Khoa học và Công nghệ ở Vương Quốc Anh

Với hơn 70 người đoạt giải Nobel, các nhà khoa học Anh chỉ đứng sau Mỹ về số lượng người đoạt giải thưởng cao quí này trên toàn thế giới. Đặc biệt, phòng thí nghiệm Sinh học phân tử của trường Đại học Cambridge đã giành nhiều giải Nobel hơn bất kì phòng thí nghiệm nào trên thế giới. Tuy chỉ chiếm 1% dân số của thế giới nhưng nước Anh đã tiến hành tới 5% tổng số nghiên cứu khoa học của thế giới...

Kéo dài tuổi thọ con người là chiến thắng của khoa học nhưng cũng tạo ra các thách thức mới để duy trì sức khoẻ cho người già. Các nhà khoa học Anh luôn đi đầu trong các nghiên cứu nhằm đảm bảo một sức khoẻ tốt nhất cho người già.
Công nghiệp hoá đem lại của cải và công việc, nhưng cũng tạo ra ô nhiễm và gây ra hiện tượng trái đất nóng lên. Để đảo ngược xu hướng này, các kĩ sư của Anh đang chế tạo ra các loại vật liệu mới và các kĩ thuật dây chuyền sản xuất mới, ví dụ như cho ngành điện tử hoặc công nghiệp thực phẩm. Các nhà khoa học Anh cũng là những người đi đầu thế giới trong việc đo hiệu ứng khí nhà kính và ảnh hưởng có hại của nó lên tầng ôzôn.
 

Vương quốc Anh là một trong những nước đi đầu trong việc kết hợp giới học thuật và các ngành công nghiệp để tạo ra mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi, trong nhiều trường hợp có cả sự tham gia từ nhiều nơi khác trên thế giới.
Công nghệ sinh học là một ngành phát triển nhanh nhất. Nước Anh đang thử nghiệm nhiều kĩ thuật mới để tạo ra các giống biến đối gien có khả năng chống lại bệnh tật, sâu bọ và thuốc diệt cỏ. Những công nghệ này cũng được dùng để chế tạo những vắc xin mới chống lại bệnh dịch quy mô lớn, và sản xuất ra các sinh phẩm cải tiến mới.
Do các kĩ thuật, công nghệ sinh học mới phát triển rất nhanh nên tại Anh có các hệ thống kiểm soát và tham vấn các kĩ thuật mới này tới cộng đồng nhằm cung cấp kiến thức và hạn chế các lo lắng không cần thiết. Đây có thể coi là mô hình tốt để các nước khác học tập.
Kiến thức về gien ở người và động vật và công nghệ sinh học phân tử, bắt đầu bằng việc phát hiện ra vai trò ADN của James Watson và Francis Crick tại trường Cambridge từ những năm 1950, đã dẫn tới một cuộc cách mạng về sinh học và dược phẩm. Anh hiện vẫn là nước đi đầu trong nghiên cứu về những lĩnh vực này. Cho tới nay, các phòng thí nghiệm của Anh đã hoàn tất việc giải mã bộ gien người.
Việc giải mã bộ gien người sẽ tạo ra khối lượng công việc gấp mười lần hiện nay cho ngành dược phẩm. Cùng với các tiến bộ khoa học khác, giải mã gien đóng góp rất nhiều tới việc phát triển các liệu pháp gien. Trong đó gien được dùng như thuốc chữa bệnh và có thể chữa không chỉ những bệnh thông thường do khiếm khuyết gien mà cả các bệnh như u xơ nang, loạn dưỡng cơ, hay các bệnh có yếu tố gien phức tạp hơn như ung thư hay bệnh tim.
Ngành công nghiệp dược phẩm Anh đạt được vị trí dẫn đầu trên thế giới nhờ có các công ty như Glaxo-Wellcome và AstraZeneca sẵn sàng tài trợ cho các nghiên cứu và đón nhận sáng tạo mới. Ngành này cũng đang đưa ra các liệu pháp điều trị mới cho ung thư, đột quỵ và các bệnh khác chủ yếu dựa trên các thành tựu tiên tiến mới được các phòng thí nghiệm gien phân tử ở Anh nghiên cứu ra. Những nghiên cứu này cũng là hy vọng để phát triển các loại vắc xin và thuốc chống, chữa trị hiệu quả các bệnh nhiệt đới do kí sinh trùng gây ra, bao gồm cả sốt rét và bệnh mất ngủ.
Nghiên cứu gien phân tử là điều tối thiểu để tìm hiểu về các bệnh truyền nhiễm cũng như các căn bệnh khác. Nhưng các kĩ thuật công nghệ mới rất mạnh và một số sản phẩm công nghệ này, thí dụ như cừu Dolly đã khiến công chúng đi từ ngạc nhiên tới chú ý và quan ngại. Mặc dù các thành tựu về mặt sinh học này hoàn toàn là niềm hy vọng đối với các phụ nữ vô sinh có thể có con hoặc phát triển các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn đối với các bệnh như khí thũng, khó đông máu…
Tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu gien phân tử nhanh đến mức người dân thường khó có thể theo kịp được tốc độ cập nhật thông tin. Khoảng cách thiếu hụt về mặt thông tin này khiến khoa học khó có thể được kiểm soát một cách dân chủ và rất dễ dẫn tới việc trì hoãn các công trình nghiên cứu quan trọng. Chính vì điều này, Hội đồng Nghiên cứu của Chính phủ ngoài việc hỗ trợ các nghiên cứu khoa học còn có nhiệm vụ truyền thông để công chúng hiểu rõ hơn về các công việc của khoa học. Các nhà khoa học được huấn luyện để diễn giải công việc của họ một cách đơn giản, rõ ràng hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo giấy, truyền hình, đài phát thanh và cả Internet. Các cơ quan giám sát nghiên cứu gien của Anh, thí dụ như Hội đồng Nuffield về Đạo đức sinh học đều phải tuân thủ các qui định này.
Trong khi đó, trong lĩnh vực khoa học vật lý, các nhà vật lý phân tử, nhà thiên văn học và vũ trụ học tiếp tục các nghiên cứu để tìm cách trả lời những câu hỏi lớn như: vũ trụ hình thành từ lúc nào, lớn tới mức nào, làm từ các thành phần như thế nào? Ngày nay, các máy gia tốc phân tử, các kính thiên văn vũ trụ, vệ tinh và tàu thăm dò các hành tinh xa xôi cho các nghiên cứu lớn như vậy đều phải được xây dựng bằng nhiều nhóm nghiên cứu của các nước khác nhau. Đơn giản bởi các nghiên cứu này đòi hỏi các nguồn tài chính và kinh nghiệm rất lớn mà ngay cả các cường quốc kinh tế trên thế giới cũng khó có thể chịu đựng được. Các nhà khoa học Anh và thiết bị nghiên cứu của họ đóng góp đáng kể trong các nhóm nghiên cứu quốc tế như vậy.
Tựu chung lại, Anh quốc hiện đang là một trong các nước có đóng góp rất nhiều cho khoa học thế giới nói chung. Những nghiên cứu của các nhà khoa học Anh quốc cũng góp phần cải thiện cuộc sống, sức khoẻ và tinh thần cho người dân không chỉ ở đảo quốc này mà trên cả toàn cầu./.
B.C (theo Science, Engineering & Technology in The UK và British Council)

Tác giả