Kho tàng rắc rối (Phần 1)

Được khai thác trong khu vực xung đột để bán lấy lời, những hóa thạch ẩn trong đá hổ phách ở khu vực Myanmar đã cho chúng ta thấy một cái nhìn tinh tế về kỷ Phấn trắng và đồng thời, một tình huống khó xử về mặt đạo đức.

 



Nhà cổ sinh vật học Xing Lida (phải) đang xem xét các hóa thạch trong đá hổ phách được bán ở chợ Tengchong, Trung Quốc. 



Vào một buổi sáng mùa xuân u ám, một bức tranh khảm nói về cuộc sống của những con khủng long thời kỳ hưng thịnh đang dần dần hình thành, từng mảnh một, tại thành phố biên giới Myanmar. Nó trải dài trên hàng trăm mặt bàn, trên những tấm bạt trải trước các cửa hàng, và trong các tủ kính của các cửa hiệu. Đa số mọi người đến đây đều chỉ vì đá hổ phách: đá thô phủ tro núi lửa xám; đá được mài bóng và được khắc thành tượng Đức Phật mỉm cười; những viên đá cỡ quả trứng có các màu: mật ong, cam đất, hoặc đỏ ngọc hồng lựu. Một số là người mua cá nhân, nhưng những người khác là nhà buôn qua mạng, giơ mảnh đá hổ phách lên trước điện thoại để chụp cho khách hàng ở xa.  

Đối với các nhà khoa học, đây không chỉ là một nơi để mua mặt dây chuyền hoặc vòng đeo tay. Một buổi sáng tháng 3, nhà cổ sinh vật học Xing Lida từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc tại Bắc Kinh dừng lại trước một quầy hàng và xem xét một con gián trong một viên hổ phách có kích thước bằng một quả bóng golf, với niên đại từ giữa kỷ Phấn trắng. Tay chân còn nguyên vẹn của nó cong ra khỏi cơ thể, trông nhỏ hơn và hẹp hơn so với loài gián trong nhà chúng ta hiện nay. Giá của nó là khoảng 900 USD, và Xing cho biết đó là một mức giá chấp nhận được. Nhưng Xing vẫn muốn săn được những thứ hiếm hơn và có giá trị khoa học cao hơn. 

Xing là một người nổi tiếng trong công chúng vì những nghiên cứu về dấu vết của khủng long cũng như những cuộc thám hiểm khác (đăng trên tạp chí Science, 23/6/2017, trang 1224). Năm ngoái, ông đã xuất bản 25 bài báo khoa học và một cuốn tiểu thuyết giả tưởng về khủng long với lời tựa được viết bởi Liu Cixin, ngôi sao sáng trong những nhà văn viết về khoa học viễn tưởng của cả nước. Ngoài ra Xing, giống như một vài nhà cổ sinh vật học Trung Quốc khác, cũng được ca ngợi vì những khám phá phi thường từ những phiến đá hổ phách này: những con chim non nguyên thủy, lông đuôi của một con khủng long, thằn lằn, ếch, rắn, ốc sên và một loạt các côn trùng từ thời xa xưa của Trái đất. Giống như các nhà tự nhiên học thế kỷ 19 đã thu thập dấu vết các sinh vật từ những cánh rừng nhiệt đới đông đúc ở các vùng xa xôi, những nhà khoa học này đang xây dựng cả một biên niên sử chi tiết của sự sống trong một khu rừng nhiệt đới từ 100 triệu năm trước, tất cả nằm ẩn sâu trong lớp đá hổ phách ở biên giới Myanmar. 

Ngay bây giờ, chúng ta đang ở trong một thời điểm khám phá vô cùng hứng khởi, nhà cổ sinh vật học David Grimaldi cho biết. Ông cũng là người phụ trách bộ sưu tập hổ phách tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ tại New York. Hàng trăm bài báo khoa học đã được viết từ kho tàng đá hổ phách, và các nhà khoa học Trung Quốc tiết lộ rằng nhiều mẫu vật vẫn chưa được công bố, bao gồm các loài chim, hàng ngàn các loài côn trùng và thậm chí cả động vật dưới nước như cua hoặc kỳ nhông.

