Nam giới: Đang bị chê trách thay vì hiểu rõ những áp lực

Bấy lây nay, chúng ta vẫn nghĩ cần phải nghiên cứu, hỗ trợ, thúc đẩy cho phụ nữ - những người luôn ở trong tình trạng yếu thế so với nam, chịu bó buộc bởi những khuôn mẫu cứng nhắc đòi hỏi phải “tam tòng tứ đức”, “ba đảm đang”. Còn nam, vốn là giới “bá quyền” và kiểm soát ở ngoài xã hội, mạnh mẽ cứng rắn hơn, có tiếng nói quyết định hơn ở trong gia đình và được củng cố một truyền thống gia trưởng trong lịch sử, liệu có những vấn đề của mình?

Đó là chủ đề được TS Khuất Thu Hồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) và PGS.TS Nguyễn Văn Chính (ĐH KHXH&NV Hà Nội) thảo luận tại Tọa đàm “Nam giới và Nam tính trong xã hội Việt Nam đương đại”.

Hầu như ít ai đặt câu hỏi rằng với tư cách là một giới, nam giới có hạnh phúc không? mặc dù có một thực tế không mấy dễ chịu rằng giới có nhiều quyền và ưu thế này lại có tỉ lệ tự sát cao hơn gần 3 lần so với nữ. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, vào năm 2016, tỉ lệ tự sát của nam giới Việt Nam là 10,8 trên 100,000, vượt trội so với tỉ lệ tự sát ở phụ nữ là 3,7 trên 100,000 cũng như tỉ lệ trung bình của Việt Nam, 7,3 trên 100,000 (so sánh với năm 2000, tỉ lệ này tương ứng là 6,7, 10 và 3,6, nghĩa là tỉ lệ tự tử ở nam giới vẫn tăng nhanh hơn rõ rệt so với nữ). 

Có lẽ vì những suy nghĩ mặc định của cả hai giới, đặc biệt là của chính nam giới rằng nam giới đang rất ổn, nên mấy chục năm qua hầu như giới nghiên cứu và những người làm quản lý không đặt câu hỏi này ra. TS Khuất Thu Hồng cho biết, các chương trình can thiệp, hỗ trợ thường chỉ nhằm vào nữ giới với một mục đích chính yếu là tăng quyền cho nữ. Còn ngược lại nam giới vẫn thường được cổ xúy theo chuẩn mực là nam tính phải luôn mạnh mẽ, phải trở thành một người “đàn ông đích thực” với rất nhiều gánh nặng trên vai, đồng thời lại luôn bị chê trách, lên án nhiều là gây ra những áp lực cho nữ thay vì tìm hiểu rõ những ngọn nguồn xem quá trình “kiến tạo nam tính” có vấn đề gì. 

Chính vì vậy, trong nghiên cứu đầu tiên để tìm hiểu về nam giới và nam tính ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, nhóm nghiên cứu của TS Khuất Thu Hồng đã tìm hiểu nhằm mô tả và bước đầu tìm hiểu những vấn đề gì đang đặt ra với người đàn ông Việt. Khảo sát trên 2.500 mẫu nam ở bốn tỉnh, đã cho thấy, nam giới thường thực hành những hành vi nguy cơ như hút thuốc (55% hút thường xuyên), từng uống rượu tới mức say xỉn (58%). 

Trong khi đó, một phần tư nam giới trả lời khảo sát cho biết họ đang chịu áp lực bởi nhiều vấn đề, mà đứng đầu là kinh tế và sự nghiệp. Áp lực về thu nhập đối với nam giới Việt Nam luôn tồn tại do nam giới được gắn với vai trò là người chu cấp kinh tế chính cho gia đình, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già và thờ cúng tổ tiên. Với nam giới chưa kết hôn, thu nhập cũng chính là một tiêu chuẩn rất quan trọng của người chồng để có thể đảm bảo cho gia đình tương lai. 

Đối diện với những áp lực như vậy, nên không khó hiểu khi nam giới, nhất là nam giới trẻ và sống ở đô thị thường có cảm xúc tiêu cực. Gần 3% nam giới đã có ý định tự sát (nông thôn: 2,08%, đô thị: 3,94%), trong số đó, nhóm nam giới trẻ có ý định tự sát nhiều hơn (nhóm 18-29 tuổi: 5,43%, nhóm 30-39 tuổi: 3,71%). 

