Hy vọng từ sự đa dạng sinh học

Trước khi Sapanapro ra đời, những người làm chính sách hay làm du lịch đều không thấy tiềm năng du lịch từ đa dạng sinh học của vùng đất Tả Phìn này.

Bà Chảo Sử Mẩy, Tây nữ vương thuốc ở Tả Phìn, một trong ba người sáng lập Sapanapro. Ảnh: Thu Quỳnh.

Khắp Sa Pa giờ đây tràn ngập các khách sạn và spa mở dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ, nhưng dân du lịch có thâm niên và kể cả người dân địa phương thường mách nhau đến Sapanapro – cơ sở do chính người Dao đỏ sáng lập và điều hành. Giữa khuôn viên lộn xộn đủ loại phong cách thiết kế chẳng ăn nhập gì với nhau, người ta không thể không chú ý đến hai nhà tắm bằng gỗ pơ mu nằm mấp mé trên mỏm đất, với mái gỗ phủ đầy một lớp dương xỉ bù xù.

Mỗi nhà tắm có ba buồng và nội thất mỗi buồng có bốn chiếc bồn tắm lá thuốc. Mỗi bồn chỉ vừa đúng một người ngồi khoanh chân. Phải rất từ từ, tôi mới quen với nước trong thùng nóng hơn 400C, chìm dần vào thứ thuốc tắm không có xà phòng mà đầy bọt bồng bềnh như mây trắng, tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Cửa sổ kính lớn trong phòng nhìn ra thấy bao la rừng núi và ruộng bậc thang vừa qua mùa gặt. Người lâng lâng, nhẹ bẫng.

Trên trang đánh giá về địa điểm du lịch TripAdvisor, những người khách từ khắp nơi trên thế giới gọi trải nghiệm này là dịch vụ trị liệu tốt nhất họ từng có, và đáng đánh đổi gần một triệu đồng tiền đi và về bằng taxi, trải qua quãng đường gập ghềnh, xóc nẩy từ thị trấn Sa Pa đến Tả Phìn, để lấy 15 phút trong phòng tắm thuốc với giá 100 nghìn.

Nằm trên khu vực Hoàng Liên Sơn – trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất Việt Nam với ít nhất ¼ loài thực vật của Việt Nam tập trung tại đây, Sa Pa có nguồn tài nguyên cây thuốc độc đáo và phong phú. Trải nghiệm ngâm mình trong bồn thuốc tắm đó, là một lát cắt của đời sống người Dao đỏ – một dân tộc sống giữa rừng, nương tựa vào rừng, lưu giữ vốn tri thức sâu rộng về cây thuốc trong rừng để sinh tồn. Tuy nhiên, trước khi Sapanapro ra đời, những người làm chính sách hay làm du lịch đều không nhận ra tiềm năng đó, khi nhìn vào một khu vực hẻo lánh, cô lập với những tiện nghi tối thiểu, đường vào xã lầy lội tới mức xe không qua nổi: “Trong những vùng đa dạng sinh học, dân thường bất lợi về nhiều mặt, nhưng cũng có lợi thế về nhiều mặt. Vậy thì tại sao mình cứ khoét vào cái bất lợi làm gì? Những lợi thế thường gặp nhất là cảnh quan, văn hóa và đa dạng sinh học, sao mình không khai thác những lợi thế đó để tham gia vào ngành kinh tế du lịch?” – PGS.TS. Trần Văn Ơn nói. PGS. Ơn, giảng viên Khoa thực vật, Đại học Dược Hà Nội, là người đã chứng kiến Sapanapro từ những ngày đầu thành lập và hiện đang là Chủ tịch HĐQT của công ty.

Nếu nhìn vào thành công hiện tại của Sapanapro, nhận định của PGS.Ơn giống như một tổng kết tất yếu và mãn nguyện. Nhưng nghe hết câu chuyện đằng sau doanh nghiệp này, lời nói đó dường như còn chứa cả nỗi ngậm ngùi. Khi ý tưởng thành lập công ty mới nhen nhóm cách đây gần 20 năm, những thứ gọi là lợi thế ở Tả Phìn đang mai một còn những khó khăn trước mắt thì lớn tới mức tưởng chừng không vượt qua nổi. Tựa vào những lợi thế còn lại có lẽ là lựa chọn duy nhất để người ta vững tâm mà tiến lên.

