Kepler-452b: “Trái đất ở gần chúng ta nhất”

Kepler-452b, hành tinh ở ngoài hệ Mặt trời vừa được NASA phát hiện, được coi là “Trái đất ở gần chúng ta nhất”.

Ngày 23/7 vừa qua, NASA tuyên bố đã phát hiện thấy một thiên thể được mô tả là hành tinh giống Trái đất nhất ở ngoài hệ Mặt trời. Hành tinh được đặt tên Kepler-452b này ở cách Trái đất 1.400 năm ánh sáng. Nó bay vòng quanh sao chủ là định tinh Kepler-452 – ở khoảng cách như khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời, với chu kỳ bằng 385 ngày. So với Trái đất, Kepler-452b có đường kính lớn hơn khoảng 60%, khối lượng lớn gấp năm lần, được gọi là “siêu Trái đất”; vì thế nó không đích thực là “anh em sinh đôi của Trái đất” mà chỉ là ông anh họ gần và già hơn mà thôi. Kepler-452b không quá nóng hoặc quá lạnh, có bầu khí quyển dày và nước ở thể lỏng cũng như núi lửa đang hoạt động – tất cả các thành phần và điều kiện cần thiết cho sự tồn tại sinh mệnh.

Jon Jenkins, người đứng đầu nhóm phát hiện ra Kepler-452b và chỉ đạo phân tích dữ liệu tại Trung tâm NASA Ames Research ở Moffett Field, California, nói, hành tinh này đã tồn tại sáu tỷ năm trong vùng sinh sống của sao chủ Kepler-452. Kepler-452 to hơn Mặt trời của Trái đất 10% và sáng hơn 20%. Định tinh này xuất hiện sớm 1,5 tỷ năm so với Mặt trời, và đã đi vào giai đoạn suy thoái, nhiệt độ không ngừng tăng lên, làm cho nước trên bề mặt hành tinh Kepler-452b bốc hơi. Các nhà khoa học cho rằng qua việc quan sát thời kỳ cuối của Kepler-452b sẽ có thể dự đoán được tình cảnh Trái đất sau đây một tỷ năm.

Dự án Kính viễn vọng vũ trụ Kepler trị giá 600 triệu USD nhằm mục tiêu chủ yếu là xác định xem trong dải Ngân hà có những hành tinh nào tương tự như Trái đất. Kepler được phóng lên vũ trụ từ tháng 3/2009. Tới nay, dự án Kính thiên văn Kepler đã quan sát được 4.696 hành tinh, trong đó chỉ có 1.030 hành tinh đã được xác định bằng các quan sát hoặc phân tích tiếp theo. Phát hiện Kepler-452b được công bố cùng với 521 hành tinh mới phát hiện được coi là “ứng viên” của các hành tinh có thể có sự sống.

11 trong số 521 ứng viên đó tương tự như Kepler-452b: đường kính của chúng nhỏ khoảng bằng một nửa đường kính của Trái đất và chúng nằm trong “vùng sinh sống” của “Mặt trời” của mình với khoảng cách vừa phải để có thể tồn tại nước thể lỏng.

Thiên thể Kepler-452b được tìm thấy từ các dữ liệu mà kính thiên văn Kepler thu thập được trong bốn năm đầu tiên của cuộc săn lùng hành tinh của nó – cuộc truy tìm này kết thúc vào năm 2013.

Năm ngoái và đầu năm nay, NASA từng công bố các tin tức về những “Trái đất ở gần chúng ta nhất”, nhưng các định tinh mà chúng bay xung quanh đều là những sao lùn đỏ có khối lượng rất nhỏ và nhiệt độ khá thấp. Riêng Kepler-452b thì bay quanh một định tinh tương tự Mặt trời của chúng ta, vì thế nó trở thành Trái đất ở gần chúng ta nhất.

Phát hiện “người anh họ của Trái đất” đặt lại vấn đề nhạy cảm: có tồn tại người ngoài hành tinh hay không?

“Dữ liệu từ kính thiên văn quỹ đạo kiểu như sứ mệnh Kepler của NASA gợi ý rằng trong dải Ngân hà của chúng ta có nhiều tỷ hành tinh có thể sinh sống được. Nếu không tồn tại người ngoài hành tinh thì Trái đất chẳng những là một trường hợp đặc biệt mà còn là một phép lạ nào đó,” Seth Shostak, trưởng nhóm nhà thiên văn của Viện SETI [Search for ExtraTerrestrial Intelligence – chuyên tiến hành các nghiên cứu khoa học về sự sống trong vũ trụ] và tác giả sách “Lời thú nhận của một kẻ săn lùng người ngoài hành tinh: cuộc tìm kiếm trí tuệ ngoài hành tinh của một nhà khoa học”, nói.

Nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Stephen Hawking là người rất lo ngại về sự tiếp xúc với người ngoài hành tinh. Thế nhưng ngày 20/7 vừa qua, ông lại tuyên bố sẽ khởi động dự án Breakthrough Liston nhằm tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Dự án này được đầu tư 100 triệu USD, sẽ thực hiện trong 10 năm.
   

Tác giả