“Lò đốt rác phát điện” ở Thái Bình, những thông tin thiếu trung thực

 Sau khi đọc thông tin: Chủ nhân lò đốt rác phát điện "cầu viện" Tiến sỹ Việt, Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải (hay còn gọi là ông già ozone) đã về ngay Thái Bình. Sau khi gặp "chủ nhân" tại  nhà riêng xã Thái Giang, xem sơ đồ, nghe thuyết trình về cấu tạo, quy trình vận hành và xem những "nguyên liệu" xây dựng nên "lò đốt rác phát điện" được vứt bữa bãi ở sân, vườn nhà... Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải đã trao đổi với tôi và nói "anh phải lên tiếng về những thông tin một số tờ báo nêu phản khoa học quá..". Vậy đâu là những thông tin thiếu trung thực, lừa dối dư luận.

1. Công suất buồng đốt 20-30tấn/ngày đêm. Buồng đốt “lò đốt rác phát điện” của ông Kiên có hình trụ tròn, đường kính khoảng 50cm, chiều dài khoảng 0,5m, bên trong lò được xây bằng gạch chịu lửa, bên ngoài bọc tôn, không có cách nhiệt, không có bản vẽ chi tiết.. theo ông Kiên có thể đốt được 20-30 tấn rác/ngày đêm. Đây là thông tin không trung thực, không có cơ sở khoa học, lừa dối dư luận.

Bởi, với đường kính 50cm, chiều dài 0,5m, thể tích buồng đốt tối đa khoảng 1m3(V = hxpi(rxr) và tối đa đốt được 300-350 kg rác/ giờ, vì rác sinh hoạt độ ẩm thường xuyên 40%, khi có thức ăn thừa độ ẩm lên tới 65-70%.  Như vậy đốt liên tục 24 giờ tối đa cũng chỉ được 8,5tấn/ngày đêm.

Lò đốt rác SANKYO của Nhật Bản, nhập khẩu vào Việt Nam. Kích thước: dài: 2.56m, rộng: 1,45m, cao:2,0m, nặng 8,5 tấn, có 2 buồng đốt…công xuất đốt tối đa cũng chỉ đạt 450kg rác/giờ (( tương đương trên 10 tấn/24 giờ). Các lò đốt của Thái Lan cũng tường tự. Hiện các lò đốt rác này ở Việt Nam tỉnh nào cũng có, Vĩnh Phúc đã lắp đặt trên 40 lò cho các địa phương, Thái Bình cũng có vài lò đốt rác ở các địa phương.


Cấu tạo lò đốt rác SANKYO


2. Nhiệt độ lò đốt 1600-2000độ C, nhiên liệu cháy hết không còn cả tro than. Theo chúng tôi có lẽ vì “tin vịt” này mà “nhà doanh nghiệp Nhật Bản” vội tìm đến để mua bản quyền. Vì lò đốt rác SANKYO của Nhật, nặng 8,5 tấn, có 2 buồng đốt, và buồng đốt được xây bằng 2 lớp gạch chịu nhiệt, chịu lửa, bê tông chịu nhiệt, bê tông chịu lửa, sợi ceramic, vỏ kết cấu thép dày 6mm…nhiệt độ tối đa trong lò cũng chỉ đạt 800 – 1000độC. Các lò đốt rác của Thái Lan, Đức…..nhiệt độ tối đa trong lò cũng tương tự đạt 800 – 1000độC.  

“Lò đốt rác phát điện” với kết cấu lò xây một lớp gạch chịu nhiệt, vỏ bọc bằng lớp tôn mỏng…nếu nhiệt độ lò 1500 – 2000 độC, sau vài tiếng lò đã nổ tung từ lâu rồi. Có lẽ người Nhật chán sống, muốn tìm bí quyết “nổ tung lò” nên đã tìm đến mua bản quyền. Theo tôi, không nên bán mà biếu không công nghệ và quy trình vận hành “lò đốt rác phát điện” để sau thời gian ngắn các nhà máy, công xưởng ở Mỹ, Nhật “nổ tung” hết, khi đó Việt Nam sẽ vươn lên thành cường quốc về công nghệ.