***

Nhân viên ở Sapanapro đang chuẩn bị thuốc tắm cho khách. Khi mới xây dựng nhà tắm, họ chưa nghĩ ra những ống nước dẫn thuốc từ nơi sản xuất đến bồn tắm, phải xách nước rất khổ cực. Ảnh: Thu Quỳnh.

Có thể coi bài thuốc tắm là tinh hoa tri thức của cộng đồng người Dao đỏ. Người dân ở đây tắm lá thuốc kể cả khi khỏe mạnh lẫn lúc ốm yếu. Họ tắm mỗi khi uể oải sau một chuyến đi rừng. Họ tắm sau khi vượt cạn để lấy lại sức, vài ngày sau sinh đã có thể quay lại nương rẫy. Những đứa trẻ mới lọt lòng cũng tắm để khỏi vàng da bệnh lý. Theo PGS. TS Ơn, có khoảng 100 loài thực vật được sử dụng trong các bài thuốc tắm. Tùy từng mục đích mà các thầy lang – bà mế sẽ lựa chọn những vị thuốc khác nhau để sử dụng. Các vị thuốc này được bốc một cách ước chừng, đổ vào đầy một chảo gang lớn, nấu trong vài tiếng đồng hồ, sau đó chắt lấy nước, để nguội bớt và dội từng gáo nhỏ lên người. Thuốc sẽ thấm qua da để trị liệu, chữa bệnh. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh những công dụng rõ ràng trong thuốc tắm của người Dao đỏ như chống viêm, giảm đau, giãn tĩnh mạch ngoại biên, tác dụng trên cơ tim, huyết áp…    

Vào đầu những năm 2000, PGS.TS Ơn thường xuyên tới Tả Phìn để nghiên cứu về đa dạng cây thuốc tắm của người Dao. Người dẫn đường và đi cùng anh chính là bà Chảo Sử Mẩy và bà Lý Mẩy Chạn, lần lượt là Chủ tịch Hội Phụ nữ và Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tả Phìn. (Bà Chảo Sử Mẩy là cháu dâu của bà Lý Mẩy Chạn). Giờ đây khi chúng tôi hỏi, anh Ơn không thể nhớ nổi mình đã gặp hai người phụ nữ đó như thế nào. Anh cũng không hề biết rằng bà Chảo Sử Mẩy được mệnh danh là “Tây nữ vương thuốc” với vốn hiểu biết sâu sắc bậc nhất cộng đồng về cây thuốc ở Hoàng Liên Sơn và bà Lý Mẩy Chạn là người khởi xướng và dẫn dắt một nhóm thổ cẩm đã có lúc quân số lên tới 200 người, tạo ra các sản phẩm thời trang và lưu niệm bán ở Hà Nội và xuất khẩu. Nhóm thổ cẩm của bà Chạn từng được cố vấn, đào tạo và tài trợ bởi nhiều tổ chức phi chính phủ Hà Lan, Thụy Điển, Canada…Bà cũng đã đi học các mô hình sản xuất hàng thủ công ở Đông Nam Á và thậm chí còn từng mở một cửa hàng bán đồ thổ cẩm ở giữa phố cổ Hà Nội. Nếu có gì ở thời điểm đó anh Ơn còn nhớ, thì chỉ là cảm giác bức xúc khi những người ngoài cộng đồng ngang nhiên khai thác bài thuốc của người Dao đỏ mà không trả lại bất kì giá trị nào cho họ, ngoài tiền công hái thuốc rẻ mạt.

