Lại rơi rụng một “ngôi sao khoa học”

Giáo sư Scott S. Reuben- Giám đốc bộ môn gây mê của Trung tâm Y khoa Baystate (bang Illinois, Mỹ), và trường Y thuộc Đại học Tufts. Ông đã công bố 72 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san y khoa hàng đầu trong ngành gây mê như: Anesthesiology, Anesthesia and Analgesia, Journal of Clinical Anesthesia… Vì vậy ngày 11/3/2009, cộng đồng gây mê ở Mỹ và có lẽ cả thế giới đã sửng sốt khi Giáo sư Reuben thú nhận rằng trong suốt từ 1996 đến nay, có khoảng 21 công trình ông chỉ giả tạo dữ liệu, chứ chẳng có nghiên cứu nào cả!

Một trong những lĩnh vực nghiên cứu ông theo đuổi và có ảnh hưởng lớn là “trường phái điều trị đa phương” bằng cách sử dụng nhiều thuốc chống đau để giảm tối đa những phẫu thuật mang tính xâm phạm. Từ năm 2000, bằng các nghiên cứu của mình, ông thuyết phục các bác sĩ giải phẫu chấn thương chỉnh hình sử dụng các thuốc như Celebrex, Vioxx, và Bextra để giảm đau (thay vì sử dụng NSAIDs như trước đó). Ông còn cho rằng phối hợp các thuốc trên và thuốc can thiệp hệ thần kinh (neuropathic agents) có hiệu quả cao hơn thuốc mô phỏng theo thuốc phiện (opioids). Có người cho rằng nhờ những nghiên cứu của Reuben mà những thuốc giảm đau như Celebrex, Vioxx có thị trường hàng tỉ USD mỗi năm.
Những nghiên cứu của Reuben đã bị đồng nghiệp đặt dấu hỏi và nghi ngờ từ lâu bởi tất cả kết quả nghiên cứu của ông đều có kết quả quá “đẹp”, chẳng có nghiên cứu nào của ông có kết quả “âm tính” cả! Trong khi đó nhiều người khác cố lặp lại những kết quả này đều thất bại.
Những nghi ngờ của đồng nghiệp trong giới gây mê đã có cơ sở. Ngày 11/3/2009, Giáo sư Reuben thú nhận rằng trong suốt từ 1996 đến nay, có khoảng 21 công trình ông chỉ giả tạo dữ liệu, chứ chẳng có nghiên cứu nào cả!
Giới khoa học xem đây là một trường hợp gian lận khoa học lớn nhất trong lịch sử y khoa Mỹ . Thật vậy, hiếm thấy trong lịch sử y khoa có một nhà khoa học nào ngụy tạo số liệu trong một thời gian dài như thế, và nhờ những ngụy tạo đó mà “leo” đến chức giáo sư y khoa! Chẳng những ngụy tạo dữ liệu, Giáo sư Reuben còn ngụy tạo cả… tác giả. Theo Giáo sư Evan Ekman (chuyên gia phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thuộc Đại học Columbia) cho biết tên của ông xuất hiện trong 2 bài báo của Reuben, nhưng ông Ekman chẳng biết gì cả! Thật là hi hữu!

Trong một nghiên cứu trên 4.000 sinh viên bậc tiến sĩ trong 99 trường đại học ở Mỹ, Giáo sư Judith P. Swazey cho biết có đến 44% sinh viên và 50% giáo sư đại học từng biết ít nhất một hành vi vi phạm đạo đức nghiên cứu khoa học. Phần lớn những vi phạm này xảy ra trong các bộ môn khoa học thực nghiệm như sinh học, vật lí, hóa học, v.v… Nhưng vi phạm nhiều nhất vẫn là trong nghiên cứu y khoa.

