Maryam Mirzakhani: Càng dành nhiều thời gian cho toán học, tôi càng phấn khích

GS Maryam Mirzakhani, người phụ nữ đầu tiên nhận Huy chương Fields danh giá, trò chuyện về cuộc sống của mình dưới góc nhìn của một nhà toán học.

Chị có thể kể một vài ký ức sớm nhất của mình về toán học?
Khi còn nhỏ, tôi mơ ước trở thành nhà văn. Trò giải trí thú vị nhất đối với tôi là đọc tiểu thuyết; thực tế, tôi đã đọc bất kỳ thứ gì tôi tìm thấy. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại theo đuổi toán học cho đến tận năm cuối phổ thông trung học. Tôi lớn lên trong một gia đình có ba anh chị em. Bố mẹ tôi luôn ủng hộ và khuyến khích [chúng tôi]. Đối với bố mẹ, điều quan trọng là chúng tôi làm những công việc có ý nghĩa và mãn nguyện chứ họ không quan tâm lắm đến thành công và thành tích.

Dưới nhiều góc độ, đó là một môi trường sống tuyệt vời đối với tôi, dù có những giai đoạn khó khăn trong thời kỳ diễn ra cuộc chiến Iran-Iraq. Nhìn chung anh trai cả chính là người hướng tôi đến với khoa học. Anh ấy có thói quen kể cho tôi nghe những điều học được ở trường. Kỷ niệm đầu tiên về toán học có lẽ là lần anh ấy kể cho tôi nghe về bài toán cộng các con số từ 1 đến 100. Tôi nghĩ là anh ấy đã đọc trong một tờ tạp chí khoa học thường thức về việc Gauss đã giải bài toán đó như thế nào. Cách giải của ông hoàn toàn mê hoặc tôi. Đó là lần đầu tiên tôi hào hứng với một lời giải đẹp, dù tôi không phải là người tìm ra nó.

Những trải nghiệm nào và những ai đã đặc biệt ảnh hưởng đến việc học toán của chị?
Tôi đã hết sức may mắn theo nhiều cách. Chiến tranh kết thúc khi tôi học xong tiểu học; tôi sẽ không có được những cơ hội tuyệt vời nếu tôi ra đời sớm hơn 10 năm. Tôi vào một trường trung học xuất sắc ở Tehran, trường Farzanegan – và được học với nhiều thầy giáo giỏi. Tôi đã gặp Roya Beheshti ngay trong tuần lễ đầu tiên ở trường trung học. Thật vô giá khi có một người bạn để chia sẻ những mối quan tâm, và điều đó giúp bạn luôn có động lực.

Ngôi trường của chúng tôi ở Tehran gần một con phố đầy những hiệu sách. Tôi vẫn nhớ cảm giác phấn khích khi đi dạo trên con phố đông đúc đó và bước vào các hiệu sách. Chúng tôi không được đọc “chùa” như người ta vẫn thường làm trong các hiệu sách ở đây [Mỹ], vì vậy chúng tôi thường phải mua nhiều cuốn sách ngẫu nhiên.

Ngoài ra, hiệu trưởng của trường tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ, bà sẵn sàng làm mọi điều để đem đến cho chúng tôi những cơ hội tương tự như ở các trường nam sinh.
Sau đó, tôi tham gia các kỳ thi Olympic Toán học, khiến tôi phải suy nghĩ về những bài toán hóc búa hơn. Ở tuổi teen, tôi thích được thử thách. Nhưng quan trọng nhất, tôi đã gặp nhiều nhà toán học và nhiều người bạn truyền cảm hứng cho tôi khi vào Đại học Sharif. Càng dành nhiều thời gian cho toán, tôi càng phấn khích.

Chị có thể bình luận về những khác biệt trong việc dạy toán ở Iran và Mỹ không?

Khó mà bình luận về vấn đề này bởi những trải nghiệm của tôi ở Mỹ chỉ giới hạn trong một vài trường đại học, và tôi biết rất ít về giáo dục phổ thông trung học ở đây. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, hệ thống giáo dục ở Iran không giống như mọi người ở đây hình dung. Khi còn là nghiên cứu sinh ở Đại học Harvard, tôi đã phải nhiều lần giải thích rằng ở Iran, tôi vẫn được vào đại học, dù tôi là nữ. Mặc dù sự thật là cho đến bậc trung học, nam và nữ học ở các trường riêng, nhưng điều đó không ngăn cản chúng tôi được tham gia, chẳng hạn, các kỳ thi Olympic hay trại hè.

