trạng thái của khí quyển tại nơi này cũng có thể ảnh hưởng đến nơi khác.

Dù liên quan đến mưa nhưng thường rất khó xác định khi nào hạn bắt đầu hoặc kết thúc. Một khi đã phát hiện được hạn thì có nghĩa là nó đã tồn tại và gây ra tác động. Hạn có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm. Đôi khi, có thể tồn tại cả thập kỷ. “Cái khó trong nghiên cứu về hạn còn ở chỗ không thể quan trắc được nó. Giống như nắng nóng, chỉ khi nhiệt độ cao đến một mức độ nào đó thì người ta mới cảm nhận được. Hạn cũng vậy, thiếu mưa thì đã đành nhưng thiếu ở một ngưỡng nhất định mới được coi là hạn”, giáo sư Phan Văn Tân cho biết.

Hồ Đankia (Lạc Dương, Lâm Đồng) có độ sâu trung bình 6 m nhưng vào năm 2021, lòng hồ đã cạn trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt. Nguồn: Zing

Biến đổi khí hậu mang màu sắc mới cho hạn hán. Bởi nó dẫn đến hệ quả là sự phân bố lại năng lượng trên toàn bộ hệ thống Trái đất, qua đó làm biến đổi các trung tâm tác động, làm thay đổi chế độ hoàn lưu của khí quyển và đại dương. Như hiệu ứng domino, sự thay đổi hoàn lưu khí quyển và đại dương làm biến đổi lượng nước bốc hơi từ bề mặt, nghĩa là thay đổi cơ chế tạo ra mưa. “Sự biến đổi của mưa cực kì phức tạp, không phải chỗ nào cũng giống chỗ nào, có những vùng hiện đang khô hạn, lượng mưa có thể giảm, nguy cơ từ vùng khô hạn biến thành sa mạc, ngược lại, có những vùng cũng khô hạn nhưng lượng mưa tăng nên, có thể tạo ra vùng có khí hậu ẩm ướt hơn, cây cối mọc nhiều hơn”, giáo sư Phan Văn Tân giải thích trong một cuộc trao đổi vào bốn năm trước, khi bắt tay vào nghiên cứu về hạn.

Gắn với hạn hán, câu chuyện về mưa có thể khiến người ta bối rối. “Lượng mưa tăng không có nghĩa là giảm hạn, bởi tăng lượng mưa năm nhưng trong một vài tháng, lượng mưa vẫn hụt so với trung bình thì hạn vẫn có thể xảy ra”, ông bổ sung.

Giống mỗi mũi khoan vào lòng đất, tùy theo độ sâu mà lộ diện từng hệ tầng địa chất được hình thành theo thời gian, càng nghiên cứu về hạn hán thì càng thu về nhiều lớp thông tin hữu ích nằm dưới các hiện tượng bề mặt. Tuy nhiên, có một thực tế là “nghiên cứu về hạn hán ở Việt Nam, từ trước đến nay, mới chỉ quan tâm đến có hạn hay không có hạn chứ chưa quan tâm mấy đến các đặc trưng của hạn, độ dài của đợt hạn, độ khắc nghiệt, cường độ, phạm vi không gian của hạn,…”, giáo sư Phan Văn Tân nói.

Vậy thì người ta có thể trông chờ gì ở dự báo?

Đi tìm đặc trưng của hạn hán

Bất chấp “cuộc cách mạng thầm lặng” diễn ra trong các trung tâm dự báo thời tiết – khí hậu, vẫn còn quá nhiều thách thức trong dự báo những thứ vốn gần như không thể dự báo. Nhưng xét ở góc độ nào đó thì cái khó nắm bắt, dù trong quá khứ hay giả định ở tương lai, cũng đầy sức hấp dẫn. Càng khó thì càng kích thích người ta phải vật lộn để lý giải bằng được.