Nhưng đá hổ phách ở Myanmar không chỉ là giấc mơ của các nhà khoa học, nó cũng tiềm ẩn những vấn đề về đạo đức nghiên cứu. Các hóa thạch đến từ khu vực đầy xung đột của bang Kachin ở Myanmar, nên các nhà khoa học khó có thể kiểm tra địa chất ở đây để tìm dữ liệu cho tuổi của hóa thạch và môi trường. Ở Kachin, phe phái chính trị cạnh tranh vì lợi nhuận của hổ phách và các tài nguyên tự nhiên khác. Những mặt hàng này đóng vai trò thúc đẩy sự xung đột, Paul Donowitz, lãnh đạo chiến dịch Myanmar chi nhánh Washington DC tại Global Witness, một tổ chức phi chính phủ cho biết. “Chúng (đá hổ phách) đang đem lại doanh thu giúp các nhóm mua bán vũ khí và xung đột. Và chính phủ đang phát động các cuộc tấn công, giết người hoặc lạm dụng quyền con người để cắt đứt nguồn tài nguyên đó. 

Phần lớn đá hổ phách được nhập lậu vào Trung Quốc mà khối lượng giao dịch được các quan chức và thương nhân Tengchong ước tính vào khoảng 725 triệu USD đến một tỷ USD riêng trong năm 2015. Ở Trung Quốc, thợ kim hoàn, các nhà sưu tập tư nhân và các nhà khoa học như Xing dành ra một khoản tiền khổng lồ thông qua các ứng dụng thanh toán di động để giành lấy việc mua các mẫu vật quý giá. Những người sưu tầm thường giành phần thắng trong các cuộc đấu giá, nghĩa là các nhà nghiên cứu phần lớn chỉ có thể nghiên cứu dựa trên các mẫu vật đi mượn. “Sự pha trộn giữa thương mại và khoa học đặt ra những câu hỏi mới chưa từng được biết tới trong ngành Cổ sinh vật học”, Julia Clarke, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Texas ở Austin, người đã có nhiều bài báo về những gì tìm thấy trong đá hổ phách ở Myanmar cho biết.  

Đá hổ phách – công cụ bảo quản tuyệt vời 

Khoảng 99 TRIỆU NĂM trước và cách Myanmar ngày nay khoảng 220 km, có một khu rừng bờ biển ấm áp, là nơi sinh trưởng của các loài sinh vật kỳ lạ. Cây cối trào đầy nhựa khi các loại côn trùng tấn công chúng, hoặc khi cành cây bị gãy trong các trận bão. Nhựa cây chảy thành từng vũng rồi đọng lại, giữ lại vô số sinh vật giống như những hố nhựa đường thu nhỏ, nhà cổ sinh vật học Ryan McKellar tại bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan ở  Regina, Canada cho biết. Theo thời gian, tinh dầu của nhựa cây bốc hơi, các phân tử của nó liên kết thành nhựa cứng và trở thành cái mà bây giờ chúng ta gọi là hổ phách. 





Chiếc đuôi hóa thạch dài 3.5 cm của một con khủng long cho thấy cấu tạo và đặc điểm lông của nó.



Hổ phách có ưu điểm vượt trội trong bảo quản các chi tiết và mô mềm của sinh vật, Victoria McCoy, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bon ở Đức cho biết. Khi tiếp xúc, nhựa thấm vào các mô giúp bảo quản các loài động thực vật khỏi bị nấm và thối rữa, đồng thời cũng sấy khô chúng. Sau đó, nhựa cứng lại và tạo thành một lớp vỏ bảo vệ hóa thạch. Trong trường hợp tốt nhất, các chi tiết vẫn được bảo tồn ở cấp độ tế bào hoặc thậm chí là dưới tế bào, McCoy cho biết. 

