Một đạo luật góp phần nâng cao sức cạnh tranh

Tại cuộc toạ đàm về Dự thảo Luật Công nghệ cao do Bộ KH&CN tổ chức, có khá nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân cho rằng Luật Công nghệ cao ra đời sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu triển khai cũng như lợi ích kinh tế từ lĩnh vực này.


Khái niệm công nghệ cao được đề cập ở Việt Nam vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước và được sử dụng một cách rộng rãi, chính thức trong các tài liệu khoa học, các văn bản, văn kiện của Đảng và Nhà nước vào thập kỷ 80, đặc biệt từ những năm 90 trở lại đây.

Hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này còn tản mạn, chưa thống nhất và đồng bộ; thiếu các hướng dẫn cụ thể trong nhiều lĩnh vực. Một số khía cạnh liên quan tới công nghệ cao được điều chỉnh đơn lẻ trong các đạo luật chuyên ngành (Luật Khoa học & Công nghệ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử) mà chưa có một văn bản luật điều chỉnh thống nhất và toàn diện lĩnh vực này. Các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng phát triển công nghệ cao mới được thể chế hoá ở các văn bản có hiệu lực pháp lý thấp, chủ yếu ở cấp Thủ tướng Chính phủ, cấp Bộ và nhìn chung còn mang tính định hướng. Các quy định về tài chính, tín dụng, thuế, đất đai, chuyển giao công nghệ, thị trường công nghệ, đào tạo – sử dụng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao chỉ được điều chỉnh bởi một số quy định rời rạc trong các đạo luật khác nhau. Các quy định về ưu đãi, khuyến khích, thu hút đầu tư, quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng ứng dụng và phát triển công nghệ cao chủ yếu được quy định tại các văn bản về khu công nghệ cao ở tầm dưới Luật.

Vì vậy hầu hết các đại biểu tham dự toạ đàm đều cho rằng việc ban hành Luật Công nghệ cao là cần thiết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên WTO.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, “Luật Công nghệ cao là phương tiện cực kỳ quan trọng để hiện đại hoá các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Nếu không có Luật này, các sản phẩm Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tiêu tốn nhân lực và vật lực, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ rất khó thực hiện”. Thứ trưởng Lê Đình Tiến nhận định: “Các bộ Luật liên quan tới lĩnh vực khoa học đã tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Chính vì vậy, các công ty ‘khổng lồ” như Intel, Nidec chỉ đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam khi chúng ta có một hệ thống pháp lý tương đối hoàn thiện”.

Nội dung Dự thảo Luật công nghệ cao

Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết: Luật gồm 6 chương, 37 điều nhằm quy định về hoạt động và các biện pháp thúc đẩy công nghệ cao. Trong Chương I “Những quy định chung” của Dự thảo, các khái niệm “công nghệ cao”, “hoạt động công nghệ cao”, “ươm tạo công nghệ cao”, v.v…được định nghĩa. Các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên xác định theo nguyên tắc “phù hợp với xu thế phát triển công nghệ cao của thế giới”, “có hiệu quả lớn đối với sự phát triển của nhiều ngành kinh tế” , cụ thể là các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hoá và vật liệu mới – những lĩnh vực dù các nhà khoa học của ta chưa nắm được công nghệ “nguồn” nhưng những ứng dụng của nó đã rất phổ biến ở Việt Nam.

Chương II của Dự thảo về “Ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao” nêu những biện pháp khuyến khích hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao như ưu đãi về thuế, Nhà nước hỗ trợ đào tạo nhân lực… Theo đó, việc ứng dụng các công nghệ cao đáp ứng những yêu cầu “tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao”, “tiết kiệm năng lượng”, “bảo vệ sức khoẻ con người”… sẽ được khuyến khích hỗ trợ. Các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sẽ là “ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu ở mức cao nhất”, “được trích khấu hao nhanh đối với tài sản cố định đầu tư cho dự án ứng dụng công nghệ cao”, “được Chương trình quốc gia về công nghệ cao xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo”. Trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ cao, các tổ chức, cá nhân sẽ “được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ”. Đây chắc chắn sẽ là điều được rất nhiều doanh nghiệp hoan nghênh.