Nhưng cũng có nhiều khác biệt: Ở Iran, bạn sẽ chọn ngành học chính của mình trước khi vào đại học, và có một kỳ tuyển sinh quốc gia cho các trường đại học. Thêm nữa, ít nhất theo những gì tôi được thấy từ các lớp học của mình ở đại học, chúng tôi tập trung nhiều vào cách giải quyết các vấn đề cụ thể hơn là tham gia những khóa học lý thuyết cấp cao.

Vậy điều gì cuốn hút chị vào những vấn đề cụ thể mà chị nghiên cứu?

Khi vào Đại học Harvard, nền tảng kiến thức của tôi chủ yếu là về tổ hợp và đại số. Tôi thích thú với phép phân tích tổ hợp nhưng lại không biết nhiều về nó. Giờ nhìn lại, tôi thấy rằng mình hoàn toàn thiếu những kiến thức cần thiết. Tôi cần phải học thêm nhiều môn mà đa số sinh viên ở những trường đại học tốt ở đây đều được học.

Tôi bắt đầu tham gia khóa seminar ngoại khóa của Curt McMullen. Phần lớn thời gian, tôi không hiểu diễn giả nói gì. Nhưng tôi có thể hiểu một số bình luận của Curt. Tôi đã say mê cách ông ấy làm cho mọi điều trở nên giản dị và tao nhã. Vì vậy tôi bắt đầu thường xuyên đặt câu hỏi cho ông, và suy nghĩ về những vấn đề xuất hiện từ những cuộc thảo luận khai tâm này.

Sự khuyến khích của ông là vô giá. Làm việc với Curt đã tác động lớn đến tôi, mặc dù giờ đây tôi ước gì mình học được nhiều hơn từ ông. Cho đến thời điểm tốt nghiệp, tôi đã có một danh sách dài những ý tưởng sơ khởi mà tôi muốn khám phá.

Chị có thể miêu tả về nghiên cứu của mình theo cách dễ hiểu được không? Nó có được ứng dụng trong các lĩnh vực khác không?

Phần lớn các vấn đề tôi nghiên cứu đều liên quan tới những cấu trúc hình học trên các bề mặt và những biến dạng của nó. Tôi đặc biệt quan tâm tìm hiểu những bề mặt hyperbol. Đôi khi có thể hiểu rõ hơn những đặc tính của một bề mặt hyperbol cố định nhờ việc nghiên cứu module không gian với tất cả các cấu trúc hyperbol được biểu hiện bằng tham số trên một bề mặt topo nào đó.

Bản thân các module không gian vốn giàu tính hình học, và xuất hiện theo nhiều cách tự nhiên và quan trọng trong hình học vi phân, hình học hyperbol và hình học đại số. Chúng cũng kết nối với vật lý lý thuyết, hình học topo, và các toán học tổ hợp. Tôi thấy điều đó thật hấp dẫn khi bạn có thể xem xét một vấn đề từ những góc nhìn khác nhau và tiếp cận nó bằng những phương pháp khác nhau.

Chị thấy điều gì là thỏa mãn nhất hoặc hữu ích nhất đối với mình?

Dĩ nhiên, phần thỏa mãn nhất là khoảnh khắc được thốt lên “A ha”, niềm phấn khích của việc khám phá và tận hưởng hiểu biết về một điều mới mẻ – cảm giác lên tới đỉnh núi và có một tầm nhìn rõ ràng. Nhưng phần lớn thời gian, làm toán với tôi giống như một hành trình dài không theo đường vạch sẵn và không thấy được điểm kết thúc.
Tôi thấy việc thảo luận về toán với các đồng nghiệp có nền tảng kiến thức khác nhau là một trong những cách hiệu quả nhất làm nên sự tiến bộ.

Chị có lời khuyên nào cho những người muốn hiểu biết thêm về toán học – nó là gì, nó đóng vai trò như thế nào trong xã hội, v.v?

Đây là một câu hỏi khó. Tôi không nghĩ rằng ai cũng có thể trở thành nhà toán học nhưng tôi tin rằng nhiều sinh viên chưa dành cho toán cơ hội thực sự. Tôi từng kém toán trong một vài năm ở trung học; chỉ là tôi không quan tâm đến nó. Tôi thấy rằng nếu thiếu đam mê thì sẽ chỉ thấy toán học vô nghĩa và buồn tẻ. Toán học chỉ phô ra vẻ đẹp của mình cho những người kiên nhẫn theo đuổi nó.

Đọc thêm:
Giải thưởng Fields lần đầu thuộc về phụ nữ

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=7770&CategoryID=2

Thanh Nhàn dịch

theo http://www.theguardian.com/science/2014/aug/13/interview-maryam-mirzakhani-fields-medal-winner-mathematician

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)