Khai khẩn Nam Bộ: Chứng tích lịch sử của quá trình hợp dung văn hóa đa tộc người

Lịch sử Nam Bộ là quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa của nhiều tộc người (Khmer, Chăm, Việt, Hoa…) một cách liên tục. Những chứng tích còn lại của lịch sử đã phần nào làm sáng tỏ bức tranh đó.


Mô Xoài (Bà Rịa) là một trong những vùng đất được người Việt di cư đến khai hoang, lập làng sớm ở Nam Bộ. Ngày nay Vũng Tàu vẫn là cảng sôi động trong khu vực. Ảnh: Cảng tổng hợp container tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Nguồn: TTXVN.

Xung đột và tiếp biến văn hoá giữa Chân Lạp và Champa

Vào khoảng 5.000 – 4.000 năm trước, người Indonesian đã đến khai phá Đông Nam Bộ, tạo nên văn hoá Đồng Nai và khoảng 3.000 năm trước dựng nên trung tâm văn hoá kim khí lớn, gồm bốn vùng kinh tế – dân cư ở Đông Nam Bộ, hoàn chỉnh nền văn hoá Đồng Nai. Trong khoảng vài ba thế kỷ trước và sau Công nguyên, người Indonesian mở rộng khai phá xuống vùng thấp, giao lưu với các tộc người ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VIII, người Indonesian và nhiều lớp cư dân ngoại nhập đã tạo lập nền văn hoá Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ và Đông Campuchia, dựng nên đế quốc Phù Nam hùng mạnh, với cảng thị Óc Eo, các trung tâm chính trị, văn hoá và tôn giáo ở Bình Tả (Long An), Gò Tháp (Đồng Tháp)…

Từ giữa thế kỷ thứ VI đến đầu thế kỷ thứ VII, vương quốc Chenla (Chân Lạp) hình thành trong nội địa, đem quân đánh đuổi triều đình Phù Nam ra đảo Java. Cư dân Phù Nam vẫn còn ở lại một số nơi trên đồng bằng Nam Bộ, duy trì nền văn hoá Óc Eo. Nhưng đến cuối thế kỷ VIII thì văn hoá Óc Eo tàn lụi hẳn, khi các vương triều Java đưa quân về đánh Chenla để báo thù và cướp phá. Vương quốc Champa (Chiêm Thành) cũng bị Java đánh phá hai lần vào năm 774 và năm 787. Sau đó, Chenla và Champa đã đụng độ khốc liệt với nhau liên tiếp chỉ trong vài thế kỷ. Năm 813 và năm 817, Champa tiến đánh Chenla. Năm 1145, Chenla đánh chiếm Champa trong 3 năm. Năm 1177, Champa quật khởi đánh chiếm Chenla trong 4 năm. Năm 1203, Champa trở thành thuộc quốc của Chenla trong 17 năm. Sự ra đời các tháp gạch Bình Thạnh, Chót Mạt ở Tây Ninh, bi ký Chăm ở Biên Hoà, cũng như sự hình thành các vòng thành đất hình tròn nhằm mục tiêu phòng thủ của các tộc người bản địa ở Bình Phước, Tây Ninh và Kompong Cham, sự lụi tàn của thánh địa Cát Tiên ở Lâm Đồng (thế kỷ IV-XI), là những chứng tích liên quan đến lịch sử xung đột và tiếp biến văn hoá đó giữa hai vương quốc này.

Có thể vì nguyên nhân lịch sử này, cộng với nguyên nhân địa lý là bồn địa Biển Hồ Tonlé Sap vẫn còn dư địa để phát triển, nên người Khmer đã bỏ trống Nam Bộ suốt nhiều thế kỷ. Như các bằng chứng khảo cổ học cho thấy, từ cuối thế kỷ VIII đến đầu thế kỷ XVI, lác đác chỉ có một vài di tích bi ký, đền thờ của Chenla xuất hiện ở Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, chứng tỏ nhà nước Chenla chỉ khai thác cầm chừng (cho dân đến khai thác mật ong, sáp ong, cho thương nhân buôn bán qua thuỷ lộ sông Bassac…), chứ không màng đến việc khai hoang và phục hoá các di sản của đế quốc Phù Nam. Phải đến khi Chenla bị người Siam (Xiêm) tấn công, phải liên tiếp dời đô từ Angkor xuống Phnom Penh vào năm 1434, từ Phnom Penh lên Lovek vào năm 1528, từ Lovek xuống Oudong vào năm 1593, người Khmer mới chuyển trọng tâm đất nước từ tây bắc xuống đông nam Biển Hồ, và tìm đến Nam Bộ định cư ở các vùng đất cao, tạo thành các khu vực cư trú tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang và rải rác ở các nơi khác. Bộ máy hành chánh được thiết lập đến cấp khet (tỉnh), srok (huyện), và được nối dài với bộ máy tự quản ở cấp khum (xã), phum (xóm).

