Máy in 3D sẽ làm thay đổi chiến tranh và chính sách ngoại giao

Peter Singer, chuyên gia về chiến tranh trong tương lai ở Quỹ Nước Mỹ Mới (New America Foundation) nói, nếu đưa máy in 3D ra mặt trận thì nó sẽ làm thay đổi mạnh mẽ công việc của các công ty sản xuất vũ khí.

Singer nói: “Trước đây các nhà thầu sản xuất hàng cho ngành quốc phòng mỗi khi bán ra một thứ vũ khí nào đấy thì họ đều nắm giữ quyền cung ứng các chi tiết của loại vũ khí đó trong vòng 50 năm tới. Nhưng máy in 3D sẽ làm thay đổi tình trạng này. Một người lính chiến đấu ở những nơi thiếu vật tư, thí dụ ở Afghanistan, sẽ có thể dùng máy in 3D để thiết kế và in ra các chi tiết cơ khí họ cần.”

Ông cho biết, điều đó sẽ làm giảm mạnh số lượng nhà thầu cung cấp vũ khí cho quân đội, ngoài ra sự kết hợp máy in 3D với dây chuyền chế tạo sẽ thu nhỏ đáng kể quy mô dây chuyền sản xuất của nhà thầu, hậu quả khiến cho nhiều công nhân mất việc làm.

Máy in 3D cũng ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại, thí dụ về mặt trừng phạt kinh tế.

Singer nói: “Trừng phạt kinh tế là một trong các thủ đoạn cực kỳ quan trọng của chính sách đối ngoại. Khi Mỹ trừng phạt một nước nào thì nước đó sẽ bị cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng, nhất là các chi tiết của máy bay quân sự và thiết bị công nghiệp dầu mỏ. Thế nhưng máy in 3D sẽ làm cho hành động trừng phạt trở nên mất hiệu lực, rốt cuộc nước bị trừng phạt có thể dùng máy in 3D để làm ra các thứ vật tư họ cần.”

Ngoài ra máy in 3D còn có thể đơn giản hóa việc sản xuất súng, điều này tạo ra nguy cơ đe dọa nhất định đối với công tác trị an của xã hội.

Alex Chausovsky, một nhà phân tích ở công ty Công nghệ IHS cho rằng máy in 3D sẽ làm cuộc cách mạng trong nền kinh tế toàn cầu. Ông nói nếu tất cả mọi vật phẩm bán lẻ đều có thể in ra thì những nước có nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ trong ngành chế tạo sẽ lâm vào cảnh khó khăn.

Phát minh máy in 3D ra đời từ thập niên 80 thế kỷ XX nhưng đưa vào sử dụng rất muộn. Các patent quan trọng đầu tiên về máy in 3D dùng cho hệ thống sử dụng plastic đã hết thời hạn bảo hộ vào năm 2009. Các patent quan trọng tiếp theo, đã hết thời hạn bảo hộ vào nửa đầu năm 2014, đều liên quan tới công nghệ dùng tia laser làm nóng chảy một cách có lựa chọn [“selective laser sintering”], để in các vật làm từ kim loại như nhôm, đồng và thép.

Nguyên Hải lược dịch theo nguồn

http://www.spacedaily.com/reports/How_3D_printing_could_revolutionise_war_and_foreign_policy_999.html 3D printing could revolutionise war and foreign policy

Tác giả