Tác giả và tua bin của “lò đốt rác phát điện”


Còn về tin “không còn tro than sau khi đốt lò”, xin thưa với “tác giả “: Với 2 quạt công suất lớn thổi không khí vào lò thì đá cũng phải bay lên mây chứ chưa nói gì đến tro, than. Tro than bay đi đâu thì tôi không biết, nhưng chỉ biết ngày 24/8/2011 tôi đến khảo sát “lò đốt rác phát điện” toàn bộ quần áo của tôi đã một màu của tro, bụi, tôi đã nói đùa với ông: “ông phải đền tôi 1 gói omo nhé”.

3. 1 kg rác sẽ được 1,5 KW điện, 1kg gỗ sẽ đươc 4-5 KW điện. Với “tin vịt” như thế này, không riêng gì người Nhật, mà cả thế giới đều sửng sốt và đều muốn có ‘bản quyền phát minh” trong tay. Đọc những thông tin này cho thấy đây chỉ là những “tin vịt”, vì cả người nói và người viết đều không có chút kiến thức nào về nhiệt lượng, năng xuất tỏa nhiệt và công xuất tỏa nhiệt tương đương của nhiên liệu…

Theo từ điển bách khoa điện năng, năng suất tỏa nhiệt (là nhiệt lượng tỏa ra khi 01kg nhiên liệu bị đốt cháy hoàn toàn) của một số nhiên liệu như sau: Củi khô: 10.106J/kg (Jun); than bùn: 14.106J/kg; than gỗ: 34.106J/kg; xăng: 46.106J/kg; than đá: 27.106J/kg.

Công thức tính nhiệt lượng do nhiên liệu bị đốt cháy tỏa ra: Q = q x m (q: năng suất tỏa nhiệt; m: khối lượng của nhiên liệu bị dốt cháy hoàn toàn), đơn vị tính Kcal(kilocalo): 1kg củi khô cho nhiệt lượng: 2.100Kcal; 1kg củi trấu: 3.900kcal; 1kg củi rơm rạ: 3.900kcal….

Công suất phát nhiệt tương đương( (Kg/Kwh): 1kg trấu = 0,5Kw điện; 1,1 kg củi = 1Kw điện; 1kg rác = 0,45Kw điện…

Như vậy, thông tin đốt 1 kg rác sẽ được 1,5 KW điện, 1kg gỗ sẽ đươc 4-5 KW điện là hoàn toàn không có cơ sở khoa học, chỉ là “ý tưởng” của những người ngoài hành tinh mà thôi. Ông Kiên còn nói: “thậm chí cả đá đưa vào trong lò cũng trở thành tro bụi”, thật hết nói.

4. “Lò đốt rác phát điện” cung cấp đủ điện cho 20 hộ gia đình.” Những ngày đầu hè nắng nóng, mất điện, cả xã Thái Giang như hừng hực lên trong không khí oi bức của mùa hè, thì chỉ duy nhất có nhà anh Bùi Xuân Kiên sáng rực điện, quạt chạy như thường” (đây là một đoạn trong bài báo viết về “lò đốt rác phát điện”). Với những “tin vịt” kiểu này tại sao người Mỹ, người Nhật không cuống cả lên mới lạ.

Phải nói cho rõ, đây là “tin vịt”. Cả 3 lần thử nghiệm, tôi chứng kiến, chỉ duy nhất một lần “nhấp nháy đỏ sợi tóc” của 5-10 bóng điện 100W. Tiến sỹ Nguyễn Xuân Quang (Viện KH&CN Nhiệt lạnh – Đại học Bách khoa Hà Nội) khi trực tiếp khảo sát mô hình đã kết luận: “Về mặt tổng thể với mô hình hiện tại, việc phát điện chỉ mang tính trình diễn, với việc điện phát chỉ có thể làm sáng các bóng đèn sợi đốt. Chất lượng điện ra không đảm bảo về tần số để có thể sử dụng cho việc khác”  thế là đã rõ.