Bình luận về nghiên cứu rất “hay, độc, lạ” này của nhóm, PGS. Nguyễn Văn Chính cho biết cảm xúc của ông là rất sững sờ, ngạc nhiên khi nghiên cứu này chỉ ra rằng “làm đàn ông không dễ dàng”, đàn ông phải đối mặt với nhiều áp lực cuộc sống và bản thân, vì họ cứ cho mình phải làm trụ cột gia đình, “phải là đàn ông đích thực” nên họ dễ bị stress nếu không trở thành một phiên bản “đích thực”. Nhưng ông không ngạc nhiên khi thấy rằng nghiên cứu này chỉ ra đàn ông Việt Nam vẫn “bảo thủ” khi mong muốn công việc là “ra làm quan, làm việc nước” đến giờ vẫn không thay đổi (gần 41% nam giới trong khảo sát cho biết mong muốn làm cán bộ, công chức nhà nước; tiếp theo là công an, cảnh sát, quân đội (38%); còn những ngành nghề đòi hỏi tư duy như nghiên cứu khoa học thì được mong muốn thấp nhất và bằng với thợ thủ công và việc làm trong các lĩnh vực nông/lâm/ngư nghiệp).

Cả hai diễn giả đều nhấn mạnh đến việc, để thay đổi nam giới, giảm bớt những căng thẳng mà nam giới phải gánh chịu thì cần chú ý tới quá trình “kiến tạo một đứa trẻ” từ trong gia đình, nhà trường và cả truyền thông xã hội. 

Trong một cấu trúc xã hội trọng nam, các gia đình thường giáo dục con trai với rất nhiều “bổn phận” với gia đình, dòng họ, với xã hội (ngược lại với nhiều nền giáo dục khác, thường giáo dục nhiều kỹ năng để trở thành con người độc lập) thường đã gây nhiều áp lực lên trẻ. Trong một xã hội hiện đại, các gia đình sẽ càng có xu hướng sinh con ít hơn, cấu trúc truyền thống trọng nam ấy có thể sẽ gây hại cho con trai hơn con gái. Bởi vì, trẻ em trai đã được kỳ vọng sẽ luôn quyết đoán, cứng cỏi, đánh nhau giỏi nếu cần nhưng cũng lại được “bảo bọc ôm ấp quá lâu, có tuổi thơ quá dài”, được ưu ái nhiều so với nữ giới để gánh vác những trách nhiệm, bổn phận đàn ông sẽ lại rất thiếu kỹ năng mềm trong ứng xử, có thể gây nhiều gánh nặng trong tương lai. 

Độc giả xem toàn bộ video tọa đàm tại đường link: https://youtu.be/Ka-xiXujQtY

TS Khuất Thu Hồng và PGS.TS Nguyễn Văn Chính tại tọa đàm.

TS Khuất Thu Hồng cho biết, từ những năm 1970, các chương trình thúc đẩy phát triển cho các nước nghèo thường tập trung vào tăng quyền cho phụ nữ để tiến kịp nam giới, có nhiều dự án hàng tỉ đô đã được đổ ra để tăng quyền cho phụ nữ, giúp phụ nữ được tiếp cận các nguồn lực. Nhưng về sau, giới nghiên cứu và phát triển thấy rằng nếu chỉ chú ý vào phụ nữ thì không thay đổi được xã hội bao nhiêu, chỉ nói tới phụ nữ mà không nói tới phụ nữ trong mối quan hệ với nam giới thì vẫn là chưa đủ.

Hiểu biết tốt hơn về nam giới và nam tính để làm gì? Bà cũng cho biết, là để nhằm thay đổi theo hướng bình đẳng mang lại lợi ích cho nam giới, cho quan hệ gia đình; cho hạnh phúc cá nhân; Lợi ích tập thể – cho nam giới là một nửa thế giới, và đem lại lợi ích cho toàn xã hội. 

PGS Nguyễn Văn Chính chia sẻ những ấn tượng của ông về những nghiên cứu trước đây của TS Khuất Thu Hồng. Ông là bạn, là đồng nghiệp và theo dõi các nghiên cứu giới của TS Thu Hồng từ cách đây 20 năm, “Khuất Thu Hồng đã làm bật lên được vai trò của phụ nữ Việt Nam với 3 gánh nặng trên vai, ấy là gánh nặng gia đình, gánh nặng công việc và gánh nặng yêu. Phụ nữ có quá ít cơ hội để phấn đấu giỏi giang thành đạt như đàn ông. TS. Khuất Thu Hồng đã nghiên cứu làm cả giới nghiên cứu ở Việt Nam và các nhà nghiên cứu quốc tế về Việt Nam sốc khi cho biết Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng tình dục: Thanh thiếu niên có quan hệ tình dục sớm hơn trước; hành vi và quan niệm về tình dục thoáng hơn theo kiểu “thích là nhích”; và quan hệ tình dục ngoài hôn nhân trở nên phổ biến hơn”.

