Microsoft, kinh tế tri thức toàn cầu và Việt Nam

Có thể Google mới là nóng hổi, bởi vì người ta đang so sánh Google với Chúa trời. Người ta đồn rằng Google đang có kế hoạch tạo ra con robot biết cách nấu phở ngon nhất thế giới và có thể Google sẽ thành công. Nhưng như Bill Gates nói về Google, "họ đang trong tuần trăng mật" và hãy đừng quên một điều thực tế rằng chính Microsoft mới là trung tâm của thế giới nối mạng này.

Kinh doanh với tốc độ suy nghĩ

Microsoft, công ty thành công nhất thế giới với các sản phẩm được sử dụng gần như mọi nơi, mọi lúc là hình ảnh lý tưởng cho một thế giới gắn kết, trong đó chính Microsoft là trục trung tâm lớn nhất (the biggest hub). Tại sao lại khẳng định như vậy? Google đúng là số một nhưng vẫn phải chia sẻ miếng bánh của mình với Yahoo, với MSN. Còn Microsoft thì không. Gần 90% máy tính trên thế giới chạy Windows và truy cập Internet sử dụng trình duyệt IE. Không có kẻ chiến thắng nào có được nhiều đến thế và cũng chẳng có kẻ chiến thắng nào bỏ xa được đối thủ của mình đến thế trong cuộc cạnh tranh của nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Với mục tiêu “Siêu dễ dàng – Siêu lợi ích”, Microsoft đã thống trị công nghệ phần mềm thế giới, bán được siêu nhiều các sản phẩm và duy trì giá thành siêu rẻ của mình (ít nhất là đến khi Linux – mã nguồn mở- ra đời). Còn gì nữa có thể tốt hơn cho khách hàng? Và vì thế Microsoft đã phát triển với tốc độ siêu nhanh- kinh doanh với tốc độ của ý nghĩ. Trong vẻn vẹn 30 năm, công ty này đã vượt xa các đối thủ. Cũng trong chừng ấy năm, tổng giá trị của Microsoft đã lên gần 300 tỷ USD, Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới. Hơn thế nữa, ông ta còn tạo ra thêm 3.000 triệu phú khác. Thành công cũng phải, bởi Bill Gates thành lập và điều hành Microsoft chỉ với một phương châm: luôn luôn chiến thắng.


Lễ giới thiệu Window Vista

Bill Gates tin chắc vào 2 điều: thứ nhất máy tính cá nhân sẽ thống trị thế giới (điều này đã đúng và niềm tin này hiện có giá trị gần 300 tỷ USD), thứ hai công nghệ thông tin sẽ số hóa thế giới thành một nền kinh tế tri thức toàn cầu. Với tầm nhìn này, Microsoft đã hiện thực hóa sự phổ biến của công nghệ thông tin thông qua ứng dụng của phần mềm máy tính cá nhân, Microsoft Windows và Office biến máy tính cá nhân thành công cụ dễ dùng, tiện dụng nhất và cũng mạnh mẽ nhất. Con người nhờ vậy đã tiến hóa thêm một bước dài về tính hiệu quả và cũng nhanh chóng thích nghi với một phiên bản mới của thế giới – thế giới ảo do máy tính và Internet tạo ra.
 Lần đầu tiên trên thế giới chúng ta có thể cùng đồng ý với nhau về một màu xanh windows (Windows blue) trong vô vàn màu xanh và về một hành vi đầy mâu thuẫn – “để tắt đi (Shutdown) hãy bấm vào nút khởi đầu (Start)”. Đấy là chưa kể đến những việc phức tạp hơn như chia sẻ tài liệu qua email, qua Internet, chia sẻ dữ liệu qua XML, tích hợp toàn bộ qui trình của doanh nghiệp (thậm chí là của cả chính phủ) với nhau một cách dễ dàng và minh bạch… Microsoft không phát minh ra tất cả những công nghệ này, nhưng chắc chắn chúng ta phải biết ơn công ty này vì đã kiên định biến tất cả những điều từ đơn giản đến phức tạp này thành phổ biến và dễ dàng nhất để có thể sử dụng trên toàn thế giới.

Với dự dẫn dắt của Kiến trúc sư trưởng (vị trí hiện tại) Bill Gates, Microsoft đã làm được điều đó. Công nghệ của Microsoft giúp công ty này luôn dẫn đầu về hệ điều hành và phần mềm văn phòng cho cá nhân. Nhưng đồng thời Microsoft cũng đã liên tục đổi mới để cung cấp những giải pháp hàng đầu về công nghệ cho doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ. Bill Gates với tầm nhìn về một nền kinh tế tri thức toàn cầu số hóa đã dẫn dắt Microsoft đi từ những công nghệ trên diện từ hẹp (doanh nghiệp) đến rộng (như hệ thống hành chính quốc gia), tới những công nghệ giúp hiện thực hóa tính lưu động của thông tin (truy cập, chia sẻ mọi lúc mọi nơi) và tất nhiên công nghệ số hóa tất tần tật. Quỹ nghiên cứu hàng năm của Microsoft là 6,5 tỷ USD (2005) và bao trùm mọi lĩnh vực từ Internet cho đến nhận dạng giọng nói, từ hệ chuyên gia cho đến giao diện 3 chiều. Bill Gates mỗi năm cũng thường dành vài tuần để suy tư về tương lai của công nghệ phần mềm và… ngủ. Những cuốn sách (như “Kinh doanh với tốc độ của ý nghĩ”) và những định hướng của Microsoft có lẽ được khởi đầu từ đây.

