Hồ sơ Jésus

Sau “Mật mã Da Vinci" của Dan Brown đến cuốn “Nhân bản Christ?” của Didier van Cauwelaert, nhiều tác phẩm văn học và phim ảnh đã ra đời nhằm phát hiện những bí mật trong đời sống của Jésus và đề cập đến khả năng nhân bản (clonage) đức Chúa. Trong các tác phẩm này các tác giả đã khéo đan quyện khoa học và tưởng tượng, tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt cho người đọc. Nguời ta có cảm tưởng như đã hình thành một âm mưu chống lại các nhận định truyền thống do Nhà thờ truyền bá. Đâu là sự thật? Chúng ta hãy cùng nhau mở tập hồ sơ Jésus ...


Dan Brown , tác giả “Mật mã Da Vinci” 

Grrard Lucotte , tác giả cuốn sách “Tấm vải liệm ở Turin và chiếc áo lễ ở Argenteuil” (đồng tác giả với André Marion)

Những câu chuyện chung quanh các biếm họa Mahomet đã không  làm cho người ta bớt chú ý đến một nhân vật tôn giáo lớn khác: Jésus Christ. Bản thân Jésus Christ trong những năm gần đây cũng là đề tài của nhiều tác phẩm đề cập đến những điểm nghi ngờ, những phát hiện gây nhiều tranh cãi trong đời sống của ông. Nhiều sách, truyện, phim ly kỳ được xuất bản nhằm vén lên những góc màn bí ẩn của đời sống của Messie (Jésus Christ). Những ấn phẩm này bán rất chạy trên thị trường. Quyển “Mật mã Da Vinci” của tác giả Dan Brown thuộc loại best-seller, đã bán được 40 triệu bản trong vòng 3 năm.

Didier van Cawelaert .
tác giả cuốn “ Nhân bản Christ?”

Một phim ăn khách dựng từ quyển sách trên càng làm cho quyển sách trở nên đắt giá. Chủ thuyết của quyển sách có nguồn từ  văn chương thần bí  kể về Opus Dei, một tổ chức thiên chúa giáo đã không ngại giết người để che dấu sự thật về quan hệ giữa Jésus Christ  với Marie Madeleine, về hậu duệ của họ. Một tập truyện tranh của Didier Convard gồm 7 cuốn mô tả một đội quân vũ trang của nhà thờ sẵn sàng hạ thủ bất cứ người nào có khả năng phát hiện chúa Jésus không bị đóng đinh trên thánh giá. Trong các tác phẩm này không phải chỉ toàn các câu chuyện tưởng tượng, các tác giả cũng đã đưa ra không ít các tài liệu minh chứng. Nhà văn Didier van Cawelaert trong cuốn sách “Nhân bản Christ?” mô tả khả năng của các nhà sinh học trong việc tạo ra đức chúa sống. Cuốn sách này ra đời vào tháng 11 năm ngoái đã bán ra được hơn 100.000 bản

 
Trong phim và cuốn sách của Didier van Cawelaert, nhà di truyền học Gérard Lucotte (ảnh) khẳng định rằng ông đã tìm được những hồng cầu cho là thuộc Christ trên chiếc áo lễ ở Argenteuil.

Trong cuốn “Mật mã Da Vinci”, tác giả Dan Brown còn khẳng định rằng trong Thư viện quốc gia có lưu trữ một quyển sách cổ mang tên “Những hồ sơ bí mật ” viết về  hậu duệ của Christ. Nhìn chung mà nói các tác giả đã khéo lồng ghép tưởng tượng và các tư liệu khoa học vào nhau, làm cho độc giả khó lòng phân biệt đâu là sự thật. Một điều tương tự cũng xảy ra trong quyển “Nhân bản Christ?” Trong quyển sách này tác giả Didier van Cawelaert đã nhiều chỗ  hành văn trên ngôn ngữ của một  báo cáo khoa học, ở một quyển sách khác  tác giả này còn buộc tội nhà thờ đã phủ định  tấm vải liệm lưu giữ tại nhà thờ Turin là di vật thật  hòng khuyến dụ các nhà sinh học không nên nhân bản đức chúa Christ.