Ông cũng rất đồng tình với cách tiếp cận của nghiên cứu này, từ quan điểm lý thuyết “social construction” (kiến tạo xã hội), các nhà nghiên cứu ngày càng tin rằng con người là thứ mà xã hội xây dựng nên. Michael Kimmel, giáo sư xã hội học tại Đại học Stony Brook, lập luận: “Đàn ông được tạo ra chứ không phải được sinh ra; Tính đàn ông không phải được hình thành từ cấu tạo sinh học mà nó được tạo ra trong nền văn hóa của chúng ta.” Nhìn vào các phát hiện của nghiên cứu này, có thể nhận thấy đàn ông VN còn bảo lưu tư tưởng và quan niệm truyền thống về người đàn ông chuẩn mực, khả năng và xu hướng hội nhập trong trào lưu toàn cầu hóa khá khó khăn.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý, một mặt thừa nhận tầm quan trọng của văn hóa trong việc tạo dựng ra người đàn ông theo sự mong đợi của xã hội thì cũng cần lưu ý có những yếu tố sinh học liên quan đến nam tính và nữ tính. Nghiên cứu của Chip Brown cho thấy rằng con trai có những biểu hiện hung hăng hơn bắt đầu từ khoảng 10 tuổi trở đi và đạt đỉnh ở khoảng cuối của tuổi thanh niên. Về già thì họ lại trở nên nhu mỳ hơn. Một số hành vi hung hăng ấy có thể liên quan đến nồng độ testosterone. Loại hóc môn này ở trẻ nam thường cao hơn 10 lần so với trẻ gái. Một nghiên cứu công bố vào năm 2013 trên Tạp chí Khoa học Thần kinh Nhận thức về mối tương quan giữa hành vi mạo hiểm với mức testosterone ở trẻ em trai và gái vị thành niên. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng testosterone chuyển hóa qua dòng máu của nam giới vị thành niên vào khoảng 1.200 nanogram trên mỗi decilít máu. Lượng testosterone tăng lên có liên quan đến việc mạo hiểm và tính hung hăng ở cả trẻ em trai và gái.

Ông cũng góp ý với nhóm nghiên cứu, khi tiếp tục các pha sau, nên khảo sát về quan niệm của các nhóm nữ về nam giới, mở rộng nhóm tuổi người tham gia khảo sát từ lúc còn là bé trai tới khi 18 tuổi thay vì chỉ tập trung vào 18 tuổi trở lên như hiện nay vì quá trình xã hội hóa của nam giới, kiến tạo nam giới bắt đầu từ thuở ấu thơ.

TS Khuất Thu Hồng cho biết, vì kinh phí còn hạn chế và đảm bảo yêu cầu của các nhà tà trợ (trước đây các nghiên cứu khảo sát nữ giới đã được tiến hành quá nhiều) nên bước đầu mới chỉ tập trung vào nhóm nam giới. Bà cũng nêu rõ những hạn chế này của nghiên cứu ngay trong phần giới thiệu để độc giả biết quá trình thực hiện các nghiên cứu xã hội học như thế nào. 

Một độc giả cho biết, xung quanh bạn có khá nhiều người đàn ông không dị tính, quan niệm về đàn ông đích thực của họ rất khác. Không rõ TS Khuất Thu Hồng có nghiên cứu những quan niệm về nam tính của họ hay không?

TS Khuất Thu Hồng cho biết: nghiên cứu này cũng đề cập đến việc đó, người trẻ cũng có nhận định về việc đàn ông có thể quan hệ đồng giới, trong các mẫu cũng có những người cho biết họ rất áp lực phải trở thành đàn ông dị tính. Tôi cũng chỉ ra rằng không có một loại nam tính duy nhất ở Việt Nam mà có nhiều loại nam tính khác nhau. 

Một cử tọa hỏi: Nghiên cứu về nam giới và nam tính trong xã hội đương đại này có so sánh và xem xét tới những thay đổi theo dòng lịch sử không?

TS Khuất Thu Hồng cho biết, nghiên cứu này cho thấy nhóm nam giới trẻ, 18-29 và 30-29 có sự thay đổi so với nam giới cao tuổi. Tỉ lệ nam giới trẻ nghĩ là phụ nữ phải hi sinh, chịu đựng ít hơn nhiều so với nam giới cao tuổi, họ cho biết đỡ đần việc nhà cho vợ nhiều hơn, nam giới trẻ bị bạn gái kiểm tra, kiểm soát nhiều hơn, thậm chí bị đánh nhiều hơn. Sự thay đổi rất chậm nhưng là ánh sáng cuối đường hầm cho chúng ta hi vọng vào sự thay đổi.

