Một trí thức lớn vừa ra đi

Đứng trước linh cữu của Anh trong nhà tang lễ, một nỗi day dứt trào lên trong tôi “đừng bao giờ trì hoãn một việc phải làm, rồi sẽ quá muộn nếu định “để sau rồi tính”.  Trong chuyến về Hà Nội lần này, một địa chỉ tôi đinh ninh phải đến là nhà anh, chị Đào Thế Tuấn. Sau cuộc họp, đã định gọi taxi đến thẳng nhà Anh, nhưng thấy người hơi mệt nên lại tự nhủ “thôi để sau, thư thư rồi đến cũng không muộn”. Và, thế là muộn, quá muộn! Không chỉ là “quá” mà là muộn tuyệt đối. Không bao giờ có thể sửa được cái lỗi “trì hoãn” này. Thời gian đã trôi qua, một đi không trở lại. Mà mất thời gian là cái mất tuyệt đối.

Thế là tôi đã không gặp lại được Anh sau chuyến Anh ghé thăm tại TpHCM để bàn việc cùng viết tiếp chủ đề “nông dân, nông thôn, nông nghiệp” mà Anh đã dự kiến yêu cầu tôi viết cái gì. Vẫn chất giọng hiền lành ấy, song hôm đó Anh không nén được xúc động khi nói về người nông dân : “này, cái đúc kết của anh về mười cái nhất của người nông dân sẽ có người khó chịu đấy, nhưng nông dân thì chắc chắn hoan nghênh, cho nến anh phải viết kỹ về cái này, ở khía cạnh xã hội. Người ta nói nhiều về kinh tế, nhưng quên xã hội, hoặc quá sơ sài, đơn giản mà không thấy xã hội, tức là con người, mới là cái quyết định về kinh tế. Về người nông dân mà “báo cáo Thái Bình” của anh dạo nào chỉ mới là “khúc dạo đầu”, bài viết trong “Vấn đề còn bỏ ngỏ” do “Trường Viễn Đông Bác cổ” tổ chức nghiên cứu và in sách mà anh và tôi đều có tham gia chỉ mới là những phác thảo, cho dù là đã khá công phu, nhưng chưa đủ, ngay cả cuốn sách “Nông dân, Nông thôn, Nông nghiệp” do NXB Tri Thức in cũng thế, phải làm sâu hơn nữa. Còn tôi, thì tôi sẽ nói về kinh tế nông thôn và nông nghiệp với vai trò quyết định của nó trong chiến lược phát triển của nước ta. Lúc này mà không quyết liệt vấn đề này thì sẽ quá muộn để có thể cứu vãn tình hình”.

Hôm ấy, chân Anh đã sưng to và phải đi cà nhắc. Tôi ái ngại, định gọi taxi nhưng Anh gạt đi, lối vào nhà người Anh định đến thăm rất hẹp, taxi không vào được, phải đi bộ thì càng đau hơn, Anh động viên tôi “Chỉ cần ông vững tay lái, đưa thẳng tôi ghé sát bậc thềm thì tiện cho tôi hơn”. Đèo ông bạn vong niên mà tôi hết sức kính trọng và quý mến, một nhà khoa học lớn, tôi cố tập trung không nói chuyện, nhỡ xảy ra chuyện gì thì thật ân hận, nhưng Anh thì vẫn rỉ rả bên tai về những dự định về cuốn sách sắp tới. Tôi phải nói đùa để “phanh” lại : “ Ông thuộc loại quý hiếm đáng đưa vào sách đỏ từ lâu rồi đấy, ngồi cẩn thận cho tôi nhờ”. Anh cười sảng khoái : “thì cũng hiếm có dịp đi và nói chuyện với nhau như thế này”. 

