Mỹ – Việt Nam tăng cường hợp tác về năng lượng hạt nhân sạch vì mục đích dân sinh
Hai nước Mỹ và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân sạch vì mục đích dân sinh với trọng tâm hỗ trợ ở mức cao nhất về an toàn hạt nhân, an ninh, không phổ biến vũ khí hủy diệt cũng như tăng cường hiệu quả quản lý.
Lễ ký kết Hiệp định 123 vào năm 2014
Điện hạt nhân an toàn là một nguồn cung năng lượng ít carbon quan trọng nhằm giảm phát thải do ngành năng lượng toàn cầu tạo ra, điều này rất hữu ích cho quá trình làm giảm biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng. Do đó, Mỹ và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác sâu hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân sạch vì mục đích dân sinh. Đầu tháng 5, Mỹ và Việt Nam đã ký Thoả thuận hành chính theo Hiệp định 123 (năm 2014). Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai nước trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích dân sự, Mỹ và Việt Nam tiến tới:
Hỗ trợ phát triển thể chế
Thiết lập một Ủy ban mới chung giữa Mỹ – Việt Nam về Hợp tác hạt nhân vì mục đích dân sự để tạo điều kiện cho việc thực hiện các Hiệp định 123 cũng như hợp tác và chia sẻ thông tin, trong đó có sự tham gia của cả chính phủ và khu vực tư nhân, trong một loạt các lĩnh vực gồm an toàn hạt nhân, an ninh, bảo vệ và không phổ biến vũ khí huỷ diệt.Đồng thời, sẽ thành lập Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an ninh hạt nhân và biện pháp tự vệ tại Việt Nam. Trung tâm sẽ góp phần tăng cường an ninh hạt nhân tại Việt Nam và trong khu vực thông qua phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợkhoa học, kỹ thuật trong an ninh hạt nhân.Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong mọi nỗ lực nhằm phê chuẩn Công ước về bồi thường bổ sung cho thiệt hại hạt nhân (CSC) và Công ước về Ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân.
Thúc đẩy giáo dục và đào tạo
Tăng cường các cơ hội trao đổi chuyên môn về năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự, an toàn và an ninh thông qua các chương trình mang tính giáo dục của Mỹ như chương trình Học giảFulbright, các chương trình Lãnh đạo khách mời quốc tế theo yêu cầu, và học bổng cho sinh viên cũng như chuyên gia ngành khoa học và kỹ thuật hạt nhân.
Các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội học hỏi tại ĐH Bắc Carolina. Ảnh: Các nhà nghiên cứu tại lò phản ứng Đà Lạt. Nguồn: TTXVN
Tăng cường năng lực bảo vệ của Việt Nam thông qua đào tạo về hệ thống quản lý thông tin của Việt Nam về chương trình bảo vệ giám sát quốc gia và phát triển một kế hoạch chiến lược về các phòng thí nghiệman toàn.
Cung cấp thông tin về các hoạt động xây dựng năng lực tại các phòng thí nghiệm quốc gia Idaho và Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne để đào tạo các nhà nghiên cứu của Việt Nam về: nhiêu liệu và vật liệu cho một lò phản ứng nghiên cứu mới, mô phỏng nhà máy điện hạt nhân và độ tin cậy của con người, phân tích tính an toàn và các tai nạn thường gặp, tai nạn nghiêm trọng tại một nhà máy điện hạt nhân. Mảng đào tạo này sẽ bắt đầu thực hiện từ quý 4 năm 2016.
Khoa Năng lượng của Đại học Bắc California hỗ trợ từ xa cho các đại học ở Việt Nam đào tạo về hạt nhân. Các trường đại học sẽ được tạo điều kiện cho sự chia sẻ thông tin và kết nối thông qua chương trình Giáo trình hạt nhân thống nhất, chương trình này bao gồm 32 trường cao đẳng cộng đồng tại Mỹ, cấp bằng công nghệ hạt nhân trong 2 năm để đáp ứng nhu cầu vận hành nhà máy hạt nhân trong tương lai.
Tăng cường quản lý hiệu quả
Thúc đẩy năng lực quản lý hạt nhân tại Việt Nam để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc trao đổi kinh nghiệm quản lý và đào tạo an toàn hạt nhân với Ủy ban quản lý hạt nhân của Mỹ. Những hoạt động này được đề ra để hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng quản lý và duy trì các năng lực kỹ thuật thiết yếu để chuẩn bị cho quá trình cấp giấy phép và xây dựng các lò phản ứng mới của Việt Nam.
Hỗ trợ phát triển các quy định về an ninh hạt nhân và đào tạo liên kết tại Việt Nam thông qua quan hệ hợp tác giữa hai Cục An toàn và bức xạ hạt nhân (VARANS) và các ban ngành của Mỹ.
Nâng cao khả năng xử lý sự cố
Mỹ hỗ trợ tăng khả năng chuẩn bị và phản ứng của Việt Nam khi có sự cố hạt nhân thông qua các khoá đào tạo về phát hiện và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về phóng xạ/ hạt nhân, quản lý hậu quả, đáp ứng về mặt y tế, đào tạo nghiệp vụ cho các sự kiện công cộng lớn, Cục An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ sẽhỗ trợ cung cấp kỹ thuật và các thiết bị kỹ thuật ứng phó khẩn cấp cho Việt Nam.
Phạm vi hợp tác của Hiệp định bao gồm: Phát triển việc sử dụng năng lượng hạt nhân; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân dân sự, quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng; đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và môi trường; bảo vệ bức xạ, quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu đã qua sử dụng; an toàn, an ninh, thanh sát và không phổ biến hạt nhân.
Hiệp định có hiệu lực 30 năm, sẽ tiếp tục có hiệu lực với mỗi giai đoạn là 5 năm và có thể được sửa đổi khi có thỏa thuận giữa hai bên thông qua đường ngoại giao. Việc ký Hiệp định mở ra những triển vọng to lớn cho cả Việt Nam và Mỹ trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về ứng dụng bức xạ cũng như phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước.