Không nghiên cứu thì chỉ là trường phổ thông cấp 4!

Trong khi ở nhiều trường đại học, cán bộ giảng dạy hầu như "quên" nghiên cứu khoa học thì đến những năm gần đây, hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học đã trở thành động lực hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở trường Đại học Nông nghiệp I (ĐHNN I). PV Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Trần Đức Viên- Hiệu trưởng trường ĐHNN I.

PV: Được biết đoàn chuyên gia thuộc một trung tâm đánh giá chất lượng của Mỹ đang đến làm việc với ĐHNN I, với tư cách là hiệu trưởng, ông có cảm nghĩ thế nào?
TĐV: Chúng tôi đang ngày càng quen dần với chuyện hợp tác quốc tế và mong muốn vươn tới đáp ứng các tiêu chí quốc tế, có thể có nơi nào đócảm thấy “sợ” chuyện này, ngại ‘vạch áo cho người xem lưng’ nhưng chúng tôi thấy không có gì phải sợ cả. Mình có ‘bệnh’ mà chưa biết, hoặc là biết đấy nhưng biết chưa đầy đủ, lại tự dưng có người đến ‘bắt mạch kê đơn’ cho thì còn gì bằng… Với lại, cũng có thể là do chúng tôi ở “Trâu Quỳ” nên không biết sợ chăng!

ĐHNN I chịu “ra gió” như vậy chứng tỏ phải có thực lực rất khá?
Cũng chưa khá lắm. Trường ĐHNN I được thành lập từ năm 1956, ban đầu có tên là Đại học Nông lâm đóng tại Văn Điển, Đến năm 1959 thì trường chuyển về đây, tức là Trâu Quỳ, Gia Lâm với tên Học viện Nông lâm, Đại học Nông nghiệp, rồi ĐHNN I. Các bạn biết đấy, đa phần mọi người biết đến Trâu Quỳ vì lý do khác chứ không phải vì ở đây có ĐHNN I. Hiện nay, trường chúng tôi có khoảng 16.000 sinh viên, học viên cao học và NCS, với khoảng 1100 cán bộ viên chức, trong đó trên 62% là cán bộ giảng dạy, chúng tôi đang cố gắng để tăng tỷ lệ giảng viên lên 70% trong vài năm tới. Ngoài những ngành truyền thống đậm đặc “chất nông nghiệp” như nông học, chăn nuôi, thú y, thủy nông, đất đai,…thì từ khá sớm sau khi thành lập trường chúng tôi đã có các ngành mang “chất công nghiệp” như cơ khí, điện,…, và những ngành rất cần cho phát triển NN và nông thôn như kinh tế, kế toán, quản trị doanh nghiệp…, gần đây chúng tôi còn có thêm nhiều ngành mới như, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thông tin, công nghệ môi trường, quản lý môi trường, sư phạm kỹ thuật; và sắp tới sẽ mở các ngành mới như nông nghiệp đô thị, tự động hóa, cơ khí chế tạo, ngoại ngữ, tài chính, kiểm toán…

Nhiều ngành như thế thì ĐHNN I có vẻ hơi hơi giống một “đại học tổng hợp”?
 

Thực tế thì chúng tôi mang danh “nông nghiệp” nhưng lại đang phát triển theo hướng đa ngành để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN và nông thôn, đáp ứng nhu cầu xã hội; với lại bây giờ xu hướng đa ngành là chuyện bình thường, chắc là anh cũng biết “Kasetsart” tiếng Thái nghĩa là nông nghiệp, Kasetsart University nghĩa là ĐHNN, nhưng thực tế thì Kasetsart đào tạo và nổi tiếng ở nhiều ngành không hoặc ít dính dáng đến NN như Cơ khí, Sư phạm, Y, CNTT… cũng như  ít người ở nước ta biết rằng Viện công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology – MIT) nổi tiếng của Hoa Kỳ lại có một chương trình cũng nổi tiếng không kém là chương trình nghiên cứu và đào tạo về xã hội học, nhân chủng học mang tên “the Science, Technology, and Society Program”. Các ngành tác động và bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau, cũng có khi ngành nọ phải “nuôi” ngành kia để trường có thể phát triển như một tổng thể. Tuy nhiên, với các ngành truyền thống, dù xã hội có yêu cầu ít đi thì chúng tôi vẫn cần duy trì, phát triển, để không “đánh mất mình”.

