Hiram Maxim, kẻ cứu nhân độ thế

Năm1884 Hiram Maxim người Mỹ đã phát triển loại súng nạp đạn tự động đầu tiên trong lịch sử. Sáng chế của ông đã làm cho hàng ngàn vạn người phải bỏ mạng - nhưng bản thân ông, tổ sư của chiến tranh lại được tôn sùng là “một người cứu nhân độ thế“.

Năm 1893, khoảng 50 lính Anh đã tiến hành một trận đánh vào ở một vùng xa xăm ở Nam Phi thuộc Anh. Họ phải chống chọi với cái nóng như đổ lửa và hàng nghìn chiến binh thuộc bộ lạc Matabele dưới sự chỉ huy của tù trưởng Lobengula quyết giữ đất đai của bộ tộc mình. Binh lính Anh đánh trả ác liệt và lấn lướt các cuộc tấn công của thổ dân Matabele – mặc dù về quân số thổ dân nhiều gấp bội so với quân Anh. Lý do: quân đội Anh có 4 khẩu đại liên mang tên người phát triển chúng, nhà sáng chế Hiram Maxim, tất cả các khẩu súng đều đặt trên xe để dễ bề cơ động. Đó là loại súng liên thanh lên đạn tự động đầu tiên trên thế giới, có khả năng bắn sáu trăm viên đạn trong một phút và có thể giết hàng loạt kẻ thù trong khoảnh khắc.  

Trận đánh có tính quyết định xảy ra không xa  Bulawayo, thủ đô của người Matabele.  5000 chiến binh thổ dân liên tục tấn công vị trí đóng quân của quân Anh. Đại liên “Maxims” nã đạn hàng loạt vào các cuộc tấn công của thổ dân và họ bị đốn quỵ hết lớp này đến lớp khác. Trên 3000 chiến binh Matabele bị tiêu diệt, số còn lại hoảng sợ chạy toán loạn.

Nhà sáng chế với hai quả đấm chớp nhoáng

Nhà sáng chế súng đại liên  Hiram Maxim sinh năm 1840 tại một trang trại nhỏ ở  Maine thuộc Hoa Kỳ. Ngay từ nhỏ cậu bé Hiram đã có tham vọng rất lớn – cậu tự coi mình là  “tài năng toàn diện về kỹ thuật“, sẵn sàng thử tài với tất cả những ông thợ lành nghề ở Maine. Cũng có lúc kẻ tự xưng là kỹ thuật gia và nhà sáng chế còn dùng cả nắm đấm để thể hiện sự hơn hẳn của mình: người dân ở thị trấn kế bên rất ghét thói kiêu ngạo của Maxim đã thách đố anh ta tham gia một trận đấu quyền Anh và gã ngạo mạn này đã dễ dàng cho nhà vô địch địa phương bị đo ván. Maxim là điển hình của con người tự học: thay vì theo học ở một trường đại học, nhà sáng chế súng tương lai lại chỉ thích ngồi nhà đọc sách về khoa học tự nhiên và toán học. Ngoài ra hầu như không có nghề nào mà Maxin không nếm trải: Maxim từng làm người pha rượu,  kẻ biển, làm thợ trong nhà máy rồi trở thành nhân viên vẽ kỹ thuật. Khi nào cảm thấy buồn chán thì anh tìm tòi làm ra những thiết bị, máy móc này nọ mà khởi đầu là làm một cái bẫy chuột,  sau này anh còn dám đọ sức cả với người đi tiên phong trong lĩnh vực điện, Thomas Alva Edison, anh muốn cải tiến cái bóng điện của nhà phát minh tài  ba này và luôn cho rằng model của mình hay hơn.

Chưa bao giờ giết người lại đơn giản đến thế

Đầu những năm 80 thế kỷ 19, Maxim được chủ một doanh nghiệp điện lực cử sang châu Âu công tác. Theo một huyền thoại thì tại một chuyến ông viếng thăm Hội chợ công nghiệp có một kẻ xa lạ nào đó từng khuyên Maxim: “Hãy phát minh ra một cỗ máy giết người, đại loại một cái gì đó giúp người chân Âu cắt cổ nhanh hơn – đó chính là cái mà châu Âu đang cần!” Và ý tưởng chế tạo súng liên thanh đến với ông sau khi ông bắn một phát đạn ở một khẩu súng bình thường, ông cảm thấy súng giật khá mạnh ra phía sau, mạnh đến mức, nếu người bắn không cẩn thận thì có thể bị vỡ bả vai.

Maxim nghiền ngẫm, tại sao lại lãng phí một nguồn năng lượng mạnh đến như vậy? Người ta có thể dùng cái năng lượng này để đánh bật vỏ đạn vừa bắn đi đồng thời tự động nạp đạn mới. Ông đã thực hiện thành công ý tưởng này vào năm 1884.

Tổng tư lệnh quân đội Anh quốc vội vã đến xưởng của Maxim, để nhìn tận mắt khẩu súng máy này. Cỗ súng được đặt trên một cái xe kéo có hai bánh – so với những loại súng bình thường thì khẩu súng máy này có tần số xả đạn cao chưa từng có. Cỗ súng máy còn có một thùng chứa nước để làm mát nòng súng, vỏ đạn rơi vào một cái hộp ở bên dưới nòng. Với loại súng liên thanh này, người bắn chỉ việc bóp cò, Có thể nói chưa bao giờ việc giết người lại đơn giản đến thế.  

Vinh quang và tiền bạc là động cơ thúc đẩy

Ngay cả hoàng đế Đức Wilhelm đệ nhất cũng rất quan tâm đến loại vũ khí mới này. Năm 1887 ông cho Maxim trình diễn, so sánh súng “Maxim” với một số sản phẩm cạnh tranh của nhà chế tạo Gatling và  Nordenfelt. Những ưu thế của súng “Maxim” rõ như ban ngày: Thí dụ loại súng Gatling-Repetier người ta phải mất rất nhiều sức mới lên đạn được, vả lại loại súng này lại hay bị hỏng hóc. Trong khi đó súng  “Maxim” rất đáng tin cậy và không có những khuyết tật như vậy. Vị hoàng đế này tỏ ra rất  phấn kích: “Thế này mới gọi là súng“, nhận xét của  Wilhelm về súng máy Maxim, “đúng là có một không hai.”  

Khi quan sát trình diễn “Maxim”ở Viên, hoàng thái tử nước Áo không khỏi bàng hoàng. Ông gọi loại súng này là “một loại công cụ kinh khủng nhất, mà tôi từng chứng kiến hoặc tôi có thể tưởng tượng nổi” – ông  đặt mua ngay với số lượng lớn loại vũ khí này để trang bị cho đội quân Áo-Hung.  

Hiram Maxim cực kỳ hài lòng: cuối cùng thì ông đã nhận được sự ca tụng, điều mà ông ta luôn khát khao. Đối với ông  thì tiền tài và danh vọng chính là động lực, hầu như ông không hề bận tâm đến số phận người lính hay có cảm giác về tình yêu Tổ quốc. Ông liên tục cải tiến “Maxim”. Ông đã giảm được trọng lượng của cỗ súng máy, nay chỉ còn khoảng 70 kg. Giới quân sự luôn mong muốn có những loại vũ khí gọn nhẹ dễ cơ động để dễ dàng luồn lách trong những vùng rừng núi hoang vu ở các lãnh thổ thuộc địa. Ông nghĩ ra một loại băng đạn mới và chỉ cần sáu giây đồng hồ là có thể lắp ghép xong. Bên cạnh súng máy “Maxim”  ông chăm chỉ thực hiện các sáng chế, phát minh khác, thí dụ ông chế tạo thành công loại thuốc súng không có khói. Trong suốt cuộc đời mình Maxim đã có trên 200 bằng sáng chế phát minh.

Hiram Maxim chưa lần nào phải quảng bá cho sản phẩm của mình. Ông đưa súng của mình tham gia các cuộc chiến tranh và đây là cách quảng bá tốt nhất cho sản phẩm của mình. Thí dụ năm 1898: thời điểm đó một đơn vị quân đội Anh – Ai Cập hành quân ngược dòng sông Nile để tiễu trừ những người lính cuối cùng thuộc đế chế Mahdi của Sudan. Chính đội quân này cách đó 10 năm đã giáng cho quân đội xâm lược Anh những thất bại thảm hại.

Ngày 2.9. 1898 đã diễn ra trận chiến quyết định ở thành phố  Omdurman thuộc Sudan. Trên  60.000 binh sỹ Mahdisten xung trận với những bộ quân phục đầy màu sắc nhưng lại trang bị vũ khí hết sức nghèo nàn, họ hăng hái nhào vào đồn trại của quân đội Anh cho đến khi binh lính Anh để những khẩu “Maxim” nhả đạn liên hồi và xác chết nằm la liệt trên chiến trường. Một người Anh nổi tiếng đã tham gia trận chiến này, đó là Winston Churchill, ông  này mô tả. “Vào thời điểm quyết định xuất hiện những chiếc xuồng – canông, súng đại liên “Maxim” khạc lửa, ở khoảng cách gần quân địch đang ào lên tấn công bị chết như ngả rạ”, Churchill mô tả. Kết quả, tổn thất phía quân đội Anh là không đến 50 người, phía Mahdisten đã có gần 10.000 chiến binh bỏ mạng.

Hiram Maxim hào hứng nghe tin về cuộc chiến ở Sudan xa xôi. Đối với ông ta thì cuộc chiến này là bằng chứng về thiên tài của mình.  

Kẻ “cứu nhân độ thế“ của nhân loại

Ở nước Anh Hiram Maxim rất được tôn kính,  năm 1900 tại một dạ tiệc ông thậm chí còn được Thủ tướng Anh, Huân tước Salisbury đích thân chào mừng. Huân tước Salisbury nói “Thưa quý vị,  quý vị biết không, tôi coi quý ông Maxim là một trong những kẻ cứu nhân độ thế vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến? Vĩ đại như thế nào?” ông Maxim hoàn toàn bị bất ngờ. Vị Thủ tướng nói tiếp “tôi phải nói rằng, thưa ông Maxim, ông là người đã giúp cho rất nhiều người đàn ông không phải chết trong cảnh  đầu bạc răng long, ông làm được điều này hơn tất cả những người đã từng sống trên trái đất này”.

Những lời nói của thủ tướng Salisbury mang tính tiên đoán: 14 năm sau, vào tháng tám năm 1914, người châu Âu đã chĩa súng đại liên để triệt hạ nhau, đây là những khẩu súng dựa vào sáng chế của Maxim. Hiram Maxim đã chứng kiến hàng nghìn khẩu súng máy theo kiểu của ông đã được đưa vào sử dụng trên chiến trường châu Âu.

Ông chết năm 1916 ở London.

NGUYỄN XUÂN HOÀI dịch
Spiegel 9/2013

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)