Chưa có đầy đủ cơ sở khoa học
Gérard Lucotte một trong những nhà di truyền học  cùng với André Marion trong quyển sách “Tấm vải liệm ở Turin và chiếc áo lễ ở Argenteuil” cũng cho rằng các di vật này có thể chứa những dấu hiệu tế bào của Christ. Song tất cả những tư liệu trên của các nhà văn lẫn của hai nhà di truyền học đều có chung một điểm yếu: Chưa được giới khoa học công nhận để tham chiếu! Họ chưa chứng minh được rằng tấm vải liệm ở Turin thuộc về Christ. Có thể đây là một di vật giả [1].

 
Trong cuốn “Mật mã Da Vinci” và trong phim các thành viên của tổ chức Opus Dei như Sitas (thể hiện bởi nghệ sĩ điện ảnh Paul Bettany) sẵn sàng giết người để giữ kín bí mật của Christ.

Thuyết âm mưu (théo rie des complots)
Trong số các cuốn sách kể trên  dường như sức tưởng tượng chiếm phần lấn áp, các giả thuyết trên liệu có được dựa trên cơ sở khoa học? Có thể nào tin tưởng vào việc thu thập từ tấm vải liệm nghi là thuộc Christ một số tế bào còn nguyên vẹn để trích ra từ đó ADN, tái tạo lại bộ gien (génome) và cuối cùng tạo ra chủ nhân của chúng? Có chăng một phần sự thật trong quan hệ của  Jésus với Madeleine?
Bà Véronique Campion-Vincent chuyên gia làm việc tại Viện khoa học con người ở Paris muốn chứng tỏ rằng các tác phẩm văn chương, điện ảnh và khoa học nói trên thuộc về một phong trào chống đối ảnh hưởng của lý thuyết âm mưu đang tạo ra một hơi thở mới cho các khoa học huyền bí (ésotérisme).
Chúng ta sẽ lần lượt xét những vấn đề đó trong hồ sơ này.

1/ Tái tạo vô tính đức Christ? Một nhiệm vụ bất khả thi
Làm sống đức Jésus từ những mảnh ADN gặp quá nhiều trở ngại để có thể là một việc làm hiện thực. Muốn nhân bản một sinh vật đòi hỏi phải có một chuỗi dài ADN chứa trong hạt nhân của các tế bào của sinh vật đó. Không có được di thể của nhân vật người ta hy vọng dựa  vào các di vật nghi là của Christ để thực hiện việc nhân bản. Các di vật đó là: tấm vải liệm ở Turin, chiếc áo lễ ở Argenteuil và khăn phủ mặt ở Oviedo. Những thí nghiệm xác định niên đại bằng carbon 14 đều nói lên rằng những di vật này không đồng thời với Christ. Vậy chúng ta không sở hữu được một điều gì bất kỳ của Christ, đây là trở ngại thứ nhất.
Chiếc áo lễ ở Argenteuil đã trải qua nhiều biến cố: cuộc xâm lăng normand, cuộc Cách mạng, rồi bị mất cắp và cuối cùng tạo dựng lại trong những năm 80, như thế chiếc áo lễ này có thể chứa nhiều dị vật hữu cơ có thể cung cấp ADN ngoại lai. Gérard Lucotte và André Marion khẳng định rằng họ đã tìm được trên áo lễ này những tế bào máu biến dạng do các cực hình mà Jésus đã phải chịu. Song Brigitte Oger làm việc tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu các di tích lịch sử lại khẳng định điều ngược lại: Ông không tìm ra dấu tích nào của tế bào máu. Các tác giả Gérard Lucotte và André Marion cần phải công bố các kết quả của mình trên một tạp chí khoa học để giới khoa học nghiên cứu và  đi đến  kết luận trên áo lễ ở Argenteuil có các tế bào máu hay không. Đối với các di vật khác, tấm vải liệm ở Turin và khăn phủ mặt ở Oviedo thì tình huống cũng tương tự. Tóm lại khó lòng có những cơ sở xác đáng để tin rằng từ các di vật đã nói có thể tìm thấy ADN.
Dẫu cho rằng từ các di vật trên có thể tìm thấy ADN thì một câu hỏi khác lại xuất hiện: liệu đó có phải là ADN của Christ? Cũng xin nhắc lại rằng các di vật này có thể thuộc vào những thời đại nhiều thế kỷ sau khi Christ tạ thế.
Pierre Pontarotti, Giám đốc  Phòng thí nghiệm nghiên cứu sự phát sinh các loài (phylogenesis), Đại học Marseille đã phát biểu rằng trong các di vật đó có thể có những mảnh da đã chết, những vi khuẩn, những bụi bẩn… cho nên khó tránh khỏi sự ô nhiễm gây nên bởi những ADN ký sinh.
Gérard Lucotte trong quyển sách nói trên đã đưa ra một bản đồ gien của chủ nhân chiếc áo lễ ở Argenteuil, song lại không công bố các kết quả đó trong một tạp chí khoa học nào. Nhiều nhất những dữ liệu này chỉ cho phép khẳng định chủ nhân chiếc áo lễ thuộc các dân tộc Trung Đông và đó là tất cả.
Muốn tái tạo bộ gien của một người mà chúng ta chỉ có được một đoạn ADN thì đó là một điều vô cùng khó khăn và  chúng ta phải đối diện với khoảng 30 triệu phương án để tái tạo.
Nói tóm lại nhân bản đức chúa Jésus là một điều không tưởng và sẽ mãi mãi là một công việc vô vọng.