Đá hổ phách từ các khu vực khác như các nước Baltic và cộng hòa Dominica trẻ hơn khá nhiều. Chúng cũng hiếm khi bẫy được các sinh vật mạnh mẽ, như chuồn chuồn, hoặc bất kỳ động vật có xương sống nào khác ngoài một vài con thằn lằn. Ngược lại, hổ phách Myanmar đã tiết lộ một loạt các dấu vết của các sinh vật, nhờ vào số lượng lớn được đào lên và thực tế là chỉ cần một mảnh cũng có kích thước của trái dưa. “Chúng ta tìm được động vật có xương sống còn nguyên vẹn và điều đó thực sự đáng kinh ngạc”, Andrew, người đứng đầu việc nghiên cứu cổ sinh vật học cho Bảo tàng Quốc gia Scotland ở Edinburgh cho biết. Năm 2018, các nhà khoa học đã báo cáo 321 loài mới được bảo tồn vô hạn trong hổ phách Myanmar, nâng tổng số tích lũy lên 1195. Một nhóm các nhà khoa học gần đây đã lập luận rằng hổ phách Myanamr có thể tự hào về đa dạng sinh học hơn bất kỳ một khu vực hóa thạch nào khác từ toàn bộ thời đại khủng long. “Bạn nghĩ điều này khó có thể là sự thực”, Philip Currie, một nhà cổ sinh vật học tại Đại học Alberta tại Edmonton, Canada, cho biết, “nhưng nó thực sự đang xảy ra”. Các mẫu hóa thạch đơn được khai quật từ đá đã cung cấp thông tin về cách các sinh vật sống, nơi chúng sống và vị trí chúng nằm ở đâu trong cây sự sống. Khi được kết hợp với nhau, các thông tin này cho biết sự ra đời của nòi giống chúng và mối quan hệ sinh thái vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

Hầu hết các phần thưởng khoa học đó đều đã từng qua khu chợ nhộn nhịp ở Tengchong, gần một vùng xung đột. Vào năm 2014, Xing đã lẻn vào Myanmar, hy vọng nhìn thấy nguồn gốc của các mẫu vật đã quyến rũ anh. Hổ phách đến từ các mỏ gần thị trấn Tanai ở Kachin, nơi trong nhiều thập kỷ quân đội Myanmar và Quân đội Độc lập Kachin địa phương – một nhóm dân tộc nổi dậy, đã chiến đấu để kiểm soát các nguồn tài nguyên như ngọc bích, gỗ, và, gần đây nhất, hổ phách. Người nước ngoài không được phép vào Tanai. Để giữ bí mật chuyến đi của mình, Xing đi qua biên giới khoảng 110 km đến Myitkyina, trung tâm buôn bán hổ phách của Myanmar. Khi đường có vẻ an toàn, một người bạn đã lén đưa anh lên phía bắc, mặc áo dài và váy quấn truyền thống của Myanmar. Xing và những du khách khác đến hầm mỏ đã được chứng kiến từ một địa hình tươi tốt chuyển thành một sườn đồi cằn cỗi. Lều che những lỗ kín sâu tới 100 mét nhưng chỉ đủ rộng cho người lao động gầy chui vào, và họ phải tự chăm sóc y tế cho mình nếu bị tai nạn. Các thợ mỏ đào xuống, và khi chạm vào các lớp hổ phách, họ quay theo chiều ngang với dụng cụ cầm tay để đào nó ra. Họ phải đào vào ban đêm để tránh công khai những khám phá có giá trị. Hổ phách với hóa thạch vùi bên trong là quý giá nhất, và sau nhiều tuần chờ đợi, đó là dấu hiệu cho thấy mỏ sẽ có lãi. Nói chuyện với thông dịch viên của Xing qua điện thoại, người thợ mỏ cho biết mình phải hối lộ cho cả hai phe đối lập để có quyền khai thác và đặt thiết bị trong khu vực – sau đó còn bị đánh thuế trên 10% lợi nhuận. 