Nhưng bà Lý Mẩy Chạn thì lại khác, câu chuyện như diễn ra mới ngày hôm qua. Từ cảm giác “ôi hay nhỉ” khi lần đầu nghe đến việc một nhà khoa học muốn tìm hiểu về cây thuốc người Dao cho đến sự dè chừng “sợ thầy Ơn còn ăn cắp bí quyết”. Bà kể: “Tôi nói: ‘Thầy ơi, thầy ở đây nghiên cứu thuốc rồi ra đây làm nhé, thầy đi chỗ khác làm thì tôi mất việc đấy!’. Xong thầy Ơn bảo: ‘Có chứ, sau này đến đây làm cho người dân mà’. Thế là mình cũng tin tưởng một phần nào thôi, chưa tin tưởng hết đâu”.

Cuộc hội ngộ giữa ba người hết sức tình cờ và không có một sự sắp đặt hay tính toán nào, thậm chí còn đan xen cả nghi ngờ, chỉ có điểm chung duy nhất là lòng nhiệt thành với cây thuốc, đã khai sinh ra một công ty bền bỉ vận hành suốt 15 năm nay.

***

Bà Lý Mẩy Chạn, một trong ba người sáng lập Sapanapro. Ảnh: Thu Quỳnh.

Ở thời điểm cách đây hơn 20 năm, đa dạng sinh học cây thuốc ở Tả Phìn đã bắt đầu suy giảm mà nguyên nhân chính nằm ở việc khai thác cây thuốc bừa bãi. Chỉ cách biên giới Trung Quốc khoảng 30km và có lịch sử giao thương lâu dài, người dân ở Tả Phìn vẫn hái cây thuốc và xuất khẩu sang phương Bắc theo đường tiểu ngạch, bên cạnh việc bán cho các công ty dược trong nước, để kiếm nguồn thu nhập. “Chỗ nào có tiền là dân lấy cho người đó, kiểu vậy” – bà Lý Mẩy Chạn nói. Một nghiên cứu từ năm 2005 của PGS. TS Ơn cho rằng, “đây là cách khai thác hủy diệt nhất” và ở thời điểm đó có khoảng 500 cây thuốc của Việt Nam được khai thác theo cách như vậy.

“Ở đâu [tại khu vực Hoàng Liên Sơn] cũng có loài cây bị tận diệt, thị trường Trung Quốc quá lớn, họ mua cái gì mình hết sạch cái đó” – PGS.TS Ơn cho biết. Trên thực tế, ở Sa Pa đã có những cây thuốc được phân loại “rất nguy cấp” trong sách đỏ, như Sâm Vũ Diệp, Tam thất hoang, Bảy lá một hoa, lan kim tuyến… – những loại hỗ trợ chữa nhiều bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp,…thậm chí có những cây đã được đưa vào danh sách hơn 30.000 thực vật quý hiếm phải bảo vệ theo công ước CITES – một cam kết giữa 184 trên thế giới từ năm 1975, hướng đến cấm việc buôn bán động, thực vật hoang dã. Dù vậy điều đó vẫn không ngăn được việc buôn bán tiếp tục diễn ra. “Dựa vào tự giác là chính. Nhưng tự giác ở đâu? Người mua thì có tiền, của thì ở trong rừng. [Người Trung Quốc] cứ đi vào rừng thu mua thôi, bây giờ có người ta vẫn lấy” – anh Ơn nói thêm. Riêng với các cây dùng làm thuốc tắm, trong một khảo sát năm 2009 của PGS.TS Ơn, gần 1/5 tổng số loài (19 loài) dùng làm thuốc tắm đang giảm trữ lượng ở mức báo động, trong đó có hai loài gần như cạn kiệt.