Tính Anh vốn thế. Xuề xòa, thoải mái trong sinh hoạt, song trong chuyện nghiên cứu viết lách thì lại cực kỳ nghiêm cẩn. Phần chú thích có khi dài hơn cả số dòng Anh viết. “Tôi muốn để người đọc tìm về tận gốc tài liệu, vừa để kiểm tra tính chính xác của thông tin, vừa để mở rộng thêm suy ngẫm. Vấn đề mình viết, dù sao cũng hạn hẹp và có phần chủ quan”, Anh giải thích. Và tôi hiểu tại sao, mỗi lần đi nước ngoài về, Anh luôn có tài liệu xã hội học để cho tôi, vì biết rằng tôi không được đào tạo có bài bản về chuyên ngành mà tôi đang phải đảm trách. Giờ đây nghĩ lại, tôi càng cảm kích về tấm lòng của anh. Được anh xử như một người bạn vong niên, nhưng thật ra, tôi chỉ là người học trò nhỏ của Anh. Trong thời kỳ cùng tham gia vào Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, sau mỗi buổi họp, Anh thường rủ tôi, khi thì về thẳng nhà Anh, khi thì tạt vào một quán cà phê để tiếp tục nói chuyện, có buổi để trả lời một câu hỏi của tôi, Anh say sưa giảng về “kinh tế học thể chế” mà Anh đang nghiên cứu quên cả trời đã tối và chị đang chờ cơm ở nhà.

Còn nhớ, cách đây hai năm, biết tôi có tổ chức những buổi sinh hoạt học thuật trong một vài anh chị em thân quen, Anh đã không ngần ngại hoãn vé máy bay về lại Hà Nội để nhận lời mời của tôi đến trình bày cảm nhận của Anh về “lực lượng cánh “tả” đang trỗi dậy ở Châu Mỹ La tinh” trong một chuyến tham gia Hội thảo về nông nghiệp tại Venezuela! Chủ đề này không phải là chuyên môn của Anh, nhưng Anh trình bày say sưa, uyên bác, cuốn hút người nghe sẵn sàng nán lại khi thời gian quy định đã hết. Chẳng những thế, theo gợi ý và yêu cầu của tôi, sau đó mấy tuần, từ Hà Nội, anh gửi vào cho tôi qua đường thư điện tử bài viết về đề tài này có đến 19 trang!

Lượm lặt một vài mảnh vụn trong hồi tưởng về người bạn lớn, một nhân cách trí thức đích thực, bỗng gợi nhớ đến “Luận về kẻ sĩ” của Nguyễn Công Trứ, trong đó có câu “Vũ trụ chi gian giai phận sự”, xem việc trong trời đất là phận sự của mình. Đào Thế Tuấn là một con người như thế . Anh không dõng dạc ra tuyên ngôn “Trong vũ trụ đã đành phận sự, Phải có danh mà đối với núi sông” . Cái “danh” mà Anh có từ sự nghiệp cần mẫn và dũng cảm của Anh. Theo tiếng gọi của non sông, Anh đã cầm súng đánh giặc , đã từng là học viên của trường Lục quân Việt Nam. Rồi cũng theo đòi hỏi của đất nước, một nước nông nghiệp, Anh đã hoàn thành chương trình kỹ sư nông học và tiến sĩ nông học trong chỉ 5 năm tại Liên Xô, tiết kiệm được 3 năm để có thể bắt tay ngay vào công trình nghiên cứu về cây lúa từ 1958, trở thành một trong những người khai sáng của nền khoa học nông nghiệp nông thôn Việt Nam. 

Cũng là ngẫu nhiên, song là một ngẫu nhiên thú vị : trong bài thơ mừng của cụ Phan Bội Châu gửi đến mừng cụ Đào Duy Anh, thân sinh của Đào Thế Tuấn khi được tin ông bà sinh hạ được con trai đầu lòng đã nói đến “sen đầy hột, quế nở hoa”, như một “dự phóng” về sự nghiệp kỳ diệu của nhà nông học hàng đầu nước ta : “Hai mươi lăm triệu giống dòng ta, Hôm trước nghe thêm một tiếng oa. Mừng chị em mình vừa đáng mẹ, Mong thằng bé nọ khéo in cha. Gió đưa nam tới sen đầy hột. Trời khiến thu về quế nở hoa. Sinh tụ mười năm mong thế mãi. Ấy nhà là nước, nước là nhà”! * 

Những cống hiến của giáo sư Đào Thế Tuấn trên lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã có nhiều người đề cập đến, trong điếu văn của Bộ trưởng Bộ NN & NT đọc trước linh cữu Ông cũng đã tóm lược đầy đủ. Nhưng dù có muốn nói thì làm sao nói được trong một bài báo về cống hiến lớn lao của nhà khoa học lớn Đào Thế Tuấn. Ở đây xin được gợi lên chỉ vài nét ngoài chuyên ngành của nhà khoa học lớn ấy từ những mảnh vụn của ký ức khi mà nỗi buồn đang xâm chiếm trí óc của người viết, để chỉ nhằm nói đến sứ mệnh của một trí thức đích thực. 