Chương III của Dự thảo về “Công nghệ cao và Doanh nghiệp công nghệ cao” quy định: “Chính phủ xác định và xây dựng chiến lược phát triển một số ngành công nghệ cao”. Các Bộ, UBND tỉnh, Thành phố thuộc Trung ương triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về công nghệ cao như xây dựng cơ sở ươm tạo, xây dựng công nghiệp phụ trợ. Các dự án sản xuất sản phẩm cùng các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao, cơ sở ươm tạo… đáp ứng những số yêu cầu như có sản phẩm, dịch vụ trong Danh mục công nghệ cao, có đầu tư liên tục cho R&D, có đội ngũ cán bộ trình độ cao… sẽ được ưu đãi về đất, thuế. Các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm cho công nghệ cao cũng được quy định “hưởng mức ưu đãi cao nhất trong thuế thu nhập doanh nghiệp”.

“Phát triển nhân lực công nghệ cao” – một trọng tâm quan trọng của Dự thảo – được nêu trong Chương IV với các chi tiết về quy hoạch phát triển, đầu tư phát triển cơ sở đào tạo, sử dụng nhân lực công nghệ cao. Theo đó, “Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành có liên quan xây dựng trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch quốc gia phát triển nguồn nhân lực”. Trong sử dụng nhân lực công nghệ cao, “Nhà nước có chế độ lương, nhà ở và điều kiện thuận lợi để thu hút nhân lực công nghệ cao vào làm việc tại cơ sở do Nhà nước quản lý”. Ngoài ra, chuyên gia công nghệ cao là người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ hoạt động công nghệ cao tại Việt Nam.

Các yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ, quy hoạch phát triển khu công nghệ cao được xác định trong Chương V “Khu Công nghệ cao”. Chương này cũng xác định, các tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng công nghệ cao sẽ được “giao đất không thu tiền”, được “hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình quốc gia về công nghệ cao”, v.v…

“Ưu đãi phải kèm chế tài”

Đồng tình với Thứ trưởng Lê Đình Tiến về sự cần thiết của Luật CNC, GS Nguyễn Thu Vân, Giám đốc Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 cho rằng Luật “chắc chắn sẽ được các nhà khoa học hoan nghênh”. Nếu coi công nghệ cao là một giải pháp đột phá bảo đảm nâng cao năng suất và chất lượng cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường tiềm lực KH&CN của nước nhà thì Dự thảo Luật cũng cần đề cập đến chính sách “bảo hộ sản phẩm công nghệ cao sản xuất trong nước”. Tuy nhiên GS Vân cũng nhấn mạnh: “ưu đãi trong Luật rất lớn, nên phải kèm theo đó là chế tài”. Ở một số chi tiết, GS Vân tỏ ra băn khoăn: “Luật ưu đãi các doanh nghiệp công nghệ cao ‘mới ươm tạo”, nhưng các doanh nghiệp công nghệ cao đã hoạt động lâu thì ưu đãi như thế nào?” Trong phần ưu đãi nhân lực, GS Vân cho rằng: “Có cảm giác ưu đãi nhà khoa học Việt Nam định cư ở nước ngoài hơn nhà khoa học trong nước”.

