Kêu gọi rút 400 bài báo về cấy ghép nội tạng vi phạm đạo đức nghiên cứu

Một nghiên cứu đầu tiên trên thế giới kêu gọi rút lại hơn 400 bài báo khoa học về cấy ghép nội tạng do lo ngại việc lấy các bộ phận cơ thể từ các tù nhân Trung Quốc một cách phi đạo đức và nhiều tạp chí y học xuất bản bằng tiếng Anh không tuân thủ đúng các tiêu chuẩn đạo đức quốc tế.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa BMJ Open. Bà Wendy Rogers, giáo sư về đạo đức y khoa tại Đại học Macquarie, Sydney và là tác giả của nghiên cứu, cho rằng các tạp chí, nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng tham gia thực hiện và đăng tải 400 công bố này đều là đồng lõa trong các phương pháp lấy và cấy ghép nội tạng “man rợ”.
Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu theo dõi tiến trình thực hiện nghiên cứu cấy ghép nhằm ngăn chặn nghiên cứu phi đạo đức.
Một báo cáo trước đây được công bố vào năm 2016 cho thấy sự khác biệt lớn giữa các số liệu về cấy ghép nội tạng chính thức từ Chính phủ Trung Quốc và số ca cấy ghép do các bệnh viện báo cáo: chính phủ cho biết 10.000 ca cấy ghép diễn ra mỗi năm nhưng dữ liệu bệnh viện cho thấy trên thực tế có khoảng 60.000 đến 100.000 ca. Báo cáo cung cấp bằng chứng là khoảng cách này xuất phát từ số nội tạng của các tù nhân bị tử hình được sử dụng để cấy ghép.
Rogers và nhóm nghiên cứu của bà đã thu thập tất cả các nghiên cứu báo cáo về người Trung Quốc nhận ghép tạng được công bố trên các tạp chí y khoa bằng tiếng Anh trong khoảng thời gian từ tháng 1/2000 đến tháng 4/2017. Có tổng số 445 nghiên cứu, trong đó có 85.477 ca cấy ghép; 99% trong số 445 nghiên cứu đó không cung cấp thông tin về sự đồng thuận của người hiến tạng. Chỉ có 19 nghiên cứu tuyên bố không sử dụng nội tạng từ các tù nhân bị tử hình; nhưng điều đáng nghi ngờ là 19 nghiên cứu này được thực hiện trước năm 2010, khoảng thời gian không có chương trình hiến tạng tình nguyện nào ở Trung Quốc.
Nghiên cứu của Rogers phát hiện ra rằng ngay cả tạp chí American Transplantation và tạp chí chính thức của Hiệp hội Cấy ghép tạng (The Transplantation Society) cũng đã xuất bản các bài báo đáng nghi vấn, không tuân theo chính sách cấm thực hiện các nghiên cứu phi đạo đức liên quan đến các tù nhân bị tử hình; bất chấp việc vào năm 2016, Hiệp hội Cấy ghép tạng đã tuyên bố không chấp nhận các báo cáo có sử dụng các bộ phận cơ thể từ các tù nhân. 
Kết quả là một số lượng lớn các nghiên cứu phi đạo đức được công bố hiện đang tồn tại, đặt ra những câu hỏi về sự đồng lõa của cộng đồng cấy ghép tạng trong việc sử dụng và hưởng lợi từ kết quả của các nghiên cứu này.
“Chúng tôi kêu gọi rút lại ngay lập tức tất cả các bài báo cáo nghiên cứu có sử dụng nội tạng phi đạo đức nghiên cứu và kêu gọi một hội nghị quốc tế để phát triển chính sách tương lai trong việc xử lý nghiên cứu cấy ghép tạng của Trung Quốc.”
Năm 2017, tạp chí y tế uy tín Liver International đã buộc phải rút lại một bài báo khoa học của các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc. Trong nghiên cứu đó, các bác sĩ Trung Quốc đã kiểm tra kết quả của 564 ca ghép gan trong bốn năm; nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng không thể có một bệnh viện nào có được nhiều gan khả dụng đến thế, đặc biệt với số lượng hiến tạng tình nguyện nhỏ ở Trung Quốc vào thời điểm đó. 
Đáng chú ý hơn nữa là hầu hết gan trong nghiên cứu này được kê khai là đến từ người hiến tạng ngừng tim; loại trường hợp chỉ có 30% khả năng cung cấp gan có thể cấy ghép. Có nghĩa là sẽ cần đến khoảng 1.880 ca hiến tạng do ngừng tim để có 564 gan được báo cáo trong bài báo này; trong khi tổng số ca hiến tạng tự nguyện ở Trung Quốc từ 2011 đến 2014 là 2.326 ca. “Không thể có 564 gan được lấy thành công, trừ khi các bác sĩ phẫu thuật này chiếm được 80% tất cả các ca hiến tạng tự nguyện trên toàn Trung Quốc trong giai đoạn này,” theo Wendy Rogers, giáo sư về đạo đức y khoa tại Đại học Macquarie, Sydney. □

Hoàng Nam dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2019/feb/06/call-for-retraction-of-400-scientific-papers-amid-fears-organs-came-from-chinese-prisoners

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)