Hành trình Không gian

Phi hành gia Scott Kelly kể lại hành trình một năm trên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong trích đoạn từ hồi ký của ông, Endurance: Trong 340 ngày liên tục, Scott Kelly tự biến bản thân mình thành đối tượng của một thí nghiệm khoa học. Kelly (hình bên dưới, trong một bức ảnh tự chụp trên trạm vũ trụ với góc nhìn về phía Trái đất) dưới sự giám sát của các nhà nghiên cứu, đã giúp họ tìm hiểu cách phản ứng và thích ứng của cơ thể với những điều kiện khắc nghiệt trong không gian – hướng đến mục tiêu khám phá Hệ Mặt trời tương lai. Sau ba lần đi bộ ngoài không gian, 5440 lần bay vòng quanh Trái đất và 144 triệu dặm trên trạm vũ trụ, ông trở về nhà vào tháng 3 năm 2016. Dưới đây là những chia sẻ của ông về các thử thách thể chất và tinh thần của những chuyến du hành không gian dài ngày.


Phi hành gia Scott Kelly trên ISS (Nguồn: National Geographic).

Nhìn xuống hành tinh này ở khoảng cách 200 dặm trong không gian, tôi được trải nghiệm Trái đất với những xúc cảm mà không mấy ai được có khi nhìn xuống các đường bờ biển, các địa hình, những ngọn núi, dòng sông. Một vài phần của thế giới, đặc biệt là ở châu Á, bị không khí ô nhiễm che phủ đến mức trông ốm yếu, chúng cần được chữa trị hay ít nhất có một cơ hội được tự hồi phục. Đường khí quyển ở chân trời như một tấm kính áp tròng trên bề mặt nhãn cầu, mong manh như đang khẩn thiết đòi hỏi sự bảo vệ từ chúng ta. Một trong những góc nhìn về Trái đất ưa thích của tôi là từ phía trên Bahamas, một quần đảo lớn với sự tương phản tuyệt vời giữa những mảng màu sáng tối. Màu xanh sâu thẳm của đại dương trộn lẫn với một màu ngọc lam sáng hơn rất nhiều, xoáy cuộn với màu gì đó gần như vàng ròng khi ánh sáng mặt trời phản xạ lại từ bãi cát nông hoặc đá ngầm. Cứ phi hành đoàn nào mới đến ISS là tôi chắc chắn sẽ đưa họ tới Cupola – một môđun làm hoàn toàn bằng kính để nhìn xuống Trái đất – để thấy Bahamas. Quang cảnh ấy luôn nhắc nhở tôi dừng lại và thưởng thức một góc nhìn về Trái đất mà tôi có đặc ân được trải nghiệm.
Đôi lúc khi đang nhìn qua khung cửa, đột nhiên tôi nhận ra hầu như mọi thứ quan trọng với mình đang ở dưới đó, bao gồm tất cả những người đang sống hay đã khuất (trừ sáu phi hành gia trong đội của tôi). Dĩ nhiên, những lúc khác tôi lại cảm thấy rằng ngay trong hiện tại, mọi người trên trạm là toàn thể nhân loại đối với tôi. Nếu tôi chuẩn bị nói với một người bằng xương bằng thịt, nhìn vào mắt ai, nhờ ai đó giúp đỡ, chia sẻ bữa cơm với ai đó, thì đó chỉ có thể là một trong số năm người này.

Đây là hành trình thứ tư của tôi vào không gian, lần thứ hai với ISS và giờ tôi đã ở đây được ba tuần. Tôi đã biết rõ hơn mình ở đâu khi mới thức dậy, nhưng tôi vẫn thường mất phương hướng khi xác định tư thế của cơ thể mình. Khi thức dậy tôi tin rằng mình đang lộn ngược, bởi vì trong bóng tối và trong một không gian nhỏ không có trọng lực tai trong của tôi chỉ có thể đoán mò về tư thế cơ thể mình. Khi bật đèn lên, tôi có ảo giác rằng căn phòng đang quay nhanh, như thể nó đang tự định hướng lại quanh tôi, mặc dù tôi biết rằng thực ra chỉ là não tôi đang tự điều chỉnh lại để phản ứng trước những tác động lên các giác quan.

