Khí hậu với sự hưng thịnh của hai triều đại Lý Trần

Trong bài viết trước trên Tia Sáng số 1 năm 2021, khí hậu đã được nhìn nhận như một yếu tố tự nhiên đóng vai trò hoàn cảnh khách quan tác động đến sự hưng thịnh và suy vong của các nền văn minh và các triều đại trong lịch sử, bao gồm các triều đại ở Việt Nam. Lịch sử khí hậu trong các triều đại Việt Nam diễn tiến ra sao hay tác động của khí hậu và thiên tai đến lịch sử Việt Nam như thế nào? nhằm làm rõ vấn đề này ở từng thời kỳ cụ thể, bài viết này trước hết sẽ tìm hiểu về diễn biến của khí hậu thời Lý-Trần.

Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) thờ Man Nương và Tứ Pháp (Pháp Vân – Pháp Vũ – Pháp Lôi – Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Nguồn ảnh: Disanxanh

Lịch sử Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII có thể chia làm ba giai đoạn diễn tiến từ sơ kỳ, trung kỳ đến hậu kỳ. Trong đó, giai đoạn sơ kỳ Đại Việt gắn với kỷ nguyên thịnh trị của hai triều Lý – Trần kéo dài bốn thế kỷ (XI-XIV). Giai đoạn này đánh dấu sự trung hưng của người Việt sau một ngàn năm Bắc thuộc, biểu hiện không chỉ qua quá trình hoàn thiện bộ máy tổ chức nhà nước tập quyền, sự phát triển về kinh tế, xã hội và văn hóa mà còn ở khía cạnh quân sự: “đánh Tống bình Chiêm” thời Lý và ba lần chống quân Mông-Nguyên thời Trần. Góp phần vào nền thịnh thế Lý – Trần, ngoài những nhân tố chủ quan như chính sách trị nước, nền tảng tư tưởng thì các yếu tố khách quan như khí hậu và thiên tai có lẽ cũng cần được bàn luận tới.

Tình hình thiên tai ở Đại Việt thời Lý – Trần

Dựa theo ghi chép của Đại Việt Sử ký Toàn thư (Toàn thư) và Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (Cương mục) thì vào hai triều Lý – Trần trong bốn thế kỷ có 38 lần xảy ra hạn hán, không mưa: thời Lý 21 lần, thời Trần 17 lần. Hạn hán thời Lý – Trần xảy ra với tần suất không thường xuyên, bình quân hạn hán xảy ra trong vòng một thế kỷ chỉ ở mức 9,5 lần. Con số này chưa bằng một nửa so với hạn hán thời Lê sơ (22 lần hạn hán trong 100 năm) và thời Lê trung hưng (Lê-Trịnh) với 32 lần hạn hán trong hai thế kỷ XVII-XVIII.

Các đợt hạn hán thời Lý – Trần xảy ra rất ít vào hai thế kỷ XI (4 lần) và XIII (5 lần), chỉ gia tăng bất thường vào thế kỷ XII (16 lần) và thế kỷ XIV (13 lần). Tuy nhiên, kể cả ở thời điểm xảy ra thường xuyên hơn, tính chất của hạn hán dường như không quá nghiêm trọng. Các ghi chép trong Toàn thư đã phản ánh đặc điểm này, chẳng hạn năm 1118: “Đại hạn, cầu đảo được mưa” (Quyển III, 18b); năm 1126: “Mùa thu, tháng 7, hạn, từ tháng 6 đến đây càng dữ” nhưng sau đó lại “mưa dầm, làm lễ cầu tạnh” (Quyển III, 24a); năm 1128: “Mùa hạ, tháng 4, hạn. Vua trai giới ăn chay cầu đảo, được mưa” (Quyển III, 31b); năm 1130: “Tháng 6, hạn, làm lễ cầu mưa” nhưng đến “mùa thu, tháng 9, mưa dầm, làm lễ cầu tạnh” (Quyển III, 35b); năm 1131: “Tháng 5, hạn, cầu đảo được mưa to” (Quyển III, 36a); năm 1140: “Từ mùa xuân sang mùa hạ, không mưa” nhưng tới “tháng 5, có mưa” và năm này “mùa đông, tháng 10 được mùa to” (Quyển IV, 1b); năm 1143: “Từ mùa xuân đến mùa hạ, đại hạn, vua thân làm lễ cầu đảo. Tháng 6 ngày Đinh Sửu có mưa” (Quyển IV, 4a); năm 1147: “Hạn, cầu đảo được mưa” (Quyển IV, 5b). Có thể thấy, hầu hết các đợt hạn hán vào thế kỷ XII không quá kéo dài, sau các đợt hạn hán đều có mưa, đôi khi còn xảy ra mưa dầm. Hơn nữa, ghi chép của Toàn thư còn cho thấy rằng thời tiết Đại Việt vào thế kỷ XII là sự đan xen của chuỗi hạn hán và mưa dầm thay phiên liên tiếp. Thời Lý – Trần chỉ có vài năm xảy ra hạn hán lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng do diễn ra cùng lúc với dịch bệnh gia súc và sâu cắn phá lúa vào các năm 1165, 1223, 1324, 1358.

