Mỹ muốn lập bản đồ bộ não

Bà Cori Bargmann, nhà khoa học người Mỹ gốc Đức, vừa được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm phụ trách dự án lập bản đồ về bộ não theo sáng kiến của ông. Đây là một dự án có tính tổng hợp cao và sẽ diễn ra trong thời gian dài nhằm tìm hiểu rõ hơn chức năng hoạt động của bộ não để điều trị các bệnh như Alzheimer, trầm cảm, tự kỷ... Trả lời phỏng vấn, bà Bargmann cho rằng, dự án này có lẽ còn phức tạp hơn cả sứ mạng Mặt Trăng của “Apollo”.

Thưa Giáo sư, tại sao bà và các đồng nghiệp có ý định vẽ bản đồ về bộ não con người?

Cori Bargmann: Ở đây có nhiều lý do. Lý do thứ nhất, cũng là điều khích lệ tôi nhất, đó là khía cạnh khoa học. Chúng ta là con người, chúng ta có những khả năng mà không loài vật nào có, tôi nghĩ không có gì hấp dẫn, thú vị hơn là sự hiểu biết về bộ não con người. Hiểu bộ não tức là hiểu thực sự chúng ta là ai. Lý do thứ hai là vấn đề sức khoẻ. Trên thế giới, cứ ba người thì có một người bị bệnh trầm trọng liên quan đến sự rối loạn của bộ não – như bệnh Parkinson, trầm cảm, tự kỷ và nhiều căn bệnh khác. Vì thế điều rất quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu về sự rối loạn bộ não để điều trị và để tránh không mắc những căn bệnh này

Với cái nhìn từ hôm nay thì việc vẽ bản đồ bộ não con người không có gì là không thể?

Bộ não con người có hàng tỷ tế bào thần kinh và hàng nghìn tỷ kết nối. Thông tin trôi nhanh qua các dòng chảy, nhờ vậy chúng ta có khả năng cảm nhận, cảm giác hoặc ra quyết định. Trong quá khứ, chúng ta chỉ có thể phân tích từng tế bào thần kinh riêng lẻ hay phân tích toàn bộ hoạt động của bộ não. Nhưng mấy năm gần đây đã có những thay đổi rất cơ bản về công nghệ, nhờ đó chúng ta có thể nghĩ đến một con đường mà ở cuối con đường đó, chúng ta hiểu thực sự về chức năng hoạt động của bộ não và sự hoạt động đó không tĩnh mà giống như Google Maps với một dòng chảy liên tục để chúng ta quan sát. Ngày nay chúng ta có thể cùng một lúc quan sát nhiều tế bào thần kinh hay kích thích từng tế bào riêng lẻ. Ngoài ra còn có những tiến bộ không thể tưởng tượng nổi về công nghệ máy tính.

Thưa bà, liệu trong tương lai sẽ có một ứng dụng (App) nào đó giúp ta theo dõi hoạt động của bộ não?

Tôi nghĩ đến một ngày nào đó sẽ có ứng dụng cho phép chúng ta hiểu hoạt động bộ não của mình. Điều này sẽ rất hữu ích, chẳng hạn, đối với người bị đột quỵ, vì nó cảm nhận được hoạt động của bộ não nên có thể cảnh báo, sau đó nhắc nhở người đó uống thuốc và tới ngay bệnh viện.

Vậy ứng dụng đó sẽ hoạt động như thế nào?

Cho đến nay mọi điều mới là suy đoán. Đã có loại như băng trán, có thể đo giao động điện áp trên bề mặt của đầu. Nhưng trong tương lai thì những người có nguy cơ bị bệnh cao có thể sẽ được cấy một cái gì đó vào não để đo hoạt động của bộ não. Tất nhiên đó sẽ là loại thiết bị cực kỳ phức tạp và chỉ được cấy ở những ca bệnh rất nặng.

“Hiểu được bộ não là một vấn đề cực kỳ to lớn”

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ví dự án này với sứ mạng Mặt Trăng của “Apollo”. Xin bà cho ý kiến về nhận xét này.