Ngành cơ khí chắc là gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với máy móc Trung Quốc?

Không chỉ Trung Quốc thôi đâu, máy móc Hàn Quốc bây giờ cũng nhiều lắm. Thế cho nên ngành cơ khí nông nghiệp mới đi theo hướng chế tạo những sản phẩm dễ cạnh tranh nhất. Chúng tôi đã từng nghiên cứu và chế tạo thành công nhiều loại máy phục vụ thiết thực sản xuất nông nghiệp một thời như máy đạp lúa, máy cày xá nhỏ, máy cắt cói, máy nghiền trục đứng, máy trộn thức ăn gia súc, máy thái củ, máy băm vùi thân lá dứa, máy rũ đay ngâm… và gần đây là máy ấp trứng, máy sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời. Chúng tôi có quyền tự hào rằng nhiều loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp là thành quả nghiên cứu của ĐHNN I. Phải thừa nhận là, trong những năm gần đây nghiên cứu chế tạo máy NN phục vụ sản xuất của hộ nông dân gặp không ít khó khăn, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan…, hiện cũng đang có một nhóm các nhà KH trẻ của chúng tôi nghiên cứu chế tạo máy đóng bầu mía, một nhu cầu rất lớn của nhiều vùng nguyên liệu mía nước ta, chúng tôi đã chế tạo xong mẫu máy, nhưng vẫn cần hoàn thiện công nghệ để máy có thể đến được tay người trồng mía.

Vậy thì điều đặc biệt của ĐHNN I1 nằm ở chuyện nghiên cứu khoa học?
Không có gì đáng gọi là ‘đặc biệt’ cả, nếu không có NCKH thì làm sao có thể gọi là ĐH được, đấy chỉ là ‘phổ thông cấp 4’ thôi! Mới đây chúng tôi vừa làm một việc mà kết quả của nó rất cần được mọi người cùng suy ngẫm, đó là thử nghiệm đào tạo một tiến sỹ “cho ra tiến sỹ”. Kết quả là, để có được một tiến sỹ “nghiêm chỉnh”, tức là một tiến sỹ có thể ‘ngang tầm’ được với TS đào tạo ở nước ngoài về công nghệ sinh học (có bài đăng ở tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành) thì chúng tôi đã tốn hết 350 triệu đồng. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một thử nghiệm. Còn thì chúng tôi vẫn phải làm theo cách thức mà mọi người đang làm, tức là chỉ đầu tư cho mỗi nghiên cứu sinh 6 triệu đồng một năm, theo “đơn giá” của nhà nước. Tôi nghĩ là cần phải tính lại chuyện đầu tư cho việc đào tạo tiến sỹ trong nước, với số tiền ấy thì không thể cho ra các tiến sỹ thực sự được.

Nhưng càng tiết kiệm cho giáo dục đào tạo thì càng tốt chứ?

Chúng ta có cách đi của chúng ta, chúng ta có thể đào tạo tiến sỹ chất lượng cao với chi phí thấp chứ không thể đào tạo tiến sỹ chất lượng cao với giá rẻ mạt được. Chuyện tiết kiệm ở đây cần phải được nhấn mạnh ở hiệu quả đầu tư chứ không chỉ là đầu tư bao nhiêu. Nếu các phòng thí nghiệm (PTN) được đầu tư cho ra phòng thí nghiệm thì các giáo sư (GS) sẽ kéo được các nghiên cứu sinh (NCS) vào làm việc, và các NCS sẽ có thể làm khoa học thực sự, đến khi bảo vệ tiến sỹ họ sẽ bảo vệ bằng đúng thành quả lao động nghiên cứu miệt mài trong mấy năm của họ. Đằng này, với tình hình chung của nước ta, PTN thiếu thốn và không ra PTN, các GS và NCS không gắn bó được với nhau trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp. Thành ra hiện tượng phổ biến là thầy một nơi, trò một nẻo, các NCS vì ít tiền lại không có chỗ làm việc, nghiên cứu nên rất khó tập trung thời gian và sức lực cho nghiên cứu phuc vụ đề tài, lại còn phải lo kiếm sống nữa nên thường sao nhãng việc NC, có khi đến nửa năm họ mới gặp GS một lần để bàn bạc, “xin ý kiến” gọi là rồi lại mải mê với những công việc không mấy liên quan đến đề tài. Thế mà cuối cùng, không ít người trong số họ vẫn có được luận án tiến sỹ xuất sắc đấy!?. 