2/ Cuộc sống bí mật của chúa Jésus? Jésus đã có con với Marie Madeleine, giả thuyết này dựa trên nhiều bằng chứng, song vẫn chưa được kiểm nghiệm.
Marie Madeleine là bạn đời của Christ, đã sinh con và có hậu duệ, điều này được Nhà thờ giữ bí mật. Đó là sợi chỉ đỏ trong cuốn tiểu thuyết best-seller “Mật mã DaVinci” của Dan Brown. Tán thành hoặc phản đối lập tức điều này có lẽ là quá sớm. Vì rằng phải nhận định được điều này mang ý nghĩa gì? Marie Madeleine là ai? Những chứng cứ xác đáng nào để chứng minh rằng bà có con? Nhà thờ có đóng vai trò gì ở đây?
Song cũng còn một câu hỏi cơ bản hơn: nhưng Jésus là ai? Nền tôn giáo Thiên chúa chỉ để lại những sách về Jésus còn tuyệt nhiên không có một vết tích , một lưu ảnh nào của ông. Đó là kết luận của Gérard Mordillat và Jérôme Prieur, hai chuyên gia nghiên cứu về tính có thực của nhân vật Christ trong lịch sử.
Các nguồn dữ liệu chính của phía Thiên chúa giáo về Jésus-Christ là 4 kinh Phúc âm (Evangile): của Marc, 65 sau J.-C, hai của Luc&Mathieu, muộn hơn và cuối cùng của Jean, 95 sau J.-C. Bốn kinh Phúc âm đó làm thành Tân Kinh ước (Nouveau Testament) của Thánh kinh (Bible).
Để minh chứng cho mối quan hệ giữa Marie Madeleine với Jésus, Dan Brown tham chiếu một kinh Phúc âm khác của Philippe tìm ra năm 1945 ở Nag Hammadi, Ai cập. Song nguyên bản ngụy tác này lại viết bằng tiếng Copte (tiếng cổ Ai-cập) chứ không phải bằng tiếng Araméen (tiếng nói của Christ và các sứ đồ), riêng điều này cũng làm cho dẫn chứng của Dan Brown thiếu phần chặt chẽ. Những văn bản mà Dan Brown sử dụng thuộc về một cộng đồng tôn giáo mà giữa họ cử chỉ hôn lên môi chỉ là một biểu hiện  làm quen , như vậy khi nói đây là một biểu hiện yêu đương thì đó là một sự ngoại suy.
Như vậy những chứng cứ về mối quan hệ giữa Jésus và Madeleine quả là mong manh. Song Dan Brown lại cho rằng sự vắng mặt các chứng cứ vững chắc chính là chủ ý của Nhà thờ để che dấu sự thật khó tin này. Cũng theo Dan Brown, Thánh kinh mà chúng ta biết hiện nay là do hoàng đế Constantin đã cấp kinh phí cho việc xuất bản một Tân Kinh ước, trong đó đã xóa hết mọi dấu vết của cuộc tình giữa Jésus và Marie Madeleine.
Song sự thật là Constantin đã không hề cho biên soạn một kinh Phúc âm nào cả, bản chính thức là do Nhà thờ tổ chức biên soạn từ thế kỷ thứ II đến năm 397.
Về hậu duệ của Christ và Madeleine, tác giả Dan Brown tham chiếu “Những tư liệu bí mật “ mã số 4º Im 249 lưu giữ tại Thư viện quốc gia. Nữ  nhà báo Marie-France Etchegoin cùng với nhà xã hội học Frédéric Lenoir đã kiểm tra lại những tư liệu bí mật này, quả thực chúng tồn tại và chúng minh một phả hệ của Christ đến tận một người… tên là Pierre Plantard. Song sau nhiều công sức tìm tòi của  nhà báo và nhà xã hội học thì hóa ra các tư liệu bí mật trên là do chính Pierre Plantard dựng nên. Người ta nghi rằng Pierre Plantard là một kẻ tinh thần phân lập.
Như vậy chứng cứ cho một giả thuyết về một  cuộc hôn nhân giữa Christ và Madeleine lại đòi hỏi nhiều tìm tòi khác.