Tôi sinh năm 1961 và vào cái tuần con người đầu tiên bước chân lên Mặt Trăng tôi vừa tám tuổi. Vì vậy sứ mạng “Apollo” đã trở thành một phần thời niên thiếu của tôi. Tôi còn nhớ tôi đã hồi hộp như thế nào khi nhìn lên Mặt Trăng, cứ như tôi có thể trông thấy một cái gì đó ở trên đấy. Tôi nghĩ rằng, sứ mạng “Apollo” đã làm cho nhiều người quan tâm, chú ý nhiều hơn tới khoa học.

Vẽ bản đồ bộ não cũng có tiềm năng cuốn hút, lôi kéo con người. Nhưng, tất nhiên chúng tôi mới ở bước đi ban đầu. Chúng tôi sẽ mất vài ba năm để cải thiện các kỹ thuật và giải pháp và sau đó áp dụng chúng. Tiếp theo, chúng tôi cần có thời gian khoảng từ 5 đến 10 năm để các thông tin đến được với các thầy thuốc cũng như các hãng dược phẩm. Bản thân tôi đã tham gia một số dự án khoa học, kết quả là dẫn đến sự ra đời của một số loại thuốc mới, nghĩa là tôi biết mình có thể hoàn thành công việc nhưng đồng thời tôi cũng biết sẽ mất nhiều thời gian. Có lẽ toàn bộ công việc này còn phức tạp hơn nhiều so với dự án “Apollo”.

Tổng thống Obama có đặt ra vấn đề thời gian với bà không?

Không. Thường thì các nhà khoa học làm việc trong khoảng thời gian từ năm đến mười năm và tôi nghĩ rằng trong khoảng thời gian đó sẽ đạt được tiến bộ thực sự và rất thú vị.

Hiện có dự án não bộ của châu Âu và nhiều dự án của tư nhân. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Để hiểu được bộ não là một vấn đề cực kỳ to lớn vì thế càng nhiều người tham gia càng tốt. Tôi thấy các cách tiếp cận khác nhau rất có ý nghĩa. Vấn đề đối với Sáng kiến của Obama là ở chỗ chúng tôi sẽ làm nhiều thực nghiệm để tìm hiểu về bộ não. Dự án của châu Âu xuất phát từ quan niệm, bộ não là một cái máy tính cực kỳ phức tạp mà chúng ta không nhất thiết phải hiểu đúng mọi thứ về nó, chúng ta chỉ cần nạp vào máy tính những điều mà chúng ta đã biết về bộ não sau đó, não sẽ hoạt động thông qua mô phỏng trên máy tính. Tôi là một bộ phận của dự án Mỹ và tôi nghĩ rằng, chúng ta hiểu biết chưa đầy đủ về bộ não để điều khiển máy tính làm việc như một bộ não thật sự.

Bà có cảm giác như thế nào khi được ông Obama bổ nhiệm?

Không phải ai cũng có có cơ hội được nghe Tổng thống Mỹ nói rằng việc người đó đang làm là quan trọng và cần phải hỗ trợ. Những người làm khoa học thường có thói quen không cần được chú ý, quan tâm. Thật là vinh hạnh khi được hỏi ý kiến, bởi vậy người ta buộc phải trả lời đồng ý. Cho dù đây là một công việc thứ hai, không được trả lương.

Về nhân vật: Bà Cornelia Isabella Bargmann, còn gọi là Cori, là nhà sinh học thần kinh Mỹ đã được vinh danh nhiều lần về thành tựu trong nghiên cứu khoa học của mình. Một trong những nghiên cứu của bà là cảm nhận giác quan ở giun đũa. Bố mẹ bà lớn lên ở Berlin, còn bà sinh năm 1961 ở Virginia. Bà kết hôn với nhà khoa học thần kinh người Mỹ Richard Axel, Nobel Y học năm 2004.
 
Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)