Mỗi năm ở Việt Nam xảy ra nhiều nhất khoảng 1,5 đợt hạn 3 tháng; hạn sáu tháng, tần suất giảm chỉ còn từ 10-12 đợt/thập kỷ và giảm còn khoảng 6-8 đợt/thập kỷ đối với hạn 12 tháng. Như vậy, trung bình mỗi năm chỉ xảy ra khoảng một đợt hạn sáu tháng và khoảng hai năm một lần có thể xuất hiện một đợt hạn 12 tháng.

Đó cũng là một trong những động cơ thúc đẩy giáo sư Phan Văn Tân và các cộng sự trẻ dành cả 4, 5 năm để lần theo manh mối và phân tích chúng. Khi có trong tay bộ công cụ đủ tốt và suy nghĩ đủ sâu thì hẳn dữ liệu sẽ lên tiếng? Ồ không hẳn, thống kê và phân tích chỉ thực hiện được trên dữ liệu đủ tốt. Thông thường, số liệu thu thập từ các trạm quan trắc là số một. Nếu chuỗi số liệu càng dài thì bức tranh càng đầy đủ về thời gian, nếu số trạm càng nhiều thì bức tranh càng chi tiết về không gian. Rất khó có được điều kiện lý tưởng như vậy ở Việt Nam. Đó có phải là một trong các lý do khiến người ta biết quá ít về hạn hán? “Ở Việt Nam, ít nhất từ cuối những năm 1990 đến nay, mỗi năm ít nhất có một đề tài hoặc dự án về hạn được thực hiện, không ở nơi này thì ở nơi kia, không do cơ quan này thì cũng cơ quan khác, không cấp nhà nước thì cấp bộ, cấp tổng cục, cấp viện cấp trường gì đó. Nhưng nói chung, kết quả chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chúng ta vẫn chưa có các bản tin dự báo hạn mang tính nghiệp vụ, thông tin cảnh báo cũng chỉ mới chung chung nên người dân thờ ơ”, theo giáo sư Phan Văn Tân. Một ví dụ là trước đợt hạn 2015-2016, căn cứ vào hiện tượng El Niño, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã cảnh báo sẽ có hạn ở ĐBSCL nhưng không nói được hạn sẽ xảy ra vào lúc nào. Do đó, cả người dân và chính quyền không ai quan tâm cho đến khi hạn tác động xấu đến toàn vùng. Kết quả là tất cả rơi vào thế bị động trong ứng phó với hạn.

Nói “trời không phụ lòng người” cũng đúng mà biết “liệu cơm gắp mắm” cũng chẳng sai. Rút cục thì ông và các cộng sự trẻ đã chọn được một khung thời gian phù hợp (giai đoạn 1980-2018), và chuỗi số liệu quan trắc nhiệt độ, lượng mưa theo tháng từ mạng lưới trạm khí tượng trên khắp đất nước. Câu chuyện về hạn hán ở Việt Nam được dần xây đắp, không từ một phòng thí nghiệm “oách xà lách” như người ta vẫn tưởng tượng mà ngay trên hệ máy tính thầy trò gom góp được qua nhiều đề tài. Nhưng nó có gì hấp dẫn? Ồ, bản thân việc “nhìn” rõ cường độ hạn hán, tần suất xuất hiện, độ dài các đợt hạn, khoảng thời gian giữa các lần các đợt hạn xuất hiện, mức độ khắc nghiệt cũng như mối quan hệ giữa nó với các quá trình khí hậu quy mô lớn chẳng quá đáng kể ư?

Cống lấy nước từ sông Đà vào Trạm bơm Trung Hà, huyện Ba Vì cạn trơ đáy. Nguồn: Hà Nội mới.

Bức tranh hạn hán ở Việt Nam, vì thế, đã hiện lên, rõ nét ở các quy mô thời gian khác nhau, phản ánh khoảng thời gian mà mưa tích lũy bị thiếu hụt: hạn ba tháng tương ứng với hạn nông nghiệp nói chung; hạn 12 tháng tương ứng với hạn thủy văn vì sự tích lũy hoặc hao hụt nước trong khoảng 12 tháng có thể ảnh hưởng đến lưu lượng dòng chảy, mực nước sông ngòi; hạn sáu tháng được xem là “cầu nối” giữa hạn nông nghiệp và hạn thủy văn (quy mô thời gian hạn là khoảng thời gian để xem xét lượng mưa tích lũy có thiếu hụt so với trung bình hay không). Khi thiếu nước trong khoảng thời gian này, tác động của hạn đối với đời sống kinh tế xã hội có thể trở nên nghiêm trọng. “Quy mô thời gian của hạn càng ngắn thì tần suất đợt hạn càng lớn”, giáo sư Phan Văn Tân nhận xét. Trong bức tranh này, tần suất hạn ba tháng là khoảng 14-18 đợt/thập kỷ, nghĩa là mỗi năm ở Việt Nam xảy ra nhiều nhất khoảng 1,5 đợt hạn; hạn sáu tháng, tần suất giảm đi chỉ còn từ 10-12 đợt/thập kỷ và giảm còn khoảng 6-8 đợt/thập kỷ đối với hạn 12 tháng. Như vậy, trung bình mỗi năm chỉ xảy ra khoảng một đợt hạn sáu tháng và khoảng hai năm một lần có thể xuất hiện một đợt hạn 12 tháng.

Nếu nhìn vào quá khứ, có thể thấy độ khắc nghiệt của hạn ở các vùng: phía Bắc, nhất là Bắc Trung Bộ, phải hứng chịu nhiều rủi ro hạn hơn với Nam Bộ và Tây Nguyên. Độ dài hạn cũng lớn hơn, có thể tới trên 6 tháng/năm. Dù tần suất hạn trong các tháng mùa khô cao hơn các tháng mùa mưa, nhưng hạn có thể xuất hiện ngay cả vào mùa mưa. “Dĩ nhiên, dễ nhận thấy tác động của hạn vào mùa khô khốc liệt hơn và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn. Nhưng hạn trong những tháng mùa mưa cũng làm gia tăng tính khắc nghiệt của hạn vào mùa khô do thiếu hụt lượng mưa bổ sung cho đất cũng như nước bổ cập cho các bể nước ngầm”, giáo sư Phan Văn Tân nói.

Quy luật của hạn được bóc tách. Vào thời kỳ có El Niño, không gian của hạn có xu hướng mở rộng hơn, nhất là phía Nam. Hạn vẫn có thể xảy ra vào những năm La Niña và năm trung tính (Neutral) nhưng phạm vi của hạn thường nhỏ. Có lẽ, một trong những thông tin quan trọng rút ra, theo ông là “giữa hạn hán ở Việt Nam với hiện tượng ENSO (El Niño/dao động Nam) có mối quan hệ nhất định. Các chỉ số đặc trưng cho ENSO liên quan chặt chẽ với hạn trên các vùng Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”. Mặt khác, do Việt Nam trải dài trên những vùng khí hậu khác nhau nên nguyên nhân gây ra hạn ở các vùng phía Bắc khác với phía Nam. Vì nó liên quan đến sự khác biệt trong cơ chế gây mưa hay nhiệt độ ư?.“Vấn đề này sẽ cần đến những nghiên cứu khác sâu hơn”, ông mỉm cười.

Vậy bức tranh trong quá khứ, rút cục, có ý nghĩa gì với tương lai?

Ích gì, quá khứ?

Sự biến thiên của hạn theo thời gian mang dáng dấp đặc biệt bởi sự liên kết quá khứ – hiện tại – tương lai vừa chặt chẽ lại vừa lỏng lẻo. Hạn hán đã qua liên quan nhiều đến biến đổi của lượng mưa và nhiệt độ nhưng mối tương quan này có lặp lại ở các mốc thời gian khác? Trong khí hậu, có thể dự báo được hạn khi dựa vào những gì đã biết trong quá khứ, ví dụ, có thể dự báo trong thời gian tới (vài tháng cho đến một năm tới) hạn có xuất hiện hay không khi dựa vào mối quan hệ nhân quả giữa El Niño và hạn hán đã biết trong quá khứ, giáo sư Phan Văn Tân nói nhưng lưu ý “tình trạng hạn thì vùng này có thể khác vùng kia”.

Hạn hán không chỉ có một loại mà nhiều loại với những mức độ tác động đến môi trường xung quanh khác nhau. Loại thứ nhất là hạn khí tượng – hụt lượng mưa so với trung bình nhiều năm, dẫn đến sự mất cân bằng giữa lượng nước tích lũy trong đất và nhu cầu nước của cây trồng, do đó dẫn đến loại thứ hai là hạn nông nghiệp. Khi sự thiếu hụt nước kéo dài dẫn đến hạ thấp mực nước sông suối sẽ dẫn đến hạn thủy văn. Và khi sự thiếu hụt mưa dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt thì đó là hạn kinh tế xã hội, đây cũng là lúc cả xã hội đều nếm trải tác động của hạn.

Hạn khí tượng là nguồn gốc của ba loại hạn còn lại, đặc biệt hạn kinh tế xã hội, nhưng thật khó để “bắt” được nó.

Vậy còn tương lai? Đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Ai mà nắm bắt được tương lai? Nếu “tương lai” một vài ba tháng tới, vài ba năm tới thì có thể dự báo nhưng tương lai trong vài ba chục năm tới thì phải dựa vào các kịch bản dự tính khí hậu. Có điều, bất chấp các mô hình khí hậu có khả năng tái hiện các quá trình diễn ra trong khí quyển ngày một chính xác hơn và được chạy trên những siêu máy tính tốc độ ngày một nhanh hơn, kết quả dự tính khí hậu tương lai có tính bất định rất lớn. “Kịch bản là bức tranh tưởng tượng được xây dựng trên cơ sở những giả định, suy luận có lý, nó có thể xảy ra cũng có thể không. Vì vậy, phải đưa ra nhiều phương án với nhiều giả thuyết khác nhau để xem xét còn trong tương lai, cái nào xảy ra, cái nào không xảy ra thì có trời mới biết được”, ông giải thích. Điều này khiến người ta cảm thấy choáng váng, giống cảm giác của Ryszard Kapuściński “tôi vừa đọc ở đâu đó rằng có tới hơn tám mươi bản dịch tiếng Anh của Đạo Đức kinh và tất cả đều chính xác, đáng tin cậy, nhưng đồng thời lại hoàn toàn khác nhau!”2.

Nhưng chí ít, các kịch bản cho ta thấy, một tương lai hạn hán sẽ xuất hiện ở Việt Nam, vào giữa và cuối thế kỷ, đặc biệt ở các vựa lúa ĐBSCL và ĐBSH. Vậy hạn trong tương lai có khốc liệt hơn quá khứ? “Thực tế mà nói thì không thể so sánh được quá khứ và tương lai xa, quá khứ đã qua còn tương lai trong trường hợp này chỉ là giả định, tức theo các kịch bản. Trong quá khứ nó xảy ra như thế, ở vùng miền Trung trong thời gian vừa qua hoặc một số vùng khác hạn tương đối nặng và khốc liệt; khi dự tính bằng các mô hình, người ta thấy là lượng mưa tăng lên trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Nhưng lượng mưa tăng lên không có nghĩa là hạn giảm”, giáo sư Phan Văn Tân cho biết và lưu ý giả định ở đây phụ thuộc vào mức phát thải khí nhà kính trong tương lai. Tính bất định của các kịch bản phát thải trong tương lai cũng như của các mô hình có thể dẫn đến kết quả dự tính không đúng với thực tế sẽ diễn ra.