Mỗi phòng của phi hành đoàn chỉ đủ để chứa bản thân tôi và túi ngủ, hai máy tính xách tay, một vài bộ quần áo, đồ vệ sinh cá nhân, những bức ảnh Amiko (bạn gái lâu năm) và các con gái tôi, cùng một vài cuốn sách. Không rời khỏi túi ngủ, tôi bật một trong hai máy tính gắn trên tường và nhìn lên lịch làm việc. Hầu hết công việc trong ngày hôm nay là tiếp tục với một nhiệm vụ dài hơi gọi là bắt rồng.


Một tàu không gian đưa các trang thiết bị lên ISS năm 2015, khung cảnh bên dưới Trái đất là Biển Địa Trung Hải (Nguồn: National Geographic).

Người ta thường mô tả Trạm vũ trụ như một vật thể: “Trạm Vũ trụ Quốc tế là thứ đắt nhất từng được tạo ra”. “ISS là vật thể duy nhất mà các thành phần do nhiều nước khác nhau sản xuất và được lắp ráp trong không gian.” Nói vậy cũng đúng, nhưng khi bạn sống trong trạm trong nhiều ngày, tuần, hay tháng, thì nó không giống như một vật thể nữa. Nó giống như một nơi chốn, một nơi chốn hết sức cụ thể với cá tính và phẩm chất riêng, độc nhất. Nó có không gian bên trong và vỏ ngoài, phòng nối tiếp phòng, mỗi một trong số đó có mục đích, các thiết bị, phần cứng khác nhau, đồng thời cũng tạo ra cảm nhận và mùi vị khác nhau. Mỗi môđun lại có câu chuyện và sự dị thường của riêng mình.

Từ bên ngoài ISS trông giống như một số các lon sôđa khổng lồ gắn đầu cuối lại với nhau. Với tổng kích thước cỡ một sân bóng đá, trạm được tạo thành từ năm cụm môđun gắn với nhau theo chiều dài – ba của Mỹ và hai của Nga. Các mô đun khác, của châu Âu và Nhật hay Mỹ làm thành các nhánh bên trái và phải, còn Nga thì có ba môđun gắn bên “trên” và “dưới”. Kể từ lần đầu tiên tôi tới trạm cho tới nhiệm vụ lần này, đã có bảy môđun mới được lắp thêm, một con số ấn tượng. Chuỗi tổ hợp lắp ráp này không theo trình tự ngẫu nhiên mà được lên kế hoạch chính xác kể từ khi dự án trạm vũ trụ mới được thai nghén trong thập niên 90.

Bất kỳ khi nào các phương tiện khác tới neo đậu một thời gian, luôn có một “phòng” mới, thường nằm ở phía quay mặt nhìn về Trái đất; để đi vào một trong số đó, tôi phải “xuống” thay vì sang trái hay phải. Những phòng này trở nên rộng hơn khi hàng hóa được lấy ra, và hẹp lại khi chúng tôi thải rác vào. Không phải chúng ta cần không gian – đặc biệt là phía Mỹ, trạm trông khá rộng rãi, và thực ra ở đây chúng tôi có thể lạc nhau một cách khá dễ dàng. Nhưng sự xuất hiện của các phòng mới – và sự biến mất sau khi ta thả chúng đi – là một đặc điểm lạ lùng mà các căn nhà thông thường của chúng ta không có.