Đào Thế Tuấn đã không hổ thẹn với sứ mệnh cao cả của người trí thức “vũ trụ chi gian giai phận sự”. Có chăng, chỉ xin thêm rằng, ý tưởng của “kẻ sĩ” Việt Nam thế kỷ XIX bắt gặp quan điểm của triết gia người Pháp thế kỷ XX J.P Sartre: “trí thức là người làm những việc chẳng ăn nhập gì đến họ”, (s’occupe de ce qui ne le regarde pas). Kỹ sư thì không lo xây cầu, thầy thuốc thì không lo khám bệnh, kinh tế gia thì không lo cộng trừ nhân chia với cái thống kê. Tại sao họ lại xớ rớ vào những chuyện không liên quan gì đến họ vậy, tại vì họ cho đó chính là chuyện của họ. Chuyện không phải là của họ mà họ thấy là của họ. Cái thấy đó làm họ trở thành trí thức! **

Thì ra, đông, tấy, kim cổ, người trí thức đích thực phải là người như vậy, là người như Đào Thế Tuấn. Anh đã về cõi vĩnh hằng. Chính xác hơn, Anh đã trở về với đất. 

Tục ngữ Việt Nam nói rằng “người ta là hoa của đất”. Anh đã gieo trồng và Anh đã gặt hái từ mảnh đất thấm đẫm mồ hôi và máu của bao thế hệ Việt Nam đời này sang đời khác. Và lúa đã mọc. Và hoa đã mọc. Và Anh là một trong những đóa hoa đẹp nhất của cây đời Việt Nam. Vả chăng, trở về với đất, Anh đã về với tự nhiên, cái nôi của loài người, hoặc nói như C.Mác “con người quan hệ khăng khít với tự nhiên, điều đó chẳng qua chỉ có ý nghĩa là tự nhiên liên hệ khăng khít với bản thân tự nhiên, vì con người là một bộ phận của tự nhiên”! 

Đất nước bao la với nông thôn, nông nghiệp đang dang rộng tay đón chào Anh để sự nghiệp cao cả của Anh thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn khởi săc, để nông thôn không còn là nơi chẳng ai muốn trụ lại, nhiều gia đình nông thôn thất cơ lỡ vận vì mất đất, những sức lực trai trẻ đều muốn rời nông thôn mà đi, do tầm nhìn thiển cận với những giải pháp sai lầm mà Anh đã từng đấu tranh không mệt mỏi. 

Anh Đào Thế Tuấn ơi, tục ngữ Ba tư có câu : “Trong cánh đồng vũ trụ, bạn sẽ hái những gì mình gieo”. Anh đã từng xứng đáng với phẩm tính của người trí thức “vũ trụ chi gian giai phận sự”. Những gì Anh đã gieo, cuộc đời sẽ được gặt hái. Vậy thì ở cuối chân trời xa xôi kia, người vừa nằm xuống sẽ thanh thản với sự hoàn thành trọn vẹn chức năng và phẩm tính trí thức của mình.

Có những vì sao đã tắt từ hàng triệu năm mà đến tận bây giờ ánh sáng của chúng mới đến được trái đất. Bình sinh con người chân chất, nhân hậu và giản dị của Anh vốn chỉ âm thầm làm việc mà không hề biết, khi mất đi sẽ để lại khoảng trống vắng mà cuộc đời sẽ xót xa, để nhìn ra được ánh sáng lấp lánh của ngôi sao vừa tắt!
————
*Dẫn lại theo Vũ Trong Bình. Báo “NHÂN DÂN” ngày 22.1.2011
**Dẫn lại theo Cao Huy Thuần “Thế giới quanh ta” NXB Đà Nẵng, 2006, tr. 61

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)