Khác với cây nông nghiệp hay công nghiệp, cây thuốc có số loài quá lớn và hầu hết chưa có nghiên cứu và hiểu biết đầy đủ, thị trường về cơ bản là bấp bênh. Bởi vậy, kể cả khi thị trường có nhu cầu, người ta cũng không mấy khi trồng cây thuốc. Tony B. Cunningham, giáo sư thỉnh giảng tại, Đại học Murdoch, Úc, từng có nhiều năm nghiên cứu về cây thuốc ở Đông Nam Á đã đưa ra một mô hình chung trên thế giới về khai thác cây thuốc trong tự nhiên kéo dài năm pha. Trong đó, pha thứ nhất đến pha thứ ba, được tính từ thời điểm một cây thuốc được phát hiện giá trị thương mại đến khi trữ lượng ngoài tự nhiên của nó giảm dần đến mức vừa đủ để khai thác. Pha thứ tư đến pha thứ năm, là khi loài cây thuốc đó trong tự nhiên giảm mạnh, sản lượng thu hái từ tự nhiên quá ít ỏi, không đáp ứng nổi nhu cầu người mua đang dâng cao. Nếu ai đó đầu tư trồng cây thuốc này ở ba pha đầu, lẽ dĩ nhiên là họ sẽ lỗ. Nhưng kể cả chờ đến pha thứ năm, khi loài cây thuốc đó gần như đã cạn kiệt mới bắt đầu trồng thử nghiệm, thì như anh Ơn cho biết: “có cửa nhưng cũng chưa chắc lắm đâu”. Lí do là có thể sau nhiều năm hoàn thiện quy trình trồng và có thể thu hoạch cây thuốc đó, nhu cầu thị trường bỗng nhiên thay đổi. Bởi vậy, những cây thuốc đang bị suy giảm đến cạn kiệt luôn đứng trước nguy cơ lớn rơi vào quên lãng.

***

Sapanapro là nơi hiếm hoi còn giữ được cảnh quan rừng và ruộng bậc thang nguyên vẹn bao quanh. Ảnh: Thu Quỳnh.

Ý tưởng thành lập Sapanapro là do PGS.TS Trần Văn Ơn gieo mầm. Anh cho rằng, bền vững về mặt đa dạng sinh học chỉ có thể đảm bảo nếu có sự bền vững vễ mặt xã hội và bền vững về mặt kinh tế. Nói cách khác, phải có một sinh kế dựa trên sự đa dạng sinh học, chia sẻ lợi nhuận một cách công bằng với người dân, đem lại cho họ một nguồn thu nhập tốt, ổn định hơn.

Là một nhà khoa học và đồng thời cũng từng tham gia một công ty dược (Công ty Dược Khoa, tiền thân thuộc Đại học Dược Hà Nội), anh Ơn có thể giúp người Dao đỏ chuẩn hóa bài thuốc tắm, xây dựng một mô hình vừa khai thác, kinh doanh nhưng cũng vừa bảo tồn cây thuốc và cố vấn chiến lược phát triển công ty. Tuy nhiên, triển khai những ý tưởng đó phụ thuộc vào hai người đồng sáng lập với anh, bà Lý Mẩy Chạn và bà Chảo Sử Mẩy.

Hai bà Lý Mẩy Chạn và Chảo Sử Mẩy vốn đã có uy tín trong cộng đồng và đặc biệt là bà Lý Mẩy Chạn đã có kinh nghiệp thành lập nhóm lợi ích làm thổ cẩm, bởi vậy, cuối cùng đã có thể kêu gọi được 11 người, bao gồm cả người Dao đỏ và người H’Mông trong xã tham gia làm cổ đông của Sapanapro – một kế hoạch với những thách thức vô tiền khoáng hậu, mà mọi “lý thuyết” về thành lập doanh nghiệp dưới xuôi có lẽ không giải quyết nổi.

Nói là “thách thức vô tiền khoáng hậu” bởi vì trước lúc bấy giờ, hầu như chưa một ai ở xã Tả Phìn từng lập doanh nghiệp; người dân lúc đó, chỉ học đến hết cấp hai là nghỉ; và nếu như ngoài một số ít hộ trồng thảo quả có đồng ra, đồng vào thì đa số các hộ còn lại đều sống trong cảnh nghèo tới mức đói ăn. Nhưng trên tất cả, theo lời bà Lý Mẩy Chạn, 11 hộ tham gia ban đầu là những hộ khó khăn nhất, nghèo nhất. Có thể họ sẵn sàng lao theo một kế hoạch mạo hiểm để bấu víu vào hy vọng về tương lai tốt hơn, nhưng họ có gì để đóng góp cổ phần vào Sapanapro? Họ đương nhiên không có tiền. PGS.TS Trần Văn Ơn cũng chỉ kêu gọi được tài trợ từ một dự án quốc tế khoảng vài chục triệu. Cuối cùng, giải pháp của anh Ơn là bất cứ thứ gì cũng có thể chuyển thành cổ phần, từ quyền sử dụng đất, từng cột, xà đến tấm gỗ xây nhà, cho đến ngày công lao động. Nhà tắm thuốc đầu tiên của Sapanapro (giờ đã đập bỏ) đã được xây dựng bằng rất nhiều cổ phần ngày công lao động như vậy.