Kể từ khi hệ thống tàu con thoi dừng hoạt động, NASA đã ký hợp đồng với các công ty tư nhân để phát triển các tàu không gian có thể chuyên chở hàng hóa cho trạm; trong tương lai họ có thể sẽ chuyên chở cả những phi hành đoàn. Công ty tư nhân thành công nhất cho đến nay là Space Exploration Technologies, thường được biết đến hơn với tên gọi SpaceX, nơi sản xuất ra tàu không gian Dragon.  Hôm qua, một chiếc Dragon đã được phóng lên từ một bãi đất trống ở Cape Canaveral và bay lên một quỹ đạo an toàn cách chúng tôi 10 km. Sáng nay, mục tiêu của chúng tôi là dùng cánh tay rôbốt của trạm để đón bắt con tàu này và gắn nó vào một cổng bốc dỡ. Việc đón bắt một con tàu như vậy cũng tựa như chơi một trò chơi điện tử, thử thách sự phối hợp gữa tay và mắt, chỉ khác là ở đây có sự tham gia của những công cụ có thực với giá hàng triệu USD. Một lỗi sai không chỉ làm mất hay hư hại tàu Dragon cùng nguồn tiếp tế trị giá hàng triệu USD, mà một cái trượt tay cũng có thể khiến nó va vào trạm. Một tai nạn với tàu tiếp tế đã từng xảy ra trước đây khi một tàu không gian Progress chở hàng va phải trạm vũ trụ Mir (Hòa Bình) của Nga, phi hành đoàn đã may mắn thoát chết khi con tàu va vào thân trạm.

Những tàu không gian không người lái này là cách duy nhất để tiếp tế cho chúng tôi từ Trái đất. Tàu không gian Soyuz của Nga có khả năng mang ba người lên không gian, nhưng như vậy sẽ hầu như không còn khoảng trống cho bất kỳ thứ gì khác. SpaceX đã có rất nhiều thành công với tàu không gian Dragon và tên lửa Falcon của mình, và năm 2012 họ trở thành công ty tư nhân đầu tiên liên kết với ISS. Kể từ đó họ đã trở thành đội tiếp tế thường xuyên cho chúng tôi, cùng với tàu Progress của Nga và Cygnus của Orbital ATK; họ cũng hi vọng rằng sẽ sẵn sàng để đưa các phi hành gia lên Dragon trong vài năm tới. Nếu thành công, đây sẽ là công ty tư nhân đầu tiên mang được người lên quỹ đạo và lần phóng ấy sẽ là lần đầu tiên các phi hành gia rời Trái đất từ lãnh thổ Mỹ kể từ khi các tàu con thoi ngừng hoạt động vào năm 2011.

Ngay lúc này Dragon đang mang theo 4.300 pound (tương đương 1950,45 kg) đồ tiếp tế mà chúng tôi cần. Trong đó có thức ăn, thực phẩm, không khí; các phụ tùng và nhiên liệu tiếp tế cho các hệ thống giúp chúng tôi sống sót; các dụng cụ chăm sóc sức khỏe như bơm tiêm hay ống chân không để lấy máu, chứa mẫu thử, tiêm thuốc; quần áo, khăn tắm, khăn rửa mặt, và tất cả những gì chúng tôi phải bỏ đi sau khi sử dụng lâu nhất có thể. Dragon sẽ mang theo cả những thí nghiệm mới để chúng tôi thực hiện, cũng như các mẫu thử mới để tiếp tục làm các thí nghiệm đang triển khai. Đáng chú ý trong các thí nghiệm khoa học là một ít những con chuột sống cho một nghiên cứu mà chúng tôi sẽ thực hiện về ảnh hưởng của hiệu ứng không trọng lượng lên xương và cơ. Mỗi tàu không gian tiếp tế cũng mang theo những gói quà từ gia đình mà chúng tôi luôn mong ngóng, và những nguồn thực phẩm tươi sống mà chúng tôi có thể tận hưởng trong vòng ít ngày, trước khi chúng hết hoặc bị hỏng. Hoa quả và rau xanh ở đây có vẻ nhanh hỏng hơn so với Trái đất. Tôi không biết chắc tại sao, và việc chứng kiến quá trình này khiến tôi lo lắng rằng điều tương tự cũng đang xảy ra với chính các tế bào trong người mình.


