Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà: Ứng dụng khoa học hệ thống vào quản lý

Khu Dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) là mô hình đầu tiên trên thế giới ứng dụng khoa học hệ thống vào quản lý khu DTSQ.    

Ngay từ những ngày đầu thành lập, những người chịu trách nhiệm về khu DTSQ Cát Bà đã nhận thức được rằng, nếu xem khu DTSQ như một hệ thống thì các yếu tố bảo tồn, phát triển, văn hóa, du lịch, thủy sản, giáo dục, đào tạo… phải là những thành phần trong hệ thống đó, chúng sẽ tác động qua lại, hỗ trợ hoặc giám sát vận động để hướng tới cùng mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, một ban quản lý đã được thành lập bao gồm nhiều thành phần, bao gồm các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tư nhân, hiệp hội, tổ chức xã hội dân sự… Công tác quản lý Khu DTSQ Cát Bà lúc này thực chất là điều phối hoạt động trong khuôn khổ luật pháp và chính sách hiện hành. Một không khí làm việc thoải mái, dân chủ giữa các bên tham gia và từ đó rất nhiều sáng kiến đã được thảo luận, áp dụng trong thực tế. Hội nghị quốc tế về khoa học hệ thống được tổ chức năm 2013 tại Hải Phòng đã kết luận đây chính là mô hình đầu tiên trên thế giới ứng dụng khoa học hệ thống vào quản lý khu DTSQ.

Thợ săn thiện xạ cũng có thể trở thành cán bộ bảo tồn

Sự nổi tiếng về kết quả bảo tồn của khu DTSQ Cát Bà đã được khẳng định trong việc bảo vệ loài voọc Cát Bà (hay còn gọi là voọc đầu vàng, voọc thân đen đầu vàng Cát Bà, tên khoa học: Trachypithecus poliocephalus). Đây là loài linh trưởng quý hiếm chỉ sống trong các khu rừng nhiệt đới ẩm của đảo Cát Bà và có tên trong danh sách 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Do bị săn bắt quá nhiều, vào đầu năm 2000, quần thể voọc Cát Bà chỉ còn sót lại khoảng 50 đến 60 con. Vào thời điểm đó, Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà được triển khai vào cuối năm 2000 với sự tài trợ của Hội Động vật về bảo tồn loài và quần thể (ZGAP) và Vườn thú Muenster Đức đã phối hợp với Cát Bà lên kế hoạch ổn định quần thể voọc qua các biện pháp: tuyên truyền không săn bắn với người dân; thiết lập khu bảo vệ nghiêm ngặt voọc; bảo đảm sinh cảnh thích hợp sinh sống và tăng khả năng sinh sản của voọc. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, trong vòng 10 năm đã có gần 10 cá thể voọc con ra đời, tránh nguy cơ tuyệt chủng cho loài linh trưởng này.

Việc duy trì và phát triển quần thể voọc còn có sự đóng góp của những người dân Cát Bà thông qua chương trình người gác voọc của Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà. Các nhà quản lý đã vận động được anh thợ săn voọc thiện nghệ Vũ Hữu Tỉnh ở xã Gia Luận bỏ nghề săn, tham gia tổ tuần rừng. Từ một “sát thủ voọc”, anh Tỉnh trở thành tuyên truyền viên, khuyên nhủ mọi người bỏ thói quen đi rừng, đồng thời phát hiện và phá hàng trăm chiếc bẫy động vật hoang dã. Những hiểu biết về tập tính voọc tích lũy sau cả chục năm săn bắt của anh Tỉnh không ngờ lại trở thành kinh nghiệm quý báu cho các nhà bảo tồn. Năm 2013, câu chuyện về người săn voọc Vũ Hữu Tỉnh trở thành cán bộ bảo tồn voọc đã được lan truyền khắp các trang mạng của mạng lưới các khu DTSQ thế giới, đem lại một hình ảnh đẹp về hiệu quả của công tác bảo tồn kết hợp giáo dục, tuyên truyền của Việt Nam.

Bền vững nhờ thương hiệu

Khu DTSQ Cát Bà đã sử dụng hình ảnh voọc Cát Bà làm nhãn hiệu (logo) và gắn thương hiệu sản phẩm cho các sản phẩm chất lượng của địa phương. Gần 10 nhóm sản phẩm chất lượng của địa phương như mật ong, khách sạn, nhà hàng, tàu thuyền du lịch mang nhãn hiệu hình ảnh voọc Cát Bà, đã được đăng ký nhãn hiệu sản phẩm với sự kiểm soát, giám sát của các sở (KH&CN, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT, Văn hóa – Thể thao – Du lịch…), các doanh nghiệp tư nhân, hiệp hội… Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa mang biểu tượng Khu DTSQ Cát Bà do Cục SHTT (Bộ KH&CN) cấp là một trong những hoạt động được đánh giá cao tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Thực chất, việc đăng ký nhãn hiệu và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các đơn vị có sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng là sự nối dài bền vững danh tiếng mà cán bộ và nhân dân huyện đảo Cát Hải nói riêng và TP Hải Phòng nói chung dành cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển vùng biển đảo này. Bắt đầu từ thời điểm đó, hình ảnh khu sinh quyển Cát Bà, hình ảnh loài voọc Cát Bà đi vào tâm trí người tiêu dùng, du khách trong nước và quốc tế. Sự nghiệp bảo tồn sinh quyển càng hiệu quả thì sản phẩm càng nổi tiếng, sản phẩm càng chất lượng thì danh tiếng khu sinh quyển càng đi xa. Đây chính là cốt lõi của triết lý “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn”.

Gần đây, một đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng công nghệ vi sinh lên men chế biến quả cây bần để sản xuất nước uống giải khát, rượu giữa Khu DTSQ Cát Bà và Khoa Sinh trường ĐHSP Hà Nội đã mang lại giá trị cả về bảo tồn và phát triển kinh tế (win-win). Bần là một loài cây ngập mặn trồng để chắn sóng bảo vệ đê biển nên việc khôi phục và bảo tồn loài cây này sẽ vừa có tác dụng bảo tồn thiên nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa cho thu hoạch quả tạo thu nhập cho người dân địa phương.

Sự nổi tiếng về bảo tồn cùng với chất lượng sản phẩm đã làm gia tăng giá trị hàng hóa, các dịch vụ. Thu nhập của người dân tăng cao và họ sẵn sàng đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn. Quỹ ủy thác mang tên “Quỹ Phát triển bền vững sinh quyển Cát Bà” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP Hải Phòng đã được các doanh nghiệp, tư nhân tự nguyện đóng góp và được chi cho các hoạt động giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân.

Trong quá trình hội nhập nói chung và tham gia mạng lưới các khu DTSQ toàn cầu nói riêng, Việt Nam chúng ta là quốc gia đi sau nhưng đã có những bước tiến đáng kể mà Cát Bà là một trong những ví dụ điển hình.

Khu Dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà được công nhận vào ngày 2/12/2004. Khu sinh quyển này đáp ứng đầy đủ bảy tiêu chí của UNESCO với những giá trị nổi bật, bao gồm: khu sinh quyển có loài động vật quí hiếm mang tên địa phương ‘Voọc Cát Bà’; khu sinh quyển lần đầu được xây dựng với sự tham gia của nhiều ngành dưới sự đầu tư và điều phối của UBND TP Hải Phòng; khu sinh quyển có cơ cấu tổ chức, kế hoạch quản lý “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” theo định hướng “Chiến lược Quốc gia về phát triển bền vững” đầu tiên trong mạng lưới các khu sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

* GS.TS, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBQG Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam)

Tác giả