Trước khi lật những lá bài tarot, ai biết mặt dưới sẽ là gì. Ở một khía cạnh nào đó thì dự tính cũng vậy. Điều có thể biết, ở thời điểm này, là hạn hán mang tính dai dẳng. Hệ quả của nó có thể không nhìn thấy trong một vài năm, thậm chí hàng chục năm sau, và rất khó lường. Sự thiếu hụt về lượng mưa có thể dần dần dẫn đến giảm độ ẩm đất, giảm lượng nước ngầm, thu hẹp các dòng chảy và nghiêm trọng hơn, thiệt hại mùa màng cũng như tình trạng thiếu nước sinh hoạt. “Ba phần tư thảm họa tự nhiên trong vòng 20 năm qua đều liên quan đến nước”, David Boyd, chuyên gia Liên Hợp Quốc về quyền con người và môi trường cho biết như vậy.

Mặc dù trước đây, người ta vẫn quan tâm đến lũ lụt hay bão hơn nhưng hiện tại, hạn được xác định là sự kiện khí hậu cực đoan gây thiệt hại về tiền của thứ nhì, chỉ sau bão nhiệt đới. Nếu nhìn rộng ra, hạn dẫn đến khan hiếm nước, điều đó có nghĩa làm giảm khả năng tiếp cận nước và tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nước. Hiện tại, thiếu nước đã trở thành rủi ro mang tính hệ thống trên toàn cầu. Các nhà khoa học đã phát hiện ra 2/3 dân số toàn cầu (4 tỉ người) – chủ yếu ở Ấn Độ và Trung Quốc, sống thiếu nước trầm trọng ít nhất một tháng trong năm 3. Sự khan hiếm nước và các thảm họa về nước ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái và an ninh lương thực. Hạn hán năm nay ở Ý, dù đang diễn ra nhưng đã được dự báo sẽ giáng cú đòn rất mạnh vào nền nông nghiệp nước này: ước tính nông dân trồng lúa risotto sẽ mất 30% sản lượng, nghĩa là thiệt hại khoảng 3 tỉ USD4.

Dĩ nhiên, người làm nông Việt Nam ở hai vựa lúa ĐBSCL và ĐBSH sẽ tạm gác mối lo này lại, trong năm nay. Nhưng còn những năm tới? Không dễ trả lời, cũng như không dễ so sánh thiệt hại trong quá khứ với tương lai, bởi đó là tình huống sẽ tới ở rất nhiều lĩnh vực, không chỉ nông nghiệp. Xét ở lĩnh vực năng lượng, thủy điện cung cấp gần 30% sản lượng điện cho Việt Nam (số liệu năm 2020), hụt nước sẽ ảnh hưởng đến điện tiêu dùng, sản xuất. Nhưng thủy điện thì đâu chỉ làm ra điện, thủy điện còn tích nước phục vụ tưới tiêu mùa khô, cắt lũ – giảm lũ ở hạ du mùa mưa.

Câu chuyện về hạn không ngừng mở rộng ra theo phạm vi tác động. Có quá nhiều yếu tố gia nhiệt cho nó, ví dụ hiện tượng thay đổi dòng chảy các con sông lớn như sông Hồng, sông Mekong, đáy sông đã sâu hơn và mực nước xuống thấp so với trước đây, một phần do nạn khai thác cát trộm, phần do cát sỏi phù sa đã bị giữ lại ở các đập thượng nguồn. Điều đó dẫn đến việc “vào mùa cạn, các hồ chứa đã xả nước tối đa cho người làm nông đổ ải nhưng mực nước vẫn không đạt được con số 2,2m như quy định”, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải báo cáo tại phiên họp Hội đồng Tổ tư vấn KH&CN về An toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà năm 2019. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, lượng nước lấy được ở hạ du ngày càng giảm, chỉ đạt 67% vào năm 2017 và xấp xỉ 14% năm 20195. Vậy giải pháp là gì? Tính toán tối ưu lượng xả nước trên sông Hồng hay nâng đập tạm, nâng cấp trạm bơm? Với một lượng trạm bơm dọc hệ thống sông Hồng, việc nâng cấp sẽ rất tốn kém. Nghĩa là lại phát sinh một bài toán khác!