Thời Lý – Trần cũng xảy ra khoảng 30 lần lũ lụt, thủy tai, với gần một nửa trong số đó xảy ra vào thế kỷ XIII. Theo ghi chép của Toàn thư, thời Lý có 8 lần lũ lụt, còn thời Trần có tới 22 lần lũ lụt. Lũ lụt, thủy tai thời Trần xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn thời Lý, ước tính số trận lũ lụt thời Trần gấp ba lần thời Lý. Đáng kể có những lần gây ngập lụt kinh thành Thăng Long, vỡ đê và tàn phá mùa màng. Điểm đáng lưu ý là trong khi hạn hán xảy ra hoàn toàn tự nhiên, do thiên tai thì lũ lụt xảy ra đôi khi ngoài yếu tố thiên tai còn do nhân tai gây ra bởi con người (vai trò của chính sách đê điều).

Thời Lý dường như được “thiên nhiên ưu đãi”, ít chịu thiên tai nghiêm trọng nên thời kỳ này chỉ xảy ra 5 lần nạn đói. Tuy nhiên đến thời Trần lại hứng chịu tới 13 lần nạn đói, với tần suất nạn đói gia tăng vào thế kỷ XIV (10 lần). Điều này phản ánh những bất lợi về điều kiện tự nhiên cuối thời Trần. Sự gia tăng các tác động tiêu cực của khí hậu, thời tiết và thiên tai từ thế kỷ XIV trở đi đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, góp phần dẫn tới nạn đói thường xuyên thời kỳ này.

Trước thực trạng thiên tai xảy ra, triều đình thời Lý – Trần đã đề ra một số biện pháp ứng phó như chẩn cấp, cứu trợ thiên tai hoặc đại xá để yên lòng dân, giữ vững xã tắc. Chính sách ứng phó với thiên tai gồm biện pháp khắc phục hậu quả và phòng chống thiên tai là những chức năng cơ bản của các triều đại và nhà nước trong lịch sử. Việc thực hiện hiệu quả chính sách này là điều kiện cần thiết để duy trì sự ổn định xã hội và tồn vong của các triều đại thời bấy giờ.

Mối liên hệ giữa ™Thời kỳ Ấm Trung cổ∫ với khí hậu Đại Việt thời Lý – Trần

Đại Việt thời Lý – Trần có thể coi là giai đoạn hưng thịnh và ổn định kéo dài trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Điều này nếu xem xét trên bình diện khu vực Đông Nam Á lục địa sẽ thấy nhiều điểm tương đồng, nhất từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII. Đối với khu vực Đông Nam Á lục địa, giai đoạn từ 950 đến 1250/1300 được xem là kỷ nguyên phát triển của Pagan (Myanmar), Angkor (Campuchia) và Đại Việt (Việt Nam). Cả ba nhà nước này đều phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII và sau đó sụp đổ trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ XV. Ở Campuchia, thế kỷ X-XI là giai đoạn thịnh vượng của nền văn minh Angkor với việc mở rộng lãnh thổ, xây dựng các đền đài hoành tráng và các công trình thủy lợi phức tạp ở khu đô thị Angkor. Vào thời kỳ đỉnh cao, dân số của vùng trung tâm Angkor đạt mức 750.000 người, còn Angkor Wat trở thành quần thể kiến trúc tôn giáo lớn nhất mọi thời đại.