Tuy nhiên PGS Nguyễn Văn Chính cũng lưu ý rằng các khuôn mẫu đòi hỏi người đàn ông phải làm tròn các bổn phận của mình, các khuôn mẫu kiến tạo nên đàn ông chưa thay đổi nhiều.

Một cử tọa cho biết, từ cảm nhận, trải nghiệm của mình, bạn thấy rằng Việt Nam không đi sau đâu mà rất chú trọng trong bình đẳng nam nữ.

TS Khuất Thu Hồng cho biết: Câu chuyện bình đẳng giới cũng chỉ là ước mơ thôi. Chúng tôi thấy đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn phải cố gắng nhiều. Chúng tôi không đòi hỏi phụ nữ lên nắm quyền, nữ trị, mà là một xã hội mà cả hai giới có thể chia sẻ cùng nhau. Nếu lúc nào đàn ông cũng cứ luôn luôn phải làm trụ cột thì quá mệt mỏi cho đàn ông. 

Một bạn trẻ cảm ơn hai diễn giả vì đã nhận được nhiều tri thức có thể áp dụng được trong cuộc sống sau này và hỏi hai diễn giả về tôn giáo tác động như thế nào tới việc kiến tạo nam giới.

PGS Nguyễn Văn Chính cho biết: tôn giáo tín ngưỡng cực kỳ quan trọng trong việc xã hội hóa trẻ con. Thứ nhất, người Việt chúng ta luôn tin rằng các thành viên đã khuất trong gia đình luôn sống cùng chúng ta, gia đình chúng ta luôn bao gồm các thành viên đã chết, hình như tổ tiên đang quy định đến hành vi của chúng ta. Các nghi lễ vòng đời tác động tới trẻ con.
Thứ hai, quá trình xã hội hóa ở trường học luôn ảnh hưởng bởi các tôn giáo: trên thế giới có hai mô hình, giáo dục thiên chúa giáo và phật giáo. Ví dụ ở Nhật Bản, nơi ông đã tiến hành nhiều khảo sát, thì có hai mô hình: mô hình giáo dục Phật giáo và Thiên chúa giáo, các nhà chùa có thể tài trợ, mang tinh thần của tôn giáo đó để giáo dục mặc dù họ không tác động đến chương tình cụ thể, họ đưa tinh thần bác ái vào trường học, hay hệ thống Thiên chúa giáo cũng mang tới tinh thần tạo ra cho người ta con người độc lập. Còn ở Việt Nam có thể nhìn thấy: quá trình Phật giáo Nam tông ảnh hưởng tới việc dạy trẻ con, trẻ thường phải vào chùa học trong một thời gian thì mới được coi là trưởng thành; thứ hai là xã hội hóa qua khổng giáo, nhắm nhiều vào vai trò rường cột của đàn ông.

Giáo sư xã hội học Tô Duy Hợp đánh giá đây là một nghiên cứu rất nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Ông cũng lưu ý tới nếu tiếp tục, nghiên cứu nên nghiên cứu nam giới trong mối quan hệ với nữ giới, (khảo sát thêm nữ giới để hiểu quan niệm, đánh giá của nữ về nam giới).

PGS Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ “tôi tưởng nam tính chỉ có một, đến khi đọc nc này mới thấy hóa ra nam tính nhiều như vậy” và hỏi “sắp tới số phận người đàn ông Việt sẽ ra sao?”

PGS Nguyễn Văn Chính: Về câu hỏi của chị Ánh, tôi tin rằng vị thế của nam và nữ sẽ thay đổi theo xu hướng dần dần đi tiệm cận tới sự bình đẳng hơn, tôi không nghi ngờ gì về điều đó, nhưng tôi chắc chắn là vị thế của nam trong gia đình và xã hội sẽ chậm hơn rất nhiều. [vì] Tôi phỏng vấn 12 tỉ phú, để xem họ giàu thế thì thân phận họ có thay đổi không (unesco, undp có đặt ra giả thiết là phụ nữ phải nhiều tiền lên thì sẽ nhiều quyền hơn trong gia đình) nhưng trên thực tế, những vấn đề về văn hóa, cấu trúc mà xã hội gán cho nam và nữ rất khó thay đổi. Vì thế trong tương lai gần tôi chả lo gì về thân phận của nam giới :)))

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, vào năm 2016, tỉ lệ tự sát của nam giới Việt Nam là 10,8 trên 100,000, vượt trội so với tỉ lệ tự sát ở phụ nữ là 3,7 trên 100,000 cũng như tỉ lệ trung bình của Việt Nam, 7,3 trên 100,000 (so sánh với năm 2000, tỉ lệ này tương ứng là 6,7, 10 và 3,6, nghĩa là tỉ lệ tự tử ở nam giới vẫn tăng nhanh hơn rõ rệt so với nữ).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)