Từ những ngày đầu xây dựng nhà tắm đã đầy vất vả, bởi vì khu đất dốc, nhà cứ xây lên lại đổ, “Đổ hai lần, dù đã đào móng sâu, nhưng cứ bắt đầu xây lại đổ. Trời ơi. Các cháu biết là tôi khóc mấy lần. Nghĩ đến cảnh đấy bây giờ tôi thấy sợ” – Bà Lý Mẩy Chạn cảm thán khi nhớ lại. Nhìn cảnh đó, những người đóng cổ phần bằng công lao động cũng không khỏi nản lòng và suy sụp, nhất là sau khi bỏ ra cả một ngày dài làm việc mệt nhọc, họ không thu lại một đồng nào, còn tương lai của doanh nghiệp thì ngày càng mờ mịt. Bà Lý Mẩy Chạn và bà Chảo Sử Mẩy, cũng không dư giả gì, bởi đồng lương của cán bộ xã chỉ khoảng 600 nghìn đồng/tháng, đã lấy tiền túi của mình (về sau chuyển thành cổ phần) để đưa cho những cổ đông mua mắm, mua muối, trấn an tâm lý cho họ. Hai bà đã thay nhau quán xuyến, tung hứng giữa công việc trên xã, việc ở nhóm thổ cẩm và việc ở Sapanapro. Bà Lý Mẩy Chạn kể lại, ông Lý Văn Hang, chồng bà Chảo Sử Mẩy, lúc bấy giờ là Chủ tịch hội đồng nhân dân xã đã phải thốt lên: “Hai bà này làm việc không có giờ giấc à? Hôm nay tối ngày mai không sáng nữa chắc?” Sapanapro khởi công vào năm 2005. Đến năm 2007, Lý Láo Lở, con trai bà Chảo Sử Mẩy trở về sau hai năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, làm giám đốc công ty còn hai bà quyết định lui về làm cố vấn R&D, công ty lúc đấy vẫn chưa có lãi. Trong suốt ba năm đầy cam go đó, hai bà vẫn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ bỏ. “Tôi với chị Mẩy là những người đứng lên để chịu trách nhiệm, nếu mình bỏ thì bà con sẽ bỏ, thôi thì mình cố, cố, cố” – Bà Lý Mẩy Chạn nói.

Nhờ vậy, mà đa số cổ đông đã quyết định ở lại, kể cả khi vài người có vị trí và uy tín trong cộng đồng (trong đó có Chủ tịch xã và Phó công an xã) đã rời đi. Quan trọng hơn, những cổ đông ở lại là những người đã đóng góp quyền sử dụng đất cho công ty. Đất của họ là đất rừng được nhà nước phân bố để họ quản lý và cho phép khai thác cây mọc dưới tán rừng. Nhờ vậy, công ty có năm ha đất xây dựng một vườn bảo tồn – nơi vừa giữ rừng, vừa trồng, lưu giữ và khai thác những cây thuốc tắm, đặc biệt là những cây đang cạn kiệt ngoài thiên nhiên. Vườn bảo tồn này cũng chính là nơi hướng dẫn, đào tạo người dân thực hành khai thác thuốc một cách bền vững, chừa một đoạn thân, cành hoặc lá để cây tiếp tục phát triển. Một nghiên cứu vào năm 2015 của Đại học Tài Nguyên và Môi trường kết hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho thấy phần lớn những người tự hái thuốc ở phần rừng của mình để bán cho SapaNapro tuân thủ tốt về thu hái, gần 90% các thành phần của cây được thu hái đúng cách.

