Nạn đói khiến các bà mẹ sinh con gái

Kết quả phân tích một trong những nạn đói thảm khốc nhất trong lịch sử hiện đại cho thấy, khi thiếu hụt lương thực, phụ nữ có thể sinh con gái nhiều hơn con trai.  

Shige Song, một chuyên gia xã hội học và nhân khẩu học tại ĐH New York, đã phân tích dữ liệu từ hơn 300.000 phụ nữ Trung Quốc sinh đẻ trong giai đoạn từ tháng 9.1929 đến tháng 7.1982. Giai đoạn này cũng bao gồm nạn đói thời kỳ Đại nhảy vọt, với kết quả là hàng triệu người chết do những nỗ lực của lãnh đạo Trung Quốc nhằm tăng sản lượng công nghiệp, với những giải pháp như  ra lệnh cho nông nhân rời khỏi đất đai của họ để đi làm công nhân.

Song nhận thấy chỉ một sau năm khi nạn đói bắt đầu, đã có sự sụt giảm đột ngột tỉ lệ bé trai được sinh ra, giảm từ 109 nam/100 nữ vào tháng 4.1960 xuống còn 104 nam/100 nữ vào tháng 10.1963 – khoảng 2 năm sau khi nạn đói kết thúc. Cho đến khoảng tháng 6.1965, tỉ lệ này vẫn chưa được khôi phục như thời kỳ trước nạn đói.

Phân tích của Song được xuất bản bởi Tạp chí Proceedings of the Royal Society B vào hôm 28/3, ủng hộ cho giả thuyết cân bằng giới tính – vốn cho rằng các loài tự điều chỉnh giới tính của con cái để phản ứng lại với các điều kiện của môi trường. Nam giới thiếu thốn, có sức khỏe không tốt có xu hướng có ít con hơn tình trạng thiếu đói tương tự ở nữ giới. Vì vậy các giả thuyết dự báo rằng, để giữ cho dân số tăng trưởng trong thời kỳ xảy ra nạn đói, phụ nữ nên sinh ít con trai hơn.

Các nghiên cứu trên động vật, bao gồm cả hươu, nai đỏ đã chứng minh sức thuyết phục của giả thuyết cân bằng giới tính, nhưng Song cũng nói rằng, cho tới nay các bằng chứng ở con người lại kém rõ ràng hơn nhiều. Các phát hiện từ các nghiên cứu trước đây về nạn đói, như nạn đói mùa đông năm 1944-45 ở Đức và tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng trong cuộc bao vây Leningrad ở Liên bang Xô Viết năm 1942, cho các kết quả trái ngược nhau.

Song cho rằng ông có thể quan sát được các kết quả rõ ràng trong nạn đói ở Trung Quốc vì tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn và quan trọng là nó ảnh hưởng đến nhiều người hơn các nạn đói được nghiên cứu trước đây, tạo ra dung lượng dữ liệu lớn hơn. Các phân tích cũng giúp ông nhận thấy rằng cần tối thiểu một năm để nạn đói có thể gây ra hiệu ứng.

Các nguyên nhân

Dữ liệu mà Song phân tích được thu thập từ năm 1982 là một phần của cuộc khảo sát quốc gia về tỉ lệ sinh tính theo phần nghìn. Cuộc khảo sát này được tiến hành bởi Ủy ban nhà nước về Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc bằng cách yêu cầu các phụ nữ tham gia khảo sát báo cáo về tiền sử sinh đẻ của họ. Sự chính xác của cuộc khảo sát phụ thuộc vào tính chính xác trong báo cáo của các phụ nữ này về giới tính của con cái họ, Song lưu ý, nhưng ông cho rằng ít có khả năng họ quên hoặc nói dối khi được khảo sát.

Song cũng cho rằng chính sách một con của Trung Quốc, vốn được thực hiện từ năm 1978 được cho là làm thay đổi tỉ lệ giới tính trong sinh đẻ do người dân ưu tiên con trai (những người có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho gia đình họ), không làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Lý do vì vào thời kỳ này, công nghệ siêu âm, vốn cho phép các phụ huynh biết giới tính của con mình trước khi sinh và cân nhắc phương án phá thai, là không phổ biến.

“Tôi tin rằng sự thay đổi tỉ lệ giới tính thể hiện trong nghiên cứu này có nguyên nhân liên quan đến nạn đói”, Cheng Huang – một nhà nhân khẩu học và kinh tế dân số tại ĐH Emory (Atlanta, Georgia) nói. Tuy nhiên, ông cho rằng suy dinh dưỡng có thể không phải là lý do duy nhất của sự sụt giảm đó. Sự căng thẳng tâm sinh lý gia tăng, vốn được thể hiện trong tư liệu của chiến dịch Đại nhảy vọt, có thể đóng một vai trò nhất định.

Lambert Lumey – một chuyên gia dịch tễ học tại ĐH Columbia ở New York cho biết, “Ở vấn đề này chúng tôi không rõ lý do của sự sụt giảm”. Ông cho rằng kết luận của Song sẽ thuyết phục hơn nếu thay vì chỉ xem xét trên số liệu của toàn bộ dân số, nghiên cứu cũng khảo sát cả tỷ lệ giới tính ở một số vùng cụ thể nơi nạn đói tràn đến vào những thời điểm khác nhau. 

Song hy vọng sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu theo hướng này với các dữ liệu từ một cuộc khảo sát năm 1988. Nghiên cứu đó cũng sẽ làm sáng tỏ chính sách một con đã ảnh hưởng như thế nào đến các quy luật tự nhiên, ông nói.

Dịch theo
http://www.nature.com/news/hungry-mothers-give-birth-to-more-daughters-1.10331

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)