Như vậy thì đúng là việc đầu tư tới nơi tới chốn để cho ra kết quả rõ ràng là tiết kiệm hơn việc đầu tư nhỏ giọt và nửa vời, không những vô hiệu quả mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực không đáng có và không nên có. Nhưng trong chuyện nghiên cứu khoa học, vấn đề không chỉ đơn thuần là “đồng tiền đi liền chất lượng”?
Đúng như vậy, đâu phải cứ bỏ tiền ra là có khoa học. Tiền có thể mua được sách, nhưng tiền chưa chắc có thể mua được công trình KH. Theo tôi, việc nghiên cứu khoa học được thúc đẩy bởi ba động lực chính. Động lực thứ nhất là tinh thần, động lực thứ hai là kinh tế, và động lực thứ ba là môi trường làm việc.

Ở ĐHNN I, động lực tinh thần đã được tạo ra như thế nào?
Về tinh thần, tôi có thể nói rằng, nhiều người nghiên cứu khoa học cần được tôn trọng, cần được đánh giá đúng hơn là cần tiền. Sự quan tâm và cổ vũ thích đáng của xã hội sẽ thúc đẩy nhà khoa học cống hiến nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu một nhà khoa học tạo ra được một giống lúa mới đem lại lợi ích lớn cho sản xuất nông nghiệp thì ông ấy xứng đáng được thủ tướng gặp và động viên. Ở trường Nông nghiệp, chúng tôi làm tất cả những gì có thể để cổ vũ cho việc nghiên cứu khoa học, thậm chí chúng tôi đã “thúc ép” các cán bộ phải có nghiên cứu khoa học, mọi giảng viên đều phải giành ra khoảng 1/3 quỹ thời gian vật chất của mình cho NCKH. Các công lao nghiên cứu được tính theo các giờ giảng dạy, thế có nghĩa là ai nghiên cứu được nhiều thì chỉ cần dạy ít cũng được. Chúng tôi tính một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí của trường bằng 20 giờ dạy, và một bài đăng nước ngoài bằng 250 giờ dạy, tính như vậy không phải là có tư tưởng “sính ngoại” đâu, mà thực tế là NCKH của chúng ta đang có vấn đề, chất lượng một số tạp chí KHCN của chúng ta đang có vấn đề; xin được chia sẻ với anh, để đăng bài ở tạp chí trường tôi thì bài đó phải “qua” được 2 phản biện kín có cùng chuyên ngành, một ở trong trường và một ở ngoài trường, nghĩa là không dễ dàng gì nhưng cũng không quá khó khăn như đăng ở nước ngoài, nhưng bài bị chúng tôi loại ra lại có thể xuất hiện ở một tạp chí khác một vài tháng sau đó. Như vậy nếu một nhà nghiên cứu trong một năm nào đó có một bài đăng ở tạp chí quốc tế thì năm đó nghiễm nhiên thầy/cô ấy đã hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy. Hơn nữa, chúng tôi còn có chế độ thưởng tiền cho thành tích nghiên cứu, một bài đăng nước ngoài sẽ được thưởng ngay 10 triệu tiền mặt, đồng thời hỗ trợ thêm 10 triệu nữa để đầu tư vào nghiên cứu. Thưởng tiền như vậy cũng là một cách cụ thể để động viên tinh thần cùng với các danh hiệu được tôn vinh khác như giảng viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở…