Hồ đóng băng trên dãy Himalayas, ảnh chụp từ ISS (Nguồn: National Geographic).

Chúng tôi đặc biệt chờ đón chuyến thăm của Dragon lần này vì một tên lửa tiếp tế khác đã nổ ngay sau khi phóng vào tháng 10 năm 2014. Đó là một chiếc Cygnus do một đối tác tư nhân từ Mỹ là Orbital ATK phóng. Trạm luôn được tiếp tế vượt xa nhu cầu của phi hành đoàn hiện tại, nên tạm thời sẽ không có nguy cơ cạn kiệt thức ăn hay ôxy do đột nhiên mất những nguồn tiếp tế như vậy. Tuy nhiên đây vẫn là lần đầu tiên một tên lửa tiếp tế cho ISS thất bại trong nhiều năm trời khiến các phương tiện trị giá hàng triệu USD bị phá hủy. Việc mất mát những nguồn tiếp tế quan trọng như thức ăn và ôxy khiến mọi người suy nghĩ nhiều hơn về chuyện sẽ xảy ra nếu một chuỗi các thất bại ập đến. Một vài ngày trước vụ nổ, một máy bay không gian thử nghiệm do Virgin Galactic phát triển đã rơi tại sa mạc Mojave, làm phi công thiệt mạng. Dĩ nhiên những thất bại này không liên quan với nhau, nhưng chúng xảy ra gần nhau về thời gian gây cảm giác chúng ta sẽ gặp một chuỗi những điều không may sau nhiều năm thành công.

Quay lại câu chuyện trên Trạm không gian, tôi mặc đồ trong khi bấm và đọc một loạt các bức thư điện tử. Việc mặc đồ tương đối phiền phức vì bạn không thể “ngồi” hay “đứng”, nhưng tôi thì đã quen rồi. Điều thách thức nhất là đi tất – không có trọng lực nên tôi không thể cúi xuống, chỉ có thể sử dụng lực của bản thân cơ thể và sự mềm dẻo để co chân lên ngực. Không khó để chọn đồ bởi tôi mặc cùng một bộ đồ mỗi ngày: một cái quần kaki với rất nhiều túi và các dải khóa dán Velcro dọc theo đùi, chúng rất quan trọng khi tôi không thể đặt thứ gì “xuống”. Tôi đã quyết định thử xem mình có thể mặc quần áo lâu nhất trong bao nhiêu ngày, trong khi vô thức nghĩ về một chuyến du hành tới sao Hỏa. Có thể mặc quần trong bốn ngày thay vì hai ngày không? Có thể đi một đôi tất trong một tháng không? Có thể mặc quần ngoài sáu tháng không? Tôi quyết định tìm ra câu trả lời. Tôi mặc chiếc áo phông đen ưa thích và một chiếc áo thấm mồ hôi, vì nó đã bay với tôi ba lần rồi, và có lẽ là chiếc áo đi du hành nhiều nhất trong lịch sử quần áo.

Mặc đồ xong và sẵn sàng cho bữa sáng, tôi mở cửa và đi vào khu vực của nhóm mình. Khi đẩy chiếc cửa đen để bay vào, tôi vô tình làm quyển sách bìa mềm: Endurance: Shackleton’s Incredible Voyage của Alfred Lansing rơi lơ lửng tự do. Tôi đã mua cuốn sách này và đem theo nó trong chuyến bay trước đó, thỉnh thoảng lật giở vài trang sau một ngày dài trên trạm và tìm hiểu xem chính xác các nhà thám hiểm đã trải qua những gì cách đây một trăm năm. Họ mắc cạn trên băng nổi hàng tháng trời, buộc phải giết lũ chó của mình để ăn và gần như bị đóng băng đến chết trong cái lạnh thấu xương tủy. Họ đã đi bộ xuyên qua các ngọn núi từng được coi là không thể vượt qua bởi những nhà thám hiểm được trang bị đầy đủ hơn và trong tình trạng sức khỏe tốt hơn, ít ra là không gần như chết đói. Điều ấn tượng nhất là, cuối cùng đoàn thám hiểm không để mất thành viên nào.

