Hơn một nửa tin giả về sức khỏe lan truyền trên mạng được công chúng tin là thật

Nghiên cứu mới của các nhà kinh tế y tế Đại học Kingston ở London cho thấy, hơn 60% số lượng tin giả về các vấn đề sức khỏe lan truyền trên nền tảng online được cho là đáng tin cậy, và niềm tin vào những câu truyện này sẽ tăng lên nếu chúng được lặp đi lặp lại.

Trong khi chưa có giải pháp nào để khắc phục tình trạng chống vaccine, vốn được Tổ chức Y tế Thế giới coi là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, thì sự nhập nhằng giữa sự thật đã được khoa học chứng minh và tin tức giả ngày càng trở nên đáng chú ý. Nghiên cứu của giáo sư Giampiero Favato và tiến sỹ Andrea Marcellusi (trường kinh tế Kingston) xác nhận: các banner (biểu ngữ) trang web cảnh báo độc giả về nguy cơ thông tin không chính xác đã không còn hiệu quả trong việc hạn chế những tin tức này lưu hành, và người dùng vẫn có khả năng chia sẻ những nội dung chưa được kiểm chứng.
“Niềm tin vào các tin giả về sức khỏe là điều có thể hiểu được. Hầu hết mọi người thường không có kiến thức chuyên môn về y khoa, do đó nếu những tuyên bố được đưa ra dưới một hình thức trông có vẻ hợp lý, tại sao công chúng lại không tin vào nó cơ chứ?”, giáo sư Favato nói. “Một trong những phát hiện đáng lo ngại nhất của chúng tôi là mức độ tin cậy của thông tin ngày càng gia tăng theo số lần nó được lặp lại, càng nhìn thấy điều gì nhiều thì mọi người  lại càng tin vào nó”.
Hơn 1900 người trong độ tuổi từ 18 đến 60 và có hoàn cảnh sống khác nhau đã được tuyển chọn để tham gia vào nghiên cứu do Bộ Y tế Ý ủy quyền. Họ được phân ngẫu nhiên vào hai nhóm và được cho xem sáu tin tức thật và sáu tin tức giả mang “phong cách” truyền thông xã hội (social media). Tiếp theo, họ sẽ được yêu cầu chia sẻ những tin tức này lên Facebook. Một nhóm được nhìn thấy các banner trên web cảnh báo về mức độ đáng tin của các tin giả, trong khi nhóm còn lại thì không. Sau đó, các nhà nghiên cứu cho những người tham gia này xem lại 12 tin tức ban đầu một lần nữa song song với 12 tin tức mới và yêu cầu họ đánh giá những tin này là đúng hay sai.
Các cảnh báo về những thông tin chưa được xác thực đã được chứng minh là không hề có tác động gì đến hành vi của những người tham gia nghiên cứu đối với việc tin tưởng hoặc chia sẻ một thông tin nào đó. Thậm chí kể cả khi một câu chuyện được xác định là giả, khả năng nó được chia sẻ vẫn cao hơn 50%, giáo sư  Favato nhận định. Khi các tin tức giả về sức khỏe ngày càng lan truyền rộng hơn thì các công ty truyền thông cũng càng cần phải hành động nhiều hơn để giải quyết được vấn đề này.
“Các tổ chức truyền thông cho đăng tải những tin tức giả cần phải có trách nhiệm thực hiện hành động. Facebook đang lên kế hoạch để đầu tư vào đội ngũ chuyên gia nhằm kiểm tra mức độ tin cậy của các thông tin được chia sẻ trên nền tảng này. Nếu thấy một câu chuyện không đáng tin, chúng tôi khuyến nghị nên có hai lựa chọn: hoặc là xóa bài đó hoặc là phải sử dụng thuật toán tìm kiếm để đảm bảo những thông tin không chính xác về mặt khoa học sẽ chỉ xuất hiện ở cuối kết quả tìm kiếm”, giáo sư Favato chia sẻ.
Ông cũng cho biết, giá trị kinh tế của tin giả khiến hiện trạng này phát triển mạnh hơn: “Bởi vì những câu chuyện giật gân sẽ tạo ra lượng view và lượt chia sẻ cao nên hầu hết các tin giả đã đem lại rất nhiều tiền về mặt doanh thu quảng cáo. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận ra cái giá rất đắt về mặt kinh tế của việc tiếp tay cho những thông tin không chính xác, bởi nó sẽ đe dọa việc thực thi các chính sách y tế công cộng như chương trình tiêm chủng và làm gia tăng gánh nặng kinh tế của các bệnh vốn có thể phòng ngừa được lên xã hội”. □

Mỹ Hạnh  dịch   
Nguồn: https://phys.org/news/2019-11-fake-news-healthcare-online-major.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)