3/ Những học thuyết huyền bí (Esotérisme) và các lý thuyết về âm mưu (théories du complot) [2] có mối liên hệ với nhau.
Theo ý kiến của nhà xã hội học Véronique Campion-Vincent làm việc tại CNRS, nếu hiện nay có những “âm mưu” chống lại nhà thờ, thì điều này cũng không phải là mới lạ. Mà từ lâu đã hình thành những ý tưởng về sự tồn tại một quyền lực hoạt động trong bóng tối để áp đặt những quan điểm của họ lên xã hội, những ý tưởng này cấu thành lý thuyết âm mưu.
Bà Véronique Campion-Vincent cho rằng sự xuất hiện những tác phẩm gần đây chung quanh Christ đều xuất phát từ một lý do chính: đó là sự thăng hoa của một mối nghi ngờ có hệ thống. Những tác giả này suy tưởng rằng trật tự trong thế giới hiện nay chỉ là biểu kiến, trong thực tế những tổ chức có quyền lực đã giật dây trong bóng tối. Họ cho rằng có những tổ chức nhà thờ hoạt động nhằm mục đích bóp nghẹt những thông tin thật về Christ. Đó chính là lý thuyết âm mưu. Tất cả các tác phẩm đó đều xoay quanh một điểm: từ chối sự lạm dụng quyền lực của nhà thờ.
Vì sao mà lý thuyết âm mưu lại nở rộ lên như thế. Cũng theo bà Véronique Campion-Vincent điều kiện để cho lý thuyết âm mưu phát triển mạnh mẽ là tình trạng phức tạp của thế giới hiện nay. Những tác phẩm này phản ánh một tâm trạng lo lắng trước những thay đổi trong xã hội và muốn nêu danh những kẻ có trách nhiệm dấu mặt trong bóng tối. Đây cũng là một cách chống đối hòng mong tìm ra sự thật và triệt tiêu sự lạm dụng quyền lực.
Cuốn sách “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown là một trong nhiều thể hiện của lý thuyết âm mưu. Jésus đã có con cùng Marie Madeleine và hậu duệ của họ lập nên triều đại mérovingien [3] được che chở bởi một xã hội bí mật có tên là Prieuré de Sion.
Các lý thuyết âm mưu dựa trên những suy tưởng nhất định và những tư liệu khoa học ít nhiều gây sự tin cậy. Phải công nhận rằng những ý tưởng táo bạo về mặt khoa học như vấn đề nhân bản Jésus là những vấn đề hấp dẫn đối với nhiều nhà khoa học.

4/ Kết luận
Đến đây chúng ta khép lại hồ sơ Jésus. Như chúng ta đã thấy trí tưởng tượng và nhiều tư liệu khoa học đã được đan quyện với nhau một cách tài tình, như trong cuốn “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown và bộ phim, điều này rất hấp dẫn, gây nhiều ấn tượng cho trí tò mò và cho mỹ cảm nghệ thuật của độc giả. Nhiều vấn đề khoa học nêu ra trong các tác phẩm đó cũng là những đề tài đáng quan tâm đối với các nhà khoa học. Ngoài ra sự phân tích của Véronique Campion-Vincent về mối liên hệ có thể có giữa những tác phẩm đó với lý thuyết âm mưu, phát triển trong những năm gần đây cũng cho chúng ta thấy rõ thêm bối cảnh triết học của vấn đề.                                                                             
Hồ sơ Jésus chắc còn phải được bổ sung và làm sáng tỏ, tuy nhiên có lẽ mỗi độc giả sau khi đọc xong  hồ sơ này  đã có những nhận định riêng của mình.

CC biên dịch (Science & Avenir, tháng 5 năm 2006)


Isabelle Bourdial & Philippe Descamps

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)