Kiến nghị xét lại sự an toàn của những đập nước lớn trong vùng địa chấn bất ổn tại Tây Nam Trung Quốc

Đập thủy điện Tử Bình Phô( Zipingpu) được khởi công từ năm 2006 thuộc tỉnh Tứ Xuyên  và mực nước dâng đầy khi vừa bắt đầu hoạt động vào năm 2008, đến ngày 12 tháng 5 đã có trận động đất 8.0 trên Vấn Xuyên (Wenchuan) gây tử vong cho 69,000 người, từ 4,8 đến 11 triệu người vô gia cư trong số 15 triệu dân cư trong vùng [1]. Các học giả và các chuyên gia môi sinh Trung Quốc đã gửi thư thỉnh cầu chính quyền Trung Quốc xét lại an toàn của những đập nước lớn và phổ biến kết quả nghiên cứu này cho dân chúng. Thư thỉnh cầu của họ đã được công bố trên tờ Đệ Nhất Tài Kinh Nhật Báo- First Business Daily (diyicaijing bao)-  ngày 12, tháng 6, năm 2008.Tia Sáng xin lược trích bản dịch của Phạm Phan Long.

Ngày nay, việc điều tra tổn thất tại các đập nước và bảo trì an toàn cho chúng, chẳng khác gì mất bò mới lo làm chuồng, điều thiết yếu là tái khảo sát tất cả các đồ án phát triển thủy lợi đại quy mô chưa từng có trong vùng Tây Nam Trung Quốc. Trận động đất Vấn Xuyên đã làm nổi bật ba vấn đề quan trọng về kỹ thuật xây đập tại vùng Tây Nam, tất cả đều đáng quan tâm. 

Xây hồ chứa lớn và đập nước cao trong vòng cung đại địa chấn có thích hợp không?
Vùng Tây Nam Trung Quốc là nơi có cấu trúc địa chất phức tạp và nằm trên ảnh hưởng của các lớp địa chất di chuyển, đặc biệt là phía Đông đồng bằng Thanh Hải – Tây Tạng (Qinghai-Tibetan) bên cạnh Tứ Xuyên và các núi đồi và khe đá Đông Bắc Vân Nam, đã hình thành do là các lớp đất địa cầu vũ bão trồi lên và vỡ ra.
Vùng Tây Nam này có những nguồn nước lớn nhất Trung Quốc và là nơi sản xuất thủy điện quan trọng nhất. Trong số 13 vùng kế hoạch thủy điện nằm trong phương án đã có, ba vùng quan trọng nhất là:
Vùng thủy điện trên các sông Jinsha [Kim Sa Giang], Yalong [ Nhã Lung Giang], Dadu Đại Độ Hà, thuộc phía Tây Tứ Xuyên, Tây Bắc Vân Nam,

Hình Địa chấn Vấn Xuyên

Vùng thủy điện thượng lưu sông Dương Tử, Nanpan [Nam Bàn] và Hồng Thủy đều nằm giữa Tứ Xuyên và Vân Nam, và
Vùng thủy điện sông Lan Thương [Lan Thương-Mekong) và sông Nujiang [Nộ Giang] tại Tây Bắc Vân Nam. (Xem phụ lục đính kèm: Bản đồ các đường địa chấn Vân Nam và các đập thủy điện trên sông Lan Thương nằm bên cạnh trong vòng 50 km)    
Hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam là hai nơi đã xảy ra nhiều trận động đất nhất Trung Quốc. Hai tỉnh này thuộc vùng địa chấn Tứ Xuyên-Vân Nam, nơi cường độ động đất cao nhất và thường xảy ra động đất nhất Trung Quốc. Nhiều chuỗi đập đã và sắp xây lên sẽ nằm ngay trên các vùng địa chấn này. Thí dụ như chuỗi đập trên sông Min [Mân Giang] nằm trên vòng cung địa chấn Songfan [Tùng Phiên] và Long Môn Sơn [Long Môn Sơn]; chuỗi đập Đại Độ Hà (phụ lưu sông Dương Tử) đã nằm trên vòng cung địa chấn Xianshuihe [Tiên Thủy Hà]; chuỗi đập trên sông Nhã Lung Giang (phụ lưu sông Dương Tử) nằm gần vòng cung địa chấn  Anninghe-Zemuhe [An Ninh Hà]; đập Xiluodu ([Khê Lạc Độ] trên sông Kim Sa Giang (thượng lưu chính của Dương Tử) nằm trên vòng cung địa chấn Yongshan [Vĩnh Thiện], và những dự án thủy điện trên sông Lan Thương – Mekong và sông Nộ Giang nằm trên vòng cung địa chấn Tam Giang (Three Parallel Rivers) trong tình trạng đang hoạt động (active).               

