Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao- thế mạnh của chúng tôi
Mặc dù hết sức bận rộn với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh Israel, nhưng Ngài Effie Ben Matityau - Đại sứ Israel tại Việt Nam - vẫn dành cho Tạp chí Tia Sáng một cuộc trao đổi về hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước.
Xin Ngài cho biết nét nổi bật nhất trong hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thời gian qua.
Hợp tác về công nghệ giữa Việt Nam và Israel gần đây đang được triển khai ở nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực viễn thông. Các công ty hàng đầu của Israel như RAD, ECI, Comverse và Alvarion đang có những dự án hợp tác rất hiệu quả với đối tác Việt Nam và hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn của Việt Nam như VNPT, Viettel, EVN đều có sử dụng công nghệ của Israel.
Theo Ngài, đáng lưu ý nhất trong lĩnh vực hợp tác đó là gì?
Chúng tôi không chỉ bán công nghệ, thiết bị mà thường xuyên phối hợp tổ chức các khóa học về viễn thông. Tháng 11/2006, trong dịp một phái đoàn của Bộ Truyền thông – Thông tin (lúc đó là Bộ Bưu chính Viễn thông) có sang thăm Israel. Trong dịp đó, đã có 40 chuyên gia viễn thông của Việt Nam tham dự một khóa học của Israel về chuyên môn. Sau này, các khóa học tương tự vẫn thường xuyên được tổ chức. Các khóa học này thường kéo dài từ một đến ba tháng. Hiện tại chúng tôi đang xây dựng chương trình các khóa học dài hơn (1 năm). Cuối tháng 5 này, Israel sẽ đón một đoàn doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam sang thăm và làm việc trao đổi kinh nghiệm về việc quản lý vệ tinh viễn thông, phục vụ cho việc khai thác, sử dụng vệ tinh VINASAT-1. Đầu tháng 6 tới, chúng tôi sẽ mở ra một ngày công nghệ di động Israel tại Việt Nam, do hiệp hội công nghệ di động Israel tổ chức.
Theo tôi biết nông nghiệp cũng là một lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa hai nước, với nhiều dự án khu công nghệ cao về nông nghiệp ở các địa phương. Ngài có thể cho biết đôi điều về sự hợp tác này.
Trong thời gian vừa qua, ngày càng có nhiều địa phương làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Israel và thấy rằng công nghệ Israel có nhiều thế mạnh, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Như các bạn đã biết, thiên nhiên không dành cho đất nước chúng tôi nhiều ưu đãi, nhất là về nguồn nước. Điều đó đã thúc đẩy chúng tôi phải thực hiện các một loạt các bài toán giải quyết vấn đề nước cho nông nghiệp. Một công nghệ đang được triển khai ở Việt Nam là phương pháp tưới nhỏ giọt. Với phương pháp này, nước thấm sâu vào đất nên giảm được đáng kể lượng tiêu hao do bốc hơi. Việc tưới tiêu hoàn toàn có thể được điều khiển, do vậy hiệu suất sử dụng nước được tăng lên và đảm bảo đúng chế độ nước của đất theo nhu cầu của từng giống cây trồng. Hiện nay, Việt Nam có nguồn nước dồi dào, nhưng không lâu nữa, tài nguyên này sẽ trở nên khan hiếm. Phương pháp tưới nhỏ giọt sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được nhiều nước so với phương pháp tưới rãnh và tưới phun truyền thống.
Ngoài công nghệ tiết kiệm nước, chúng tôi còn đang hướng tới việc xây dựng những mô hình trạng trại nuôi bò sữa sử dụng công nghệ Israel ở Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những mô hình trang trại hiện đại, trị giá của mỗi dự án như thế này dự tính lên tới 2 triệu USD. Ở mỗi trang trại như vậy, ngoài những trang thiết bị hiện đại, người chăn nuôi còn được cung cấp các công cụ quản lý bằng máy tính nhằm mục đích liên tục ghi chép dữ liệu về đàn gia súc để từ đó kiểm soát quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao với chi phí thấp và lượng nhân công tối thiểu.
Nhưng vì sao hiệu quả của sự hợp tác trong nông nghiệp vẫn chưa đạt được mong muốn của cả hai bên?
Chúng tôi nhận thấy là việc làm cho ai đó thích nghi với công nghệ mới và thay đổi thói quen sản xuất cần thì phải có thời gian. Vì vậy chúng ta cần phải kiên nhẫn hơn. Ở Israel, chúng tôi có lợi thế là có một nguồn nhân lực có trình độ cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đa phần những người làm trong nông nghiệp của Israel có trình độ trên phổ thông hoặc tốt nghiệp đại học. Vì vậy quan hệ giữa người nông dân với các chuyên gia nông nghiệp không có khoảng cách lớn, trình độ có thể nói là tương đương. Sự trao đổi giữa người trực tiếp làm công việc đồng áng với chuyên gia nông nghiệp diễn ra thường xuyên. Mỗi khi các trung tâm nghiên cứu đề ra những công nghệ mới, những người nông dân với nền tảng kiến thức tốt lại được cung cấp đầy đủ thông tin sẽ tự đánh giá và chủ động lựa chọn công nghệ hoặc các sản phẩm phù hợp với thị trường. Như tôi được biết, người nông dân ngày càng có kiến thức cao, cái mà anh ta sản xuất ngày càng nhiều hơn, tốt hơn, anh ta ngày càng giàu hơn.
Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào nguồn cán bộ nông nghiệp, sử dụng họ như cầu nối giữa người nông dân với công nghệ, và các cán bộ nông nghiệp cần gắn bó với nông dân và đồng ruộng hơn nữa.
Phải chăng còn một lý do nữa là công nghệ Israel giá thành đắt và các doanh nghiệp Israel không quen cách “lobby” như các đối tác đến từ Đông Á
Theo tôi, không phải “lobby” mà chính là chất lượng sản phẩm sẽ quyết định sự thành công của hợp tác. Đúng là các sản phẩm của Israel không hẳn là rẻ nhưng bù lại chất lượng rất tốt. Hơn nữa, Israel rất giỏi đáp ứng nhu cầu cụ thể, chi tiết của từng đối tượng khách hàng để phát triển công nghệ, sản phẩm tương ứng. Đấy là khó khăn nhưng tôi nghĩ đó không phải là vấn đề lớn. Tôi hy vọng dần dần người Việt Nam sẽ quan tâm đến chất lượng thực sự của sản phẩm hơn là những thương hiệu quen thuộc và biết đến các sản phẩm của Israel nhiều hơn qua các chương trình giới thiệu. Đấy là một trong lý do tại sao chúng tôi đang tích cực tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về Israel ở Việt Nam.
Tôi được biết, Ngài giành rất nhiều thời gian đến các địa phương, các dự án hợp tác giữa hai nước tìm hiểu công việc, điều không phải dễ gặp ở các nhà ngoại giao khác?
Tôi nghĩ, việc đó là hết sức cần thiết. Để người Việt Nam có cái nhìn toàn diện về đất nước và con người Israel, chúng tôi phải tích cực tạo ra những dịp, những cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa người Israel và người Việt Nam. Với cương vị của một nhà ngoại giao, tôi phải hoàn thành sứ mệnh của mình, làm một cầu nối tình bằng hữu giữa nhân dân hai nước.
Xin cảm ơn Ngài đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn và xin chúc mừng Ngài nhân dịp 60 năm Quốc Khánh Israel.