Vấn đề cơ chế và kinh phí dành cho nghiên cứu chắc vẫn còn nhiều phức tạp?     
Đúng vậy. Xin kể một ví dụ. Trường ĐHNN I thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo, khi Nhà nước có chương trình đầu tư nghiên cứu phát triển lúa lai thì chương trình này đương nhiên là thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, còn Bộ GDĐT không “dính dáng” gì, dù rằng bộ GD&ĐT đang “sở hữu” một đội ngũ các nhà KH mạnh về nghiên cứu phát triển lúa lai. Lãnh đạo cấp cao nhất của Bộ NN rất muốn Đại học NNI tham gia tích cực và chủ động vào chương trình nghiên cứu này, nhưng việc chuyển tiền đầu tư từ bộ này sang bộ khác đâu phải dễ, có cả một bức tường cơ chế ngăn cản lại chuyện này. Những người trong cuộc đã phải bàn với nhau là: bức tường cơ chế chưa phá được thì chúng ta cùng phải trèo qua vậy. Phải mất 2 năm thì chương trình nghiên cứu mới sang được ĐHNN I. Chuyện hành chính bất cập rõ ràng là đã gây ra những khó khăn không đáng có đối với nghiên cứu khoa học, để làm một việc chân chính mà người ta vẫn phải “trèo tường”, thế có phải là khổ không. Thực tế là bây giờ có những nhà nghiên cứu vì sợ các cửa ải hành chính của lề thói quản lý đề tài KHCN nên rất ngại tham gia đề tài nhà nước, thay vào đó họ chỉ đi đấu thầu với Tây, viết dự án đề nghị các tổ chức hỗ trợ KH nước ngoài tài trợ để NCKH phục vụ KH, phục vụ đất nước, nhưng các đề tài NCKH mang hơi “Tây” ấy chưa bao giờ được chính thức coi trọng, được xếp ngang hàng với các đề tài cấp này cấp nọ của chúng ta, anh cứ nhìn vào hồ sơ xét GS, PGS thì rõ.

Thế còn về động lực thứ ba?
Môi trường làm việc là một yếu tố cực kỳ quan trọng, việc nghiên cứu khoa học cần phải được thực hiện bởi một tập thể được tổ chức quy củ, bài bản và chuyên nghiệp. Ví dụ như chuyện đào tạo tiến sỹ, NCS phải làm việc trong một nhóm nghiên cứu. Nhóm này phải có ít nhất một GS dẫn dắt và đưa ra các idea (ý tưởng), tiếp đến là phải có vài phó GS, vài ba nghiên cứu viên (research fellows) phát triển ý tưởng. Ở nước ngoài, các NCS – những người có lợi thế về sự nhạy bén năng động, là đối tượng bị “bóc lột” nặng nhất trong NCKH. Chính họ phải bắt tay vào làm chi tiết để cụ thể hóa các ý tưởng. Làm nghiên cứu ở đây là làm cật lực chứ không có quy định giờ nghỉ, giờ chơi đâu, đã chui vào PTN là quên thời gian, và chỉ có làm việc “mờ mắt” như vậy mới ra được bài báo thực sự. Ở nước ngoài, chuyện vác chăn lên PTN ngủ là bình thường. Bài báo KH, công trình KH là lý do tồn tại của nhà KH.

ĐHNN I tỏ ra rất có ý thức trong việc quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu khoa học. Ý thức này chuyển biến thành hành động như thế nào?
Phải nói thật là về KHCN thì truyền thống của chúng ta còn “mỏng” lắm, nếu so với các nước phương Tây, cần phải học hỏi họ rất nhiều. Trong thời buổi hội nhập này, ở đâu có hoạt động hợp tác quốc tế tốt thì ở đó có giảng dạy và NCKH tốt và ngược lại. Quy luật chung là như vậy, nhưng không phải là không có những nơi có hoạt động HTQT mạnh, nhưng hoạt động KHCN chưa hẳn là đã mạnh, đơn giản là vì trong thời kỳ chạy “rốt đa” để hội nhập về KHCN này, nơi nào có lợi thế về tiếng Anh thì nơi ấy thuận lợi hơn trong việc tìm đối tác nước ngoài, mà đối tác nước ngoài thì cũng năm bảy loại.
Như tôi đã nói, chúng tôi đã dồn nhiều tâm sức để có được những bài nghiên cứu đăng ở nước ngoài, “tiếp thị” mình ra thế giới và “kéo” thế giới lại gần mình. Ban đầu, chúng tôi phải dựa nhiều vào “ngoại binh”. Tức là một số đề tài làm với nước ngoài thì phải mời những nhà khoa học nước ngoài vào làm, cùng nghiên cứu, cùng đi thực địa, cùng lấy số liệu, cùng viết báo. Thực ra thì những bài báo nước ngoài đầu tiên của chúng tôi đều dính tên người Tây hết. Bây giờ điểm lại, những bài có Tây chiếm tới 2/3. Việc “xuất khẩu bài nghiên cứu” như vậy được thực hiện dần dần từ mức độ thấp, tức là chỉ cần những bài có chỉ số tương tác (impact index) cỡ 0,1 trở lên là chúng tôi đã hết sức động viên rồi. Đương nhiên là chúng tôi tin tưởng mình sẽ ngày càng khá hơn và sẽ “với” cao hơn. Một trong những cơ sở để tin tưởng như vậy là chúng tôi có nguồn hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài và nguồn tài trợ cho NCKH quốc tế khá phong phú. Một đồng cũng trân trọng mà cả triệu USD cũng trân trọng.