Trường hợp gian lận của Giáo sư Reuben không phải là trường hợp duy nhất, và chắc chắn sẽ không phải là trường hợp sau cùng. Trong quá khứ đã có nhiều vụ gian lận nổi tiếng, thậm chí có người phải đi tù. Còn nhớ trước đây, vào năm 2004, tiến sĩ Hwang woo-suk tuyên bố rằng ông đã thành công tạo ra dòng tế bào gốc từ phôi thai nhân bản, đem lại biết bao hi vọng cho bệnh nhân nan y, nhưng đến cuối năm 2005, qua nhiều tháng điều tra chúng ta biết rằng ông chỉ ngụy tạo dữ liệu! Năm ngoái, cũng ở Hàn Quốc, Giáo sư Kim Tae kook cũng bị phát giác là ngụy tạo dữ liệu và phân tích dữ liệu trong hai công trình công bố trên tập san Science vào năm 2005 và /Nature Chemical Biology/ vào năm 2006. Trước đó, trường hợp bác sĩ John Darsee cũng gây nhiều tai tiếng trong dư luận công chúng vào thập niên 1980 khi ông, lúc đó là một giáo sư trẻ thuộc Đại học Emory (Atlanta, bang Georgia, Mỹ), công bố một loạt 10 bài báo mà ông đứng tên tác giả đầu. Với thành tích ấn tượng đó, Darsee được thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp khoa bảng, trở thành một nhà khoa học được nhiều đồng nghiệp kính trọng. Nhưng tất cả những bài báo đó là hoàn toàn giả tạo. Nói cách khác, ông đã tạo sự nghiệp dựa vào việc ngụy tạo nghiên cứu trong suốt 10 năm liền!
Một trường hợp giả tạo dữ liệu tinh vi nhất có lẽ là các công trình của bác sĩ Jon Sudbo, chuyên gia về ung thư thuộc Bệnh viện Radium và Đại học Oslo (Na Uy).  Trong một công trình công bố trên tập san Lancet (đứng hàng thứ 2 trong y khoa) vào năm 2005, Sudbo và 13 cộng sự viên báo cáo rằng họ đã tiến hành một nghiên cứu trên 908 đối tượng, và kết quả cho thấy thuốc chống viêm NSAIDs có hiệu quả làm giảm nguy cơ ung thư miệng! Phát hiện này thu hút chú ý của các chuyên gia ung thư học bởi vì các loại thuốc NSAIDs được sử dụng rất phổ biến để giảm đau, nhất là đau thấp khớp, và tương đối rẻ, và nếu quả thật thuốc có hiệu quả chống ung thư thì đó là một tin vui cho bệnh nhân: một thuốc mà đạt hai mục tiêu. Nhưng “Trời bất dung gian”, khi một nhà dịch tễ học Na Uy chú ý đến đoạn văn trong bài báo mà Sudbo cho biết nguồn bệnh nhân mà ông nghiên cứu là từ một ngân hàng dữ liệu (database) về ung thư thuộc bệnh viện Radium, bởi vì trong thực tế ngân hàng dữ liệu này không hiện hữu! Sau cả năm trời điều tra, Sudbo thú nhận ông giả tạo tất cả các số liệu bằng cách… mô phỏng (simulation)! Khi điều tra lại các số liệu “gốc” (tức giả tạo), người ta mới phát hiện trong số 908 đối tượng ma này, có đến 250 người có cùng ngày tháng năm sinh! Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong phân tích, Sudbo đã giả tạo rất tài tình, không để lộ một kẽ hở nào trong số liệu để người bình duyệt có thể đánh dấu hỏi. Tổng biên tập tập san Lancet, Richard Horton, phải công nhận là Sudbo quá thông minh và tinh xảo đến độ ông có thể qua mặt tất cả 13 cộng sự viên là tác giả của bài báo, qua mặt tất cả các chuyên gia trong ngành đã bình duyệt bài báo, lường gạt luôn cả một chuyên gia thống kê học cũng là người bình duyệt bài báo!
Những trường hợp trên đây cho thấy nhiều nhà khoa học cũng rất “trần ai”, cũng bịp bợm, lưu manh, và phạm tội lường gạt. Họ cũng làm nghiên cứu giả dối, cũng che dấu sự thật, cũng chủ quan, cũng đạo văn, ăn cắp ý tưởng của người khác, cũng bịa đặt số liệu, cũng cố tình vặn vẹo số liệu theo ý muốn mình…

Nhìn người lại nghĩ đến ta
Trung thực và liêm chính là những đặc tính số một trong nghiên cứu khoa học, và công bố bài báo khoa học cũng như giảng dạy là raisons d’être (lí do để tồn tại) của nhà khoa học. Nếu thế giới khoa bảng chỉ gồm những người gian trá và thiếu trung thực thì cái thế giới đó không nên tồn tại. Một nhà khoa học có thể lừa gạt nhiều người trong một lần, hay lừa gạt một người trong nhiều lần, nhưng không thể nào lường gạt nhiều người trong nhiều lần. Khoa học là một ngành nghề được xây dựng và tồn tại dựa trên tinh thần chân thực và liêm chính. Vì thế, khoa học không thể nào dung túng tình trạng thiếu chân thực và vô liêm chính. Chúng ta cần phải truy tìm và đào cho tận gốc những gian lận trong khoa học.
Gian lận trong khoa học xảy ra ở bất cứ nước nào và bất cứ lúc nào. Có khác chăng là các nước tiên tiến có cơ chế xử lí vấn đề đến nơi đến chốn, và có nước (chẳng hạn như nước ta) chưa có cơ chế giải quyết các vấn đề vi phạm đạo đức khoa học, và hệ quả là nhiều vụ việc bị “chìm xuồng”. Nếu trường hợp của Giáo sư Reuben là một kinh nghiệm, tôi nghĩ Việt Nam cần một qui ước về đạo đức khoa học để ngăn ngừa và giải quyết các trường hợp gian lận trong nghiên cứu khoa học.

Tác giả