Năm 2040, sản lượng điện hạt nhân sẽ tăng gấp đôi

Với mức tăng trưởng hàng năm đạt 2,4%, điện hạt nhân sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng sản lượng điện năng toàn cầu, theo báo cáo “Toàn cảnh năng lượng quốc tế 2016” (International Energy Outlook 2016) của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (U.S. Energy Information Administration).

Là một tổ chức độc lập chuyên về thu thập, phân tích và phổ biến thông tin về năng lượng trong Bộ Năng lượng Mỹ, Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ đã tiến hành phân tích và dự đoán thị trường năng lượng toàn cầu từ năm 2012 đến 2040. Theo báo cáo “Toàn cảnh năng lượng quốc tế 2016”, điện năng sẽ tiếp tục là mặt hàng “được tiêu thụ nhiều và nhanh nhất thế giới”.

Bản báo cáo đã dự đoán, tổng sản lượng điện năng toàn cầu sẽ tăng lên 69% vào năm 2040, từ 21,6 nghìn tỷ kWh trong năm 2012 đến 25,8 nghìn tỷ kWh vào năm 2020 và 36,5 nghìn tỷ kWh vào năm 2040.

Năng lượng tái tạo sẽ là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của điện năng, với tỷ lệ trung bình tăng hàng năm là 2,9%. Đứng ở vị trí tiếp theo là khí gas với 2,7% mỗi năm, điện hạt nhân 2,4%. Đặc biệt, sản lượng điện năng sẽ tăng gấp đôi từ 2,3 nghìn tỷ kWh vào năm 2012 đến 4,5 nghìn tỷ kWh vào năm 2040.

Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ dự đoán, các quốc gia mới nổi bên ngoài Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ đóng góp nhiều vào sự gia tăng sản lượng điện hạt nhân. Chỉ có Hàn Quốc, quốc gia duy nhất trong Tổ chức OECD, đặt kế hoạch gia tăng sản lượng với mục tiêu có thêm 15 GW. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác như Canada, OECD Europe và Nhật Bản có thể sẽ cắt giảm khả năng sản xuất điện năng trong các quốc gia OECD xuống còn 6 GW. 

Tuy nhiên các quốc gia ngoài Tổ chức OECD đi ngược với xu hướng này, đặc biệt là các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông. Bản báo cáo cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2040, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân tại Trung Quốc đạt tỷ lệ trung bình là 9,6% khi tăng 139 GW, Ấn Độ gia tăng 36 GW với tỷ lệ 7,9% . Một số quốc gia châu Á ngoài Tổ chức OECD sẽ thêm 8 GW với tỷ lệ trung bình 2,9%, thậm chí khu vực dầu mỏ Trung Đông cũng sẽ tăng khả năng sản xuất điện hạt nhân từ 1 GW vào năm 2012 đến 22GW vào năm 2030.

Việc gia tăng sản lượng sản xuất điện hạt nhân cũng sẽ đẩy giá nguyên liệu uranium lên. Đây là một nghịch lý khi Cameco Corp TSX:CCO, công ty chuyên về khai thác mỏ cho biết, công ty đã cắt giảm số lượng uranium U3O8 được khai thác tại các mỏ từ 30 triệu pound xuống còn 25,7 triệu pound trong năm 2016.

Nhưng báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ cũng cho thấy, trên thế giới có trên 60 lò phản ứng đang được xây dựng. Với tình hình này, chủ tịch kiêm CEO Tim Gitzel của Cameco Corp TSX:CCO cho rằng, số lượng uranium phải được tăng 3% mỗi năm, từ 170 triệu pound vào năm 2016 đến 220 triệu pound vào năm 2025 mới đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy điện hạt nhân.

Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ cũng thừa nhận, đây chỉ là “dự đoán về những gì sẽ xảy ra, và có thể chỉ là những giả định và phương pháp luận áp dụng cho bất kỳ kịch bản nào”. 

Thanh Nhàn tổng hợp từ http://resourceclips.com/2016/05/16/nuclear-power-to-nearly-double-by-2040-u-s-energy-information-administration/

Tác giả