Ngập lụt đô thị và quản trị khủng hoảng

Nếu lũ lụt ở nông thôn vốn không xa lạ gì với người Việt, thì ngập lụt ở đô thị là hiện tượng mới, xuất hiện cùng với sự phình to nhanh chóng của các đô thị trong hai chục năm qua. Giới nghiên cứu sẽ còn mổ xẻ những sai lầm và thiếu sót trong quy hoạch đô thị, dự báo khí tượng thuỷ văn, kế hoạch trị thuỷ cho sông Hồng. Bài viết này tập trung vào một khía cạnh ít được quan tâm hơn, chỉ ra đặc thù của ngập lụt đô thị từ thực tiễn trận lụt vừa qua của Hà Nội, nhằm rút tỉa một số nguyên tắc về ứng phó khẩn cấp. Nhìn từ góc độ chống lụt, đô thị có ba đặc điểm cơ bản: là nơi tập trung dân cư phi nông nghiệp, có nhà cửa kiên cố và mặt đất được cứng hoá phần lớn. Ba đặc điểm này dẫn đến các đặc thù của úng ngập đô thị so với lũ lụt nông thôn, đòi hỏi các ưu tiên và giải pháp rất khác biệt. Theo dõi diễn biến ứng phó với mưa lụt ở Hà Nội, người ta có thể nhận thấy những lúng túng của nhà chức trách chủ yếu xuất phát từ việc chưa phân biệt rõ những đặc thù của ngập lụt đô thị.

Khả năng thoát úng và bản đồ ngập lụt

Do mặt đất đã bị cứng hoá do xây đường sá, nhà cửa, khả năng thoát úng tự nhiên của đất trong các đô thị thấp hơn hẳn so với nông thôn. Các đô thị với bề mặt đất bị cứng hoá từ 75% đến 100% chỉ có khả năng tự thoát bằng một phần năm so với đất tự nhiên. Hơn một nửa lượng nước mưa sẽ biến thành nước chảy tràn (run-off water). Chính vì thế, đô thị có diện tích xây dựng càng dày đặc (như nội thành Hà Nội) thì nguy cơ úng ngập càng cao và khả năng tự thoát lụt càng chậm.

Đặc thù này dẫn tới bất ngờ thứ nhất cho chính quyền Hà Nội: không lường trước được quy mô úng ngập, kể cả sau khi đã nhận ra lượng mưa bất thường. Chính vì thế, Hà Nội đã phản ứng khá chậm chạp trong ba ngày ngập lụt đầu tiên. Sự bất ngờ này cũng khiến cho trạm bơm Yên Sở, chủ lực thoát lụt của thành phố, suýt phải ngừng hoạt động vì ngập trong nước.

 


Trạm bơm Yên Sở ngập trong nước. Ảnh báo Tuổi trẻ

 

Để tránh bị bất ngờ, các đô thị với nguy cơ lụt lội cao (có nghĩa là hầu hết các đô thị của Việt Nam) cần lập bản đồ nguy cơ ngập lụt của thành phố tương ứng với lượng mưa và mức lũ khác nhau. Các bản đồ này sẽ làm cơ sở để xác định thời điểm và khu vực cần cứu trợ, cũng như việc bố trí các kho nhu yếu phẩm phòng lũ và các tuyến đường huyết mạch cần bảo vệ.

Nhu cầu hàng đầu: nước sạch, giao thông và dịch vụ công ích

Khác với nông thôn, tính mạng của đa số người dân thành phố không bị đe doạ trực tiếp khi có lụt. Họ có nhà cửa kiên cố hơn, và vì thế có sẵn một chỗ trú cao ráo để tránh bị kiệt sức do dầm mình trong mưa bão. Chính lợi thế này của thị dân đã làm cho các nhà quản lý do dự khi đặt vấn đề có cần cứu trợ cho Hà Nội mấy ngày đầu trận lụt.

Nhưng chính sự an toàn tương đối của nhà ở và công trình đô thị lại che khuất một điểm yếu căn bản của nó, là sự phụ thuộc vào hệ thống phân phối phức tạp. Khác với nông thôn, nơi người dân vẫn thường tự giải quyết các vấn đề về nước sạch, thoát nước, rác thải, chữa cháy v.v. người dân thành phố hoàn toàn phải dựa vào các công ty dịch vụ công. Khi các công ty này tê liệt do giao thông ách tắc thì người dân cũng buộc phải bó tay nhìn cuộc sống của mình đảo lộn. Đặc thù này dẫn đến cảm nhận sai lạc là người dân “ỷ lại” vào chính quyền. Đáng lẽ ra, hoạt động của các công ty công ích này phải được ưu tiên hàng đầu trong những ngày lũ. Chẳng hạn, họ phải được dành quyền ưu tiên trong giao thông, được dùng các bãi tập kết xe tạm thời ở vị trí thuận lợi v.v.