Bài tham luận của Anh hùng Lao động Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty TNHH Minh Long I là câu chuyển kể về con đường qua nhiều gian nan đi tìm công nghệ cao dẫn đến thành công của gốm sứ Minh Long thực sự là bài học sinh động và thiết thực cho việc tìm ra những giải pháp hiện đại hoá, nâng cao sức cạnh tranh của các làng nghề truyền thống. Theo ông Minh, cần có sự tách bạch rõ những ưu đãi về thuế trong nhập khẩu thiết bị công nghệ cao. Lý do là đầu tư công nghệ cao cần thời gian dài hơn. Ví dụ như máy móc gốm sứ từ lúc đặt hàng cho đến khi máy về đến Việt Nam là 8 tháng, giai đoạn lắp ráp và vận hành thử nghiệm mất 3 – 4 tháng, tổng cộng mất hơn 1 năm. Bên cạnh đó, thiết bị càng hiện đại càng khó vận hành và cần thời gian hiệu chỉnh trong những năm đầu sản xuất nên cần được ưu đãi về thuế như đầu tư công nghệ cho vùng sâu vùng xa.

TS Nguyễn Quang A thì tỏ ra “lo lắng” vì “Dự thảo Luật nói đến ưu đãi quá nhiều”, “không cẩn thận thì ‘ưu đãi’ thành ‘phản ưu đãi’, bởi đã có nhiều ví dụ trong nền kinh tế Việt Nam chứng minh điều này”. Theo TS Nguyễn Quang A, “tinh thần” của Dự thảo Luật này dường như vẫn dựa trên “tư duy cũ”, vì thế “có khi mục tiêu, ý định rất hay, nhưng không nhìn ra hết hệ quả của nó”.

Xuất thân là nhà khoa học nông nghiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp I Trần Đức Viên cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh nông sản khốc liệt, suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu, v.v… thì “lối thoát của công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn chỉ là công nghệ cao”, song “Dự thảo Luật đã ít đề cập tới công nghệ cao trong nông nghiệp”.

Giám đốc Công ty phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, Chu Tiến Dũng nhận định: “Có lẽ sẽ cần rất nhiều hướng dẫn cho Luật này” bởi rất nhiều khái niệm như “cung ứng dịch vụ công nghệ cao”, “nhân lực công nghệ cao” vẫn chưa được làm rõ.

Đồng ý với TS Nguyễn Quang A về việc Luật Công nghệ cao chỉ nên tạo môi trường chứ không “ưu đãi” hoạt động công nghệ cao, song từ thực tế đang xây dựng Viện tiên tiến Khoa học và công nghệ mới thành lập, TS Phạm Hoàng Lương cho rằng vẫn cần Nhà nước “hỗ trợ”, vì “những lĩnh vực như công nghệ sinh học hay vật liệu mới, nếu Nhà nước không hỗ trợ, nhất là về nhân lực thì rất… khó”.

PGS Nguyễn Ngọc Châu- một trong những người còn băn khoăn về tính khả thi của Luật này, cho rằng bất kỳ điều luật nào ra đời cũng phải trên cơ sở phục vụ thực tiễn cuộc sống – tức là có hiệu lực điều chỉnh các vấn đề do thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Luật Công nghệ cao khó có một cơ sở như vậy khi mà ở Việt Nam nền tảng công nghệ cao hầu như chưa hình thành. Ngoài ra, điều đáng lưu ý là ngay cả nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Tây Âu có nền KH&CN phát triển cũng không có một luật riêng cho công nghệ cao. Luật Công nghệ cao ra đời trong khi các luật khác liên quan (như Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật GD&ĐT, Luật Doanh nghiệp) còn chưa hoàn thiện, sẽ có thể xuất hiện các vấn đề hoặc các xung đột giữa Luật Công nghệ cao với các văn bản pháp luật khác (như Nghị định 115). Mặt khác, khi điều kiện chưa chín muồi, nhiều tổ chức cá nhân có thể nhân danh công nghệ cao, lợi dụng các ưu đãi của Luật để “làm nghèo đất nước”.

Phó Chủ nhiệm UB KH-CN&MT Quốc hội Nghiêm Vũ Khải đánh giá: “Dự thảo Luật này tương đối chi tiết và khả thi” và cho biết: Dự thảo Luật Công nghệ cao sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào ngày 28/5, sau Ban soạn thảo sẽ tiếp tục xây dựng và dự kiến đến cuối tháng 10, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua Luật này.

Việt Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)