Những lưu dân người Việt đầu tiên

Vào cuối thế kỷ XVI, những người Việt đầu tiên đã đến làm ăn sinh sống ở Mô Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu). Trước đây, người ta tin rằng những lớp lưu dân Việt đầu tiên đi vào Nam Bộ chỉ là những dân nghèo, tội đồ, binh lính nhưng các kết quả nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra rằng có những thương nhân, nhà phú hộ đã xuất tài vật vào Nam buôn bán, chiêu tập lưu dân khẩn hoang lập ấp, từng bước biến Đông Nam Bộ rồi Tây Nam Bộ thành những vùng sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp và hình thành nền kinh tế hàng hoá ngay từ buổi đầu. Năm 1620, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II, giúp chiến thuyền và binh lính cho vua Chân Lạp đánh đuổi quân Xiêm xâm lược. Đổi lại, năm 1623, vua Chey Chettha II chấp thuận cho chúa Sãi tiếp quản vùng đất Mô Xoài và lập hai thương điểm (đồn thu thuế) là Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Sự kiện trên chứng tỏ từ đầu thế kỷ XVII thương nhân Đàng Trong đã thường xuyên lui tới Sài Gòn và Bến Nghé để làm ăn. Năm 1698, chúa Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam. Trên cơ sở những lưu dân Việt đã tới Đồng Nai – Gia Định, gồm khoảng 40.000 hộ với 200.000 khẩu, Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai đặt làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn; đặt các chức giám quân, cai bạ và ký lục để bảo vệ và quản lý. Năm 1732, chúa Nguyễn chia đất tây nam dinh Phiên Trấn, đặt châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, lệ vào phủ Gia Định. Năm 1756, bị Nguyễn Cư Trinh chinh phạt vì tội thông sứ với chúa Trịnh, vua Chân Lạp Ang Tong (Nặc Ông Nguyên) xin dâng cho chúa Nguyễn Phúc Khoát hai phủ Tầm Đôn và Lôi Lạp để cầu hoà; chúa Nguyễn cho đổi theo châu Định Viễn quản hạt. Năm 1772, chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần sai khổn thần Gia Định đem đất Mỹ Tho lập thành đạo Trường Đồn, đặt các chức cai cơ và thư ký để cai trị. Đến năm 1779, khi chúa Nguyễn Ánh định địa đồ son thì cương vực của phủ Gia Định đã bao trùm toàn Nam Bộ. Chỉ riêng Trà Vinh và Sóc Trăng vì đông người Khmer cư trú nên được giao lại cho vua Chân Lạp cai quản một thời gian, nhưng đến năm 1835 cũng được sáp nhập vĩnh viễn vào lãnh thổ Việt Nam.

Việc khai phá Nam Bộ thường xuyên được các đời chúa Nguyễn và vua Nguyễn sau này khuyến khích, bằng những chính sách hữu hiệu như viện trợ cho Chân Lạp chống Xiêm để đổi lấy đất đai, phong quan chức cho những phú hộ chiêu mộ được lưu dân, tư nhân được tự do lập phường nghề, lập chợ, chuyển lính đồn trú thành lính đồn điền để bảo vệ dân chúng và thúc đẩy khai hoang, v.v. Nhưng quá trình khai phá Nam Bộ còn được thúc đẩy nhanh bởi cái vốn văn hoá của người Việt đã được đổi mới và thử thách trên dải đất miền Trung. Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, di dân người Việt đến định cư ở Nam Bộ đều có nguồn gốc từ vùng “Ngũ Quảng”, tức Quảng Bình – Quảng Trị – Quảng Đức – Quảng Nam – Quảng Ngãi. Trên dải đất miền Trung chật hẹp, cằn cỗi và lắm thiên tai, người Việt đã tự thích nghi và tiếp biến những sở trường văn hoá của người Chăm, để phát triển đồng thời bốn ngành kinh tế: nông nghiệp mương đập, ngư nghiệp cận duyên, lâm nghiệp, và thương nghiệp. Cái vốn văn hoá ấy đã tìm được “đất dụng võ” trên địa bàn Nam Bộ, nơi có những đồng bằng châu thổ, những bình sơn nguyên, những vùng biển rộng lớn nhất và trù phú nhất Việt Nam. Môi trường văn hoá mới đã kích thích sự năng động và đổi mới của di dân người Việt trong quá trình thích nghi, lựa chọn, tiếp biến và sáng tạo văn hoá ở nơi đây. Điều này cũng đúng với cả những di dân từ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đến Nam Bộ từ thế kỷ XIX về sau.