Rất khó tiếp cận với người bán lương thực, thực phẩm – Ảnh báo TT

 

Nhu cầu về nước sạch của người dân thành phố đặc biệt khẩn cấp trong ngày lũ. Họ không thể dùng tạm nước sinh hoạt bằng nước lũ, vốn bị ô nhiễm nặng nề hơn nhiều so với nông thôn. Điều này dẫn tới bất cập thứ ba trong ứng phó của Hà Nội: Khi áp dụng máy móc công thức “mỳ tôm”, vốn chỉ phù hợp với cứu trợ bão lụt nông thôn, cơ quan cứu trợ đã không chú ý đúng mức đến nước sạch cho các vùng bị ngập nặng. Nhiều người dân Hà Nội đã phải thốt lên “Chúng tôi không đói đến mức cần mì tôm, chúng tôi cần nước sạch”.

 


Nước lụt Hà Nội bị ô nhiễm nặng nề, không thể dùng cho sinh hoạt Ảnh báo Tuổi trẻ

 

Thị trường và chính quyền: ai làm gì trong lũ lụt

Khác với nông dân bị mất mùa màng hay vật nuôi, nguồn thu nhập của người dân thành phố không bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt. Thị dân chỉ cần chợ búa mở cửa và đi lại được là có thể tự xoay xở. Vì thế, hoạt động cứu trợ không cần nhắm vào trợ cấp tiền bạc, mà phải nhanh chóng thiết lập các chợ tạm và xe bán hàng lưu động.

Mặt khác, trong tình trạng chỉ ngập lụt từng phần như ở Hà Nội vừa qua, phần lớn các công ty thương mại và siêu thị không bị ảnh hưởng. Họ hoàn toàn có khả năng cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, miễn là giao thông được đảm bảo, và trong trường hợp đặc biệt khó khăn, thì cần thêm sự hỗ trợ về phương tiện vận tải từ phía chính quyền.

Vì thế, đảm bảo cho người mua gặp được người bán nhu yếu phẩm trong lũ lụt là then chốt của cứu trợ đô thị. Điều này dẫn đến bất cập thứ tư là chính quyền Hà Nội, thay vì hỗ trợ các công ty thương mại bán hàng đến người dân, lại tự mình đi cấp phát lương thực. Trong đợt lụt vừa qua, chỉ đến ngày 3/11, mới có 3 điểm bán gạo lưu động của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc. Hệ thống siêu thị mặc dù đã nỗ lực chuyển thực phẩm ra Hà Nội nhưng không có hỗ trợ từ chính quyền thành phố nên đã không thể lập ra các điểm bán thực phẩm lưu động.

Cập nhật tình hình lụt dựa vào mạng lưới thông tin đô thị

Đô thị cũng có những yếu tố đặc biệt thuận lợi để hạn chế ảnh hưởng của lụt lội. Hệ thống thông tin ở đô thị dày đặc hơn nhiều so với nông thôn. Hà Nội có các kênh truyền hình, truyền thanh, báo chí địa phương lớn nhất nhì cả nước; hệ thống loa phường dày đặc, biển điện tử trên đường phố khá nhiều. Người dân Hà Nội cũng có tỉ lệ dùng điện thoại cố định, di động và TV nhiều nhất nhì cả nước. Quan hệ xã hội chằng chịt (cả thực và qua Internet) giữa họ sẽ là kênh lan truyền thông tin rất hiệu quả và kịp thời.

Không tận dụng được lợi thế này đã dẫn đến bất cập thứ năm: Trong mấy ngày đầu của mưa lụt, trên các kênh thông tin của chính quyền thành phố, thông tin và cảnh báo về tình trạng ngập lụt ở các tuyến đường, hướng dẫn giao thông hầu như thiếu vắng và xa lạ. Trong lúc đó, các diễn đàn internet thì đầy ngập thành viên tự cập nhật tình hình lụt lội tin với nhau. Các trường học cũng hoàn toàn có thể dùng internet để thông báo quyết định nghỉ học và để thông tin tự lan truyền trong mạng lưới học sinh sinh viên. Nếu như các mạng lưới và kênh thông tin này được tận dụng thì sẽ không có hàng triệu lượt người Hà Nội dầm mình trong nước lụt và cái chết thương tâm của các em học sinh khi đang đến trường.