Tuy nhiên điều này không có nghĩa là Microsoft là đầu tầu duy nhất của công nghệ phần mềm thế giới bởi thế giới đã phẳng hơn rất nhiều. Hình ảnh về một ngành công nghiệp không còn đơn thuần là một đoàn tàu lên xuống dốc mà dường như là một mô hình khác, bình đẳng hơn.

Những rắc rối cũng đã bắt đầu, không phải từ hôm nay mà từ quá khứ, và cả tương lai. Những chuyện như: Hacker quậy phá, Bộ Tư pháp gửi tráp đòi hầu tòa, những nhân tài về tay đối thủ (Kai-Fu Lee về với Google), sự chậm chân trong kinh doanh trên Internet (bị Google, Yahoo bỏ xa) và nhạc số (Ipod – Apple) đều không phải là thảm họa. Có thể chính việc bướng bỉnh cố gắng ngăn chặn dòng chảy của dòng sông thế giới phẳng (mà một trong số đó là phong trào mã nguồn mở) mới là định mệnh buồn của một kẻ luôn quen với chiến thắng.

Bill Gates, người đã từng bị tạp chí Time cho rằng có các đặc điểm của người bị bệnh tự kỷ (khả năng tư duy trừu tượng và hướng mục tiêu tuyệt vời; đột ngột hoảng loạn, giận dữ không kiểm soát được…) cũng lại vừa được chính tạp chí Time bầu là nhân vật của năm 2005 nhờ các hoạt động nhân đạo vô cùng tích cực của quỹ Bill và Melinda Gates Foundation. Vợ chồng ông đã phát biểu: “Chúng tôi dành một sự ngưỡng mộ to lớn cho những người tâm huyết và thầm lặng lao động hàng ngày để biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi đã vô cùng may mắn trong kinh doanh, và muốn chia sẻ những điều tốt lành cho nhiều người nhất.”

Dẫu luôn là một người mạnh mẽ và luôn chứng tỏ mình là kẻ thông minh hơn những người khác, Bill Gates lại là một người rất cẩn trọng trong việc lập gia đình, trong vai trò làm cha… Bill dường như không còn cố gắng bật cao hơn trong cái đám đông kinh doanh nhộn nhạo và đã thay đổi. Sau chuyến thăm Trung Quốc, Bill đã nói tới việc đưa thuyết ngũ hành vào màu sắc của Windows. Và bây giờ Bill sang thăm Việt Nam!
Lợi thế quốc gia trong một nền kinh tế toàn cầu
 

80 triệu dân, Việt Nam là một khách hàng lớn đồng thời là nguồn nhân lực lớn (và trẻ) cho bất cứ ngành công nghiệp nào. Có thể điều này chỉ đúng với một vài lĩnh vực trong hiện tại, nhưng chắc chắn sẽ là lợi thế bất biến trong tương lai.
Trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu, Việt Nam còn có nhiều lợi thế quốc gia khác nữa. Thí dụ như việc sở hữu một ngôn ngữ riêng (có thể là ngôn ngữ duy nhất bắc cầu giữa phương Tây và phuơng Đông) tương ứng với một nền văn hóa riêng. Nền kinh tế tri thức của Việt Nam đòi hỏi công nghệ thông tin phải có sự phục vụ khác biệt và chắc chắn công nghệ thông tin Việt Nam cũng sẽ góp những nét riêng vào nền kinh tế tri thức của Thế giới. Sẽ có một “Cách Việt Nam” trong nền kinh tế tri thức thế giới. Cách này cụ thể thế nào thì giờ chưa hiển hiện rõ nhưng một điều chắc chắn là nó sẽ được tạo thành dựa trên tinh thần đoàn kết, truyền thống gia đình và sẽ đi như một dòng sông.

Trong một thế giới mở, một tinh thần mở, sự linh hoạt sẽ là lợi thế rất lớn. Biết tận dụng lợi thế này một cách khoa học, chúng ta có thể hòa vào dòng chảy của thế giới một cách hài hòa mà vẫn duy trì được bản sắc rất riêng biệt. Chúng ta sẽ cùng kinh doanh sòng phẳng trên một thế giới phẳng nơi mà những cơ hội không chỉ dành riêng cho những ông lớn như Microsoft.
Có thể sự phát triển kinh tế của Việt Nam đã tỏa nhiệt đến độ các ông lớn như Intel, Microsoft cảm nhận được điều đó. Nhưng tôi còn được nghe nói và tin ngay rằng một trong những yếu tố quyết định cho chuyến đi này chính là ở những người Việt Nam trong nước và ngoài nước hàng ngày trao đổi với Bill Gates tại Microsoft. Bằng một cách không cố ý, những người này đã tạo ra những ấn tượng Việt Nam, những “Cách Việt Nam” rất đặc biệt. Đây mới là lợi thế quốc gia. Lợi thế này có thể giúp chúng ta có một vị trí đáng kể trong nền kinh tế tri thức toàn cầu với độ nghiêng về giá thành còn được duy trì trong khi thế giới đã phẳng hơn rất nhiều về kỹ nghệ. Các công ty Việt Nam hoàn toàn có những cơ hội toàn cầu rất lớn.
Mặc dù Microsoft đã có mặt ở Việt Nam 10 năm nay nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam trở lên quan trọng như vậy trong bản đồ của Microsoft. Nhận lời mời của chính phủ Việt Nam cũng có nghĩa là Bill Gates sẽ làm việc rất nhiều với các bộ ngành khác nhau. Tuy nhiên theo lịch trình, ít nhất ông có hai buổi giao lưu với các doanh nghiệp và sinh viên CNTT. Hãy lắng nghe theo cách của Việt Nam và ông sẽ nghe thấy thông điệp “hãy cùng chúng tôi đi như một dòng sông”.

Những cột mốc đáng nhớ của Microsoft


Nguyễn Thế Trung

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)