Cùng giai đoạn này (950-1250), Pagan đạt bước phát triển nhảy vọt. Từ một thị quốc, trong thế kỷ XI, Pagan đã thống nhất vùng châu thổ sông Irrawaddy và bành trướng lãnh thổ sang các vùng lân cận. Giống như người Khmer, người Miến Điện thời kỳ này cũng để lại dấu ấn về quy mô xây dựng các đền chùa ở đô thị Pagan (Bagan). Còn Đại Việt, sau hơn 1000 năm Bắc thuộc cũng đã nhanh chóng bước vào kỷ nguyên trung hưng và phát triển ổn định từ đầu thế kỷ XI. Sự phát triển của nông nghiệp thời Lý-Trần đã thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Dân số Đại Việt tăng từ khoảng 1.600.000 người vào thế kỷ XI lên 3.000.000 người vào thế kỷ XIV. Sự gia tăng dân số là cơ sở để củng cố tiềm lực quân sự và nguồn thu thuế của triều đình, mặc dù cũng là yếu tố làm gia tăng dịch bệnh lưu hành, trong đó có đậu mùa đã trở thành căn bệnh đặc hữu ở Đại Việt thời kỳ này.

Bản đồ Đông Nam Á lục địa khoảng những năm 1220 (Dẫn theo Victor Lieberman (2003), Strange Parallels: Southeast Asia in Global Context, c. 800-1830, Vol. 1, New York: Cambridge University Press, p. 24)

Như vậy, trong giai đoạn từ giữa năm 950 đến năm 1300, cả ba nhà nước Đông Nam Á lục địa nói trên đều có sự phát triển về kinh tế-xã hội, gia tăng dân số cũng như thể chế bộ máy nhà nước. Câu hỏi đặt ra là tại sao cả ba nhà nước đều phát triển mạnh mẽ trong khoảng thời gian này? Ngoài các yếu tố chủ quan thì yếu tố khách quan như điều kiện tự nhiên hay khí hậu có giữ vai trò tác động đáng kể hay không? Các nhà nghiên cứu Victor Lieberman và Brendan Buckley cho rằng khí hậu là yếu tố đã đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển đồng thời của cả ba vương quốc Đông Nam Á lục địa.

Hơn nữa, không chỉ Đông Nam Á lục địa mà Trung Quốc, Nam Á và châu Âu giai đoạn này cũng đánh dấu sự phát triển về kinh tế, nhân khẩu và chính trị. Trong giai đoạn khoảng từ 900 đến 1300 (một số tài liệu cho là khoảng từ 800 đến 1200) của thời trung đại được biết tới như “Thời kỳ Ấm Trung cổ” (Medieval Warm Period, viết tắt là MWP, đôi khi cũng được gọi là Medieval Climate Optimum hoặc Medieval Climatic Anomaly) với đặc trưng khí hậu chủ yếu nóng và khô hạn kéo dài.

Thuật ngữ “Thời kỳ Ấm Trung cổ” lần đầu được đưa ra năm 1965 bởi nhà khí hậu học người Anh là Hubert Horace Lamb (1913-1997) trong nghiên cứu có tựa đề “The Early Medieval Warm Epoch and Its Sequel”. Ở châu Âu, xu hướng khí hậu ấm dần lên được ghi nhận ở khu vực Bắc Đại Tây Dương và Nga từ thế kỷ IX-X. Mùa hè và mùa thu ấm áp, tương đối khô ráo đã tác động đáng kể đến sự tăng trưởng của nông nghiệp và nhân khẩu châu Âu thời trung kỳ trung đại.

“Thời kỳ Ấm Trung cổ” đã góp phần đáng kể, thậm chí là quan trọng vào sự phát triển của các nhà nước Đông Nam Á lục địa.

Cùng lúc đó, sự ấm lên của lục địa Á-Âu bởi tác động của “Thời kỳ Ấm Trung cổ” làm gia tăng hoạt động gió mùa ở tiểu lục địa Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và Nam Trung Hoa. Trong thời kỳ này, Đới hội tụ liên chí tuyến ổn định ở 5o vĩ tuyến Bắc so với với vị trí ở thời kỳ sau đó đã tạo điều kiện cho hiện tượng La Nina xuất hiện thường xuyên ở khu vực tây Thái Bình Dương. La Nina góp phần làm gia tăng hoạt động gió mùa kéo dài và phân bố đều hơn hàng năm, khiến cho hạn hán ngắn hơn và mưa nhiều hơn. Hơn nữa, nhiệt độ ấm lên bất thường giúp tích tụ hơi nước trong khí quyển khiến cho lượng mưa cũng nhiều hơn. Trong khi đó, sự gia tăng bức xạ Mặt trời làm giảm tần suất xuất hiện của hiện tượng El Nino. Các yếu tố này đều liên quan đến việc gia tăng lượng mưa ở Đông Nam Á. Mưa thường xuyên và kéo dài hơn chính là điều kiện lý tưởng để nông nghiệp phát triển, từ đó thúc đẩy sự ổn định của kinh tế-xã hội và chính trị.

