Mẹ trầm cảm dễ đánh thức con buổi đêm

Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã biết rằng trẻ sơ sinh của những bà mẹ bị trầm cảm thường dễ thức dậy vào buổi đêm. Nhưng người ta không rõ nguyên nhân. Liệu có phải vì cơ chế di truyền nào đó khiến những bà mẹ bị trầm cảm và con của họ cùng bị nhạy cảm quá mức và dễ thức dậy? Hay vì lý do khác?

Cách duy nhất để trả lời là tìm hiểu các bà mẹ vào buổi đêm, và các nhà nghiên cứu ĐH bang Pennsylvania đã làm điều này.

Trong nghiên cứu này, được công bố trong tháng 4 vừa qua trên tạp chí Child Development, họ đặt vài camera trong nhà của 45 bà mẹ da trắng của 45 em bé độ tuổi từ 1 tới 24 tháng; 14 bà mẹ trong số đó được báo cáo là có triệu chứng trầm cảm ở mức độ từ thấp tới cao. Có khoảng 2 tới 4 camera được gắn ở các vị trí khác nhau, bao gồm nơi em bé ngủ, cửa ra vào phòng em bé (để biết ai ra vào), nơi cho em bé ăn hoặc phòng cho em bé ăn nếu biệt lập với các vị trí khác. Các thiết bị sẽ ghi lại mọi hoạt động trong khoảng 12 tiếng, từ lúc bắt đầu giờ ngủ tới sáng hôm sau.

Douglas Teti, chủ nhiệm nghiên cứu, là giáo sư ngành phát triển con người, tâm lý, và nhi khoa tại Đại học bang Pennsylvania, đã đặt ra hai giả thuyết:

Mối liên quan giữa trạng thái trầm cảm và việc thức dậy vào buổi đêm của người mẹ là gây ra bởi em bé, do em bé thức dậy nên người mẹ phải dậy theo nhiều lần; mất ngủ nhiều trong thời gian dài khiến mẹ bị trầm cảm nặng hơn.

Hoặc là:

Những người mẹ bị trầm cảm càng dễ lo lắng về con, khiến họ hay đi kiểm tra con một cách không cần thiết.

“Điều ngạc nhiên trong kết quả thu được là, chúng tôi nhận thấy các bà mẹ trầm cảm hoặc lo lắng quá mức thường hay đi kiểm tra con vào giữa buổi đêm, và ở đó với con cho dù chúng không cần như vậy”, Teti nói. “Một số em bé đang ngủ ngon thì người mẹ đến bế chúng lên, làm chúng tỉnh dậy”.

Cũng có khi, những bà mẹ này dành nhiều thời gian bên con vào buổi đêm, chăm sóc và nằm cạnh con, cho dù con không khóc, và Teti gọi đây là những “hành vi chủ động của người mẹ”, vốn không được thấy ở những bà mẹ không bị trầm cảm. Những bà mẹ không bị trầm cảm thường chỉ đến với con vào buổi đêm khi chúng khóc.

Teti phỏng đoán rằng những bà mẹ trầm cảm thường quá lo về con – họ sợ rằng con mình bị bỏ đói hoặc cảm thấy bị bỏ rơi vào buổi đêm – hoặc là người mẹ tìm con vào buổi đêm đơn giản chỉ để cảm thấy yên tâm. Thường là do cả hai lý do.

Các bà mẹ trầm cảm dù không lo lắng quá mức vẫn thường tìm đến con, nhiều hơn là các bà mẹ không bị trầm cảm. Điều này cho thấy có thể các bà mẹ này tìm con để có cảm giác an toàn, hoặc vì “sự dễ chịu khi tương tác”.

Trong bản tóm tắt của một nghiên cứu khác, Teti tổng hợp các dữ liệu cho thấy những bà mẹ có vấn đề về hôn nhân sau khi sinh con thường dễ ngủ cạnh con cho tới khi bé 6 tuổi. Với những bà mẹ không hạnh phúc, việc nằm chung giường với em bé – hoặc đánh thức chúng vào buổi đêm – có thể là một cách để cảm thấy dễ chịu trong tình cảm.

“Điều này quan trọng vì nó lý giải mối liên quan được biết đến từ lâu giữa sự trầm cảm của người mẹ và sự gia tăng thức dậy vào buổi đêm của trẻ sơ sinh”, Teti nói. “Khi các bà mẹ đánh thức con vô cớ vào buổi đêm, sẽ tiềm tàng những ảnh hưởng tiêu cực về lâu dài trong quan hệ giữa mẹ và con”. Ví dụ như một số nghiên cứu khác đã cho thấy có sự liên quan giữa việc bị đánh thức buổi đêm với các vấn đề về hành vi ban ngày của trẻ.

TS dịch từ:
http://healthland.time.com/2012/04/17/never-wake-a-sleeping-baby-why-depressed-moms-dont-follow-that-advice/?iid=hl-main-feature#ixzz1t8agpSsd

Tác giả