Khi nào có em bé chỉnh sửa gene?
Trên khắp thế giới, từ Trung Quốc, Anh cho đến Mỹ, các nhà khoa học đang thảo luận những hứa hẹn và cả hiểm họa của việc chỉnh sửa gene ở phôi thai người. Việc này có nên được cho phép không, và nếu có thì trong những trường hợp nào?
Các cuộc thảo luận được thúc đẩy bởi sự bùng nổ mối quan tâm tới công nghệ đầy sức mạnh mang tên CRISPR1/Cas9 với tiềm năng đem lại sự dễ dàng và chính xác chưa từng có cho kỹ thuật di truyền. CRISPR/Cas9 và các loại công cụ tương tự có thể được sử dụng để kiểm soát ADN của phôi trên một cái đĩa, giúp tìm hiểu những giai đoạn sớm nhất trong quá trình phát triển con người. Trên lý thuyết, công nghệ chỉnh sửa gene được sử dụng để “sửa chữa” những đột biến gây ra các bệnh di truyền ở người. Nếu được thực hiện trên phôi thai, công nghệ này có thể ngăn chặn những bệnh đó không di truyền sang thế hệ sau.
Những triển vọng mà công nghệ chỉnh sửa gene hứa hẹn đã châm ngòi cho mối quan tâm và thảo luận rộng rãi giữa các nhà khoa học, nhà đạo đức học và bệnh nhân. Có những lo sợ rằng nếu công nghệ chỉnh sửa gene được chấp nhận trong các phòng khám để ngăn chặn bệnh tật thì sẽ không tránh khỏi việc công nghệ này được sử dụng để mang lại, nâng cao hoặc loại bỏ một số đặc điểm mà không vì lý do y tế. Các nhà đạo đức học thì lo ngại khả năng tiếp cận không bình đẳng những công nghệ cao như vậy có thể dẫn đến sự phân cấp gene. Và những thay đổi bộ gene có chủ đích của một người sẽ được di truyền cho những thế hệ sau thông qua dòng mầm (tinh trùng và trứng), mang lại những hậu quả lâu dài, không lường trước được. Thêm vào đó, luật lệ ở rất nhiều nước vẫn chưa bắt kịp với sự phát triển của khoa học.
Tạp chí Nature đã thử thu thập bức tranh toàn cảnh về luật pháp bằng cách đặt câu hỏi với các chuyên gia và cơ quan chính phủ ở 12 nước có lịch sử nghiên cứu sinh học được tài trợ tốt. Phản hồi cho thấy các cách tiếp cận rất đa dạng. Tại một số nước, việc thí nghiệm với phôi thai người ở bất cứ cấp độ nào đều là tội hình sự, trong khi ở một số nước khác thì gần như bất cứ điều gì cũng được phép.
Những lo ngại xung quanh việc kiểm soát phôi thai người không có gì mới. Rosario Isasi, học giả pháp lý tại Đại học McGill, Montreal, chỉ ra hai làn sóng pháp chế quan trọng trong những năm qua: làn sóng được châm ngòi bởi những lo ngại về nguồn gốc các tế bào gốc phôi thai, đã được chấp nhận rộng rãi, trong khi làn sóng về sinh sản vô tính bị cấm ở nhiều nơi vì những lý do an toàn.
