Lê Thùy Quyên niềm vui được nhân ba.

Trẻ trung và năng động, Lê Thuỳ Quyên vừa tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học Trường ĐHDL Phương Đông đã vượt qua nhiều bạn sinh viên khác với đề tài “Nghiên cứu chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae sorok để ứng dụng phòng hại cậy trồng” giành liền hai giải nhất, một của BGD & ĐT và một của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt nam - Giải Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTECH trao tặng cho sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất đồng thời đề tài của Quyên được BGD & ĐT chọn gửi đi đề cử trao giải WIPO, giải thưởng của tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống sư phạm, bố là giảng viên khoa Sinh trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mẹ là giáo viên Trường tiểu học Cát Linh, Quyên được sự ủng hộ và khuyến khích rất nhiều của gia đình. Suốt mười một tháng ròng rã từ hè năm 2005 cho tới khi làm luận văn tốt nghiệp tháng 6 năm 2006, Quyên cùng với cô giáo PGS.TS Phạm Thị Thùy (Viện Bảo Vệ Thực Vật) mới hoàn thành xong đề tài này.
Thời gian đầu, không chỉ có Quyên mà còn có năm bạn khác cùng tham gia, nhưng chỉ hơn một tháng sau ba bạn cùng nhóm đã nản chí, chỉ còn lại Quyên và một người nữa. Từ thành phố về nông thôn, bắt sâu, trồng cây, tìm nấm… dưới cái nắng gay gắt của mùa hè không ngày nào Quyên và bạn không có mặt tại Viện Bảo Vệ Thực Vật cũng như trên đồng ruộng. Ba tháng sau, nhiều vất vả cực nhọc cũng như nhiều lý do khác người bạn cuối cùng trong nhóm cũng bỏ cuộc chuyển sang làm đề tài khác. Còn lại một mình, Quyên kiên nhẫn từng ngày tiếp tục công trình nghiên cứu. Vì làm việc quá sức Quyên bị ốm rất nặng phải nhập viện, cha mẹ và gia đình vô cùng lo lắng và muốn Quyên chuyển hướng, nhưng với quyết tâm làm bằng được sau khi ra viện Quyên lại bắt tay tiếp tục công việc.
Khi đi được nửa quãng đường, Quyên lại ốm. Lần này mọi người ai cũng khuyên nên chuyển sang đề tài khác nhẹ nhàng hơn, nhưng Quyên nghĩ “ốm rồi cũng khỏi, mà lúc đó cũng là tháng ba rồi bỏ thì tiếc lắm, chuyển sang đề tài khác cũng không kịp” và Quyên lại tiếp tục trong sự thán phục của nhiều người. Không những động viên và khuyến khích, bố Quyên còn là người có ảnh hưởng rất lớn từ lúc Quyên chọn chuyên ngành công nghệ sinh học cho đến khi em chọn đề tài và bắt tay làm nghiên cứu. Vì bố dạy Sinh học nên nhiều khâu con gái cũng được bố giúp rất nhiều. Muốn biết vòng đời, tập tính, mức độ gây hại và thức ăn… của sâu cũng như hình thù và nhận dạng chúng, Quyên được bố hướng dẫn rất tỉ mỉ.
Với dáng người thanh và gầy, lại nghiên cứu làm việc nhiều trên ruộng nhiều người không tin vào khả năng thành công của Quyên. Là người con của thành phố, từ chỗ không biết cuốc đất trồng cây, không biết bắt sâu và nhận biết cây quả, Quyên trở thành “người nông dân thực sự”. Ban đầu khi cầm quốc Quyên vừa đau tay, vừa mỏi nhừ cả lưng, rồi đến chuyện bắt sâu, sợ lắm, sợ đến nỗi Quyên phải dùng đến cái panh gắp từng con. Nhờ được cô giáo khuyến khích Quyên đã dũng cảm cầm và bắt từng con sâu ngoài ruộng lựa và đếm chúng. Mỗi lần Quyên phải làm đến bốn thí nghiệm, số sâu phải bắt lên tới 160 con. Những lúc vạch lá, bới đất tìm sâu, Quyên đi từ ruộng này qua ruộng khác, có ruộng trồng rất nhiều hoa. Chìm ngập giữa cánh đồng nhiều loài hoa khiến Quyên vô cùng thích thú. Nhiều sâu hoa cũng được Quyên mang về nghiên cứu và thí nghiệm. Nhiều khi thời tiết xấu, nắng gắt hoặc mưa rào số sâu bắt không đủ Quyên phải tìm trứng sâu cho vào lọ nuôi. Đấy cũng là kỉ niệm khó quên đối với Quyên. Số trứng sâu bắt về Quyên bỏ vào lọ bọc giấy báo lại nhưng ai đó không biết đã mở ra, hôm sau trứng nở, sâu bò lung tung trên mặt bàn Quyên lại cần mẫn ngồi nhặt từng con cho vào lọ. Trồng cây và nuôi sâu đối với Quyên cũng đã thành quen, giờ đây sau khi tốt nghiệp hằng ngày Quyên vẫn đến Viện hướng dẫn các em sinh viên làm đề tài, tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị cho kì thi cao học sắp tới. Đề tài của Quyên lấy chủng nấm Metarhizium anisopliae có nguồn gốc từ tự nhiên về gây và nhân trong phòng thí nghiệm. Ban đầu nấm được trồng trong môi trường thạch cao lỏng, chi phí rất cao, sau đó Quyên cùng cô giáo đã tìm ra môi trường trấu và cám ngô… nấm sinh trưởng và phát triển rất tốt. Phải tốn nhiều thời gian Quyên và cô giáo mới tìm ra được nấm có chất lượng cao đạt tiêu chuẩn có khả năng diệt trừ nhiều loại sâu bệnh như :sâu khoang, sâu xanh bướm trắng hại rau, mối đất hại cây ăn quả, bọ hung hại mía…
Chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae đã được ứng dụng rộng rãi trên cả nước đặc biệt là các vùng có trồng rau sạch như Nghệ An, Đà Lạt, Cà Mau…
Thời gian đầu, người nông dân chưa thừa nhận cũng như chưa hiểu về ứng dụng của công nghệ sinh học trong việc diệt trừ sâu hại. Thực tế người nông dân muốn hiệu quả ngay sau khi phun còn sau một thời gian sâu mới chết thì họ không tin lắm. Chính vì thế mà Quyên cùng với một số cán bộ trong Viện tiến hành phun thử nghiệm và phát miễn phí chế phẩm nấm này cho nông dân. Quá trình phun thử nghiệm chia làm hai ruộng một ruộng phun thuốc hóa học, ruộng còn lại phun chế phẩm nấm. Phun thuốc hóa học rất hại, thường nông dân trang bị rất kỹ từ khẩu trang, kính, ủng… nhưng vì lý do nào đó, người cán bộ ở Viện quên không mang kính, một lượng thuốc hóa học rất nhỏ bay vào mắt và chân, ngay sau đó mắt và chân anh sưng đỏ, có dấu hiệu sốt, phải hơn một tuần sau mới khỏi. Còn Quyên và một số bạn khác khi phun chế phẩm nấm, không những không mang khẩu trang mà còn nói cười rất thoải mái mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Vài ngày sau, ở ruộng Quyên phun, số sâu bệnh đã chết rất nhiều, hiệu quả rất rõ rệt. Quyên giải thích, tùy theo tập quán sinh sống cũng như vòng đời của sâu mà hiệu quả khác nhau, nhiều trường hợp chỉ cần phun một góc ruộng số sâu bệnh tự lây lan sang nhau mà chết hoặc gặp thời tiết thuận lợi bào tử nấm phát tán trong không khí khi gặp côn trùng chúng lại làm nhiệm vụ của mình lấy nguồn dinh dưỡng từ côn trùng sinh trưởng và phát triển, giết chết côn trùng đó… Nhờ quá trình thử nghiệm thành công này, chế phẩm nấm do Viện Bảo Vệ Thực Vật sản xuất ra đã đến được tay người nông dân. Tuy hiện nay giá thành của thuốc còn tương đối đắt so với thuốc hóa học, song hiệu quả cao và lâu dài. Nhiều người dân đã ý thức được vấn đề bảo về sức khỏe của chính mình, bảo vệ môi trường sống và đảm bảo thương hiệu rau sạch khi sử dụng chế phẩm nấm này họ đã tìm mua và gửi cho Quyên nhiều mẫu sâu bệnh khác.
Với Quyên cũng như với nhiều cán bộ Viện Bảo Vệ Thực Vật còn phải mất nhiều thời gian tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ vì theo Quyên khó khăn nhất khi nghiên cứu đề tài về công nghệ sinh học là đòi hỏi nhiều máy móc thiết bị hiện đại, nhưng cho tới nay, Quyên và rất nhiều người trong Viện làm việc trong điều kiện rất khó khăn, hầu hết các khâu đều làm thủ công tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Quyên tâm sự: có được thành công này ngoài sự động viên gia đình và bạn bè, sự may mắn mắn, thì cô giáo PGS.TS Phạm Thị Thùy chính là người có đóng góp nhiều hơn cả. Trong lòng em, cô vừa là cô giáo vừa là nhà khoa học chân chính, phần lớn thời gian của cô đều dành cho khoa học. Sự chăm chỉ cần cù và niềm đam mê khoa học của cô chính là tấm gương giúp em nỗ lực cố gắng và vượt qua nhiều khó khăn để nghiên cứu thành công đề tài này.
Công trình của Quyên là một trong số rất hiếm công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đã ứng dụng trên thực tế mang lại hiệu hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, vật nuôi và thân thiện với môi trường. Trong tương lai, Quyên có nhiều dự định, song quan trọng và có ý nghĩa hơn cả, Quyên mong có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu và phát triển cao hơn với nhiều nguyên vật liệu mới trên nhiều chủng nấm khác. Chân trời mới đang mở ra trước mắt Thùy Quyên, chắc chắn tương lai khoa học Việt Nam phải trông cậy nhiều vào lớp những người tiên phong dám nghĩ, dám làm từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường như thế!

Ngọc Tú

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)