Từ trước, thuở xã Thái Giang có điện đến nay, hàng tháng, gia đình ông Kiên và hàng xóm xung quanh vẫn phải sử dụng điện của EVN và đều đều trả tiền họ (hóa đơn tiền điện hàng tháng tại xã Thái Giang.). Một câu hỏi đặt ra, mô hình chưa thành công, nhà mình vẫn phải sử dụng điện của EVN, thì làm sao có điện cung cấp cho các hộ xung quanh; kiểu tung ‘tin vịt” này nhằm mục đích gì?


Tác giả và “lò đốt rác phát điện”


5. Tôi đã chế tạo một số mô hình áp dụng cho doanh nghiệp trong tỉnh rất hiệu quả, tiết kiệm cho họ 7 triệu tiền củi một ngày, trong khi chi phí lắp đặt là 25 triệu. Cũng có khoảng 20 doanh nghiệp đến đặt hàng tôi, nhưng tôi chưa nhận lời ai..

Đây lại là “tin vịt” kiểu bán hàng ” mua ngay kẻo hết” hay truyện Trạng Quỳnh cởi trần trên sông “Cấm ai nói với ai”.  Xin thưa với tác giả, tôi nguyên là Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ tỉnh Thái Bình và hiện nay là Thành viên Ban cố vấn cho Hiệp hội Doanh nghiệp Thái Bình, với trên 350.000 doanh nghiệp trong tỉnh, tôi chưa thấy bất kỳ doanh nghiệp nào sử dụng  công nghệ “lò đốt rác phát điện” của tác giả Bùi Khắc Kiên vì như các nhà khoa học cả TW và địa phương đều khảng định: “mô hình chưa thành công”.

6. Kết kuận. Trong thời đại công nghệ thông tin, mọi thông tin phải chuẩn xác, vì các thông tin đều được xã hội kiếm chứng. Mọi thông tin thiếu trung thực, kiểu ‘tin vịt’ sẽ dễ dàng bị lột tẩy bằng cơ sở khoa học.

Tôi dùng ý kiến của Ông Phan Vinh Quang, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng nhận hoạt động Công nghệ cao – Bộ KH&CN tại buổi làm việc giữa các chuyên gia Bộ KH&CN, Đại học BKHN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các sở ngành, địa phương tỉnh Thái Bình, ngày 26/7/2012 tại gia đình ông Bùi Khắc Kiên để thay lời kết của bài viết này…

– Đây là kết luận cuối cùng của Bộ KH&CN đối với trường hợp “lò đốt rác phát điện” của ông Kiên.

– Anh Kiên đừng nghĩ đến phát điện và không bao giờ nghĩ đến phát điện vì không đủ kiến thức, phương tiện. Làm ra gia đình còn chẳng dùng được… nên anh đừng có mơ tưởng phát điện nữa.

– Đừng mày mò tự làm, không an toàn, gây tốn kém kinh tế cho gia đình..

– Nếu có làm thì làm lò đốt rác, đốt rơm rạ…

– Dây chuyền nên dỡ ra cho gọn, tận dụng bán phế liệu, để không an toàn

– Nếu anh muốn đốt phải xin phép sở KH&CN, Sở Công thương, Sở TN&MT… vì an toàn và môi trường. Người ta cấm là đúng vì an toàn và môi trường….
——
*TS. Ủy viên Hội đồng TW, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam


Lò đốt rác ở Cẩm Khê-Phú Thọ

Lò đốt rác ở Kinh Môn-Hải Dương


Lò đốt rác ở Tiền Hải – Thái Bình

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)