Múa lân – sư – rồng của người Hoa ở Chợ Lớn. Nguồn: http://nld.com.vn.

Dấu ấn người Hoa, người Chăm

Đến sau một chút nhưng giúp thúc đẩy quá trình khai phá Nam Bộ nhanh hơn là những lưu dân người Hoa tràn vào Nam Bộ từ thế kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, hình thành các khu sản xuất thủ công nghiệp và các phố chợ tấp nập trên bến dưới thuyền. Năm 1679, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho các tướng “phản Thanh phục Minh” Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và 3.000 người tuỳ tùng vào Nam Bộ để khai khẩn, định cư. Trần Thượng Xuyên và tuỳ tùng lập ra Nông Nai Đại phố (cù lao Phố, Biên Hoà, Đồng Nai) và chợ Sài Gòn (khu vực phường 12, quận 5, TP. Hồ Chí Minh). Dương Ngạn Địch đưa tướng sĩ đến Mỹ Tho, dựng nhà cửa, tụ họp người Kinh, người Di, kết thành làng xóm, lập nên Mỹ Tho Đại phố (khu vực phường 2, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang). Cũng trong năm 1679, chúa Hiền sai tướng mở đất dựng đồn dinh ở lân Tân Mỹ (khu vực chợ Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Sau đó, chúa cho lập 9 trường biệt nạp ở vùng Mỹ Tho, cho dân lập ấp khai khẩn làm ăn, nộp thuế. Năm 1680, Mạc Cửu đến Chân Lạp, chiêu tập lưu dân lập ra 7 thôn xã từ Vũng Thơm (Kompong Thom) đến Cà Mau (Tưk Khmau), đến năm 1708 cũng xin thần phục chúa Nguyễn. Từ giữa thế kỷ XIX, sau cuộc chiến tranh Nha phiến (1840-1842) và cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1850-1865), đông đảo người Hoa từ duyên hải Giang Nam Trung Quốc (Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam) lại tiếp tục đến Việt Nam. Từ đó, các truyền thống nội ngoại thương mà người Việt mang vào từ Trung Bộ đã được thăng hoa. Thật ra, ở quê cũ Trung Hoa, người Hoa cũng làm đủ thứ nghề. Nhưng đến Nam Bộ, người Hoa đã lựa chọn những sở trường đồng thời là ưu thế văn hoá mà không tộc người nào ở Đông Nam Á sánh bằng: thương mại, dịch vụ, thủ công, với sự hỗ trợ của mạng lưới thương nhân Hoa kiều hải ngoại. Họ lại được hưởng lợi từ chính sách cưu mang của chúa Nguyễn, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp sau này. Cho nên, sự hình thành nền kinh tế hàng hoá, phát triển thương mại, dịch vụ và đô thị ở Nam Bộ có công rất lớn của người Hoa. Hơn thế nữa, người Hoa không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có những giá trị văn hoá phi vật thể vô cùng phong phú: Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo, các phong tục vòng đời người, các lễ hội dân gian với sức sống mãnh liệt làm nên tình đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Trong suốt mấy trăm năm đầu khai phá, ngoài một số tướng lĩnh vâng mệnh triều đình đi mở cõi (Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Tri Phương, Trương Định…), hầu hết các danh nhân văn hoá của vùng đất mới này đều là trí thức và tướng lĩnh người Hoa và người Việt Minh hương: Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Trần Đại Định, Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ, Võ Trường Toản, Đỗ Thành Nhơn, Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, Ngô Tùng Châu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Phan Thanh Giản, v.v. Do nhu cầu bảo tồn văn hoá tộc người và quyền lợi kinh doanh, người Hoa rất hạn chế kết hôn, truyền nghề cho người Việt, để tập trung giúp đỡ những người đồng hương, đồng tộc. Nhưng “bức tường rêu” ấy (từ dùng của Bình Nguyên Lộc) đã tự tiêu tan sau nhiều thế hệ cộng cư và đồng hoá tự nhiên thành người Việt của một bộ phận người Hoa. Và theo thời gian, những giá trị văn hoá của người Hoa và người Việt Minh hương đã gia nhập vào văn hoá Việt ở Nam Bộ ngày nay.

