Ngày này trong lịch sử khoa học và công nghệ

.

 
 

07/04
1964
IBM chạy thử hệ thống System/360 đầu tiên, một hệ thống gồm 6 máy tính chủ chạy song song với 40 máy con. Nhiều người coi đây là canh bạc kinh doanh lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, System/360 sau khi ra đời thực sự giúp cải thiện hoạt động của Chính phủ, khoa học, và các doanh nghiệp. Khoản đầu tư 5 tỷ USD nhanh chóng được thu hồi, sau 2 năm số lượng đặt hàng lên tới 1000. Khách hàng khi đó đã có thể lựa chọn mô hình với quy mô hoạt động như mong muốn, tất cả đều chạy trên cùng một hệ thống điều hành. Như vậy, đây là lần đầu tiên khách có thể mua loại máy rẻ, quy mô nhỏ, và vẫn có thể tiếp tục nâng cấp sau này.

 
09/04
1895
Ảnh quang phổ của nhà thiên văn James Keeler chứng minh rằng vành sáng xung quanh sao Thổ được cấu thành bởi các thiên thạch, như Maxwell đã từng tiên đoán. Nếu như vành sáng này là khối rắn đồng nhất thì ảnh chụp sẽ phải thể hiện sự đồng nhất trong cường độ ánh sáng phản chiếu. Nhưng ảnh quang phổ của Keepler cho thấy có sự thay đổi trong sắc độ, thể hiện vành sáng được cấu thành bởi thiên thạch, và các mẩu gần sao Thổ bay với tốc độ khác các mẩu ở xa.
11/04
1970
Apollo 13, con tàu thứ ba mang người đi thám hiểm mặt trăng khởi hành. Ba nhà du hành trong chuyến đi định mệnh này là James Lovell, Fred Haise, và John Swigert. Hai ngày sau, đúng vào ngày 13, tai hoạ xảy đến khi tàu đang ở 200.000 dặm cách Trái đất. Một bình chứa oxy lỏng bị nổ, làm tê liệt các nguồn nguyên liệu thông thường bao gồm oxy, điện, ánh sáng, và nước. Swigert gọi về: “Houston, chúng tôi đang gặp nạn”. Chuyến hạ cánh xuống Mặt trăng bị huỷ bỏ. Sau khi buộc lòng phải quay quanh Mặt trăng để lấy đà, con tàu bắt đầu cuộc hành trình quay về trong lúc gặp vấn đề nghiêm trọng về thiếu năng lượng. Vào ngày 17 tháng 4, trong khi cả thế giới theo dõi trong hồi hộp, thảm kịch chuyển thành niềm hân hoan khi Apollo hạ an toàn xuống Thái Bình Dương.
 
12/04
1954

Uỷ ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ (AEC) bắt đầu cuộc điều trần đi tới quyết định huỷ bỏ chức năng, nhiệm vụ của Robert Oppenheimer, nhà khoa học đầu đàn của chương trình Manhattan, cha đẻ của bom nguyên tử. Oppenheimer bị ám ảnh sâu sắc bởi mức độ tàn khốc mà hậu quả bom nguyên tử mang lại. Năm 1949, khi Liên bang Soviet thử thành công bom nguyên tử, Edward Teller và Ernest Lawrence vận động nhiệt thành cho việc chế ra bom hydro. Với tư cách là Trưởng ban Cố vấn AEC, Oppenheimer phủ quyết, coi nó là vũ khí chống lại loài người. Sự việc được đông đảo giới khoa học quan tâm, trở thành biểu tượng cho sự xung đột trong một thời đại lịch sử mới, giữa một bên là các ý đồ chính trị, bên kia là lương tâm nhà khoa học. Một thập kỷ sau, chính quyền Kennedy truy tặng giải thưởng Enrico Femi để thể hiện sự nhìn lại công lao đóng góp và nhân cách lớn của Oppenheimer.

1961
Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái đất. Con tàu của anh, Vostok I, được trang bị radio, tivi, và các dụng cụ hỗ trợ sự sống thông báo tình hình sức khoẻ về Trái đất. Chuyến bay hoàn toàn tự động. Chức năng điều khiển của Gagarin bị khoá để ngăn anh không điều khiển con tàu, nhưng chìa khoá được giữ trong phong bì niêm phong nhằm đề phòng trường hợp khẩn cấp. Sau khi quay lại khí quyển, Gagarin hạ cánh bằng dù cá nhân. Anh mất trong một tai nạn máy bay vào 7 năm sau.

14/04
1932
Nguyên tử được phân chia bởi một tia proton khi chiếu vào một mục tiêu Lithium. Hai nhà khoa học, một là John Douglas Cockcroft, người Anh và Ernest Walton, người Ailen, đã phát kiến ra chiếc máy gia tốc hạt nhân đầu tiên. Chính thành tựu này đã giúp họ cùng được nhận giải Nobel Vật lý năm 1951. Chiếc máy gia tốc được chế tạo trong một căn phòng bỏ hoang ở Phòng thí nghiệm Cavendish. Khi một hạt proton từ tia sáng phát ra từ máy gia tốc bắn vào nguyên tử Lithium, trạng thái kết hợp thiếu cân bằng giữa chúng sẽ làm phân rã thành hai hạt alpha. Walton trở thành người đầu tiên thành công trong việc phân chia nguyên tử.
 
15/04
1923
Insulin bắt đầu được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh tiểu đường. Nó được phát minh từ năm 1922. Insulin là một hormon tự nhiên và quan trọng được tiết ra từ tuyến tụy để phục vụ trong quá trình trao đổi chất. Trong sản xuất, Insulin thường được chích ra từ tuyến tụy của cừu, bò, hoặc được tổng hợp trong phòng thí nghiệm.
 
16/04
1813
Lần đầu tiên yêu cầu của Chính phủ Mỹ đòi chuẩn hoá các chi tiết máy được đưa vào hợp đồng kinh tế. 10.000 pit-tông được đặt hàng, sao cho các thành phần của pit-tông được khớp thật chính xác, tới mức thành phần của các pit-tông khác nhau có thể thay thế cho nhau trong hoạt động. Việc chuẩn hoá chi tiết máy là một trong những yếu tố đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc cách mạng công nghiệp.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)