Lò phản ứng hạt nhân mini

Một nhà sản xuất ở Mỹ dự kiến sẽ tung ra thị trường hàng loạt lò phản ứng hạt nhân mini có khả năng cung cấp điện và nhiệt phục vụ 10.000 hộ gia đình trong nhiều năm liền mà hầu như không cần bảo dưỡng với độ an toàn được coi là tuyệt đối.

Sau khi nhận được lò phản ứng mini, khách hàng chỉ cần đào sâu chôn chặt nhà máy điện hạt nhân rồi lắp hệ thống dẫn điện và nhiệt vào nhà. Trên đây là ý tưởng của hãng Hyperion Power Generation ở bang New Mexico Mỹ về việc cung cấp năng lượng trong tương lai. Pete Peterson là nhà sáng chế, ông từng làm công tác nghiên cứu tại Los Alamos National Laboratory, nơi vẫn đang nắm bản quyền phát minh đối với “Compact Self Regulating Transportable Reactor” (Comstar). Tuy nhiên quyền tiếp thị sản phẩm này lại thuộc hãng Hyperion, nơi nhà sáng chế giữ vai trò nhà khoa học trưởng.
Lò phản ứng mini chỉ cao gần 4m, có thể lắp đặt ở mọi nơi, nhất là ở những nơi điều kiện giao thông có nhiều khó khăn. Theo nhà chế tạo thì toàn bộ lò phản ứng hạt nhân sẽ vùi sâu dưới lòng đất, chỉ có hệ thống dây dẫn và ống dẫn lộ diện trên mặt đất để từ đây dẫn nhiệt vào các hộ tiêu dùng và thông qua máy phát tạo ra điện năng nên có độ an toàn tuyệt đối và không thể xảy ra tai họa kiểu như vụ tai nạn ở Chernobyl vì trong lò phản ứng không có các bộ phận động để có thể gây sự cố. Kalium là chất làm lạnh lò phản ứng, Uranhydrid là nhiên liệu chạy lò phản ứng. Chất này còn có tác dụng hãm các nơtron chạy quá nhanh, cần thiết để tạo ra phản ứng dây chuyền. Trong trường hợp quá nóng, lượng hydro sẽ giảm, hãm quá trình phản ứng dây chuyền. Hoạt động của lò phản ứng nước cũng diễn ra tương tự: khi dây chuyền tuần hoàn làm lạnh bị sự cố phản ứng dây chuyền chặn lại vì nước vừa là chất làm lạnh đồng thời là chất hãm. Theo nhà sản xuất các loại Mini-Reaktor này dễ dàng phát tán nhiệt dư thừa ra môi trường xung quanh nhưng không gây nguy hại cho con người.
Công nghệ lò phản ứng hạt nhân mini hoàn toàn không có gì mới mà đã có từ những năm năm mươi. Nga và Mỹ từng sản xuất các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ để phục vụ những vùng xa xôi hẻo lánh. Công nghệ này dựa trên cơ sở lò phản ứng được sử dụng trong tàu ngầm nguyên tử. Nhật Bản cũng đã phát triển thành công lò phản ứng cực nhỏ. Nga dự kiến chậm nhất sẽ cho ra đời một nhà máy điện nguyên tử nổi vào năm 2010. Loại lò phản ứng cỡ nhỏ này sẽ được vận chuyển trên mặt nước. Ưu thế của loại lò phản ứng nhỏ là ở chỗ khi hệ thống làm nguội bị sự cố sẽ không dẫn đến hiện tượng quá nóng. Lò phản ứng “Hyperion” không sử dụng bộ pin nguyên tử mà trước đây Liên Xô hay sử dụng, ở đây diễn ra một phản ứng dây chuyền thực sự.
 So với nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn, lò phản ứng “Hyperion” có lợi thế lớn là không phải thực hiện chế độ bảo dưỡng. Thường sau 5 năm thì thay mới. Giá một lò phản ứng mini khoảng 25 triệu USD, với công suất điện của “Hyperion” đạt 25 MW, lượng nhiệt là 70 MW, thỏa mãn nhu cầu về điện và nhiệt cho khoảng 10.000 hộ gia đình bình thường ở Mỹ, đây là mức giá chấp nhận được. “Chúng tôi muốn sản xuất điện ở bất cứ nơi nào trên Trái đất với giá thành 10 Cent/kW/h”, ông giám đốc John Deal đã trao đổi trên tờ báo Anh “The Guardian”.
Hiện nay hãng này đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng từ các ngành dầu mỏ và năng lượng. Cộng hòa Séc đặt mua 6 lò phản ứng đầu tiên, sau đó dự kiến mua thêm 12 chiếc nữa. Hyperion Power Generation dự định sẽ sản xuất và bán ra thị trường 4.000 nhà máy điện mini trong khoảng thời gian từ 2013 – 2023.
Tuy nhiên để có thể thực hiện sản xuất hàng loạt “Hyperion Power Module” cần phải có sự khảo nghiệm kỹ lưỡng của cơ quan có thẩm quyền của Mỹ. Giới am hiểu cho rằng có nhiều khả năng đến năm 2012 cơ quan Nuclear Regulatory Commission sẽ cấp giấy phép sản xuất hàng loạt đối với loại lò phản ứng mini này. 
Xuân Hoài –   Theo Spiegel 13.11

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)