Dữ liệu chỉ số hạn hán Palmer (PDSI), chỉ số này càng cao thì lượng mưa hằng năm càng cao. (Dẫn theo Victor Lieberman – Brendan Buckley (2012), “The Impact of Climate on Southeast Asia, circa 950-1820: New Findings”, Modern Asian Studies, 46:5, p. 1057)

Dựa theo phân tích chỉ số hạn hán Palmer (PDSI), thế kỷ XII chứng kiến lượng mưa tăng mạnh chưa từng có với chỉ số PDSI cao nhất được ghi nhận. Ngoài ra trong giai đoạn từ 1030 đến 1300, chỉ số PDSI trung bình đã vượt qua bất kỳ giai đoạn nào khác được so sánh cho đến những năm 1900. Sự gia tăng hoạt động gió mùa và lượng mưa dưới tác động của “Thời kỳ Ấm Trung cổ” đã góp phần đáng kể, thậm chí là quan trọng vào sự phát triển của các nhà nước Đông Nam Á lục địa. Ở Angkor, lượng mưa tăng đều và ổn định đã thúc đẩy hoạt động trồng trọt và sự phát triển của mạng lưới thủy lợi. Hệ thống baray giai đoạn này đã đóng vai trò là cơ sở hạ tầng quan trọng trong việc duy trì sản xuất cũng như sự lớn mạnh về kinh tế, xã hội và văn hóa của Angkor. Những công trình kiến trúc xa hoa nhất Angkor xuất hiện trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XII trùng hợp với thời kỳ lượng mưa lớn nhất được ghi nhận. Ở Pagan, việc gia tăng hoạt động xây dựng đền tháp trong giai đoạn từ 1050 đến 1300, nhất là vào thế kỷ XII cũng trùng hợp với thời kỳ lượng mưa tăng cao. Dữ liệu khí hậu ở miền Trung Bắc Thái Lan cũng cho thấy khí hậu trở nên ẩm ướt kéo dài đáng kể trong giai đoạn từ 950 đến 1280 với sự thay đổi khiêm tốn (khô hạn) trong khoảng 1030-1100.

Đối với Đại Việt, thời Lý thường ghi nhận hiện tượng mưa dầm, tức mưa kéo dài và đây là một trong những hiện tượng thời tiết đáng chú ý thời kỳ này. Theo ghi chép của Toàn thư, vào thời Lý có khoảng 8 lần xảy ra mưa dầm (các năm 1073, 1126, 1127, 1128, 1130, 1131, 1134 và 1145). Mưa dầm diễn ra khá thường xuyên vào nửa đầu thế kỷ XI, đáng kể có những năm mưa dầm liên tiếp như 1126, 1127, 1128 và 1130-1131. Liên quan đến hiện tượng mưa dầm, trong các nghi lễ thời tiết của triều đình vào thời kỳ này, bên cạnh cầu đảo mỗi khi hạn hán còn có lễ cầu tạnh mỗi khi mưa dầm. Có thể kể tới các sự kiện năm 1073: “Bấy giờ mưa dầm, rước Phật Pháp Vân về Kinh để cầu tạnh” (Quyển III, 6b); năm 1127: “Từ tháng giêng đến tháng 2 mưa dầm, sai quan làm lễ cầu tạnh” (Quyển III, 25a); năm 1131: “Tháng 9, mưa lâu ngày, làm lễ cầu tạnh” (Quyển III, 36b); năm 1134: “Tháng 2 mưa lâu, làm lễ cầu tạnh” (Quyển III, 38a).

Khi trời không mưa hoặc khô hạn kéo dài triều đình tổ chức cầu đảo, đến lúc mưa dầm nhiều ngày thì triều đình lại tổ chức cầu tạnh. Cầu đảo và cầu tạnh do đó phản ánh hai thái cực tuy khác nhau nhưng có mối liên hệ với nhau trong cùng một quan niệm nhận thức rằng nguồn gốc của mọi tai biến thiên nhiên đều do ý của trời đất mà ra. Liên quan đến hiện tượng mưa dầm thời Lý, Toàn thư cũng ghi chép về việc lần đầu tiên triều đình cho làm chiếc lọng che mưa vào năm 1123: “Tháng 2. Lần đầu làm chiếc lọng che mưa cán cong” (Quyển III, 22a). Qua chi tiết này có thể thấy rằng bởi hiện tượng mưa dầm xảy ra thường xuyên nên việc làm lọng che mưa là một nhu cầu tất yếu trong đời sống sinh hoạt thời bấy giờ.

