Máy bay không người lái phục vụ vận chuyển ở Kenya

Ở Châu Phi, người nông dân chủ yếu dùng lừa để vận chuyển hàng hóa, bởi vậy họ không thể đi xa và chỉ có thể tiêu thụ sản phẩm của mình ở địa phương. Thậm chí, nông sản sẽ bị hư hỏng nếu không có nơi tiêu thụ và việc mua phân bón, giống má cũng khó khăn. Đã đến lúc phải thay thế con lừa ở châu Phi.

Đã đến lúc lừa cũng phải học bay

Jonathan Ledgard là người phụ trách Afrotech – một cơ sở nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ tại Lausanne (Swiss Federal Institute of Technology in Lausanne – EPFL) chuyên phát triển các công nghệ phục vụ cho châu Phi. Theo Ledgard, “Người dân châu Phi muốn làm ăn buôn bán, nhưng gặp nhiều khó khăn vì thiếu phương tiện vận chuyển, chi phí vận tải khá đắt đỏ.”

Mới đây, Ledgard đã giới thiệu kế hoạch đầy tham vọng của ông tại Nairobi (Kenya), đó là xây dựng ở nước này một mạng lưới vận tải gồm các vật bay không người lái có thể đi từ làng này sang làng khác tiếp nhận và vận chuyển hàng hóa. Để làm việc này, các nhà khoa học ở EPFL đã khởi động cuộc thi The Flying Donkey Challenge. Cuộc thi mời gọi các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới tham gia phát triển các vật thể bay kiểu mới có thể vận chuyển lượng hàng hóa lên tới 60 kg.

Không phải chỉ các chuyên gia Thụy Sỹ có ý tưởng này, hãng kinh doanh trên mạng Amazon cũng nuôi mộng cung cấp dịch vụ Prime Air, theo đó vật thể bay không người lái sẽ nhận giao hàng trong vòng 30 phút, trong khi hãng kinh doanh sách Zookal (Úc) dự kiến phối hợp với công ty startup Flirtey ở Sydney chuyển giao sách bằng máy bay trực thăng mini từ năm 2014. Dự án Matternet của Mỹ cũng có một kế hoạch tương tự trong việc cung cấp cho người dân ở các nước đang phát triển bằng phương tiện trên không. Tuy nhiên, nếu vật thể bay của Matternet chỉ nhằm vận chuyển các mặt hàng nhỏ gọn như thuốc men thì mục tiêu của Ledgard là vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn hơn như rau, quả tới các chợ ở cự ly tương đối gần. Mọi sự sẽ được xúc tiến từ tháng 4/2014: Ledgard và các cộng sự đã chọn 15 nhóm tham gia cuộc thi. Họ được trao 2 triệu USD để khởi động dự án, tức thiết kế, lắp các vật thể bay không người lái thích hợp.

Vòng chung kết sẽ diễn ra vào năm 2018: các đội thi phải chứng minh thành quả của mình bằng một chuyến bay vòng quanh Mount Kenya, đỉnh núi cao thứ hai ở châu Phi trong tối đa là 24 tiếng đồng hồ. Trên quãng đường bay dài khoảng 200 km, chúng phải ba lần tiếp nhận hàng, mỗi lần 20kg và giao hàng tại những địa điểm nhất định.

Đội thi sẽ bị mất điểm khi vật bay lệch ra khỏi hành lang bay đã quy định trước, hoặc làm hư hại hàng hóa mang theo và gây tổn hại ở những nơi chúng bay qua. Vật thể bay đạt tốc độ cao, giá thành rẻ và tiết kiệm năng lượng sẽ được thêm điểm. Ba con lừa bay xuất sắc nhất sẽ được trao một khoản tiền thưởng hai triệu USD, trong khi cá nhân kỹ sư xuất sắc sẽ được trao khoản tiền thưởng 1 triệu USD.

Công nghệ vận tải sinh lời

Ledgard là người Anh, đã có nhiều năm viết cho tờ Economist về châu Phi. Có thể nói ông là một người am hiểu về châu Phi. Ông tin rằng, dự án của mình sẽ được sự quan tâm của dư luận và “Nếu giá thành của vật thể bay vận tải dưới mức 2.000 USD thì công nghệ này có thể sinh lời.”

Những vật thể bay được kỳ vọng sẽ kết nối các ngôi làng ở Kenya – nhiều nơi trong số đó hiện nay ngay cả ô tô tải cũng không thể tiếp cận được, vì nước này chỉ có khoảng 11.000 km đường nhựa, phần lớn còn lại là đường cấp phối với rất nhiều ổ gà, ổ voi.

Ông Ledgard hy vọng từ năm 2020, hệ thống vật thể bay có thể nối liền vùng sâu vùng xa, các trang trại và cơ quan chính quyền ở các địa phương với thế giới bên ngoài. Để thực hiện được dự án, các nhà kỹ thuật phải chế tạo một loại thùng chuẩn dài khoảng 0,5 m để các vật thể bay có thể dễ dàng câu móc tự động. Các làng cũng phải thành lập các trạm để vật thể bay tới nhận hoặc giao hàng, tiếp nhiên liệu và sửa chữa khi bị hư hỏng. Vật thể bay phải bay trên một hành lang theo quy định nối liền các bãi đáp với nhau và ở độ cao từ 50 đến 300 mét.

Theo dự kiến, đến năm 2030, một mạng lưới vật thể bay toàn cầu sẽ được hình thành, bảo đảm vận chuyển hàng hóa an toàn đến các thị trường liên vùng và những vùng xa xôi hẻo lánh nhất mà hiện nay người ta đang phải vận chuyển hàng hóa đến bằng máy bay có người điều khiển. Đến khi đó, những chú lừa chỉ còn xuất hiện trong sở thú.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)