Tình hình pháp chế hiện nay kế thừa từ hai làn sóng đó. Tetsuya Ishii, nhà đạo đức sinh học ở Đại học Hokkaido, Sapporo, đã dành gần một năm để phân tích các luật và nguyên tắc chỉ đạo của 39 nước và thấy 29 nước trong số đó đưa ra những qui định có thể được hiểu là hạn chế chỉnh sửa gene người vì mục đích lâm sàng nhưng việc “cấm” này – xuất hiện cả ở Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ – lại không có ràng buộc pháp lý. Nhà sinh học phát triển Qi Zhou thuộc Viện Sinh vật học, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết, họ có bộ nguyên tắc chỉ đạo nhưng một số người không hề tuân theo. Ishii nhận định luật lệ tại chín nước, trong đó có Nga và Argentina, còn mơ hồ. Tại Mỹ, tài trợ liên bang cho những nghiên cứu liên quan đến phôi thai người đều bị cấm, và việc chỉnh sửa gene thường phải xin cấp phép, nhưng kĩ thuật này lại không bị cấm sử dụng tại các phòng khám. Tại những nước cấm sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene người cho mục đích lâm sàng như Pháp và Úc, các nghiên cứu vẫn được cho phép, miễn là nó đáp ứng những qui định nhất định và không cố gắng cho chào đời một sự sống.
Nhiều nhà nghiên cứu đang mong chờ một bộ nguyên tắc chỉ đạo quốc tế để dẫn dắt các nhà lập pháp tại quốc gia của mình, kể cả nếu bộ nguyên tắc này không được thi hành. Các cuộc thảo luận hiện nay đang nhằm mục đích phát triển một bộ khung nguyên tắc như vậy; ví dụ như Viện Hàn lâm Quốc gia Mỹ dự định sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quốc tế vào tháng 12 và sau đó đưa ra các kiến nghị về việc sử dụng kĩ thuật chỉnh sửa gene người một cách có trách nhiệm vào năm 2016.
Nhưng trong lúc luật pháp còn đang trong quá trình phát triển thì các nghiên cứu đã bắt đầu được tiến hành và ngày càng nhiều hơn. Hồi tháng Tư, các nhà khoa học tại Trung Quốc tuyên bố họ đã sử dụng kĩ thuật CRISPR để thay đổi bộ gene của phôi thai người, mặc dù những phôi thai này không có khả năng tạo ra một em bé sống. Có tin đồn một số phòng thí nghiệm khác ở Trung Quốc cũng đã tiến hành những thí nghiệm tương tự. Còn tháng Chín mới đây, nhà sinh học phát triển Kathy Niakan ở Viện Francis Crick ở London đã nộp đơn xin Cơ quan Thụ tinh và Phôi thai học con người của Anh cấp phép sử dụng kĩ thuật chỉnh sửa gene để nghiên cứu những lỗi trong sự phát triển bào thai dẫn đến vô sinh và sảy thai. Chưa có ai tuyên bố mối quan tâm tới việc tạo ra những em bé sống với gene được chỉnh sửa, và những thí nghiệm ban đầu cũng cho thấy việc này chưa thực sự an toàn, nhưng một số người cho rằng đây chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ishii dự đoán, những quốc gia có tỉ lệ thụ tinh ống nghiệm cao sẽ là những nước đầu tiên đưa kĩ thuật chỉnh sửa gene người vào ứng dụng lâm sàng. Ông cho biết, Nhật Bản là một trong những nước có số bệnh viện chuyên khoa sản nhiều nhất trên thế giới và hiện không có luật lệ nào phải thực thi về việc sửa đổi dòng mầm. Tình hình ở Ấn Độ cũng tương tự như vậy.
Guoping Feng, nhà thần kinh học tại Viện Công nghệ Massachusetts, thì hi vọng, với sự cải tiến, kĩ thuật chỉnh sửa gene sẽ được sử dụng để ngăn chặn các bệnh di truyền. Nhưng ông cũng cho rằng hiện còn quá sớm để đưa việc chỉnh sửa phôi thai người vào thử nghiệm lâm sàng. Feng lo ngại nếu làm sai, dân chúng sẽ hiểu lầm về kĩ thuật này và không ủng hộ các nghiên cứu khoa học nữa.
Khánh Minh dịch
Nguồn: http://www.nature.com/news/where-in-the-world-could-the-first-crispr-baby-be-born-1.18542
————
1 CRISPR – clustered regularly interspaced short palindromic repeats: nhóm các đoạn ngắn đối xứng lặp lại thường xuyên.
(Visited 1 times, 1 visits today)