Hệ thống quan trắc môi trường: Mạnh ai nấy mua

Sau 10 năm xây dựng, hệ thống quan trắc môi trường vẫn ở trong tình trạng mạnh ai nấy mua, thiếu quản lý thống nhất, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin dẫn đến lãnh phí.

Tiền tỷ bỏ xó

Mặc dù nằm hơi khuất song nếu chú ý một chút những ai qua lại đường Phạm Văn Đồng (Từ Liêm, Hà Nội) vẫn nhận thấy bảng điện tử trên đó có các dòng chữ “Chỉ số chất lượng môi trường”, “Chất gây ô nhiễm”… Đó chính là bảng điện tử của một trạm quan trắc dùng để thông báo chỉ số ô nhiễm môi trường ở một trong những cửa ngõ vào Hà Nội. Điều thú vị là ngay khi nhìn thấy chiếc bảng điện tử, người ta cũng nhận thấy là bảng điện tử không hề làm việc! Trên mặt bảng, vị trí hiện chỉ số đã bị bóc lấy thiết bị, chỉ còn lại các lỗ hổng nhem nhuốc. Bảng điện tử này là một trong các thiết bị của Trạm quan trắc không khí khu vực Nam Thăng Long do Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội quản lý. Được lắp đặt năm 2002 với kinh phí 3 tỷ đồng, song hầu hết thời gian kể từ khi lắp đặt đến nay, các thiết bị của trạm đều ở trong tình trạng “chờ sửa chữa”.
Trạm quan trắc này hiện đang “ở nhờ” trên tầng hai của phòng bảo vệ thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai và phân tích (Sở KH&CN Hà Nội). Bởi thế, có thể nói một trong những người “am hiểu” trạm này chính là anh Lan, bảo vệ của Trung tâm. Theo anh Lan thì bảng điện tử này khi mới lắp đặt vẫn chạy tốt và thông báo cho người dân các chỉ số về mức độ ô nhiễm không khí cũng như nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Lúc đầu, rất nhiều người quan tâm đến thông tin bảng điện tử đưa ra. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc người ta trở nên thờ ơ với các con số trên đó. Lý do đơn giản là bảng điện tử thường đưa ra con số không chính xác: dao động từ 50 – 100, tức là chất lượng không khí ở mức độ tốt hoặc trung bình. Trong khi đó, trên đường Phạm Văn Đồng, xe tải chở vật liệu xây dựng, hàng hóa chạy rầm rập cả đêm lẫn ngày, bụi bay mù mịt. Sự ô nhiễm không khí chẳng cần máy đo nào cũng có thể nhận thấy. “Người dân kêu quá nên người ta phải gỡ mấy thiết bị hiện chỉ số ra rồi” – anh Lan bảo thế.
Anh Nguyễn Đăng Khôi, phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), người phụ trách trạm cho biết: “Trạm quan trắc này do Bộ Khoa học công nghệ và môi trường (trước đây) đầu tư, Sở Khoa học công nghệ và môi trường Hà Nội quản lý. Sau khi thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường thì trạm quan trắc này được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý và Sở giao lại cho phòng Quản lý môi trường. Nhưng kể từ khi chúng tôi nhận bàn giao trạm quan trắc này vào năm 2004 thì nó đã không làm việc do thiết bị hỏng hóc”. Khi được hỏi về các báo cáo, các số liệu ghi lại được anh Khôi cho biết: “Trạm vẫn có số liệu nhưng nói chung cũng không đáng tin cậy”. Một nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu và quan sát cũng khẳng định kể từ lắp đặt, trạm này hầu như không hoạt động hoặc nếu có thì số liệu cũng không thể sử dụng được.
Trường hợp của trạm quan trắc không khí Nam Thăng Long không phải là trường hợp cá biệt. Ông Nguyễn Văn Tuệ, Trưởng đài Vật lý địa cầu (Viện Vật lý địa cầu) cho biết chiếc máy điện ly trị giá 2,5 tỷ của Đài hiện cũng đang trong tình trạng “nghỉ ngơi” dài hạn. Chiếc máy này bị hỏng bộ phận điều khiển từ cuối năm ngoái và cho đến nay vẫn chưa thể sửa chữa.
Theo GS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, quy định của Nhà nước yêu cầu mỗi quý Viện phải cử cán bộ đi kiểm tra định kỳ tất cả các trạm nhưng việc này hầu như không được thực hiện. Nguyên nhân là vì thiếu kinh phí. Ước tính, toàn bộ thiết bị tại 26 trạm quan trắc của Viện Vật lý địa cầu trị giá khoảng 10 tỷ. Theo đúng quy định của Nhà nước về kinh phí duy trì hoạt động của trạm bao gồm vật tư tiêu hao, thay thế lớn, sửa chữa nhỏ… thì mỗi năm Viện sẽ được cấp một khoản bằng 6% trên tổng số giá trị thiết bị, tức là vào khoảng 600 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi năm Viện chỉ được cấp một nửa số tiền so với quy định của Nhà nước. GS Nguyễn Đình Xuyên nói: “Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì chúng tôi có nguy cơ đóng cửa một nửa số trạm. Thậm chí cũng đã có người đề nghị đóng cửa một số trạm để tập trung kinh phí đảm bảo cho các trạm còn lại hoạt động tốt. Nhưng làm vậy thì thấy tiếc nên cứ cố. Vì thế, chất lượng không đảm bảo cũng là điều dễ thấy”.
Ông Đặng Dương Bình, Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) giải thích: “Hãng cung cấp các thiết bị đo thường yêu cầu bảo trì, thay thế thiết bị khi tới hạn song trên thực tế, do thiếu kinh phí nên các trạm quan trắc không thể đảm bảo các yêu cầu này và chờ tới khi thiết bị hỏng mới thay. Hậu quả là khi một thiết bị gặp sự cố, hiệu ứng domino xảy ra khiến cho hàng loạt thiết bị khác hỏng theo. Theo chỉ dẫn của hãng sản xuất thì mỗi năm cần một khoản tiền bằng 10 – 15% trên giá trị thiết bị để đảm bảo thiết bị hoạt động tốt. Thực tế, mỗi năm Trạm quan trắc không khí khu vực Nam Thăng Long chỉ được cấp 150 – 200 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 1/2 so với quy định của Nhà nước. Ông Bình cho biết thêm, thiết bị đo của trạm bị hỏng từ tháng 7 – 2004. Đến cuối năm nay, việc sửa chữa đã xong, thiết bị đã được bàn giao xuống trạm. Tuy nhiên, đến chiều ngày 21/12 trạm vẫn chưa hoạt động bình thường, bảng điện tử vẫn chưa sử dụng được mặc dù việc sửa chữa đã tiêu tốn một khoản đáng kể là 700 triệu đồng.