Hình IRN: Đập Tử Bình Phô (Zipingpu)

Vùng Tây Nam Trung Quốc có cấu trúc địa chất mong manh, có sự kiện đá chảy, bùn trôi và sạt lở. Nếu xây hàng loạt những hồ chứa và đập cao trên 100m (có khi hơn 300 m) là điều nguy hiểm. Việc phá hủy các tầng đá rộng lớn dọc theo hồ chứa sẽ là việc cần thiết để dựng dốc bờ đê, xây xa lộ, và đường hầm sau khi hồ đầy. Trong cơn địa chấn nếu xảy ra, việc xây cất nêu trên sẽ tăng cường độ sạt lở, đá chảy, bùn trôi, và đất sụp, sẽ gây thêm các tổn thất phụ như lũ lụt to và đổ vỡ vì lũ lụt. Vì thế, chúng ta cần lưu tâm nhiều hơn về các vấn đề rắc rối và nguy tai ngấm ngầm có thể giáng xuống dân cư hạ nguồn hai bên sông.                  
           
Đã có lầm lỗi khi thẩm định cường độ địa chấn khi soạn thảo phương án?
Khi được hỏi về độ an toàn của các đập nước trên vùng địa chấn bất ổn Tây Nam Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc và công ty khai thác thủy điện thường trả lời một cách tự tin, nhấn mạnh yếu tố như các đập và hồ lớn đã có nghiên cứu khả thi và khảo sát khoa học, và đã có căn bản vững vàng về cường độ địa chấn của chúng để các con đập này an toàn chống được động đất. Tuy nhiên, trận động đất Vấn Xuyên chứng tỏ đã có những tính toán sai lầm trong việc thẩm định nguy cơ của hoạt động địa chấn khi xây đập trong vùng này.              
Đập Zipingpu [Tử Bình Phô], đập lớn nhất trên thượng lưu sông Mân Giang là một thí dụ rõ ràng. Nằm 9 km trên thượng nguồn Dujiangyan [Độ Giang Yến], có dung tích 1.1 tỉ m3 và mực nước cao 156 m, Tử Bình Phô là một dự án khổng lồ. Không có gì lạ, khi các chuyên gia thủy học so sánh hồ chứa này như “một vạc nước to lớn đã treo trên đầu hàng triệu dân cư Chengdu [Thành Đô] và phụ cận”.
Theo sự tiết lộ của chuyên gia địa chấn và thủy học, trong nghiên cứu khả thi của đập Tử Bình Phô, các nhà khoa học tiên liệu cường độ cao nhất tại công trường là 7, nhưng thực tế đã cao hơn thế nhiều vì đập chỉ cách tâm điểm địa chấn có 17 km. Một chuyên gia chống địa chấn cho các đập nước đã nói, “trong vùng địa chấn cao và gần tâm điểm như Tử Bình Phô cường độ địa chấn rất có thể đã lên đến 8 hay 9 (độ dao động như vậy là 10 hay 100 lần cao hơn đã tiên liệu). Đây là điều các nhà khoa học (thực hiện hồ Tử Bình Phô) đã không tiên đoán trước”.
Tử Bình Phô nằm cao trên đồng bằng Thành Đô, gần bên kênh chuyển nước và dẫn thủy Dujiangyan-một công trình di sản thế giới công nhận – Tử Bình Phô là con đập cả của “Kế hoạch đại phát triển Tây Nguyên”, nên đã thu hút nhiều tranh luận ngay từ buổi đầu khi còn trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. Trong đó mối ưu tư lớn nhất là tình trạng bất ổn của địa chất trong vùng nơi đập Tử Bình Phô sẽ được tọa lạc.               
Kết quả động đất cho thấy đã có sai lầm trong việc nghiên cứu khả thi cho đập Tử Bình Phô khiến dân cư ngày nay hoang mang và chất vấn; nếu sai lầm như thế đã xảy ra cho một con đập cốt yếu như Tử Bình Phô, thì những con đập khác cùng xây trên vòng cung địa chấn trên thung lũng sông Mân Giang sẽ ra sao? Có thể có vi phạm sai lầm giống như Tử Bình Phô hay không? Vấn đề này có thể xảy ra cho các đập thủy điện khác đã xây và sắp xây trên các sông Đại Độ Hà, Nhã Lung Giang, Kim Sa Giang, Lan Thương-Mekong và sông Nộ Giang hay không?