 


Ảnh: Học sinh Hà Nội dầm mình trong nước đến trường (Sưu tầm)

 

Chia cắt lũ để bảo vệ huyết mạch giao thông

Thông thường, các úng ngập đô thị được gây ra bởi lượng nước nhỏ hơn nhiều so với lũ. Vì thế, hoàn toàn có thể chia cắt và giảm thiểu các vùng ngập lụt, đảm bảo giao thông huyết mạch bằng các kè, bao tạm thời như đã được thực hiện ở nhiều thành phố trên thế giới. Các thiết bị như thế hoàn toàn vắng bóng trong trận lụt vừa qua. Kết quả là Hà Nội đã không thể chống lụt ở bất kì tuyến đường quan trọng nào, khiến các dịch vụ cho các vùng lụt bị ngưng trệ nghiêm trọng.

 


Không chia cắt lũ để bảo vệ các tuyến huyết mạch, giao thông rối loạn
(Ảnh sưu tầm từ Internet)

 

Chuẩn bị cho những tình huống xấu hơn

Tổn thất rất nặng nề, nhưng Hà Nội vừa qua vẫn may mắn là trận mưa lịch sử đã không đi kèm với nước lũ trên sông Hồng. Những thảm hoạ dồn dập do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, và sự xâm phạm thô bạo của con người vào đê sông Hồng không thể khiến ta yên tâm về số phận của nó. Khai thác cát bừa bãi trên sông Hồng, các đại dự án đòi nắn dòng hay thu hẹp sông Hồng, các cầu mới vượt sông làm dâng nước vẫn được gợi ý hay tiến hành ngày đêm. Ngay trong đợt mưa vừa rồi, mặc dù không có sức ép từ lũ sông Hồng, một số kè (Liên Trì, Gia Thượng, Thụy Phương) đã bị sạt lở, sụt mạch.

Lượng mưa năm sáu mươi triệu mét khối nước đổ xuống Hà Nội tuy lớn, vẫn chỉ là con số lẻ so với lưu lượng trên sông Hồng vào những ngày lũ lớn (có thể lên tới hàng tỉ mét khối nước/ngày). Cũng xin nhắc lại rằng độ cao trung bình của Hà Nội là 7-8 mét so với mặt biển, thấp hơn 7 mét so với đỉnh lũ trên sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong cơn lũ lịch sử 1971 (theo ước tính đã giết chết hơn một trăm ngàn người). Phương tiện và lực lượng cứu hộ của Hà Nội lúc đó sẽ thế nào, trong khi các dịch vụ công của thành phố bị tê liệt bởi trận mưa to, và ngay cả lãnh đạo thành phố cũng đi thuyền tôn đến thăm trạm bơm Yên Sở? Hệ thống bệnh viện, tải thương liệu có thể hoạt động với mức ngập cao hơn nhiều so với trận lụt vừa qua?

Bài học cuối cùng

Kinh tế học hành vi đã chứng minh: con người luôn có xu hướng đánh giá quá thấp xác suất của những thảm hoạ lớn và hiếm. Trong cái hoạ mưa lụt và sự thất vọng về ứng phó của chính quyền, người dân và chính quyền Hà Nội lại có một cơ hội nhìn lại năng lực chống lũ của mình.

Câu hỏi sau đây có lẽ còn nhức nhối rất lâu sau khi nước mưa đã rút: Lúng túng trong nước mưa, Hà Nội sẽ đương đầu thế nào với lũ lớn tương đương cơn lũ 1971?

 

Úng ngập đô thị

Lũ lụt nông thôn

Khả năng thoát nước tự nhiên

Thấp

Cao 

Tác nhân kích thích thông thường

Mưa to ở địa phương

Vỡ đê trong mùa lũ

Ưu tiên cứu hộ

1.                  Giao thông

2.                  Nước ngọt (do ô nhiễm nguồn nước nặng hơn nông thôn)

3.                  Lương thực (không gặp được người bán do nước lụt chia cắt)

1.                  Chỗ trú ẩn cao ráo để bảo toàn sinh mạng

2.                  Lương thực (do mất năng lực kinh tế để mua nhu yếu phẩm)

3.                  Giao thông 

Thiệt hại chính

1.                  Thiệt hại do đời sống và kinh doanh gián đoạn

2.                  Thiệt hại nhà xưởng, máy móc, xe cộ

3.                  Chất thải độc hại

1.                  Thiệt hại về nhân mạng

2.                  Thiệt hại trực tiếp về tư liệu sản xuất (mùa màng, thuỷ sản v.v.), nhà cửa

Khả năng tự khắc phục của người dân

Không tự khắc phục được về rác thải, nước uống và giao thông

Tự khắc phục cao do kinh nghiệm truyền thống

Biện pháp cứu trợ

Thông các mạch giao thông chính

Đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm

Di tản dân lên khu vực cao ráo

Phát lương thực, thực phẩm và đồ thiết yếu

Xu hướng

Ngày càng ngập lụt nặng và thường xuyên hơn

Tương đối ổn định

So sánh ngập lụt đô thị và lũ lụt nông thôn

 

Theo Minhbien.org

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)