Đầu tư trùng lặp, kết nối không xong
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động quan trắc môi trường giai đoạn 1995 – 2005 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đầu tháng 12/2005, số liệu thống kê cho thấy cả nước có gần 300 điểm quan trắc môi trường. Để đầu tư một trạm quan trắc thông thường, chỉ tính riêng các thiết bị chưa kể nhà xưởng, cơ sở vật chất khác, cần có tối thiểu là 3 tỷ đồng, trạm quan trắc tự động đắt đỏ hơn: 7–8 tỷ đồng. Theo ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường thì các trạm quan trắc này do nhiều bộ, ngành, cơ quan Nhà nước, viện, trung tâm nghiên cứu trong cả nước đầu tư và không có một chiến lược hoặc lộ trình cụ thể.
 

 Ông Nguyễn Văn Tuệ bên chiếc máy điện ly 2,5 tỷ đã ngừng hoạt động từ 1 năm nay vì thiếu kinh phí sửa chữa.

Năm 2004, Bộ Thủy sản thành lập Trung tâm Quốc gia Quan trắc, cảnh báo môi trường biển trên cơ sở sáp nhập Phòng nghiên cứu Môi trường biển và Trạm Quan trắc và phân tích môi trường biển. Sau khi thành lập, Trung tâm này sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống các trạm quan trắc để phục vụ nghiên cứu. Trong khi đó Viện Hải dương học (Nha Trang), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia… cũng có hệ thống quan trắc biển riêng. Tình trạng mạnh ai nấy mua này khiến nhiều nhà khoa học lên tiếng cảnh báo về sự lãng phí do đầu tư trùng lặp. Đến nay chưa thể khẳng định việc đầu tư có trùng lặp hay không bởi mỗi một trạm quan trắc được xây dựng nhằm một mục tiêu riêng biệt. Tuy nhiên, ông Trần Hồng Hà thừa nhận chất lượng thông tin từ các trạm quan trắc còn thấp và các thông số của trạm quan trắc do cơ quan nào đầu tư thì cơ quan đó sử dụng. Vẫn chưa có bất cứ sự chia sẻ, kết nối thông tin giữa các cơ quan này với nhau. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau thì không biết hoặc không được cung cấp những thông tin cần thiết cho các nghiên cứu khoa học.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5 trạm quan trắc cố định và một trạm di động do nhiều cơ quan khác nhau quản lý bao gồm Trường ĐH Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn và Trung tâm công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh). Ông Đặng Dương Bình cho biết: “Nếu không có gì thay đổi, đầu năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ nhận bàn giao tất cả các trạm này và tiến hành xây dựng một dự án nối mạng các trạm quan trắc môi trường không khí tự động. Tiến tới sẽ phát triển thành hệ thống điều phối và quản lý môi trường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm quan trắc này”. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học tỏ ý nghi ngờ hiệu quả của biện pháp này. Liệu sau khi về Sở Tài nguyên và Môi trường, các trạm quan trắc này có hoạt động hiệu quả hơn hay hầu hết thời gian đều không hoạt động như Trạm quan trắc không khí khu vực Nam Thăng Long hiện do Sở này quản lý?
TS Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Hội nghị nói trên đã đánh giá hệ thống quan trắc của nước ta: “Hạ tầng kỹ thuật thấp kém, đầu tư cho công tác này vừa ít, vừa phân tán, đôi khi còn lãng phí nguồn lực. Số liệu quan trắc chưa được chuẩn hóa và quản lý thống nhất. Đặc biệt là chưa phục vụ trực tiếp việc xây dựng, ban hành các quyết định về chính sách, về đầu tư phát triển”. Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Hồng Hà cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị trình Chính phủ “Quy hoạch mạng lưới điều tra cơ bản và quan trắc môi trường trong mọi lĩnh vực” nhằm mục tiêu thống nhất và liên thông thông tin quan trắc, điều tra tạo sự kết nối trực tiếp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương thay vì chỉ nắm thông tin qua các báo cáo như hiện nay. Nếu quy hoạch này được thông qua thì vào năm 2007 toàn bộ hệ thống quan trắc của nước ta sẽ được kết nối với nhau và đáp ứng đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Bùi Thu Trang 

Nguồn tin: Tia Sáng

   

Tác giả