Khi thử đặt mình vào địa vị của họ, tôi nghĩ rằng sự thiếu thốn chắc hẳn là điều tồi tệ nhất. Họ hẳn đã phải tự hỏi xem liệu mình có sống sót không, và sự tự hoài nghi sẽ còn tồi tệ hơn cả cơn đói và cái lạnh. Khi đọc về những trải nghiệm của họ, tôi đã nghĩ rằng họ phải chịu khổ cực hơn mình đến thế nào. Đôi khi tôi cầm cuốn sách lên đọc vì chính lý do ấy. Nếu bản thân tôi thấy phiền lòng vì nhớ nhà, hay vì vừa trải qua một ngày thất vọng, hay vì sự cô độc xâm lấn, việc đọc vài trang về đoàn thám hiểm của Shackleton nhắc nhở tôi rằng dù ở đây mình gặp một số khó khăn nhất định nào đó, thì chắc chắn mình không phải trải qua những gì họ đã gặp phải. Tất cả những gì mình cần chỉ là một thái độ [lạc quan]. Tôi gấp cuốn sách lại với một vài món đồ cá nhân. Có lẽ tôi sẽ đọc vài trang trước khi đi ngủ tối nay.

Dragon giờ đã ở trên quỹ đạo của nó cách chúng tôi 10km, đang dần tiếp cận với vận tốc 28000km một giờ của chúng tôi. Có thể thấy ánh sáng nhấp nháy của nó dựa vào các camera quan sát đặt phía ngoài trạm. Không lâu sau, trung tâm điều khiển SpaceX ở mặt đất sẽ giảm khoảng cách giữa hai bên xuống 2,5km, rồi 1,2km, rồi 250m, 30m, 10m. Ở mỗi điểm dừng, nhóm dưới mặt đất sẽ kiểm tra hệ thống của Dragon và đánh giá vị trí của nó trước khi nhắn “đi tiếp” hoặc “không đi” để chuyển tới giai đoạn tiếp theo. Ở sau bước 250m, chúng tôi sẽ tham gia bằng cách giám sát quá trình tiếp cận, đảm bảo rằng chiếc tàu sẽ ở trong một hành lang an toàn, hoạt động như mong đợi và chúng tôi thì sẵn sàng ngừng nhiệm vụ nếu cần. Đó là một quá trình thong thả và chậm rãi, và là một trong rất nhiều thứ rất khác biệt giữa phim ảnh và đời thực. Trong bộ phim Gravity và 2001: A Space Odyssey, một tàu vũ trụ bay như một viên đạn và gắn vào trạm vũ trụ; sau đó một cửa sập mở ra và mọi người đi vào, tất cả quá trình chỉ khoảng 90 giây. Trên thực tế, chúng tôi vận hành với nhận thức rằng mỗi tàu vũ trụ luôn là một hiểm họa khôn lường cho một tàu khác – hiểm họa càng lớn hơn khi nó đến gần hơn – và vì vậy chúng tôi di chuyển thận trọng và chậm rãi.


Kelly sửa một thiết bị làm mát của ISS trong chuyến đi bộ ngoài không gian dài 7 tiếng 48 phút tháng 11, 2015 (Nguồn: National Geographic).

Samantha sẽ vận hành cánh tay rôbốt từ trạm rôbốt trong Cupola. Terry Virts, người Mỹ duy nhất trên tàu, là nhân sự dự bị thay thế cho cô ấy khi cần thiết, còn tôi sẽ giúp đỡ về quy trình tiếp cận và tiếp xúc. Terry và tôi bị nén chặt trong Cupola cùng Samantha, nhìn màn hình dữ liệu qua đôi vai của cô ấy, hiển thị các thông số về tốc độ và vị trí của Dragon.

