HỢP TÁC KHOA HỌC KH&CN VIỆT – ĐỨC

Theo ước tính của các nhà khoa học, đến nay rùa Hồ Gươm chỉ còn khoảng 5 con, sự tồn vong của loài rùa "thiêng" này liên quan mật thiết đến chất lượng nước hồ. Hiện nay, Hồ Gươm chứa rất nhiều bùn và tạp chất, cộng thêm với mức nước vào mùa khô ngày một giảm khiến chất lượng nước hồ cũng giảm sút mạnh. Chính vì vậy mà một dự án cải thiện chất lượng nước Hồ Gươm được hình thành.

Dự án được sự cộng tác chặt chẽ của Viện Rác và rác tồn dư (thuộc ĐH Tổng hợp kĩ thuật Dresden), công ty Cải tạo thủy lợi sinh thái (GSAN), công ty Thủy địa học (HGN), Cơ quan dịch vụ đầu tư Việt Nam (VIS), công ty Thoát nước Hà Nội cùng với Bộ KH&CN. Những dữ liệu hiện có về sự hình thành, về hiện trạng, các điều kiện biên về hóa học, địa chất và địa chất thủy văn của Hồ Gươm đã được phân tích, đánh giá và ước tính được nhu cầu và quy mô cải tạo. Từ đó, các bên tham gia dự án sẽ đưa ra một chiến lược và quy trình cải tạo, quản lý chất lượng nước Hồ Gươm một cách ổn định, bền vững.
Tại TP Hồ Chí Minh, một dự án nghiên cứu Việt – Đức khác được thiết lập mang tên “Phát triển và đổi mới đô thị một cách cân đối” nhằm mục tiêu xây dựng những chiến lược cho công tác xây dựng nhà ở bền vững cho Tp Hồ Chí Minh. Nhóm nghiên cứu sẽ có thành phần đa ngành bao gồm các nhà quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng, kiến trúc sư, quy hoạch môi trường, địa lí và các nhà xã hội học (từ ĐH Tổng hợp Hamburg, ĐH Tổng hợp Gottingen, Viện Leibiniz). Dựa trên các dự án thí điểm, sẽ chỉ ra các khả năng có thể phát triển các vùng phụ cận, nơi cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình, đồng thời vẫn bảo tồn được các mạng lưới xã hội của cư dân sống tại đó và tạo điều kiện có thêm công ăn việc làm. Những kiểu bố trí xây dựng theo nguyên tắc “thấp tầng – mật độ lớn” (low rise – high density) sẽ được triển khai.

Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm dự án hợp tác khoa học Việt – Đức trong 10 năm qua. Mở đầu cho sự hợp tác này là chuyến làm việc của đoàn lãnh đạo và các nhà khoa học CHLB Đức ở 30 cơ sở nghiên cứu KHCN của Việt Nam năm 1996. Sau đó một năm (3/1997), Nghị định thư hợp tác về KHCN được hai bên kí kết. Tuy nhiên, theo ông  Christian Bode, Tổng thư kí Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) thì sự hợp tác khoa học giữa hai nước phải tính từ trước đó: “Chúng tôi rất coi trọng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và CHDC Đức trước đây và xem đó như mối quan hệ cũ của mình. Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam là nước trọng tâm trong hợp tác KHCN của Đức ở châu Á”. Có mặt ở Việt Nam chỉ sau 3 ngày nước Đức thống nhất, đến nay Việt Nam là nước ngoài mà ông Christian Bode đến thường xuyên nhất. Theo ông, hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Đức hoàn toàn không phải một chiều: “Qua hợp tác với Việt Nam, các nhà khoa học Đức đã có những kinh nghiệm tốt về xử lí môi trường, sinh học nhiệt đới, v.v”.
Theo ông Phạm Huyền, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, hiện hợp tác KHCN với Đức tập trung vào các lĩnh vực Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và nước thải; Nghiên cứu về vật liệu cùng nhiều lĩnh vực hợp tác khác. Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, vì Việt Nam là nước có đa dạng sinh học và có nguồn hoạt chất sinh học nhất thế giới  nên việc hợp tác tập trung vào phân lập hoạt chất từ thực vật và đăng kí bản quyền (bioprospecting). Còn công nghệ môi trường là lĩnh vực có quy mô hợp tác song phương lớn nhất cả về số lượng dự án cũng như kinh phí của Bộ Liên bang về Giáo dục và Nghiên cứu Đức và các bên đối tác Việt Nam bỏ ra. Đặc điểm nổi bật của hợp tác nghiên cứu Việt – Đức  hiện nay là thay vì chỉ “chờ viện trợ”, phía Việt Nam đã có những đóng góp nghiên cứu tích cực. Ngoài ra, không chỉ có bộ, ngành, mà còn có nhiều công ty (cả các công ty TNHH nhỏ) được lợi từ những kết quả hợp tác trên.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Huyền thì số lượng các chuyến thăm viếng, khảo sát còn quá nhiều, trong khi các nhiệm vụ hợp tác về mặt chuyên môn, giải quyết các đề tài, chương trình trọng điểm Nhà nước thông qua các dự án cụ thể lại không được đặt ra trong hợp tác KHCN với Đức. Ngoài ra, các nhà khoa học Việt Nam cũng không chủ động trong việc đề xuất các nhiệm vụ hợp tác mà phần lớn đều phụ thuộc vào đề nghị từ phía Đức. Chính vì vậy mà cần hợp tác theo hướng giải quyết một hoặc một số nhiệm vụ KHCN cụ thể xuất phát từ nhu cầu của Việt Nam. Hiện nay phía Việt Nam đang đề nghị Đức phát triển một số chương trình cụ thể như: chiết xuất thuốc từ nguồn dược liệu của Việt Nam để phòng ngừa và điều trị một số bệnh hiểm nghèo (HIV, ung thư…); xử lý phế thải công nghiệp không tập trung bằng công nghệ cao với hiệu quả kinh tế cao đối với trấu, bã cà phê, bã bột sắn; sản xuất mỡ bôi trơn, chất lỏng thủy lực và phụ gia thân môi trường từ nguyên liệu thực vật nhiệt đới. v.v. Những chương trình như vậy không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn cho cả CHLB Đức.

P.V

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)