Xing đã không công bố những kết luận đầy đủ của mình từ chuyến đi này, nhưng anh và những người khác nghi ngờ nguồn gốc của hổ phách có thể phức tạp hơn ta nghĩ. Ước tính tuổi 99 triệu năm đến từ niên đại phóng xạ của tro núi lửa được mua từ một người khai thác, sau đó được công bố vào năm 2012. Nhưng Wang Bo, một nhà cổ sinh vật học tại Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh (NIGPAS) ở Trung Quốc, lại nghĩ rằng đá hổ phách được thu thập gần đây thuộc về nhiều niên đại khác nhau. Anh có một người bạn Myanmar đã thu thập nhiều mẫu tro núi lửa gần đây, và Wang dựa vào đó cho rằng các mẫu đá hổ phách cách nhau ít nhất 5 triệu năm. Tuy nhiên, thợ mỏ và thương nhân không quan tâm đến niên đại hay các chi tiết có liên quan đến địa chất khác. Sau khi hổ phách được lấy ra và sắp xếp một cách đại khái, chúng được mang đến cho lái buôn ở Myitkyina hoặc thẳng qua biên giới đến Tengchong. Myanmar có quy định rõ ràng cấm xuất khẩu hóa thạch mà không được phép, nhưng hổ phách được xếp vào đá quý và vì vậy được phép xuất khẩu. Trung Quốc thì lại đánh thuế nhập khẩu trang sức, vì vậy các đại lý ở đây nói rằng họ buôn lậu hổ phách, bằng việc giấu trong gầm của xe ô tô. Ở Tengchong, nền kinh tế chợ đen khá lớn, nên dĩ nhiên thu hút sự chú ý của các nhà khoa học. Từ những năm 1920, một bộ sưu tập nhỏ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London đã mang đến cho các nhà khoa học cái nhìn thoáng qua về sự đa dạng trong quá khứ bên trong hổ phách Myanmar. Sau đó, trong một cuộc ngừng bắn vào cuối những năm 1990, một công ty Canada bắt đầu khai thác hổ phách ở Kachin. Công ty đó đã vận chuyển 75 kg nguyên liệu hổ phách đến cho Grimaldi. Ông nhận thấy rằng mỗi một kilogam sau khi rửa bằng axit, cắt và đánh bóng chứa trung bình 46 sinh vật. Trong đầu những năm 2010, thị trường ở đây bắt đầu bùng nổ cùng lúc với việc những mỏ hổ phách bên trong Trung Quốc được khai thác. Nhu cầu mới tăng lên, và nguồn hổ phách dồi dào cứ thế chảy đi từ Myanmar.





Hổ phách được khai thác ở vùng Tanai, Bắc Myanmar, sau đó được chở bằng xe tải đến Myikyina, sau đó được bán và buôn lậu vào Tengchong, Trung Quốc. Đây là nơi các nhà khoa học và nhà sưu tập đến để mua bán các mẫu vật. 



Trước khi Xing đi bộ đến khu chợ ngoài trời ồn ào, anh đã sắp xếp để mua hàng sau khi xem hình ảnh được gửi vào điện thoại của mình. Bây giờ, trong một cửa hàng trang sức hổ phách thiếu sáng, một nhà môi giới 20 tuổi nhút nhát từ Myitkyina mang đến phần thưởng cho hôm nay: hai con thằn lằn trong hổ phách. Con thằn lằn đã bị phân hủy lớp da và thịt, làm lộ ra lớp xương mảnh. Với tốc độ mua bán trao đổi ở đây, một bảo tàng, với sự quan liêu và quá trình duyệt ngân sách rườm rà, không bao giờ có cửa để có những mẫu vật giá trị.  Vậy nên  Xing, với tư cách cá nhân, chỉ đơn giản là lấy điện thoại thông minh của mình ra, sử dụng một ứng dụng thanh toán và mua hàng. Anh phải trả vài trăm đô la, và đó quả thực là một món hời vì viên đá này khá lộn xộn và mờ, không thích hợp làm đồ trang sức. Năm 2014, Xing bắt đầu phát triển một mạng lưới người mua ở đây và ở Myitkyina, đồng thời dạy họ phát hiện móng vuốt của một con chim ở kỷ Phấn trắng, hoặc cách đếm những ngón chân để biết được một bàn chân đến từ một con thằn lằn hay một con khủng long. Sau khi nhận được tiền boa, anh ta nhắn tin kèm hình ảnh cho các chuyên gia, hy vọng tìm ra liệu mẫu vật này có giá trị về mặt khoa học hay không, và chỉ sau đó, anh mới quyết định mua. “Ngày nào nhận tin nhắn từ Xing cũng giống như là Giáng Sinh vậy”, McK McKarar nói. Các nhà khoa học biết rằng việc họ xác định mẫu vật thuộc về loài nào có thể khiến giá cả tăng chóng mặt, đến hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn đô la. Wang nói thêm: “họ sẽ sử dụng lời nói của tôi để kiếm tiền”. 

Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta không nên trao đổi và mua bán hóa thạch, nhà cổ sinh vật học Emily Rayfield của Đại học Bristol ở Vương quốc Anh, chủ tịch hiệp hội cổ sinh học của động vật có xương sống cho biết. “Nhưng đôi khi cần phải làm thế để kiểm soát nó và để công chúng hiểu được giá trị của nó”. □

Minh Châu dịch

Nguồn bài và ảnh: https://science. sciencemag.org/content/364/6442/722

 

Tác giả