Kỷ nguyên Anthropocene

Các nhà nghiên cứu đưa ra những bằng chứng về  một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên Anthropocene, do con người đang thay đổi về cơ bản bộ mặt Trái đất.

Kỷ nguyên con người, tiếng Hy Lạp là “Anthropocen”, đã bắt đầu. Nhà nghiên cứu địa chất Mark Williams thuộc ĐH Leicester đã đưa ra những chứng cứ về việc thay đổi cơ bản diện mạo Trái đất do con người khoan, đào vào trong lòng đất để xây dựng những công trình ngầm. Từ đó đã ra đời kỷ nguyên địa chất mới – kỷ nguyên Anthropocene.

1. Bề mặt trái đất

“Nhân loại đã biến hơn một nửa diện tích đất đai thành đất canh tác”, Williams và đồng nghiệp của ông đã viết như vậy trên tạp chí chuyên đề “The Anthropocene”. Đường giao thông, các mỏ đá và diện tích đất nông nghiệp đã đẩy lùi thảm thực vật tự nhiên. Khoảng ba phần tư diện tích đất đai trên Trái đất đã được cải tạo bởi bàn tay con người, nhận định của nhà địa lý Erle Ellis thuộc ĐH Maryland. Chỉ có khoảng 23% diện tích là các khu bảo tồn thiên nhiên. Các công trình giao thông đô thị xé nhỏ môi trường sống của động vật, các nhà sinh học cảnh báo. Nước mưa không thể thẩm thấu và mặt đất trải nhựa đường làm cho không khí bị nung nóng.

2. Những đường ống

Dưới mặt đất là một mạng lưới chi chít đường hầm dùng cho tàu điện ngầm, đường ống nước, đường dây điện và điện thoại, các đường hầm. Như ở Tokyo có những đường hầm nhiều tầng sâu tới 40 m trong lòng đất, chạy dưới những ngôi nhà chọc trời, hay những tháp tích nước mưa khổng lồ nằm sâu trong lòng đất. Ở Moscow, tàu điện ngầm cũng hoạt động ở độ sâu 50 m trong lòng đất. Những bãi đỗ xe, nhà ga xe lửa, nhà kho, rạp chiếu bóng, nhà hát kịch và các trung tâm thương mại đều tìm cách chiếm dụng lòng đất. Ở Montreal, phần lớn khu trung tâm của thành phố nằm trong lòng đất.

Riêng ở nước Đức, hệ thống đường ống nước thải có độ dài tới 1,4 tỷ km, đủ để đi 35.000 vòng quanh Trái đất. Những hệ thống đường ống dẫn dầu và khí đốt dài hàng nghìn km, một số đường ống chạy dài dưới đáy biển nối liền các châu lục, nếu xảy ra rò rỉ thì môi trường sẽ bị ô nhiễm nặng nề.

3. Khai khoáng

Trên thế giới có khoảng 10 khu mỏ ở độ sâu hơn 2,5 km trong lòng đất. Ở mỏ Mponeng, Nam Phi, các máy xúc hoạt động ở độ sâu tới 4 km để tìm vàng. Việc đào bới này làm cho mặt đất trở nên mất ổn định, ở nhiều nơi xảy ra sụt lở, dẫn đến động đất và từ đó lòng đất bị thay đổi, biến dạng. Riêng ở Đức, có tới hàng nghìn km đường hầm trong lòng đất, nhiều đường hầm không được đánh dấu trên bản đồ. Kết quả là có những nơi mặt đất bị lún vài ba chục mét; có nơi còn lún sâu hơn.

4. Các mũi khoan

Có những mũi khoan chỉ đạt độ sâu khoảng mười cm để lắp đặt đường dây điện thoại nhưng cũng có những mũi khoan sâu tới 15 m để làm đường ô tô. Người ta dùng sóng âm thanh để dò đường trong lòng đất. Mũi khoan sâu nhất vào trong lòng đất đạt 12 km ở trên đảo Kola miền bắc nước Nga, so với bán kính Trái đất là 6.400 km thì độ sâu này chỉ như vết muỗi đốt đối với hành tinh của chúng ta.

Tuy nhiên số lượng các mũi khoan này thật đáng lo ngại, theo Williams và cộng sự: riêng ở nước Anh đã có tới hơn một triệu lỗ khoan vào lòng đất để khai thác dầu mỏ và khí đốt dưới mặt đất, từ đó chúng làm biến dạng diện mạo tự nhiên của mặt đất.

Theo Williams và cộng sự thì không có sinh vật nào có thể vào sâu trong lòng đất như con người. Một số động vật bé nhỏ có thể đục sâu vào lòng đất không quá 2,5m. Chồn cáo và chó sói có khả năng đào bới đạt độ sâu khoảng 4 m và cá sấu có thể chui sâu khoảng 12 m vào lòng đất.

5. Kho chứa

Nhiều nước có những kho chứa khổng lồ trong lòng đất để chứa chất thải phóng xạ, rác thải hoá chất, khí đốt hoặc nước sạch. Các nhà khoa học cũng đang có kế hoạch đưa khí thải CO2 xuống lòng đất để chặn đứng tình trạng khi hậu nóng lên. Như trong lòng đất Biển Bắc ngoài khơi Na Uy hiện có một kho chứa CO2 nhân tạo lớn nhất thế giới của Tập đoàn dầu mỏ Statoil. Họ bơm khí CO2 hình thành qua quá trình khai thác khí đốt vào lớp sa thạch xốp ở độ sâu 1.000 m dưới đáy biển, phía trên được che phủ bởi một tấm đá phiến. Nhiều triệu tấn CO2 đã được xử lý trong lớp đá dày tới 200 m. Và đây mới là sự mở đầu.

6. Thử bom nguyên tử

Cho tới nay đã có trên 1.500 vụ thử bom nguyên tử trong lòng đất. Những cuộc thử trong lòng đất được coi là an toàn hơn vì một phần chất phóng xạ lưu lại đó. Tuy nhiên một lượng lớn bụi phóng xạ vẫn thoát ra không khí. Tác động của các vụ thử bom nguyên tử ở trong lòng đất như thế nào, vấn đề này hầu như chưa được nghiên cứu thấu đáo.

Kết luận của các nhà nghiên cứu

Xuất phát từ sáu bằng chứng kể trên, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận: “Sự nhiễu loạn ngày càng lan rộng trong lòng đất ở độ sâu tới hơn 5 km do con người gây ra có nghĩa là đã có một sự thay đổi diện mạo địa chất đáng kể.” Và trong lịch sử Trái đất chưa có trường hợp nào tương tự từng xảy ra.

Nhưng nhiều nhà địa chất đã phản đối kịch liệt kết luận này, bởi theo họ, cho đến nay còn thiếu những bằng chứng rõ rệt về sự quá độ chuyển sang một kỷ nguyên mới ở một số vùng rộng lớn như châu Mỹ, Trung Quốc hoặc khu vực Trung Cận Đông. Mặt khác, tác động của con người vào trong lòng đất kể từ thời ký đồ đá đã được đánh dấu là một kỷ nguyên địa chất Holocene. Vậy thì tại sao lại phải đặt ra một cái tên mới cho sự thay đổi diện mạo địa chất hiện nay?

Xuân hoài dịch

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)