Các hồ chứa lớn và đập cao
trong vùng địa chấn có gây ra động đất lớn không?
Tâm điểm của trận đại địa chấn Vấn Xuyên chỉ cách ven bờ hồ Tử Bình Phô nửa km. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hồ chứa Tử Bình Phô tọa lạc trên một vùng địa chấn bất ổn, với vòng cung địa chấn nổi tiếng tên Long Môn Sơn chạy qua đáy hồ và vùng phụ cận. Do đó dân cư có cơ sở để nghi ngờ rằng trận động đất kỷ lục này, xảy ra sau khi xây xong hồ và mực nước hồ lên cao đỉnh, rất có thể đã gây ra trận động đất ấy.                
Thảm họa do các công trình kỹ thuật khai phá của loài người, RIS (reservoir-induced seismicity) đang được thế giới theo dõi. Theo dữ liệu của các chuyên gia thuộc Ủy ban sông Trường Giang (Changjiang Water Resources Commission, Ministry of Water Resources) đã tiết lộ tại cuộc hội thảo khả thi của đập Tam Giáp, hồ chứa có đập cao trên 100 m có xác suất có RIS là 7% tại Trung Quốc. và xác suất có RIS là 34% cho các đập cao trên 200m . 
Trên thế giới đã có bốn trường hợp hồ chứa gây ra động đất trên 6.0 (cao nhất là 6,5), mà cả bốn đập đã được làm trong những vùng địa chất ổn định với xác suất động đất tự nhiên vốn  thấp. 
Tử Bình Phô không phải là hồ độc nhất xây trên vùng địa chấn còn bất ổn, còn nhiều đập khác nữa đã xây và sắp được xây tại miền Tây Tứ Xuyên và Tây Bắc Vân Nam, núi cao, khe sâu, nơi đang có các chuyển động địa chất mới và địa chấn hoạt động thường xuyên. Khi nghiên cứu khả thi cho đập Tam Giáp, các chuyên gia của ngành địa chất và địa chấn đã nhìn nhận rằng: “Hiện nay, không có lý thuyết khoa học vững vàng hay phương pháp nào để đánh giá và tiên liệu RIS”. Ngay cả “các nghiên cứu về cơ chế của RIS vẫn còn trong tình trạng giả thuyết”. Trong tình cảnh này, vì thế, chúng ta phải cẩn trọng về mối nguy hiểm khi cứ tiến hành khai thác thủy điện một cách tắc trách vội vàng, nhất là trên tầm thước đại quy mô trên vùng địa chấn bất ổn nổi tiếng như thế.
——————–
Nguồn tài liệu
[1] http://en.wikipedia.org/wiki/2008_Sichuan_earthquake
[2] Chinese environmentalists and scholars appeal for dam safety assessments in geologically unstable south-west China, Probe International, https:// probeinternational.org/ referenced/chinese-environmentalists-and-scholars-appeal-dam-safety-assessments-geologically-unstabl
[3] GUO Shunmin, XIANG Hongfa , ZHOU Ruiqi, XU Xiwei, DONG Xingquan, ZHANG Wanxia, Longling-Lancang fault zone in southwest Yunnan, China, A newly-generated rupture zone in continental crust, Chinese Science Bulletin Vol. 45 No. 4 February 2000.http://csb.scichina.com:8080/kxtbe/fileup/PDF/ 00ky0376.pdf

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)