PGS.TS Ơn từng khảo sát, nếu một tấn thuốc người dân hái thô đem đi bán chỉ đem lại cho họ khoảng 20 triệu đồng, nhưng một tấn lá thuốc chảy qua Công ty Sapanapro trả về tới 500 triệu đồng cho cộng đồng, thông qua cổ tức và tiền công lao động cho người dân. SapaNapro không chỉ cung cấp dịch vụ tắm thuốc tại chỗ mà còn nhượng quyền thương hiệu cho khoảng 10 cơ sở tắm thuốc trên cả nước, sản xuất thuốc tắm đóng chai (phổ biến nhất là thuốc tắm cho sản phụ và thuốc tắm cho trẻ sơ sinh) và tinh dầu với hơn 100 nhà bán lẻ ở Việt Nam. Nhờ bộ phận sản xuất này mà họ có thể sống sót qua hai năm du lịch đóng băng do dịch COVID-19. Càng mở rộng kinh doanh lại càng thuyết phục người dân bảo vệ nguồn tài nguyên thuốc. Khi nhìn thấy công ty làm ăn tốt, không chỉ người dân ở xã Tả Phìn mà người ở các xã xung quanh cũng muốn tham gia làm cổ đông của công ty. Cứ 500 nghìn là có thể trở thành cổ đông, một hộ gia đình có thể trả bằng tiền hoặc trả bằng chính công lao động như dọn cỏ, hái thuốc cho Sapanapro. Quan trọng hơn, có những hộ “trả” bằng một phần vườn rừng họ được nhà nước giao, thường là từ một đến bốn ha. Khi đó, các cổ đông, bất kể có đóng góp đất hay không, đều được tập huấn, không thu hái tận diệt, và bên cạnh đó, công ty có thể thu hái quay vòng, cho phép các vườn lần lượt “nghỉ ngơi”. Ngoài ra, 2-3 năm một lần, công ty lại phát giống thuốc cho các cổ đông trồng. Hiện nay, công ty có gần 120 cổ đông và ¼ trong số đó gắn mảnh đất của mình vào vùng nguyên liệu của công ty. “Nếu họ không đóng góp như vậy thì họ hái một hai lần là hết rồi. Nhưng nếu họ biết tính thì họ có thể thu được 5 đến 10 triệu đồng một năm, rất lợi” – bà Chảo Sử Mẩy cho biết.

***

PGS. Trần Văn Ơn và Lý Láo Lở, Giám đốc hiện tại của SapaNapro. Ảnh: Thu Quỳnh.

Mô hình của Sapanapro đã trở thành một công thức mà chúng tôi thấy PGS.TS Ơn tiếp tục đem áp dụng một phần tương tự ở Y Tý, cách Tả Phìn gần 100 km. Y Tý giống như Tả Phìn nhiều chục năm về trước, đa dạng sinh học suy giảm chưa đáng kể, diện tích đất rừng vẫn rất lớn, thậm chí đủ để người dân vẫn có thể thực hiện phương pháp canh tác luân khoảnh – phát rừng để trồng lúa ở một nơi rồi bỏ sang một vùng rừng khác để canh tác, chờ nơi cũ mọc lại rừng mới sau 10, 20 năm. Nhưng anh Ơn đã cố vấn cho một nhóm người dân tộc Hà Nhì xây dựng một khu du lịch sinh thái, trong đó có một nhà tắm thuốc do Sapanapro nhượng quyền và một khu vườn bảo tồn các thảo dược đặc hữu của vùng này. Vườn thảo dược này sẽ không chỉ phục vụ trải nghiệm của du khách mà còn dùng để khai thác sản xuất tinh dầu và thuốc.

