Kết nối các nhà khoa học Việt-Úc trong lĩnh vực y sinh

Ngày 29/11 tại Hà Nội, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) đã phối hợp với Hội đồng nghiên cứu y học và sức khỏe quốc gia Úc (NHMRC) tổ chức hội thảo nhằm chuẩn bị ý tưởng và đề cương cho một chương trình nghiên cứu do hai bên đồng tài trợ từ năm 2017 theo Biên bản ghi nhớ.


Giáo sư Jonathan Morris, Giám đốc Viện Kolling, trình bày báo cáo Nghiên cứu hợp tác với Việt Nam để nâng cao sức khỏe bà mẹ trẻ em (Research partnership with Vietnam to improve maternal and child health). Ảnh: Vũ Nhàn

Các báo cáo được trình bày trong hội thảo tập trung chủ yếu vào ba chủ đề chính gồm y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm và chăm sóc bà mẹ trẻ em.

Theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng viện vệ sinh dịch tễ trung ương, Trưởng ban Chương trình, luôn cần có những nghiên cứu trong các vấn đề về bệnh truyền nhiễm, y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Trong hơn 10 năm vừa qua, nhiều bệnh truyền nhiễm nổi lên như SARS, H5N1, MERS, Ebola, ZIKA…, nhưng việc chia sẻ những thông tin và những tài liệu nghiên cứu thì không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, nghiên cứu về những bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, ung thư,… và nghiên cứu liên quan đến sức khỏe bà mẹ trẻ em cũng cần được thúc đẩy. Do vậy, việc kết nối và chia sẻ thông tin thông qua các nghiên cứu, các ý tưởng sẽ giúp các nhà khoa học của hai nước có thể cùng nhau làm việc.

Trong khi các báo cáo tại phiên toàn thể nêu lên những thách thức và định hướng nghiên cứu trong y tế công cộng ở Việt Nam, thì các báo cáo tại tiểu ban đi sâu vào các vấn đề như nghiên cứu về những nhân tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường ở miền Nam Việt Nam, đời sống người cao tuổi, kiểm soát bệnh lao, vấn đề LGBT ở Việt Nam, đánh giá hệ thống báo cáo tỉ lệ tử A6 của Việt Nam,…

Có tất cả 25 báo cáo trong số 56 hồ sơ đề nghị của các nhà khoa học Việt Nam và 35 hồ sơ từ các nhà khoa học Úc đã được chọn để trình bày tại hội thảo.

 

 

 

Tác giả