Có cách nào để chống hạn không? Đáng tiếc là không. “Chúng ta chỉ có thể làm giảm tác động của hạn chứ không thể chống hạn, không có cách nào chống được”, giáo sư Phan Văn Tân nói.

Trong thời gian gần đây, người ta quan tâm nhiều hơn đến tính thích ứng (adaptation) và sức chống chịu (resilience). Không tự dưng mà có được điều này, tất cả phải được chuẩn bị. Theo tính toán của Cơ quan quản lý Tình trạng khẩn cấp Mỹ (FEMA), mỗi USD đầu tư cho kế hoạch giảm thiểu nguy cơ rủi ro tự nhiên sẽ giữ được bốn USD trong dài hạn. Do đó, cần phải nghĩ đến nhiều bài toán liên quan đến hạn hán và tương lai có thể đến mà khoa học có thể giải quyết: tối ưu khai thác nước ngầm (đến đâu là đủ an toàn và hợp lý để tránh lún?), nâng cấp và vận hành tối ưu hệ thống cơ sở hạ tầng về nước (cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất…), tìm giống cây – con có khả năng chịu hạn, chịu mặn (tỷ lệ sử dụng nước trong nông nghiệp chiếm 80%), tăng độ chính xác trong dự báo mưa – nhất là dự báo trước 7, 8 ngày, dự báo mưa trên khu vực nhỏ cho tích nước hồ chứa…

Có lẽ, những điều này sẽ góp phần làm giảm hạn và hệ quả của hạn, ngay cả trong một tương lai bất định chăng?□
——-

Từ đề tài “Đánh giá sự biến đổi của các đặc trưng hạn hán trên khu vực Việt Nam và Đông Nam Á”(NAFOSTED) do giáo sư Phan Văn Tân chủ trì, đã có ba bài báo quốc tế và hai bài báo trong nước, đó là “Drought over Southeast Asia and its association with large-scale drivers” (Hạn hán ở Đông Nam Á và mối quan hệ giữa nó với các quá trình quy mô lớn), tạp chí Journal of Climate; “Projected Evolution of Drought Characteristics in Vietnam Based on CORDEX-SEA downscaled CMIP5 data” (Dự tính sự biến đổi của các đặc trưng hạn hán ở Việt Nam dựa trên sản phẩm hạ quy mô số liệu CMIP5 của dự án CORDEX-SEA), tạp chí International Journal of Climatology; “Space–time variability of drought over Vietnam” (Sự biến thiên theo không gian và thời gian của hạn hán ở Việt Nam) tạp chí International Journal of Climatology; “Projected future changes in drought characteristics over Southeast Asia” (Dự tính sự biến đổi trong tương lai của các đặc trưng hạn hán ở Đông Nam Á), tạp chí Vietnam Journal of Earth Sciences; “Investigation of Drought Characteristics Across Vietnam During Period 1980-2018 using SPI and SPEI Drought Indices” (Khảo sát các đặc trưng hạn hán ở Việt Nam giai đoạn 1980-2018 bằng các chỉ số hạn SPI và SPEI), tạp chí VNU Journal of Science: Earth and Environmental Sciences.

———

1. http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khi-hau-voi-su-hung-thinh-cua-hai-trieu-dai-ly-tran-29832/

2. Nhà báo, nhà văn người Ba Lan, viết trong cuốn Du hành cùng Herodotus (Nguyễn Thái Linh dịch, Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008)

3. https://www.science.org/doi/10.1126/sciadv.1500323

4. https://www.nationalgeographic.com/environment/article/extreme-drought-threatens-italy-rice-crops-and-its-beloved-risotto

5. https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/he-thong-thuy-dien-tren-bac-thang-thuy-dien-song-da-nhung-giai-phap-trong-boi-canh-moi/20200625090524463p1c785.htm

Tác giả

(Visited 14 times, 2 visits today)