Sang thời Trần trong suốt hai thế kỷ XIII và XIV lại không thấy bất cứ ghi chép nào về hiện tượng mưa dầm. Sự kiện mưa dầm tiếp theo được ghi chép trong Toàn thư xảy ra vào năm 1409: “Tháng 7, mưa dầm suốt mấy tuần không tạnh” (Quyển IX, 13b). Phải chăng sự thiếu vắng các ghi chép về mưa dầm thời Trần là do Toàn thư không chép hay quả thực vào thời Trần không xảy ra hiện tượng này? Nếu ghi chép của Toàn thư là chính xác và đầy đủ thì tần suất mưa dầm xuất hiện ít dần từ cuối thời Lý sang đầu thời Trần đã phản ánh xu hướng dịch chuyển của khí hậu từ ẩm, mưa nhiều sang khô hạn, ít mưa.

Các ghi chép của Toàn thư cho thấy ảnh hưởng đáng kể của “Thời kỳ Ấm Trung cổ” đến khí hậu và thời tiết Đại Việt. Thế kỷ XII có lẽ là giai đoạn “Ấm Trung cổ” tác động mạnh mẽ và rõ rệt nhất đến khí hậu Đại Việt với đặc trưng mưa nhiều và kéo dài. Các đợt hạn hán thời kỳ này cũng ngắn và ít nghiêm trọng hơn, thường kết thúc bằng các đợt mưa theo sau đó. Sau đó, từ giữa thế kỷ XIV trở đi khi “Thời kỳ Ấm Trung cổ” dần bị thay thế bởi thời kỳ “Tiểu Băng Hà” với đặc trưng khí hậu khô hạn thì hiện tượng mưa dầm cũng không còn được sử sách ghi chép nhiều như trước. Tần suất hạn hán thường xuyên cuối thời Trần là biểu hiện cho quá trình biến đổi khí hậu này. Sự gia tăng ảnh hưởng của thời tiết khô hạn ở Đại Việt từ nửa sau thế kỷ XIV cũng khiến gia tăng nhu cầu sử dụng quạt và phổ biến nghề làm quạt. Sử sách ghi chép sự kiện năm 1362: “Nhà vua còn sai làm quạt bán cho dân nữa” (Cương mục, Quyển X). Tương tự Đại Việt, từ cuối thế kỷ XIII tốc độ tăng trưởng chậm lại của Angkor và Pagan cũng trùng hợp với xu hướng biến đổi khí hậu từ “Ấm Trung cổ” sang “Tiểu Băng Hà”.

Tóm lại, từ những phân tích nêu trên có thể tạm kết luận rằng “Thời kỳ Ấm Trung cổ” là giai đoạn khí hậu lý tưởng cho sự phát triển của các nhà nước và xã hội đương thời. Yếu tố khí hậu trong trường hợp này đã đóng vai trò tác động tích cực nhất định “thiên thời, địa lợi” giúp các nhà nước Đông Nam Á lục địa bao gồm Đại Việt thời Lý-Trần phát triển ổn định. □

———————————————–

Tài liệu tham khảo

Hubert Horace Lamb, “The Early Medieval Warm Epoch and Its Sequel”, Palaeogeography Palaeoclimatology Palaeoecology, Vol. 1, 1965, s. 13-37.

Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1998), Đại Việt Sử ký Toàn thư, Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

Nguyễn Xuân Tửu (1983), “Bước đầu tìm hiểu về biến động khí hậu ở nước ta trong lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 6 (213), 60-63.

Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

Victor Lieberman – Brendan Buckley (2012), “The Impact of Climate on Southeast Asia, circa 950-1820: New Findings”, Modern Asian Studies, 46:5, 1049-1096.

Victor Lieberman (2003), Strange Parallels: Southeast Asia in Global Context, c. 800-1830, Vol. 1, New York: Cambridge University Press.

Wallace S. Broecker, “Was the Medieval Warm Period Global?”, Science, Vol. 291, No. 5508, 2001, 1497-1499.

Tác giả