Dọc con đường ngoằn nghèo từ Tả Phìn tới Y Tý, từ trên vách núi nhìn xuống, những mảnh đất trải đầy rừng cây và ruộng bậc thang đầy thơ mộng đều đã có những “đại gia” từ dưới xuôi sở hữu. Giữa một loạt homestay đang mọc lên như nấm ở Y Tý, nơi chúng tôi đến thăm – một khu đất rộng ba ha, là nơi duy nhất thuộc sở hữu của người địa phương – một người Hà Nhì tên là Li Mò Giờ kế thừa từ cha mẹ. Y Tý, nơi du lịch mới manh nha cách đây không lâu, giao thông đến đây còn nhiều trắc trở và khó khăn đã phải chịu cơn sốt đất như vậy. Còn ở Tả Phìn, giá đất đã tăng đến mức chóng mặt. Một mặt Sapanapro luôn đề phòng một ngày những người đã góp đất làm trụ sở công ty có ngày bỗng nhiên phá hợp đồng, đòi bán cho các “đại gia” sẵn sàng trả giá cao. Mặt khác, họ muốn đi tìm thêm một khu đất khác để dự phòng thì không thể kham nổi. Vấn đề nhức nhối này như một hòn đá chắn đường, ngăn cản những mô hình SapaNapro hình thành trong tương lai.

PGS.TS Ơn từng khảo sát, nếu một tấn thuốc người dân hái thô đem đi bán chỉ đem lại cho họ khoảng 20 triệu đồng, nhưng một tấn lá thuốc chảy qua công ty Sapanapro trả về tới 500 triệu đồng cho cộng đồng, thông qua cổ tức và tiền công lao động cho người dân.

Trong khi đó, những mô hình như vậy có lẽ cần được nhân rộng nhanh hơn nữa. Anh Ơn cho biết, trong số các dược liệu bán ra ngoài Sa Pa, chỉ có 2% thuộc về Sapanapro còn lại 98% là được thu hái tự do. Nói cách khác, đa phần dược liệu ở Sa Pa có khả năng cao là không được thu hái một cách bền vững. Bà Chảo Sử Mẩy, dù đã ở tuổi ngoài 60, vẫn thường xuyên leo núi thoăn thoát ở Sa Pa để nghiên cứu về cây thuốc, có thể cảm nhận thấy chúng đang giảm đi rõ rệt. “Ngày xưa tôi cũng hướng dẫn mọi người đi hái thuốc thì mình chỉ lấy cành, không được chặt cả cây. Nhưng bây giờ nhiều người còn chặt cả cây, để lại gốc ngắn quá, cây không phát triển được”.  – bà nói.

***

Những công ty bản địa này không thể thành công nếu không có người tư vấn, hỗ trợ. “Tôi nghĩ làm được là cũng nhờ các thầy cả thôi” – bà Lý Mẩy Chạn nói về PGS.TS Trần Văn Ơn ngay từ câu mở đầu tiếp chúng tôi như vậy. Anh Ơn đang lên kế hoạch đưa Sapanapro thành một nơi du lịch sức khỏe. Khi chúng tôi đến đây đã thấy có năm căn nhà gỗ khép kín đang được xây dựng giữa rừng cây um tùm trong khuôn viên, trong tương lai sẽ đón những người tới “tắm rừng” và “tắm lá thuốc trị liệu”.

Liệu những mô hình như Sapanapro có chạy trước những cơn sốt đất đang tràn lên khu vực miền núi, kịp ngăn lại làn sóng khai thác và bán cây thuốc vẫn đang diễn ra như vũ bão? Tôi e là khó nếu anh Ơn vẫn tự làm một mình như suốt 15 năm nay. Nhưng anh đã xua tay và nói rằng anh còn một đội ngũ học trò sẽ kế nghiệp, anh sẽ chỉ là người đứng sau các em thiết kế một giấc mơ lớn “Đây là sứ mệnh mà tôi tập trung từ giờ đến hết đời. Đó là xây dựng một nền kinh tế mới. Một nền kinh tế lai giữa du lịch và thảo dược.” – Anh nói. Trong đó, sẽ có một chuỗi những điểm như Sapanapro nằm dọc theo các tỉnh miền núi thành các trục Đông Bắc, Tây Bắc, Hoàng Liên Sơn. Mỗi điểm sẽ cung cấp mọi dịch vụ về sức khỏe liên quan đến thảo dược, từ ăn uống, tắm thuốc, trị liệu đến trải nghiệm thiên nhiên… “Một mình tôi không làm được. Chính các học trò của tôi đã tập hợp nhau lại thành lập công ty để làm điều đó”- Anh Ơn nhấn mạnh. □

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)