Cũng như tôi, Terry từng là một phi công bay thử nghiệm [các máy bay mới], trước khi tham gia NASA – anh từng phục vụ Không quân Mỹ. Bí danh công tác của cậu ấy là Flanders, gọi theo tên của nhân vật đáng yêu Ned Flanders trong bộ phim The Simpsons. Terry có những phẩm chất tích cực trong tính cách của Ned Flanders – lạc quan, nhiệt tình, thân thiện – và một năng lực chuyên môn ổn định đáng tin cậy; tôi đánh giá cao Terry trong vai trò trưởng nhóm, một người xây dựng sự đồng thuận chứ không hành xử gia trưởng. Kể từ khi tới đây, anh ấy luôn tôn trọng những kinh nghiệm trước đây của tôi, sẵn sàng lắng nghe những đề xuất nhằm cải thiện công việc thay vì bảo thủ hoặc cạnh tranh hơn kém. Terry yêu bóng chày, vì vậy TV trên trạm thường chiếu một trận đấu nào đó, đặc biệt là khi đội Astros hay Orioles đang chơi. Tôi đã dần quen với nhịp điệu của trò chơi chín lượt đấu này, đánh dấu thời gian làm việc kéo dài ít tiếng đồng hồ mỗi ngày của chúng tôi.

Samantha là một trong vài phụ nữ ít ỏi phục vụ dưới vai trò phi công chiến đấu trong Không quân Ý, cô có một năng lực không thể chê trách với tất cả các vấn đề kỹ thuật. Cô ấy cũng rất thân thiện, dễ cười, và trong số rất nhiều những người cùng được chọn để bay vào không gian, Samantha nổi bật với kỹ năng ngôn ngữ thiên bẩm. Cô có thể nói trôi chảy như người bản xứ các ngôn ngữ Anh và Nga (hai ngôn ngữ chính của ISS), cũng như tiếng Pháp, Đức, không kể tiếng Ý mẹ đẻ. Cô hiện đang học thêm cả tiếng Trung. Các phi hành gia bay vào không gian đều phải nói được cả hai thứ tiếng Anh và Nga (tôi đã học tiếng Nga nhiều năm nhưng các bạn trong đội du hành vũ trụ của tôi đều có khả năng nói tiếng Anh tốt hơn tôi nói tiếng Nga nhiều) nhưng tất nhiên với Samantha đó không phải là vấn đề. Cô thậm chí có thể làm phiên dịch cho các phi hành gia Nga và Mỹ nếu chúng tôi nói về vấn đề nào đó nhạy cảm hay phức tạp.

David Saint-Jacques, một phi hành gia người Canada ở Trung tâm điều khiển tại Houston hướng dẫn chúng tôi trong suốt quá trình nắm bắt, thông báo về vị trí của Dragon khi nó di chuyển, điều khiển từ mặt đất qua mỗi điểm dừng dự kiến theo kế hoạch. “Dragon đang nằm bên trong bán kính cảnh giới 200m. Bây giờ đội các bạn có quyền thông báo ngừng” Davids nói. Điều này có nghĩa là tự chúng tôi có thể tắt quá trình này nếu chúng tôi mất kết nối với Houston hay nếu Dragon nằm ngoài hành lang an toàn.

“Houston, các điều kiện đón đã xác nhận. Chúng tôi sẵn sàng đón Dragon,” Terry trả lời.

Ở khoảng cách 10 mét, chúng tôi làm chậm động cơ đẩy của trạm để ngăn ngừa bất cứ cú xóc ngoài chủ ý nào. Samantha kiểm soát cánh tay rôbốt, sử dụng tay trái của cô để điều khiển chuyển động tay rôbốt (vào, ra, lên, xuống, trái, phải) và tay phải để điều khiển chuyển động quay của nó (ném, vần, lắc).