Về chuyện sinh viên nghiên cứu khoa học?
Ở trường chúng tôi, tỷ lệ sinh viên NCKH vẫn còn thấp lắm, chỉ khoảng 3-4%, bắt đầu từ năm thứ hai trở đi. Thực ra thì nhiệm vụ học tập của sinh viên vẫn được đặt lên hàng đầu, nhà trường chỉ khuyến khích các em nghiên cứu thôi. Hội nghị khoa học sinh viên được tổ chức hàng năm, 2 năm một lần chúng tôi lại tổ chức hội nghị NCKH trẻ cho SV và CBGD trẻ khối nông-lâm-ngư toàn quốc một lần. Đây là sáng kiến của trường ĐHNNI, tổ chức lần thứ nhất tại ĐHNNI, năm vừa rồi chúng tôi tổ chức lần thứ 3 tại Huế, chủ yếu để tạo động lực cho các em làm quen với nghiên cứu và được giao lưu học hỏi.

Có phải kết quả học tập tốt thì sẽ nghiên cứu tốt không?
Không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận như thế. Có những em học giỏi nhưng hầu như không biết làm nghiên cứu.

Nguyên nhân vì sao?
À, do cách dạy và cách học của chúng ta, còn nhiều vấn đề phải bàn lắm. Nói đến chuyện này thì chúng ta lại phải đối mặt với cả một “núi” câu chuyên dài liên quan đến vấn đề giáo dục ĐH.

Xin cảm ơn ông!

P.V. thực hiện

“Chúng tôi đang hợp tác với Ủy ban châu Âu (nghiên cứu về đô thị hóa và phát triển NN, tiếp cận ngành hàng, an toàn thực phẩm), với các nước cộng đồng Pháp ngữ (về chăn nuôi, thú y và phát triển nông thôn), với JICA – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (về lúa), với Danida – Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Đan Mạch (về quản lý tổng hợp lưu vực, quản lý tài nguyên nông nghiệp), với Quỹ Rockefeller (về quản lý các tài nguyên liên biên giới), với Quỹ Ford (về suy thoái đất nhiệt đới, về sinh thái nông nghiệp), với DFG (Đức) về phát triển miền núi… Ngoài ra chúng tôi còn được hỗ trợ từ các quỹ ở Tây Ban Nha, Ý, Nhật, Bỉ, Lucxambua, và hợp tác song phương và đa phương với một số trường Đại học của Mỹ (UC Davis, UC Berkeley, ĐH Auburn, Trung tâm Đông-Tây ở Hawaii), của Đan Mạch (ĐH Copenhagen, ĐH Roskilde), Hà Lan (Wageningen, ITC), Bỉ (Gembloux, Liege, Louvain), v.v…”

Môi trường tốt sẽ tạo ra tác phong tốt và ý thức tập thể trong nghiên cứu.
NCKH thời hiện đại không còn là công việc của một vài cá nhân xuất chúng hoạt động đơn lẻ như thời đại của Newton hay Einstein. Môi trường nghiên cứu của chúng ta vẫn còn nhiều biểu hiện manh mún và rất khó gọi đó là tập thể, là cộng đồng. Có thể đơn cử một ví dụ xảy ra ở trường tôi vài năm trước, một thiết bị thí nghiệm được giao cho một người giữ thì ông này cứ cất tiệt ở trong phòng TN của mình, ra khóa vào mở, ai muốn sử dụng thì phải xin phép rất phiền hà, mà trong khi ấy thiết bị lại là của tập thể. Bản thân việc thí nghiệm thường đã gian nan và mất thời gian, thất bại là “chuyện thường ngày” bây giờ muốn làm thí nghiệm lại phải đi tìm ông giữ chìa khóa cửa! Những chuyện vặt vãnh kiểu như thế gây ra sự cản trở rất khó chịu cho người làm khoa học.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)