Còn người Chăm Nam Bộ, nguyên là di dân người Chăm ở Chân Lạp, sử gọi là người Côn Man. Năm 1756, sau khi người Côn Man bị quân Chân Lạp đuổi đánh, Nguyễn Cư Trinh đã tâu xin chúa Nguyễn và đưa họ về định cư ở Châu Đốc và Tây Ninh. Về sau, người Chăm ở Châu Đốc tiếp tục di dân đến Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương…

Năm 1867, thực dân Pháp hoàn tất việc đánh chiếm Nam Kỳ lục tỉnh, và hợp pháp hoá bằng Hoà ước Giáp Tuất 1874. Ngày 5/1/1876, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra Nghị định phân chia Nam Kỳ thành 4 vùng hành chính (circonscription administrative) là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc, bao gồm 19 hạt (arrondissement administratif). Ngày 20/12/1889, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi các hạt Nam Kỳ thành tỉnh (province). Kể từ đó, về cơ bản diện mạo các tỉnh thành Nam Bộ đã được định hình, mặc dù các tỉnh thành còn trải qua nhiều lần tách, nhập. Và cũng từ lúc đó, cư dân Nam Bộ đã tiếp xúc với văn hoá Pháp. Giai đoạn đầu thời Pháp thuộc, dân ta chống Âu hoá và cố gắng Việt Nam hoá ảnh hưởng của phương Tây. Tình hình đó kéo dài suốt 40 năm kể từ khi tờ báo có sử dụng chữ Quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định Báo ra đời năm 1865 ở Sài Gòn. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, với phong trào Duy Tân – Đông Du (1905-1908) trong cả nước và phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ (1907-1908), văn hoá Nam Bộ và văn hoá Việt Nam đã chủ động hội nhập với văn hoá phương Tây để hiện đại hoá, tự cường, thoát ly khỏi vòng ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Tiếp đó, trong các thập niên 1920, 1930, các trào lưu văn học, nghệ thuật, báo chí… theo xu hướng cách tân bùng lên sôi nổi, đặc biệt ở Nam Kỳ. Hàng loạt thể loại văn học, nghệ thuật, báo chí sử dụng tiếng Việt để truyền bá văn hoá mới, đã nở rộ khắp ba miền Bắc Trung Nam: báo chí, quảng cáo, nghị luận, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, phóng sự, cải lương, thơ mới, thoại kịch, v.v. Kết quả, đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, các bình diện văn hoá ở Nam Bộ và Việt Nam đều đổi mới. Chữ Quốc ngữ được hoá thân từ một công cụ của các giáo sĩ và của chế độ thực dân thành công cụ khai dân trí, chấn dân khí hiệu quả của những người yêu nước, và trở thành văn tự của nhân dân. Báo chí từng là công cụ của chế độ thực dân, trở thành công cụ tuyên truyền giáo dục của các lực lượng yêu nước. Những sản phẩm văn hoá khác, gốc phương Tây hoặc có ảnh hưởng của phương Tây, như Âu phục, áo dài, trường học kiểu phương Tây, tiểu thuyết, thơ mới, thoại kịch, cải lương, v.v. cũng mau chóng ra đời và đạt được nhiều thành tựu. Tất cả đều đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của người Việt Nam trong thời kỳ mới, và đều được Việt hoá ở những mức độ khác nhau.

Như vậy, sau khi văn hoá Óc Eo lụi tàn, do lưu dân Khmer quá thưa thớt, hầu hết đồng bằng Nam Bộ đã trở nên hoang hoá. Từ khoảng đầu thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XX, đông đảo lưu dân các tộc người Khmer, Việt, Hoa, Chăm mới lần lượt tiến vào Nam Bộ, chia nhau khai khẩn, đào kinh, canh tác, định cư, buôn bán, dần dần biến một vùng đất hoang vu rộng lớn thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất. Quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá sôi động đã khiến cho văn hoá Việt ở Nam Bộ tiếp biến thêm một số đặc điểm của văn hoá Hoa, văn hoá Khmer. Ngược lại, trong văn hoá của các tộc người Hoa, Khmer, Chăm… ở Nam Bộ, đều có các yếu tố của văn hoá Việt. Từ cuối thế kỷ XIX, người Việt Nam Bộ đã giao lưu và tiếp biến văn hoá Pháp. Nền văn hoá Nam Bộ từ đó đã hình thành như một kết quả dung hợp giữa cái nền là văn hoá Việt từ đồng bằng Trung và Nam Trung Bộ với những yếu tố tiếp biến từ văn hoá Chăm, Hoa, Khmer và văn hoá phương Tây.
———-
Chú thích: TS. Lý Tùng Hiếu, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

Tác giả

(Visited 668 times, 4 visits today)