Samantha chìa cánh tay rôbốt ra, quan sát hình ảnh thu từ camera trên “bàn tay”, hay đầu cảm ứng của cánh tay, cũng như hai màn hình hiển thị thông số mô tả vị trí và tốc độ của Dragon. Cô cũng có thể nhìn ra các cửa sổ lớn để thấy mình đang làm gì. Samantha đưa cánh tay ra khỏi chạm – rất chậm rãi và thận trọng. Không gian giữa hai tàu không gian thu hẹp dần, mỗi lần chỉ vài centimét, Samantha không bao giờ rung tay hay đi chệch hướng. Trên màn hình trung tâm, cửa ghép trên Dragon lớn dần. Cô đưa ra những điều chỉnh chính xác để cánh tay rôbốt thẳng hàng với tàu vũ trụ một cách tuyệt đối.


Kelly và phi hành gia Samantha Cristoforetti trên ISS (Nguồn: ESA/NASA).

Cánh tay bò ra chậm rãi. Nó gần như chạm vào Dragon.

Samantha kéo cần. “Bắt được” cô nói.

Hoàn hảo.

Quá trình điều áp không gian giữa tàu Dragon và trạm (phòng ghép) cần đến vài giờ và nhất thiết phải thực hiện một cách chính xác. Dragon vẫn có thể tạo ra nguy hiểm cho trạm. Một sai lầm khi nối thông hai tàu có thể sẽ khiến áp suất bị giải phóng – không khí thoát ra ngoài không gian. Vì vậy Samantha và tôi làm từng bước một.

Chúng tôi chờ cho đến sáng hôm sau để mở cửa của ISS dẫn sang Dragon. Khi Samantha trượt nó sang một bên, một mùi dị thường không thể nhầm lẫn được ập vào tôi. Hơi khét và hơi có mùi kim loại. Lần này nó làm tôi nhớ về mùi pháo bông ngày mùng 4 tháng 7: mùi của không gian. Sau một chuỗi những thủ tục, cuối cùng chúng tôi mở cửa Dragon, và những gói quà từ gia đình, được đánh dấu cẩn thận và dễ lấy, ngoài ra còn có những con chuột và thực phẩm tươi. Terry và tôi phân phối đồ cho tất cả mọi người, cảm thấy mình có gì đó giống như ông già Noel.

Cuối cùng thì tôi cũng mở gói quà từ gia đình trong không gian riêng tư tại khu ở của đội. Bên trong là một bài thơ và một ít sôcôla từ Amiko (cô ấy biết tôi rất thèm đồ ngọt khi ở trong không gian, mặc dù khi ở Trái đất tôi không mấy khi ăn ngọt); một cặp dây giày cho đôi giày tập thể thao của tôi với kiểu buộc chéo, bởi ở đây rất khó buộc dây do không có lực hấp dẫn; một chai sốt cay Frank; một bức ảnh từ người anh em sinh đôi của tôi, Mark, trong ảnh là hai cậu bé tóc đỏ đang giơ tay về phía máy ảnh, với chú thích đằng sau là “Hi vọng trên ấy WCS hoạt động tốt” (WCS là viết tắt của waste collection system, nhà vệ sinh trong không gian); và một tấm bưu thiếp từ các con gái tôi, Charlotte và Samantha, hai kiểu chữ viết tay bằng bút mực đen, rất khác biệt, hằn lên tấm thiệp dày.


Khoảnh khắc “bắt rồng” (Nguồn: NASA).

Tôi cất mọi thứ đi, ăn một ít sôcôla, kiểm tra hòm thư điện tử một lần nữa. Vẩn vơ trong túi ngủ một lúc, tôi nghĩ về các con mình, tự hỏi chúng sẽ sống thế nào khi tôi đi xa. Và rồi, tôi chìm vào giấc ngủ.

Hoàng Lam lược dịch từ National Geographic
http://www.nationalgeographic.com/magazine/2017/08/space-odyssey-astronaut-scott-kelly-book-endurance/

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)